Ga Đàlạt xưa

Ga Đàlạt xưa

Theo chú-thích thì tấm không-ảnh này được chụp năm 1968, Mậu Thân.



Nhìn tấm ảnh này cho mình lại nhiều kỷ-niệm Đàlạt của một thời. Thấy khói xe lửa khiến mình nhớ hồi nhỏ đi đâu với ông cụ thấy xe lửa, có lên hay không thì không nhớ. Có lẻ đi Trại Mát hay Trại Hầm chi đó, hồi đó còn bé nên chưa định vị được sự việc. Chỉ nhớ ống khói phun khói như trong xi nê.



Phía trước tấm ảnh là nhà ga xe lửa. Sau Mậu Thân, Việt Cộng phá đường rày nên mấy tuyến đường chạy xuống Phan Rang đều ngưng hoạt động. Nhà ga này được làm trụ sở của hãng hàng-không Việt Nam mà khi mình đi tây, có đến đây để cân hành lý, thủ tục rồi lên chiếc xe ca màu vàng, chở xuống phi trường Liên-Khương. Mình hay chạy ngang đây khi có tiền để ăn phở Phi Thuyền, ngay góc đi vào nhà ga từ đường Nguyễn Trãi.



Có lẻ mở hàng phở ở gần chỗ đưa ra phi trường nên ông hàng phở chơi cái tên Phi Thuyền để nhớ đến phi thuyền của mỹ bay lên mặt trăng thay vì tàu bay. Hình như quán phở này được thành lập sau Mậu Thân.

Trước nhà ga ta thấy có mấy mảnh vườn trồng rau. Nếu mình không lầm thì có con suối trước tấm ảnh chảy từ phía Chi Lăng ra hồ Xuân Hương. Có năm, thuốc sâu nhà vườn bị nước lụt cuốn trôi ra hồ Xuân Hương, khiến cá hồ chết nổi lơi bơi trên hồ, thiên hạ đi vớt ăn mệt thở.

Phía tay trái tấm ảnh là khu vườn nhà anh em sinh đôi Phi Long, học chung với mình ở trường Thanh Ngọc, gần Couvent des Oiseaux, nối tiếp những mảnh vườn rau trước nhà ga. Mình có đến nhà chơi một lần, sau về nhà bị bà cụ đánh quăn đít luôn. Mình nhớ có con suối chảy ra hồ Xuân Hương, qua cái cầu chỗ am Sohier.

Nhà ga này do hai kiến trúc sư người Pháp Moncet và Reveron thiết kế. Công trình khởi công năm 1932 do nhà thầu Võ Đình Dung thi công và được sử dụng vào năm 1936. Mình có đọc nhiều tài liệu của người Việt, họ lý giải là có 3 cái mái nhà tượng trưng cho 3 đỉnh Lâm Viên. Đó chỉ là giải đoán siêu thực nhưng kiến trúc của pháp thường có 3 mái hay cổng cửa ra vào ảnh hưởng của thiên chúa giáo mà họ gọi là “La trinité”. Kỹ-thuật xây cất chưa cao nên họ xây làm 3 mái còn ngày nay thì chơi một mái đều được.

Mình đọc đâu đó trong tài liệu của pháp, hai ông kiến trúc sư Tây thuộc người vùng Normandie nên vẽ tương tự cái nhà ga Trouville ở Deauville. Deauville là một thành phố có bãi biển nổi tiếng ở phía Bắc Paris tương tự họ thiết kế nhà hàng Thuỷ Tạ như La Grenouillère ở ngoại ô Paris. Chỉ khác là chỉ có mái giữa là có cái đồng hồ còn hai mái kia thì hai ông tây này không gắn hai cửa sổ, có thể Việt Cộng đã cho lấp vì trên nguyên tắc, cần có lỗ thông hơi để tránh bị ẩm nhất là Đàlạt khí hậu bị ẩm.


Trước nhà ga thì có đường Nguyễn Trãi, khúc này có trạm xe đò Chi Lăng, chạy về ấp Cô Giang, Chi lăng mà khi xưa, người tây gọi Saint Benoit, có bà Cháu bán gạo, chuyên thọt lỗ lấy bớt gạo. Bao gạo 1 tạ, họ lấy cái xăm rồi thọc vào bao gạo, rút bớt mấy ký gạo ăn gian làm giàu, dân trong nghề gọi là ỉa re.

Bên kia đường Nguyễn Trãi có rừng thông, lác đác vài biệt thự đời Tây, sau đó thì thấy một số nhà làm bằng tôn, thành cái xóm. Phía bên đường Yersin thì có Nha Địa Dư mà mấy năm trước bị đốt để phi tang mấy tài liệu bản đồ đời xưa có ghi Trường Sa thuộc Việt Nam.

Trước khi đến Nha Địa-Dư thì có hàng loạt cư xá Địa-Dư cho nhân viên ở. Ở đường Hai Bà Trưng cũng có 3 dãy cư xá cho công chức làm cho Nha Địa Dư nên mình đoán là cơ quan này có nhiều nhân viên nhất Đà-Lạt khi xưa. Trên bức hình ta thấy trường trung học Yersin mà tây gọi là “Grand Lycée », nơi mình có học vài năm trước khi qua Văn Học. Trường này sau này đổi thành trường Hùng Vương, dạy chương trình Việt-Ngữ.

Khung viên trường Yersin được bao bọc bời một rừng thông, chắc được trồng khi họ thành lập trường như để chắn gió, tạo một cái chắn thiên nhiên, để ngôi trường nhìn toả về phía hồ Xuân Hương.

Sau đến trường Grand Lycée Yersin rồi thấy hồ Xuân Hương phía xa và con đường dẫn lên Trung tâm Nguyên-Tử-Lực. Khúc này bèo lục bình nhiều.

Nhìn tấm ảnh thì mình thấy ngay sân đá banh Cô Giang, nơi mình hay cúp cua gần cuối niên khoá ra đây đá banh với đám trong lớp như thằng Khoa ở góc ngã ba chùa Linh Sơn. Hình như Hà Nội cho xây một sân động lại chỗ sân Cô Giang nhưng mình không ghé xem vì nhìn xa từ hồ Xuân Hương đã thấy chán.

Trường Yersin để hôm nào mình kể trong một bài cho đầy đủ hơn. Để mình xét lại xem có đúng hay không nhưng theo lối kiến trúc thì mình đoán Nhà Địa Dư và trường Yersin là do cùng một kiến trúc sư thiết kế. Mình đi khắp Âu châu nhưng chưa thấy kiến trúc nào đẹp như trường Grand Lycée Đàlạt. Có cái chuông cao nên hơi mường tượng đến Piazza San Marco của thành phố Venice của Ý Đại Lợi nhưng dãy nhà với vòm cung, thẳng bong trong khi ở Đàlạt thì lại cong rất hiện đại so với thời ấy. Các thành phố Âu châu đều luôn luôn có cái tháp chuông cao là điểm nhấn. Chỉ tiếc là ngày nay mấy ông Việt Cộng làm bê bối phong cảnh nơi đây. Lần chót về Đàlạt, tính vào đây xem nhưng gác dan không cho vào.

Theo chú thích thì có vườn Bích Câu trên tấm ảnh nhưng theo mình vườn này nằm phía tay trái của bức ảnh, phía bên kia hồ, không nằm trong bức ảnh.

Thôi ngưng ở đây, cả viết đến năm Bính Thìn cũng không dứt.
Chán Mớ Đời

(Hình ảnh lấy từ trên Internet. Không biết tác giả, cảm ơn)

Nhs