Từ Tù Việt Cộng đến Pulau Bidong

Từ Tù Việt Cộng đến Pulau Bidong

Cuối tuần qua, đến nhà bạn ăn uống mừng sinh nhật chủ nhà, ngồi nói chuyện với mấy người bạn. Có anh gốc quận 5, Chợ Lớn, tay ghita khét tiếng ở vùng Bôn sa, kể ngày xưa đi vượt biển bị bắt ở tù, cười ra nước mắt.

Anh này nói giọng Chợ Lớn khá ngộ. Anh nói ngộ 18 tuổi, chưa bao giờ rời khỏi nhà, đâu có biết gì, tía má ngộ kêu lên tàu không được thì về. Ngộ đâu có chống họ đâu. Đây họ bắt ngộ đi tù, lao động còn kết án ngộ 24 tháng tội phản quốc. Ở tù 2 năm, ra năm 1986, lại đi tiếp, bể mấy lần, lần cuối đi từ Cần Thơ, may quá đi lọt, tưởng bị bể đi tù nữa. Ngộ ở tù sướng hơn tụi tù kia.

Họ khôn lắm, tù hình sự là trộm cướp còn vượt biển là tù chính trị. Họ cho xen lẩn vào nhau để xem xét lẫn nhau. Ngộ 18 tuổi biết gì mà là tù chính trị. Tối ngày ăn xong tập cán bộ đánh đàn.

Mình hỏi đi tù ở đâu, anh ta kể tên gì không nghe kịp vì giọng Chợ Lớn, gần địa danh Đồng Soài, trại tù có đến hơn 1 ngàn người. Sáng 5 giờ sáng, vác cái cuốc đi lao động. Trời ơi, cuốc đất muốn gãy lưng, anh ta làm bộ như đang cuốc đất ngày xưa. Cả đời ngộ ở Chợ Lớn với tía má ngộ sướng chết con lĩ mệ, nay cán bộ bắt ngộ đi lao động. Đang sống sung sướng, họ giải phóng mình một cái té xuống đất, đi lao động cuốc đất.

Cái thằng Việt Cộng đừng có tin nó. Nó kêu mình đi học là nó bỏ tù mình, bắt cuốc đất. Nó cướp hết nhà cửa của mình thì kêu là giải phóng. Nó kêu mình lên phòng làm việc là để đánh mình.

Mình hỏi sao gốc hoa mà không chạy về tàu. Anh ta kêu trời ơi, cái cờ Việt Cộng chỉ có 1 sao mà đã khổ chết con lĩ mẹ, cờ tàu có đến 4 5 sao thì khổ gấp 4 5 lần.

Anh ta nói may quá cán bộ thích đánh đàn nên ngộ được miễn lao động. Năm 15 tuổi, tía má ngộ cho học đánh đàn nên ngộ cũng biết đại loại “tình Bơ vơ”, đánh từng dây một thay vì rãi như thiên hạ nghe đã hơn. Cán bộ mê đánh đàn, thấy ngộ chơi lead gui-ta ngầu quá kêu ngộ không lao động, vô ngồi ăn cơm với cán bộ, rồi chỉ cán bộ đánh đàn. Cán bộ chỉ biết cuốc đất, bắn súng không, tay chân như khúc gỗ nên gãy đàn đâu được.

Mấy thằng trưởng tù, tức lắm nên doạ khi nào ngộ hết được cán bộ ưu đãi là chúng đạp cho dập mật. Cán bộ cho ngộ lên làm trưởng tù nhưng ngộ xin làm tù phó thôi. Hỏi lý do. Trời ơi, làm trưởng tù khổ lắm, có đứa nào trốn trại là lãnh nợ, hết đường dìa với tía má ngộ.

Cứ mỗi nhóm tù là 50 người, tối cứ thay phiên đếm 50, ngộ đâu rành tiếng Việt đâu, phải đếm theo tiếng Việt bị lộn hoài rồi kêu toán tù “đủ” mà ngộ kêu “Lủ” là cán bộ không hiểu, la ngộ chít con lĩ mệ.

Trong toán ngộ có một thằng nhà giàu, da trắng trẻo lắm lại hát hay. Thấy nó cầm cái cuốc lên không nổi thấy tội nghiệp quá, được cái là nó hát hay. Ngộ là đờn sĩ còn nó là ca sĩ nên hợp rơ, kêu cán bộ cho nó nghỉ lao động để tập dợt văn nghệ hát liên hoan mừng được ở tù.

Chời ơi, trong tù khi có văn nghệ là ngộ oai lắm, mấy tù gái chịu ngộ lắm, thân tình lắm nghe. Hot Boy tù.

Hai năm trời bận đồ tù để không trốn trại được. Tới liên hoan thì ngộ kêu gia đình ngộ gửi cho bộ đồ thường, bận lên sân khấu. Sang à nhe. Khác với bạn tù ở dưới, quanh năm bận đồ tù.

Trong tù ngộ sướng chớ, ở ngoài anh ngộ khổ lắm. Cán bộ về Sàigòn, là phải cho mượn xe Honda đi chơi, rồi còn cho tiền cán bộ để nó không hành ngộ. 2 năm trời. Cực khổ lắm.

Mình hỏi có sợ Việt Cộng không. Anh ta kêu sợ chít con lĩ mệ chớ sao không sợ. Ngộ về Việt Nam thăm gia đình, mấy chục năm rồi mà ngộ mà vẫn sợ. Ngày nay vẫn còn sợ. Ở bên mỹ thì hết rồi, không còn nằm mơ nữa, còn về Việt Nam là cứ mớ ở trong tù. Cứ như ở tù mà lớn hơn xưa. Gia đình ngộ sau 1988, họ cho làm ăn nên bắt đầu khá, này anh ngộ thành đạt lắm dồi. Hay qua đây chơi.

Mình hỏi thế qua đảo có được o bế không. Trời đất ơi! Sang đảo ngộ là soái ca mà. Biết lánh làn một chút xíu là mấy cô thân tình lắm. Trong ghe của ngộ có 5 người, bà chủ tàu kêu đi đâu phải đi cùng. Có 2 chị em xinh lắm, có một bà cứ theo ngộ hoài và một cô gái sau lày làm dzợ của ngộ rồi đưa ly rượu lên húp một phát, mắt nhìn xa xa về cổ xa xăm như để nhớ lại một thời vàng son, được gái mê, làm Hot Boy trong tù. Mình kêu kể tiếp.

Anh chàng kêu đến Mã Lai, ở Pulau Bidong 18 tháng hay 2 năm chi đó. Huê kỳ nó hốt ngộ như hốt rác vì ngộ không thuộc diện nào hết. 5 đứa đi chung ghe nên lên đảo thương nhau lắm, lo lắng cho nhau. Có một bà cứ ái ngộ mà ngộ không chịu. Ngộ ái hai chị em đi chung ghe. Đẹp lắm. Sai ngộ gì cũng làm hết chơn kêu ngộ chết ngộ cũng chết nghe.

Nhưng mà nị biết tình Bidong có giấy là dông nên ngộ mất liên lạc, tìm không ra hai chị em này. Còn lại một cô gái cũng như ngộ, đi một mình, ngộ thấy tội nghiệp nhưng rồi có giấy là dông đi mỹ.

Cô ta được một gia đình mỹ ở Nebraska bảo trợ. Họ có hai tiệm bán đồ tạp phô, thiếu người coi sóc ở xứ khỉ ho cò gáy, còn ngộ thì đi New Jersey. Cô kia rũ ngộ sang Nebraska nhưng ngộ ngại vì sang bên đó, gia đình mỹ có chịu hay không nên cô nàng về New Jersey.

Ngộ thấy người ta bỏ hết đi theo ngộ nên cố gắng làm ăn để đáp lại tình cảm của cô nàng. Từ 5 năm này dọn về Cali, coi như về hưu 50%. Mỗi ngày mỗi khá lên. Anh chàng nâng cái ly rượu lên húp cái rụp như mình thường húp nước mì hủ tiếu.

Cali sướng chết con lĩ mẹ. Muốn ăn cái gì cũng có, khỏi mất công nấu ăn. Cuối năm mấy ban nhạc quen tổ chức Tân Niên là mình đi. Không cần đánh đàn, ngồi ình doi uống rượu là sướng cuộc đời.

Hồi năm kia, ngộ về New Jersey, thăm mấy thằng bạn cũ. Trời ơi! Đến nhà tụi nó, luộc con gà muối, chấm xì dầu ăn như xưa. Mình ở có 3 ngày là bỏ chạy về lại Cali. Ở đây, muốn ăn cái gì là có, chạy 10 phút là ra phố. Còn bên kia trời chán thấy bà. Biết vậy ngộ dọn sang đây từ lâu rồi.

Nghe anh bạn kể chuyện đi tù mà mấy chục năm sau vẫn còn sợ, mơ về nó. Anh ta có kể là ở Mỹ thì hết còn bị ác mộng về những năm tháng tù đày. Điều anh ta nói là về Việt Nam thăm gia đình thì bao nhiêu hình ảnh ở tù lại trở về. Anh ta có cảm tưởng Sàigòn hay Việt Nam là một nhà tù lớn.

Mình có cô giáo dạy việt văn khi xưa kể; có hôm nằm ngủ mơ về Sàigòn, được giấy tờ xuất ngoại. Có ông đạp Cyclo chở ra phi trường nhưng ông ta đạp rất chậm. Cô sợ trễ giờ nên nhảy xuống xe, để đi cho lẹ thì khám phá ra té xuống giường, gãy mấy cái xương. Chán Mớ Đời

Xong om
Nhs