Du Học Sinh

Du Học Sinh

Hôm nay, mình đi uống cà phê với mấy người bạn, đúng hơn là đàn anh, cựu du học sinh của Việt Nam Cộng Hoà, lớn tuổi hơn mình. Nhìn quanh, có một bác sĩ và 4 ông tiến sĩ khiến mình thất kinh. Nhìn lại mình là nông dân lại quen biết, ngồi chung toàn là sĩ. Nghe mấy ông này nói chuyện thì cứ đực người ra, ngơ ngác mà hóng chuyện. Kinh. Chắc phải kiếm cái chức nào để tự phong cho mình như “vườn sĩ” để có chút gì sĩ sĩ. Có ông được xem là lưỡng quốc trạng nguyên, tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp quốc, về Sàigòn làm việc rồi lại đi Hoa Kỳ chơi thêm một bằng tiến sĩ maze in USA.

Có hai anh tốt nghiệp tiến sĩ tại Úc Đại Lợi, khá thành đạt, đã đóng góp tài năng của mình cho nước đã cưu mang họ sau ngày 30/04/75. Hai anh tốt nghiệp ở tây còn thì maze in u ết ây. Mấy anh này đi du học trước mình nhưng vẫn có hoài bảo làm gì cho Việt Nam. Họ vẫn trăn trở trong những thời gian rảnh rỗi thay vì đi múa kép, hát Karaoke,…như phần đông người Việt tại Bôn Sa.

Sáng mai, đi đón một anh bạn quen thân thời ở New York, khi anh ta làm việc tại đại học Columbia, New York. Anh này là dân di tản nhưng cũng có hai bằng tiến sĩ, lại mon men đi học thêm vật lý Quantum để nghiên cứu thêm về triết học. Anh này là người Việt đầu tiên có tranh ở viện bảo tàng Guggenheim, New York. Báo người Việt làm triển lãm tranh của anh ta và thân hữu vào cuối tuần. Luôn tiện anh ta ngụ lại nhà mình và mượn tấm tranh “ra vào thiên cổ, anh ta vẽ 20 năm mới hoàn thành” mình mua của anh khi xưa để triển lãm.

Lý do mình kể, để phá tang sự ngộ nhận về sinh viên du học của Việt Nam Cộng Hoà trước 75. Do sự thiếu hiểu biết hay bị Việt Cộng giựt dây nên người Việt hải ngoại cứ chụp mũ tất cả du học sinh khi xưa là thân cộng, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Trong cộng đồng người Việt tỵ nạn hay có ý nghĩ là tất cả sinh viên du học của miền nam trước đều là Việt kiều yêu nước, chống phá chính phủ miền nam, đưa đến sự mất nước nhà tan.

Thật ra ở hải ngoại trước 75, sinh viên Việt Nam đi từ miền nam được chia hai nhóm: một nhóm chống cộng và một nhóm thân Hà Nội, đúng nghĩa hơn là theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, chống Việt Nam Cộng Hoà, được Hà Nội tôn vinh là Việt kiều yêu nước. Ngay tại Sàigòn cũng có nhiều thành phần chống đối chính phủ Việt Nam Cộng Hoà như linh mục, sư sãi, nhà báo,…nhưng xét lại về dân chủ, đã thể hiện Sàigòn ngày đó có tự do ngôn luận, dân chủ hơn 45 năm sau.

Hai nhóm này hay choảng nhau nhất là vào những ngày tết. Mình nhớ là gần Tết, ở Paris hai nhóm đều tổ chức tết. Cứ bên này tổ chức thì tối đó, nhóm bên kia rũ nhau đến phá đám, đánh nhau u đầu ở rạp Maubert. Báo chí thì nhóm chống cộng có tờ Nhân Bản của tổng hội sinh viên, còn bên theo Hà Nội thì có tờ Đoàn Kết của nhóm Việt kiều yêu nước.

Khi mình sang Ý Đại Lợi làm việc và chuẩn bị luận án tốt nghiệp thì giới sinh viên Việt Nam tại đây cũng chia thành 2 nhóm; thân và chống cộng.

Gia đình người Việt có nhiều cái buồn cười khi họp mặt nhau. Dạo ấy mình có quen một gia đình Việt Nam, sang Tây thời ông Diệm, bà con chi với gia đình ông tướng Nguyễn Khánh vì mình hay thấy mặt mỗi lần có kỵ. Nhà này có đâu 10 người con, có một cô con gái, lấy chồng Việt kiều yêu nước. Khi kỵ giỗ thì anh ta ngồi một góc trong khi cậu chú cô dâu chửi Việt Cộng.

Nói chung thì trước 75, nhóm Việt kiều yêu nước đông hơn nhóm chống cộng còn sau 75 thì dân vượt biển đến nhiều nên phe ta đông hơn, đi biểu tình đông hơn đám Việt kiều yêu nước.

Nói về chiến tranh Việt Nam, ở tây phương, giới trẻ trí thức chống cuộc chiến này rất đông vì dạo ấy ở Pháp, 25% cử tri người Pháp bầu cho đảng Cộng Sản Pháp, Ý Đại Lợi có đến 32% là đảng cộng sản, chưa nói đến đảng Xã hội,…

Các sinh viên du học của Việt Nam Cộng Hoà sang xứ người, còn trẻ, đi học chắc chắn bị ảnh hưởng của sách báo, tư duy thanh niên của tây phương nên có rất đông theo Hà Nội, chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, tương tự người tây phương chống lại chính quyền của nước sở tại, kêu là đầy tớ của đế quốc mỹ mà ta thấy qua vụ cách mạng văn hoá Mai 68, sinh viên học sinh tây âu xuống đường làm cách mạng văn hoá, hô hào Mao Trạch đông hay Hồ chí minh trong khi xe tăng Liên Xô tràn qua biên giới Tiệp Khắc đàn áp, bỏ tù người dân, dập tắc chính thể xã hội nhân bản ( le socialisme au visage humain) của đảng cộng sản Tiệp đang thi hành dạo ấy.

Mình nhớ những năm 70, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà có tổ chức nhiều chuyến về thăm quê hương cho các du học sinh, và kiều bào, để họ có thể tiếp xúc với sinh viên và thanh niên tại miền nam để hiểu rõ về tình hình đất nước.

Mình nhớ ở đại học Đàlạt có cuộc họp mặt các du học sinh và sinh viên đại học Đàlạt. Hình như họ gọi trại hè Nối Vòng Tay Lớn, sau này mình nghe anh Trần Văn Bá, tổng hội sinh viên Paris có mặt trong chuyến này. Đài truyền hình Sàigòn có tường trình qua bộ dân vận của ông Hoàng Đức Nhả. Lúc đi Tây mình cũng hy vọng sẽ có ngày theo mấy vụ này về thăm nhà. Ai ngờ gần 20 năm sau mới trở lại trong sự đau xót.

Khi Việt Cộng Đổi Mới, mình được mời và được chu cấp về Hà Nội tham dự hội thảo quốc tế về phát triển Việt Nam. Bên phái đoàn của Hà Nội, mình thấy hai nhân vật từng du học ở Pháp và Úc. Một ông là đảng viên cộng sản pháp, có bằng tiến sĩ của Tây, làm gì trong uỷ ban Việt kiều. Một ông du học chương trình Colombo ở úc về.

Mình nhận xét hai ông này, có học thức mà lại kính trọng mấy bộ trưởng, hay thứ trưởng, thậm chí mấy tên nào chả biết làm chức vụ gì mà mình có dịp tiếp xúc. Lúc đó mình mới nhớ đến luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người Việt đầu tiên có hai bằng tiến sĩ ở pháp, tờ báo Quê Mẹ có xuất bản một cuốn sách về ông này.

Qua hình ảnh hai ông tiến sĩ khúm núm trước mấy ông ở trong bưng ra, mới hiểu câu nói của Mao sến sáng là trí thức không bằng cục phân. Mấy ông gian khổ ở trong bưng để đánh dẹp miền nam, nay họ phải hưởng thụ, để bù lại những năm tháng hy sinh tuổi trẻ nên khó mà có thể nhường quyền lực lại cho mấy tên trí thức vì yêu nước, đem tài của họ ra mà giúp Việt Nam đi lên.

Mình lâu lâu thấy tin tức của hai ông này trên báo chí của Hà Nội, ông thì được bầu vào quốc hội, ông thì có lần báo chí nói ông ta không được phong hàm giáo sư để lãnh tiền hưu, lại chửi bới.

Ơ Bỉ, có một ông giáo sư đại học, gốc Quảng Nam, dạy đại học, bỏ công giúp Việt Cộng từ thời trước 75 rồi sau 75. Sau này về hưu, ông ta về Việt Nam ở, ghi danh để tranh cử đại biểu quốc hội thì đảng không cho nên Chán Mớ Đời. Có ông giáo sư toán tại đại học Paris V, sau này mình có đọc bài ông ta viết trên trang nhà của ông đến khi ông ta chết mới hiểu thêm về các hoạt động của Việt kiều khi xưa. Mình sang tây vào thời gian chiến tranh Việt Nam đã tàn.

Mấy anh bạn của mình có lòng muốn đem tài trí của họ để giúp Việt Nam nhưng vì không cùng quan điểm chính trị nên họ ở lại hải ngoại và đóng góp tài trí của họ cho thế giới. Ngược lại, các Việt kiều yêu nước, sau bao nhiêu năm đấu tranh, cống hiến cho đảng từ thời sinh viên để rồi trở lại Việt Nam nhưng vẫn không được đảng tín nhiệm và khi về hưu cũng không được phong hàm để kiếm được chút tiền hưu trí, khiến mình thấy thương cho họ, không làm gì với bằng cấp của họ, ngoại trừ khúm núm trước mấy ông trong bưng ra. Uổng một đời. Ông Nguyễn Cơ Thạch, trước khi chết, có tuyên bố là chúng tôi đã phá nát đất nước .

Trong lịch sử Việt Nam, người ta nhận thấy những người tài giỏi không được thực thi tài mình, hay bị dìm hoặc giết chết như Nguyễn Trãi,… khi xưa, các vua Việt Nam hay có lệ triều cống, cứ bô bô đánh thắng thiên triều rồi phải triều cống, tặng phụ nữ việt đẹp, gấm lụa và những nghệ nhân giỏi.

Khi nhà Minh lên ngôi thì muốn dời đô từ Nam Kinh về Bắc Kinh nên kêu vua Việt Nam và các phiên quốc khác triều cống những người tài giỏi và vua nam sợ nên lựa toàn những người giỏi nếu không thì vua nhà Minh xử phạt. Nếu mình không lầm thì dạo ấy vua Việt Nam đưa đâu 4 người tài giỏi nhưng sau chỉ nghe tiếng có hai người là Nguyễn An và Phạm Hoằng còn Vương Cấn và một người khác thì không nghe nhắc đến.

Nguyễn An là tổng công trình sư của Tử Cấm Thành và các đê điều sau này. Theo sử của đại học Oxford, dịch từ tài liệu nhà Minh thì ông Nguyễn An, bị thiến, vào cung thành chỉ huy xây dựng tử cấm thành. Sau này được vua chúa nhà Minh trọng đãi. Trong sách lịch sử của Trung Cộng ngày nay thì họ kèm thêm vài tên Hán để giảm uy tín và cơ nghiệp của một nghệ nhân từ An Nam sang, cho thấy sự hèn mọn của Hán Tiểu Nhân không phải đại hán như xưa. Chán Mớ Đời

Còn Phạm Hoằng thì càng kinh khủng về sự hiểu biết và tài trí thông minh. Người Tàu có sách vở trong văn khố của người tàu xưa viết để lại nhưng các quan văn của nhà Minh đọc không hiểu nhiều, đưa cho ông Phạm Hoằng đọc thì ông này giải thích ra sao nên từ đó được cho vào kho văn khố của nhà Minh để đọc và giảng lại cho các quan văn của nhà Minh.

Nếu hai ông này ở Việt Nam thì sớm muộn cũng bị lũ ngu dốt ám hại như trường hợp ông Nguyễn Trãi. Có ra nước ngoài dù là kẻ thù của dân tộc nhưng vẫn được trưng dụng vì họ tài giỏi và tạo nên những kiến trúc để đời cho người Tàu và thế giới ngày nay. Ở Việt Nam thì vì miếng cơm, bọn ngu dốt sẽ tìm mọi cách hãm hại để dành lấy quyền lợi cho bọn chúng.

Mỗi năm công ty Thompson Reuters thống kê 3,000 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Trong số đó có đến 1,500 khoa học gia mỹ (50%), Anh quốc có 360 người, Trung Quốc có 200 người (6%). Đông Nam Á đứng đầu là Tân Gia Ba có 27 người, Việt Nam có 5 người nhưng chỉ có một người sinh sống tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành (CIRTECH) – Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)  còn mấy người kia đều giảng dạy tại các đại học Hoa Kỳ. Tân gia Ba là nước nhỏ thua thành phố Sàigòn với dân số 5 triệu người trong khi Việt Nam có đến 96 triệu với trên 24,356 tiến sĩ mà chỉ có một người có tên trong danh sách của Reuters. Chán mớ đời.

Ơ hải ngoại người Việt có 2 triệu người, lại có 4 người có công đóng góp cho nhân loại, nếu Việt Nam có một chính phủ như Tân Gia Ba, nghĩa là độc tài nhưng sáng suốt thì lấy 4 x 48 (96 triệu dân hay 48 lần người Việt hải ngoại), sẽ có 192 người có công đóng góp cho nhân loại. Gần bằng Trung Cộng với số 200 dù có gấp 15 lần dân số Việt Nam.

Tương tự với 2 triệu người Việt tại hải ngoại, người Việt gửi về Việt Nam 12 tỷ đôla hàng năm sau khi đóng thuế hay 18 tỷ trước khi đóng thuế. Nếu ta tính 18 tỷ là 10% thì xem ra 2 triệu người Việt ở hải ngoại làm GDP 180 tỷ còn người Việt tại Việt Nam phải nhân 48 lần hay 8,640 tỷ hàng năm. Theo tài liệu thì GDP của Việt Nam năm 2018 là 224 tỷ, kể cả bán lậu sản phẩm ma ze Trung Cộng và các chương trình hạ tầng cơ sở do Trung cộng cho vay. 96 triệu làm GDP hơn 44 tỷ hay 20% so với 2 triệu người Việt tại hải ngoại.

Báo New York Times cho biết giáo sư Ocean Vuong (Vương Quốc Vinh), người Việt mới được nhận giải của foundation Mac Arthur năm nay. Occean Vương là người Mỹ gốc Việt thứ năm và là nhà văn nhà thơ thứ hai nhận giải “Thiên Tài MacArthur.” Các nhân vật người Mỹ gốc Việt được vinh dự này bao gồm Huỳnh Sanh Thông (1987, thông dịch viên và chủ bút, đã qua đời), My Hang V. Huynh (2007, nhà hóa học), An-My Lê (2012, nhiếp ảnh gia), và Viet Thanh Nguyen (2017, nhà văn, giáo sư USC).

Mỗi thành viên nhận giải Thiên Tài MacArthur sẽ được thưởng $625,000 trong vòng năm năm. Trước 2013, giải thưởng có giá trị $500,000.

Cho thấy người Việt không ngu dốt, thua ai cả nếu được sinh sống trong một môi trường năng động, không bị ràng buộc, áp bức. Bằng chứng là họ học tập tốt không thua người ngoại quốc nhưng về Việt Nam là ngọng.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, mình có theo dõi, đọc những bài viết của nhóm sinh viên du học và lao công ở Đông Âu, đi từ miền Bắc. Những người này là con ông cháu cha của chế độ, bổng nhiên một số dẫy lên chống lại Hà Nội, viết báo đòi dân chủ như các nước đông âu mà họ đang sinh sống. Họ cũng ấp ủ những ước mơ cho Việt Nam, quê hương được có một ngày tươi sáng. Mình trích đây một bài thơ của một du học sinh đi từ miền Bắc, tên Trần Hồng Hà, có bút hiệu Cù lần, tổng biên tập tờ Diễn Đàn Praha. Sau này, có lẻ bị áp lực gia đình và chế độ nên anh ta quyên sinh trong rừng vắng.

Đất nước tôi
là những ông già
thiết tha
bên vĩa hè lịch sử
nào cô nào cậu
mua giùm xổ số tương lai

Đất nước tôi
là những chàng trai
trải kiến thức ngồi chờ bơm xe đạp
Thế giới vùn vụt qua trước mặt
IBM ai chở xe thồ!

Đất nước tôi
ngây ngất những giấc mơ
sao sáng rọi thiên đàng trên trần thế
Những mộng đẹp ai mang ra để
đắp lên mình Tổ Quốc mảnh chăn chiên

Đất nước tôi
dàn ngực chịu đạn tên
đổi lấy khúc đầu một phần ba lời Bác dạy
những vết thương vẫn còn sưng tấy
Răng liền môi, răng bập cắn vào môi

Đất nước tôi
trắng hếu những quả đồi
xương anh em chìa bắt tay “hữu nghị”
Đất nước tôi xót ngàn năm bị trị
Hỡi ôi dân tộc mất còn

Đất nước tôi
Đất nước những con người con
rạch lưỡi rồi tập nói
Suy nghĩ, tâm tư kính chiếu yêu vẫn rọi
Cồm cộm gót giày ,mũi Mác mũi Lê

Đất nước tôi thương nhớ vẫn đi về
Hình mẹ khom lưng trải dài trên bãi cát
Hạt muối mặn chát từ dòng nước mắt
Đắng vần thơ cho Người
Ôi Mẹ
Việt Nam ơi ….

Praha 1990

(Diễn Ðàn Praha số 15, ra ngày 26.2.1991)
Tác giả Cù Lần tức Trần Hồng Hà

Chán Mớ Đời