Đường Phan Đình Phùng Đàlạt xưa

Đường Phan Đình Phùng Đàlạt xưa



Nhìn tấm ảnh này, nhớ khi xưa, sau khi đậu Brevet, ông bà cụ mua cho chiếc xe đạp, mình hay đạp lên cái dốc này chạy theo đường Duy Tân, lên khu Hoà BÌnh rồi quẹo về đường Minh Mạng, vài vòng như vậy là mòn hết thắng xe. Sau đó phải lấy chân mang dép chèn bánh xe lại từ từ rồi lại mòn luôn đôi dép. Chán Mớ Đời

Một hôm đi xe đạp thắng gấp bằng dép, té lăn cù đèo, móp méo hết cái xe. Xe làm tại Chợ Lớn, sau này mới hiểu là do công ty bố mẹ tên bạn ngày nay làm. Đem về nhà để một xó trong kẹt. Sau 75, nghe nhà nói, có người đến mua, mừng quá.



Khúc này là ngã ba đường Phan Đình Phùng và đường Duy Tân gặp nhau ngay cái dốc. Hồi nhỏ mình nhớ ông cụ mình hay đến cái kiosque ngay ngã ba để học đánh máy. Thấy xa xa sau cái am ngay ngã ba có cái kiosque. Sau khi giải ngũ, ông cụ không nghề ngỗng nên đi học đánh máy để thi vào ty công chánh làm thư ký. Cái kiosque bán và sửa máy đánh chữ và dạy đánh máy.

Đối diện bên đường Duy Tân là một căn nhà của một tên bạn học chung lớp khi xưa. Sau này định cư tại Gia Nã Đại, nghe nói vừa qua đời cuối năm vừa rồi hay đầu năm nay.

Mấy người lớn hay kêu đường Phan Đình Phùng là đường Cầu Quẹo. Mình không hiểu từ đâu ra. Bà cụ nói vì con đường quẹo xuống Hải Thượng vào Hoàng Diệu mà người ta hay kêu Lò Gạch.

Ai biết thì cho em xin.



Trước cái kiosque, có cái am, dưới cây thông không biết còn hay không. Thông thường chỗ nào có người chết người ta làm cái am để thờ. Mình đoán chỗ này chắc có người chạy xe bị cán chết hay sao đó.

Hình này chụp từ chỗ cái dốc đường Duy Tân, đi lên đến đường Phan Đình Phùng. Căn nhà đầu tiên bên tay trái là phòng mạch của bác sĩ Phạm Trọng Lương, ở lầu trên còn lầu dưới là nhà bảo sanh Trương Thị Lập, bà cụ mình sinh cô em kế tại đây. Bác sĩ Lương, nhà ở Chi Lăng, chỗ nhà ga xe lửa lên một tí, chắc là đường Nguyễn Trãi. Mình có vào nhà một hai lần chi đó, có một người con trai, tên Khôi thì phải, hình như là giáo sư anh văn của trường Võ Bị, 1 người cháu nội học chung với mình khi xưa, nay định cư tại Pháp quốc.



Chỗ này có con hẻm nhỏ đi vào khu nhà ông giáo Kim, có trường dạy con nít ở cạnh khách sạn Mimosa, ngay dốc lên đường Hàm Nghi, nhà thờ Tin Lành, có người con tên Ánh, bị chột một mắt, học Yersin trên mình vài lớp. Nếu đi tới nữa thì sẽ gặp trường hoa ngữ Tân Sanh cho người Việt gốc Hoa. Mỗi lần có đại hội thể thao học sinh thì các trận đấu bóng rổ đều được giao đấu tại trường này.

Khúc này mình ít quen ai, có gia đình bác Nguyễn đình Thừa làm thợ mộc. Hai bác thân với bố mẹ mình, có dự đám cưới của mình. Bác Thừa Gái có tính như bà cụ mình, hay hát. Mỗi lần gặp là bác hát: “ai đi mô rồi cũng nhớ về Đàlạt, nhớ hồ Than Thở, nhớ thác Cam Ly,…” Nhà số 43 thì phải. Cạnh đó có nhà cậu Lê Xuân Đằng, bà con chi với bà cụ mình, hướng đạo Lâm Viên, hay chạy chiếc xe Lambretta lên trường Bồ Đề.

Cạnh đó. Có tiệm bán than mà khi xưa hay chở đến nhà mình, giao mấy bao mỗi tháng rồi sau này nhà mình dùng lò dầu hôi nên hết đem lại.

Cạnh đó có ông thầy thuốc Bắc Huỳnh Ôn. Lạ là sau 75 không thấy ông ta đi như bao nhiêu người gốc Hoa khác. Mỗi lần bà cụ mình ở cữ là sai mình chạy xuống tiệm ông này bổ 10 tháng thuốc bổ. Lúc có bầu mình, bà cụ uống thuốc tễ của ông ta nên sinh mình ra da đen như cái bánh gai. Kinh

Nhờ bán thuốc tễ, ông ta xây nhà lầu cho con cháu như điên.

Hình này chụp chỗ khu trường Tân Sanh. Có chiếc xe mì gõ, trước Mậu Thân thì ông tàu và người con hay đi qua khu nhà mình để bán ban đêm, sau này thì mất tiệt vì lệnh giới nghiêm ban đêm nên không thấy họ đẩy xe đi bán nữa.

Chỗ xe mì, nhìn qua đường là nhà của anh Bôn, thủ quân đội tuyển túc cầu Đàlạt, sau bị Việt Cộng gài lựu đạn nổ xe chết trước nhà hàng Nam Sơn với ông Thanh, ông bầu của đội banh Đàlạt. Sau này đội banh nhờ ông cụ mình làm ông bầu cho đội banh. Sau khi đá là trả tiền cho họ tắm gội ở nhà nước nóng Minh Tâm, dẫn đi ăn, bồi dưỡng lại.

Có anh nào kể trên mạng là gia đình anh ta bị đặt chất nổ khiến bà cụ anh ta chết, sau này họ đặt chất nổ ở khu phố 1 để giết ông bố, tên Nguyễn đức Trí, làm phó khu phố nhưng may ông ta đi khỏi. Mình hỏi có phải nhà ở cây xăng ngã ba chùa thì anh ta trả lời đúng khiến mình tái mặt nhớ lại vụ này khi xưa. Kinh.

Sau Mậu Thân, Việt Cộng nằm vùng có chương trình khủng bố đặt chất nổ, hay tối tối đến nhà bắt mấy công chức đi giết nên ông cụ mình đem mình ra phố ngủ lại nhà bà Hiệp Thạnh đường Duy Tân. Sau này với chiến dịch Phượng Hoàng thì mới bớt trò này. Dạo ấy, trên Số 4, trưởng ấp hay bị bắt và xử tử còn thanh niên thì bị bắt đi chống mỹ. Có mấy tên học trường Trần Hưng Đạo bị bắt. Chán Mớ Đời

Có lần, sáng vừa ra khỏi nhà, thấy ai treo cổ hình nộm hcm trên cành cây Mimosa trước sân nhà mình. Chạy vòng vòng xóm thì cũng thấy tương tự vài hình nộm được treo cổ trên mấy cây trước sân nhà thiên hạ. Mình đoán dân của chiến dịch Phượng Hoàng thực hiện như răn đe dân nằm vùng.

Mình có anh bạn học chung khi xưa, nhà cạnh hãng cưa Xu Tiến ngay ngã ba chùa, cạnh nhà bà dì ruột của mình, tiệm hớt tóc. Nếu mình không lầm có cái quán bán mỳ quảng hay cơm tấm chi đó. Khi xưa, bị đặt chất nổ, có lần mình nhắc vụ này thì anh chàng khuyên quên đi, đem lại nhiều xì trét của một thời.

Bên tay trái là bãi đất trống với mấy bụi hoa Quỳ, thấy con dốc Nhà Làng đi từ đường Phan Đình Phùng đi lên đường Nguyễn Biểu, Minh Mạng.

Sau này ông Đoàn, ba của hai anh em Chương Trình, học Yersin và tiệm chụp hình Mỹ Dung, đường Minh Mạng thì phải, hùn nhau xây 3 hay 4 căn nhà lầu ở đây. Mình có vào đây xem.

Đối diện vùng đất trống này là nhà hàng và nhà nghỉ Cẩm Đô. Ông chủ quen bà cụ mình, anh của nhà thuốc Thế An Đường ở đường Duy Tân, bác của Hùng con Cua, bạn học cũ. Khi ông ta và cô em gái sang định cư tại Pháp, mình có ghé thăm vài lần sau này đi làm ở xứ khác nên hết gặp. Ông chủ đã qua đời, còn cô em gái thì ở viện dưỡng lão.

Còn tấm hình này chụp ngay ngã ba Cẩm Đô và Phan đình Phùng.

Chiếc xe bán hàng này cũng vớt một ít tiền của mình khi xưa. Bán báo, tranh ảnh dích hình. Lại thấy một xe mì, trước tiệm thuốc Bắc Ngô Duy Khương. Thấy có tiệm giặt ủi, khi xưa nhận giặt áo quần cho lính Mỹ nhưng không quen.

Nói đến xe mì, ở bên hông của nhà hàng Cẩm Đô có một xe mì mà dân cư Đàlạt dạo ấy hay gọi Mì Cẩm Đô. Rất ngon và đông khách. Mỗi lần đau là mình ăn một tô mì ở đây là hết bệnh nên sau này cứ đau là mình chạy ra bôn sa làm tô mì nhưng đau vẫn hoàn đâu. Chán Mớ Đời

Dọc bên hông nhà hàng Cẩm Đô, ngoài quán mì, còn có mấy quán hàng ăn khác, nay là cái chợ buổi sáng ở khu này.

Đối diện dãy nhà này là nhà và phòng mạch của bác sĩ Đào Huy Hách, có mấy thang cấp đi lên. Bà vợ hay mua hàng của bà cụ mình. Nói chung phía khúc này ít nhà, nếu có là trên đồi, xây talus hết vì phía trên nữa là đường Minh Mạng, có tiệm bi da Hồng Ngọc,…

Xa hơn tí nữa là căn nhà 2 tầng, bằng gỗ mà căn cuối là tiệm hớt tóc Như Ý, nhà của tên bạn học khi xưa, Đinh Anh Quốc. Hắn hay ngồi bên cửa sổ, đánh đàn ngắm mấy em đi học về, khởi đầu cho cuộc tình kinh tế mới Tutra sau 75. Kinh. Có cô bạn kể khi xưa, mê tên này, hay đi ngang nhà hắn, để nghe hắn đánh đàn.

Đi tới một tí nữa thì có bãi đất trống với cái am to đùn nằm chình ình, rồi có tiệm giày Hồ Út. Rồi đến tiệm ông thầy mằn tàu, năm mình học lớp 11 vào thùng lũng tình yêu tắm thì có 3 tên bò vào bơi ra ngoài hồ. Rồi hai tên bơi vô lại còn một tên cứ bơi xà quầng nên mình nhờ tên bạn bơi giỏi ra xem. Hắn bơi vô lại, kêu không dám cứu và cả đám cứ nhìn anh chàng từ từ chìm xuống hồ.

Xui cho anh ta, hôm ấy nhóm mình quên đem cái phao. Thông thường, anh bạn Dương Quang Trí, đem theo cái phao nổi của phi công. Loại mà phi công gắn ngay cổ để khi rớt xuống nước thì không bị uống nước. Hôm đó, hắn không đem theo nên anh chàng học sinh trường Tân Sanh chết đuối.

Rồi đến khu rạp Ngọc Hiệp. Đã kể rồi. Hôm nào rảnh sẽ kể khúc đường phía kia vì mình quen nhiều hơn.

(Có người bổ túc thêm: Cám ơn anh Sơn đã gởi bài viết về khu PĐP ,Nhìn hình Thu Nhi có nhớ lại được vài điều. Nhà ông bà ngoại Tn số 28pdp.Thunhi về ở đó từ năm 69 sau khi bố mất cho đến 75.Nếu trí nhớ Thunhi không tồi thì bên cạnh trường Tân Sanh có tiệm làm răng Minh Sinh ,sau này dọn về Saigon. Anh Bôn hinh như là chồng chị Ánh nhà có tiệm bán gạo đối diện nhà ThuNhi. Đi lại một chút có tiệm thuốc bắc quên tên rồi, canh đó có tiệm tân sanh mà tụi này gọi là tiêm ông tàu mập, buổi sáng có bán bánh mì xíu mại rất hấp dẫn. Còn lai một hai tiệm bên cạnh thì quên tên rồi. ThuNhi có biết nhà ông bà Thừa quen với ông bà ngoại. Tiệm ông tàu bán than cũng có thời gian bỏ than cho nhà ThuNhi. Ngay góc ngã ba Pd p DuyTân là tiệm phở Đắc Tín. Có vài điều còn nhớ gởi anh Sơn xem có đúng không. Người mà đặt chất nổ ở khu phố là vợ ông Trác làm công chức ở cạnh nhà ThuNhi. Lúc nổ có một đứa trẻ bị bay từ trên khu phố xuống trước nhà bà và chết tại chỗ vì bi bể nát đầu và mất một chân.Lúc đó sao ThuNhi gan quá, dám chạy ra xem để rồi sau đó sợ đến  tối không bao giờ dám đi ngang qua đó. Bà này sau 75 được  Việt cộng ghi công mọi người mới biết là bà đã leo lên cái đồi sau nhà Thunhi để đặt chất nố phía sau khu phố!   Bên cạnh nhà đó là  nhà ông mười, có bán bún bò ngon lắm. Và bên cạnh là nhà ông luật sư Phùng  văn Tuệ sau bán cho một người thầu khoán.Rồi đến một dảy nhà mấy căn liền nhau là nhà của mấy dì và mẹ anh Bôn.rồi đến nhà bà bảy nhồng có giếng nước mà cả khu nhà  ThuNhi phải mướn người gánh để dùng. Phải công nhận anh Sơn có trí nhớ siêu việt. ThuNhi không còn nhớ gì nhiều về Dalat. Alzheimer rồi.
ThuNhi )

(Hình ảnh lấy từ trên Internet, không biết tác giả, cảm ơn)

Nhs