Việt Phim ngày #2

Việt Phim ngày #2

Hôm qua, vợ đi làm thức ăn cho người vô gia cư và cắm hoa để chuẩn bị vụ gây quỹ cho tuần sau nên mình lại bò đi xem xi nê một mình.

Hôm nay trả tiền nên vắng khán giả. Đề tài hôm nay là âm nhạc. Họ cho trình chiếu 3 cuốn phim: #1 Ephemeral (Một Thoáng Qua), #2 The bridge between Việt Nam Traditional Music and the world (cầu nối của âm nhạc dân tộc Việt Nam với thế giới) và #3 Lê văn Khoa: A Lifetime of Arts ( Một đời nghệ thuật).

Cuốn phim thứ nhất do đạo diễn trẻ Nguyễn Phúc Khang, sinh và lớn lên tại Hoa Kỳ. Theo ông ta thì từ bé đã bị khủng hoảng bản thể và muốn hoà nhập hoàn toàn vào làn văn hoá mỹ. Văn hoá Việt Nam quá ít ỏi nên tìm hiểu thêm cách nói lên những câu chuyện của những người Việt tỵ nạn.

Cuốn phim được chiếu qua 2 màn hình song song để tương phản giữa trước 75 và ngày 30/4/75 rồi đến những con tàu vượt biển mong manh trên đại dương, đưa những người Việt ra đi tìm tự do.

Nhìn những hình ảnh của Sàigòn trước 75 khiến mình cảm thấy có chút gì ấm áp, thanh bình dù có chiến tranh, cảnh gia đình chia tay nhau ở phi trường Tân Sơn Nhất đưa mình về không gian của những giây phút trước khi lên máy bay đi tây.

Rồi đến cảnh thiên hạ xô đẩy chen lấn để vào cổng toà đại sư mỹ, cửa vào thiên đàng trong khi máy bay trực thăng lại đáp xuống căn nhà khác gần đấy, tạo nên một âm thanh hổn loạn của những người chạy trốn cộng sản.

Rồi đến hình ảnh của những chiếc tàu mong manh ra khơi, đến những đảo tỵ nạn ở Mã Lai, Thái Lan,… có hình ảnh một ông tây mà mình đoán là ông cha Dominici, lâu quá không nhớ tên, người đã cưu mang người tỵ nạn việt, bị hải tặc đánh,…

Đặc biệt là có hai bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với giọng hát Khánh Ly và Lệ Thu trình bày. Người ta hỏi ông đạo diễn thì ông ta nói là bố anh ta cứ hát karaoke những bài này nên cảm thấy hợp với những hình ảnh của những người vượt biển. Anh ta có nghe một thuyền nhân kể lại khi đi vượt biển, cứ nghe bản này là anh ta khóc. “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về,…”

Ông đạo diễn hy vọng cuốn phim ngắn này sẽ giúp người Việt nhất là thế hệ lớn tuổi người Việt, nhớ về đoạn đường họ đã ra đi tìm tự do vì họ ủng hộ chương trình ngăn cản di cư của chính phủ mỹ hiện nay.

Nhìn những hình ảnh của những chiếc tàu chở người tỵ nạn Syria tương tự như người Việt hôm xưa. Tại sao chúng ta không đưa tay cứu giúp những người ấy. Mình dành một căn hộ cho người tỵ nạn Syria để giúp họ những lúc đầu định cư như người Mỹ đã giúp người Việt tỵ nạn khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ.

Cuốn phim thứ 2 do đạo diễn Nguyễn Tiến Hưng (Hung BlackerarteD), sinh tại Sàigòn năm 1982, tốt nghiệp trường New York Film Academy năm 2006 rồi trở về Việt Nam. Anh ta có tham gia thực hiện cuốn phim “Dòng máu anh hùng” và hiện nay làm cho PTN tại Hoa Kỳ.

Cuốn phim nói về nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, chơi nhạc cụ dân tộc như đàn nhị mà anh ta thường thấy ông nội chơi cho các tuồng hát chèo khi bé. Anh ta tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội nhưng rồi tình cờ khám phá ra các nhạc cụ của người Mông nên nghiên cứu và có đi trình diễn tại âu châu và Hoa Kỳ.

Mình có thấy anh ta chơi nhạc cùng với Nguyên Lê, tay guita danh tiếng của nhạc Zazz, sinh trưởng tại Pháp. Mình nhớ ông thần này kể là bố anh có rất nhiều văn bằng (beaucoup de diplômes). Bố anh ta kêu học y khoa chi đó rồi mê guitar nên bỏ y khoa để ngày nay rất nổi tiếng trên thế giới. Mình hầu như có hết các băng nhạc của anh ta.

Có hình ảnh hai nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê đứng trên núi Hà Giang, đánh đàn, khá đẹp. Ở hải ngoại, khi xưa mình chỉ biết và có nghe ông Trần Văn Khê, Trần Quang Hải và Nguyễn Thuyết Phong trình diễn nhạc cổ truyền và nhạc dân tộc cho người ngoại quốc.

Hiện nay mình hay theo dõi cô Mai Khôi, hay trình diễn nhạc cụ dân tộc cho người ngoại quốc hay đàn guitar hát nhạc phản kháng. Hà Nội vùi dập, may cô ta có chồng ngoại quốc nếu không chắc đã ở tù.

Cuốn phim thứ 3 nói về ông Lê Văn Khoa, người Cần Thơ. Ông này khi xưa, trước 75, mình có nghe đến khi ông ta làm đài truyền hình về thiếu nhi, hình như “Đố Vui để học” thì phải.

Cuốn phim này do đạo diễn Phu Trần, cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, bị đi tù sau 75, đến Hoa Kỳ năm 1995. Thành lập Vietnam Film Club, làm những phim tài liệu về Việt Nam.

Cuốn phim giới thiệu những hoạt động ông Lê Văn Khoa trước 75 như giáo dục, chụp ảnh, viết nhạc. Ông ta kể hồi nhỏ, kiếm đâu được cuốn sách về nhạc lý nên mò mò ở nhà. Ông ta kẽ trên bàn các phím đàn dương cầm rồi mò theo rồi một hôm vào nhà thờ, thấy cái đàn dương cầm nên tò mò đánh mấy nốt nhạc thì giựt mình khi nghe tiếng nốt nhạc trỗi lên như đức chúa trời gọi mời.

Bà giáo sĩ người Mỹ thấy vậy, nói ông ta đến nhà thờ để bà ta dạy, không lấy tiền, tạo nên một nhà âm nhạc lớn của Việt Nam. Ở Việt Nam ông ta đã bắt đầu viết nhạc cho dàn nhạc âm hưởng.

Ông ta kể là có nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba về vấn đề đưa nhạc Việt Nam ra thế giới. Ông ta nói người ngoại quốc đến nghe, vỗ tay rồi đi về. Mình phải làm nhạc ra sao để người ngoại quốc yêu mến và chơi được như người Việt chơi nhạc ngoại quốc hay làm nhạc qua guitar …

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba không đồng ý vì như vậy sẽ mất mấy cái luyến láy của nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Ông ta nghĩ là trong cuộc thương thảo nào cũng phải có sứ nhân nhượng nên nghĩ thà mất một ít gì luyến láy mà người ngoại quốc có thể tìm về âm nhạc Việt Nam qua nhạc cụ của tây phương.

Mình chỉ nhớ là khi sang Cali, có đi nghe nhạc của ban nhạc “Ngàn Khơi”, hát nhạc ông ta với dàn nhạc âm hưởng có nhiều người ngoại quốc chơi nhạc cụ. Mình từng dự thính tại các hí viện nổi tiếng trên thế giới như Paris, Berlin, Vienna, La Scala của Ý Đại Lợi,… nhưng khi nghe dàn âm hưởng chơi nhạc của người Việt sáng tác lần đầu tiên khiến mình chảy nước mắt vì hãnh diện.

Nhạc của ông ta được người Ukraine ưa thích vì có cùng tâm trạng bị chiến tranh, cộng sản chiếm đóng nên trường ca ”Việt Nam 75” của ông ta được dàn hợp xướng Kiev hát và dịch ra lời của nước họ.

Điều thích thú là cái đàn dân tộc Bandura của người Ukraina bị các đoàn quân chiếm đóng cấm vì được các nghệ nhân sử dụng như một khí giới chống lại bạo quyền. Nay độc lập thì người Ukraina tìm cách phát triển lại. Điều vui là họ có thể sử dụng đàn nay để chơi nhạc Việt Nam như Trống cơm được ông Lê Văn Khoa soạn lại.

Các dàn nhạc âm hưởng trên thế giới chơi nhạc của ông ta như Ukraine, Úc đại lợi,… cho thấy ông ta đã đưa nhạc Việt Nam ra thế giới.

Khi phim chấm dứt mình lại nhớ đến nhạc sĩ Tô Hải, ở miền Bắc. Ông ta có làm bài “Chiến Sĩ Biên Thuỳ” được các dàn nhạc âm hưởng tây phương chơi rất nhiều nhưng ở quê hương của ông thì bị trù dập.

Trong ”hồi ký một thằng hèn”, ông ta kể khi dàn nhạc âm hưởng chơi “chiến sĩ biên thuỳ” tại hí viện Hà Nội thì ông ta không được tham dự, dù người thầy Nga, cố vận động cho ông ta dự thính, chỉ được nghe qua đài phát thanh.

Nếu không được ông thầy người Nga quyết tâm giúp đỡ cho sang Nga Sô thì có lẻ thế giới đã không có một Đặng Thái Sơn.

Mình tự hỏi bao nhiêu nhân tài âm nhạc Việt Nam đã bị vùi dập chôn sâu. Buồn

Chán Mớ Đời
Nhs