Ai có chính nghĩa?

Ai có chính nghĩa?

“Chụ!” Mình quay lại thì có bà lão gọi mình bằng giọng Huế, nói “cho nậm tay chụ để đi cho mạnh”. Mình đưa tay cho bà ta nắm rồi đi về hướng tượng đài chiến sĩ trận vong chiến tranh Việt Nam. Sáng nay, cộng đồng người Việt tại miền nam Cali tổ chức lễ truy điệu và chôn hài cốt của những gì còn lại của 81 binh sĩ nhảy dù của Việt Nam Cộng Hoà, tử nạn máy bay trên đường không vận ra trận gần Tuy Hoà.

Vừa đi bà lão kể cho mình là đi chôn ông dôn, mất tích ngày 11 tháng 12 năm 1965 khi chiếc máy bay C123 vì sương mù, lao vào núi, khiến nguyên đại đội 72, tiểu đoàn 7 nhảy dù bị mất tích. Bà kể là người An Hoà, sau ni vô Sàigòn sinh sống còn mình kể quê ngoại là An Lưu, không biết có gần quê bà ta.

Mình nhìn bà lão mà xót thương, 54 năm qua, một mình nuôi con, thờ chồng, nay mới được được làm lễ tiễn biệt người bạn đời. Đến nơi thì bà lão cảm ơn mình nói, tui đi với con rể và con gái, đang ở đàng sau. Bà tuy lớn tuổi mà cố gắng đi nhanh đến tượng đài trong khi con và rể thì từ từ nối gót. Chiều nay, xem báo người Việt đăng hình của bà, cầm tấm ảnh của người chồng nhảy dù quá cố, tên Nguyễn Thảo, hy sinh vì Tự Do, 54 năm về trước. Xem chú thích, tên bà ta là LÊ thị Sẻ, có hình ảnh chị nào đeo tang, chắc là cô con gái. Lúc đến thì không thấy đeo khăn tang.

Mình thấy rất nhiều cựu quân nhân, có người bận quân phục Việt Nam Cộng Hoà, đến tiễn biệt các chiến hữu của họ. Có một anh trẻ độ 20, bận đồ vét đen, đeo tấm vãi trắng trước ngực, đứng lặng yên từ xa, một anh khác đứng tuổi, đem hai chậu hoa cúc đến tượng đài. Rất cảm động.

Việc này được thành công là nhờ ông cựu thượng nghị sĩ Jim Webb, cựu bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, từng ra ứng cử tổng thống nhưng ít được ai ủng hộ nên rút lui. Nếu mình không lầm thì vợ ông ta là người gốc Việt.

Ông ta kể là khi người Mỹ tìm được ra hài cốt của các người tử nạn trong chuyến bay này thì người Mỹ đem về Thái Lan để khám nghiệm DNA thì họ khám phá ra 4 quân nhân Hoa Kỳ và đem về an táng tại nghĩa trang quân đội Arlington.

Năm 1986, 81 di cốt binh sĩ nhảy dù này được chuyển về Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh.

Cách đây 2 năm, ông Webb được giao nhiệm vụ lo vụ hài cốt này được để tại Hạ Uy Di từ 33 năm qua. Ông ta liên lạc với Hà Nội nhưng Việt Cộng không nhận. Họ đã phá nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nay đang tính phá nghĩa trang Biên Hoà để xoá hết dấu tích Việt Nam Cộng Hoà.

Mặc dù họ kêu gọi xoá bỏ hận thù nhưng không cho thân nhân của người quá cố được đem hài cốt về chôn tại quê hương. Có lẻ họ sợ mấy người lính nhảy dù sẽ linh thiêng như Võ Thị 6, được chôn tại nghĩa trang Côn Sơn mà ngày nay các cán bộ cao cấp đều đến đây theo diện “du lịch tâm linh”, cúng dường cho “Cô 6” để được thăng quan lên chức, làm giàu. Cái vui là thằng được lên chức thì phải có người xuống mà cả hai đều cầu cúng cô 6. Nhờ Cô 6 mà kinh tế Côn Sơn lên như diều.

Chiều tối mộ của Cô 6 được thắp sáng như một thành phố, người ra vô tấp nập để cúng Cô 6 mà chính cán bộ tuyên truyền của Hà Nội, kêu là cô ta khi xưa bị khùng nên họ dụ đem lựu đạn quăn vô đám đông, làm chết nhiều người vô tội mà tên Tây lai lại thoát. Sau này tên Tây lai trở về Việt Nam, giúp đỡ những người trong khu vực xưa, để được đem mẹ già qua tây.

Mấy ngày nay rầm rộ, thiên hạ bàn tán đến vụ mấy người Việt nghèo, cầm sổ đỏ ruộng vườn để di dân lậu qua Anh Quốc và bị chết ngạt lạnh trong xe đông lạnh. Họ gọi là dân “Container people” thay vì Boat People như trước.

Từ năm 1954, có đến 1 triệu người bỏ miền Bắc vào nam, chạy trốn Việt Cộng, rồi sau 1975, có hai triệu người bỏ trốn thiên đường cộng sản, không biết bao nhiêu người đã chết trên biển cả. 44 năm sau ngày đất nước thống nhất, người Việt tiếp tục ra đi vì không thể sống tại quê nhà. Người giàu có thì sang nhượng lại cơ sở làm ăn cho sân sau các cán bộ lớn để di dân hợp pháp, ai tham thì bị bỏ tù,…

Người ta bỏ mồ mả tổ tiên, cha mẹ để ra đi tìm đường sống. Thấy trên mạng có nhiều tấm ảnh hô hào đi lao động quốc tế, xoá đói giảm nghèo. Nghe kể chuyên cơ của cán bộ cao cấp đi viếng Nam Hàn, cũng cho người đóng tiền đi ké rồi lén ở lại, sống chui, để có tiền trả nợ và nuôi gia đình ở Việt Nam.

Bao nhiêu cô gái Việt Nam đi làm ô sin, lấy chồng ngoại quốc để cứu nguy gia đình. Thậm chí có rất nhiều người qua Mã Lai, Tân Gia Ba (Singapore) làm điếm, đứng đường.

Mình có mấy người em họ, đi lao động bên Liên xô, có người lạnh quá, trở về, có người còn ở lại để kiếm tiền, gửi về cho gia đình xây nhà xây cửa. Mình có cậu em cô cậu, đi lao động ở xứ Lào, để vợ ở nhà chăm sóc mẹ già, không biết khi nào về lại Việt Nam. Có người em chú bác kể đã sang Đài Loán nhưng già nên người ta không mượn nên trở về quê cùng vợ đi đổ bê tông sống qua ngày.

Nghe kể sau 75, có một ông thầy Việt Cộng dạy ở Huế. Ông ta nói ”Thành phố Huế của chúng ta có truyền thống cách mạng? Vì răn? Vì khi xưa bác hồ có học tại trường Quốc Học. Cách mạng là răn? Cách mạng là bỏ cái cũ, để làm cái mới đẹp  hơn 10 lần trước đây.

Thí dụ: khi xưa thời nguỵ tạm chiếm thành phố Huế. Lính nguỵ làm tay sai, đi đánh thuê cho đế quốc mỹ, còn bộ đội bác hồ đi làm cách mạng, giải phóng người dân khỏi đô hộ của đế quốc sài lang.

Có một thằng bé đưa tay lên: “ thưa thầy không phải nơi. Mệ ngoại em nói là lính quốc gia chiến đấu cho tự do dân tộc, còn bộ đội là người ngoài Bắc, họ đi bộ vô, thấy cái chi họ đội về”.

Còn sự khác biệt của thời nguỵ và thời cách mạng là cách đánh vần. Thầy nguỵ dạy em đánh vần chữ “Khổ” là “ca hát ô khô hỏi khổ” còn thầy cách mạng dạy em đánh vần là “khờ ô khô hỏi khổ”. Thời mô cũng khổ, sự khác biệt thời nguỵ thì người ta khổ nhưng còn ca còn hát được, thời cách mạng người ta khổ nên khờ luôn”. Chán Mớ Đời

Đi dự đám tang 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, mình chợt hiểu là họ chết vì tự do cho gia đình, dân tộc cho Chính nghĩa Tự Do. Trong thời chiến tranh, không có một người trốn ra nước ngoài.

Bổng nhiên mình nhớ đến bài hát Người đi tản buồn.

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù !
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn

Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi ...
(Người di tản buồn của Nam Lộc)


Tuần này lại phải đi học. Chán Mớ Đời
Nhs