Cảm xúc = Sáng tác

Cảm xúc = Sáng tác

Nếu mình không lầm thì năm 3ème mình học Truyện Kiều và năm 2nde, học Cung Oán Ngâm Khúc và Chinh Phụ Ngâm Khúc thêm bài văn tế của Nguyễn Văn Thành, ngoài ra mấy lớp dưới thì có học ca dao, tục ngữ, tóm lại không biết nhiều về thi ca hay văn chương Việt Nam. Khi ra Hải ngoại thì mù tịt về Văn hoá Việt Nam khi Tâyđầm hỏi thì cứ đực ra ngư ngỗng ị.

Sang Tây thì khám phá ra các môn triết học, văn chương, nghệ thuật,... , đều được các tác giả mỗi thời đại tìm ra và khai thác các ẩn số của kẻ đi trước để biến thành những sáng tác mới của thời đại. Không có gì là vĩnh cửu. Nếu nhìn kỹ thì nụ cười của bức hoạ La Jocombe phản phất các tượng nữ thần của Hy Lạp. Một số tranh của Picasso bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm Phi châu hay của Velasquez. John Locke, Jean Jacques Rousseau, Voltaire,..., đều cập nhật hoá các tư tưởng của nền văn minh Hy Lạp. Các nghệ nhân của Hy Lạp như Philias,..., tạo nên những tuyệt tác vào những năm 500 trước Công Nguyên, lúc đầu chỉ mang tính cách địa phương nhưng dần dần theo chân của đại đế Alexander, gây ảnh hưởng sâu rộng khắp âu châu và trung Đông.

Dạo còn ở âu châu, mỗi lần đến một thành phố nào, mình đều đi xem đá bóng để viếng các vận động trường như Bẻrnarbeu, Nou Camp ở Tây Ban Nha, Olimpico ở La Mã, Parc Des Princes ở Paris, Wembley ở London,... Các vận động trường tạo lại cảm giác của Colosseo, Foro của đế quốc La Mã với kỹ thuật ngày nay. Từ khi xem một cuốn phim về khủng bố đánh bom ở vận động trường thì sợ, không dám béng mãn đến.

Dạo còn làm kiến trúc sư, mình cũng sáng tác, vẽ nhà cửa dựa theo các Golden Numbers, kiến trúc La Mã, Hy Lạp, Pháp, Ý,..., tuỳ theo đồ án rồi thiết kế với kỹ thuật ngày nay. Dạo này, nghe lời mấy cuốn sách dạy về luyện trí nhớ nên mình viết lêu bêu, có cảm tưởng là những cụm từ, ý tưởng,..., đều do mình đã đọc đâu đó rồi như con tằm ăn lá rồi nhả tơ. Có người kêu mình viết không đầu không đuôi, mình chỉ hứng viết rồi đặt cái tựa cuối cùng nhiều khi chả ăn dãi gì đến những gì mình viết.

Mình học Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn qua phiên bản dịch của Phan Huy Ích nên không biết bản chính bằng chữ Nôm có khác với bản dịch được dạy ở trường, tương tự sau này đọc Truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm qua bản dịch anh ngữ của bác Huỳnh Sanh Thông. Khi đọc bản dịch thì đã thấy có một sự sáng tác vì một bài thơ hay cuốn truyện đều được đón nhận bởi đọc giả tuỳ theo trình độ hay tinh thần diễn đạt trong cấu trúc tập thể của người Tây Phương hay đông phương. Thêm nữa đọc Truyện Kiều năm đệ tứ khác hẳn khi đọc vào lúc 30 tuổi hay 50..., vì đọc giả am tường hơn, có kinh nghiệm về cuộc đời nhiều hơn khi còn trẻ.

Dạo sang Hoa Kỳ lần đầu, viếng thăm gia đình thầy CBA thì mình được tặng cuốn tập thơ Cát Vàng của cô Vi Khuê. Sau này lại được đọc bản dịch qua tiếng anh của CNA thì đã thấy khác. Một phần vì mình lớn tuổi hơn, một phần có thể dịch giả chuyễn ngữ như đã tìm ra ẩn số trong thơ của người mẹ, kích thích óc sáng tạo rồi chuyễn ngữ theo cung bậc, tư tưởng khác với văn hoá việt nhưng mình nhớ nhất là những bài ca do CTA sáng tác vì anh ta đã nghe được âm thanh khi đọc thơ của mẹ mình mà chính mình cũng cảm nhận những âm thanh tương tự khi đọc thơ của cô Vi Khuê. Có vài nhạc sĩ khác phổ nhạc thơ của Vi Khuê nhưng mình không cảm nhận nhiều lắm dù nhạc lý của họ chuẩn hơn.

Mình có mua sách Tam Quốc Chí, Kim Dung bằng anh ngữ cho thằng con đọc thì thấy Thuỷ Hử qua tiếng Anh khác với tiếng Việt mà mình đã đọc khi còn bé. Gần đây, mình có đọc một vài tập của Kim Dung được dịch ra việt ngữ bởi một tác giả khác với ông nghiện thuốc phiện ở Sàigòn khi xưa mà ông Hoàng Hải Thuỷ có kể trên bờ lốc. Không biết vì lớn tuổi hay vì dịch giả mà mình không có cảm hứng như khi đọc hồi còn ở Việt Nam 45 năm về trước.

Mình thích đọc báo vì có những phê bình của đọc giả, nhiều khi bài viết chỉ là một đề tài để cho các đọc giả bàn luận về đề tài. Mình thích đọc các mẩu phê bình của đọc giả vì họ đan thêm lên bức mosaique nhiều màu sắc mà chắc chắn tác giả không nghĩ đến khi viết. Khi học Đoạn Tuyệt của Tự lực Văn Đoàn năm 11, mình chỉ được nghe những lời giảng của giáo sư Việt Văn, ngoài ra không biết những suy nghĩ khác vì bạn học thì cũng chỉ nhóp nhép lại những gì thầy giáo giải thích. Với internet, ngày nay học sinh có thể am hiểu rõ vì có thể đọc trên mạn những ý kiến khác với thầy giáo của mình. Mấy báo như Wall Street Journal, The Economist hay Quora..., mình hay viết comments vì được những người đọc khác "khai tâm" thêm về quan điểm của mình nên học hỏi rất nhiều.

Trên diễn đàn nhỏ bé của Văn Học Đà Lạt hay Yersin thì ít có người lên tiếng. Không biết các diễn đàn viên, đồng ý hay bất đồng ý kiến với một i meo được tải về diễn đàn hay vì tính cả nể muôn đời của người Việt, ngại làm mất lòng người chuyễn i meo nên chả ai lên tiếng. Diễn đàn Văn Học thì có nhiều người tham gia hơn còn bên đám trường tây thì rất hạn chế đến nổi có vài người cũng gốc Văn Học, chuyễn hộ khẩu qua diễn đàn Văn Học Đà Lạt. Mấy người lo về kỹ thuật của diễn đàn Văn Học, cập nhật hoá các trang nhà rất đẹp, dễ sử dụng. Nhóm Yersin thì có hai ông rễ thường hay tham gia, một ông đã về hưu, chở vợ đi giang hồ ở Việt Nam và ông "Mưu" thì nghe nói cũng kiếm kế gác kiếm từ quan.

Khi đọc thì đọc giả bắt buộc có tính chủ quan vì cảm nhận của họ về bài báo, bài thơ đều dựa trên cảm xúc và trí tuệ của họ cho nên không thể nào giống với mọi người do đó khi tham gia diễn đàn là phải chấp nhận tính cách chủ quan của đọc giả, diễn đàn viên. Thật ra khi đọc một bài văn, tập thơ hay nghe một khúc nhạc, chúng ta đọc chung với thầy cô dạy mình khi xưa, với những người có ảnh hưởng đến tri thức mình như Nguyễn Du, Nguyễn công Trứ, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, ông cố đạo hay ông sư,..., hoặc các tác giả tây phương. Cuộc hành trình đọc một bài thơ, nghe một tấu khúc,.., đều được phủ bởi những lăng kính vay mượn từ các tư tưởng hấp thụ, thu nhận, tiếp thu trên đường đời. Điển hình người cộng sản nhìn sự thăng tiến của cuộc đời qua chủ nghĩa Mác Lê, đạo đức HCM. Người công giáo với Đức tin của họ, 10 điều răn,..., hay Phật tử qua Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế.

Khi đã chấp nhận sự chủ quan của người đọc và phê bình thì phải tôn trọng ý kiến của họ dù đi ngược lại với cách nhìn của mình về một vấn đề nào đó vì đọc giả bơi lội trong vùng sáng tạo vô biên. Khi xem một bức tranh thì cảm xúc của người xem đã sáng tạo một phiên bản riêng cho cá nhân mình vì lẻ đó khi mình đi viếng viện bảo tàng, xem tranh ảnh thì chỉ thích đi một mình vì trong một thoáng không gian và thời gian ngắn ngủi, mình và bức tranh hợp lại thành một bức tranh khác không bất động như bức tranh treo trên tường vì những cảm xúc trong thân tâm mình dao động. Có thể gọi đó là bức tranh bất định. 

Trong khoa học Lưỡng Tử (Quantum Mechanics) thì khi hai hạt nhân được bắn ra cùng một lúc thì biểu đồ khác với hai hạt nhân được bắn không cùng một lúc. Kinh nghiệm đã chứng minh là thiên nhiên theo định luật bất định, chớ không tất định như đã định nghĩa trước đây vì lí do đó mà mình rất dị ứng khi nghe ai nói về chân lý, định luật tất định. Khi xưa đi vẽ thì cũng một cảnh nhưng ánh sáng thay đổi theo từng giây phút nên khi nhìn lại một bức tranh mà mình vẽ khi xưa là nhớ hình ảnh, không gian trong mấy tiếng đồng hồ ngồi vẽ, nhớ đến cái lạnh, cái nóng trong giờ phút đó khác với một anh phó nhòm, chỉ ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ để chụp được một tíc tắc đồng hồ ánh sáng của phong cảnh. Để trả lời HHT, mình chỉ ký khi có người mua yêu cầu còn tranh không bán được thì chả cần ký.

nhs