Đừng hỏi


Hồi nhỏ, mình nghe thầy giáo nói câu :" Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho tổ quốc.” Nghe thấy hay hay nhưng không biết từ đâu, sau này ra hải ngoại mới biết câu này do tổng thống Kennedy phát ngôn trong buổi nhậm chức của ông ta năm 1961, lúc mình mới 5 tuổi.

Có dạo mình đọc ở đâu, là câu nói này xuất phát từ vị hiệu trưởng trường Choate, nơi ông Kennedy theo học hồi nhỏ. Những bạn trẻ yêu trường học của mình đừng bao giờ hỏi ‘Trường ấy làm được gì cho tôi?’ mà nên hỏi ‘Tôi có thể làm được gì cho trường ấy? Sau này nhiều người như mình, dựa theo cái ý đó để kêu gọi vợ nhà: "Đừng hỏi chồng làm được gì cho vợ? Mà nên hỏi Vợ có thể làm được gì cho chồng?"

Hình trên mạng lễ nhậm chức của tổng thống John Kennedy
Bài diễn văn của tổng thống Kennedy đã thúc dục các thanh niên mỹ dạo ấy theo các đoàn quân Peace Corps, tình nguyện đi sang các nước nghèo để giúp đở, một chương trình nhằm quảng bá nước Mỹ trên thế giới tự do. 

Sau khi cuốn sách và phim The Ugly American (người Mỹ xấu xí) được phát hành thì chính phủ Kennedy, bắt các nhà ngoại giao hoa kỳ, trước khi được bổ nhiệm đi các nước phải đọc cuốn sách này và học hỏi về lịch sử của nước sẽ được đi nhậm chức.

Ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country? Từ "country" ở đây muốn nói đến tổ quốc, nhưng tổ quốc là gì? Là một vùng đất, trên đó có một số người sống chung, có cùng một ngôn ngữ, lịch sử chung, một văn hoá hay một kinh tế chung? Nói về ngôn ngữ thì ở Thuỵ Sĩ, Bỉ quốc là nước nhỏ nhưng nói đến 3, 4 thổ ngữ. Cộng đồng Âu châu có nền kinh tế liên quan với nhau nhưng vẫn có tính độc lập riêng.

Trong nền văn hoá thì có những thứ không có tính cách tự nhiên nhưng dần dà trở thành mẫu số chung cho một nhóm đông người, như truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, sinh ra 100 cái trứng, 18 vị vua Hùng lập ra nước Văn Lang, được truyền kể từ đời này sang đời nọ, thêu dệt thêm bớt qua văn chương truyền khẩu như Illiad của Homer,... Sau này bằng văn hoá được chép lại , in ấn với những sách báo rồi ngày nay bằng Google hay văn hoá ảo.

Trong cuốn Imagined Community, ông  Benedict Anderson, người gốc Ái Nhỉ Lan nhưng sinh tại Trung Hoa, cho rằng những nguyên nhân chính đưa đến sự thành lập các cộng đồng tưởng tượng (quốc gia) là để giảm bớt vai trò, đặc quyền của một thiểu số biết chữ Latin, phong trào phế bỏ cái quyền đặc ân của Chúa và chế độ quân chủ, nhất là ấn loát báo chí.

Ông Anderson cho rằng vào thế kỷ 18, khái niệm quốc gia mới được hình thành tại Âu châu trong khi ông Ernest Gellner quan niệm sự bành trướng chủ nghĩa quốc gia liên kết với sự khai mở nền kỹ nghệ ở tây âu, đua nhau đi tìm nguyên liệu ở các lục địa, còn Elie Kedourie cho rằng chủ nghĩa quốc gia khởi đầu bởi cuộc cách mạng ở Pháp, khi người dân nổi dậy, chém đầu ông vua và bà hoàng hậu, tượng trưng cho chế độ quân chủ. Ông Anderson đi xa hơn, cho rằng chủ thuyết quốc gia thật sư được thành hình rõ nhất ở Bắc Mỹ với Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ và các nước Nam Mỹ, dành độc lập từ các mẫu quốc ở Âu Châu.

Các quốc gia âu châu khi xưa đều là vương quốc đến khi cách mạng 1789 ở Pháp, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế thì quan niệm về đất nước , quốc gia mới được bàn tới vì trong nền quân chủ chuyên chế, dân chúng được xem là con dân, nô lệ của nhà vua nhưng khi hoàng đế Napoleon lên ngôi thì có câu nói bất tử "L ' état c'est moi!". 

Tương tự ở Á châu, các nước bị ảnh hưởng bởi văn hoá Khổng Mạnh thì cho rằng vua là con của trời, là người có quyền sinh sát mọi công dân sinh sống trong cộng đồng của ông ta cai quản. Con dân phải phục vụ cho dòng họ của vua tương tự khi dân Pháp khám phá ra 1/5 số thuế thâu của dân được triều đình đem nướng hết vào các tiệc tùng để khoản đãi vua Louis 16, dẫn đến cuộc cách mạng lịch sử.

Khái niệm Tổ quốc, quốc gia được xuất hiện ở Trung Hoa, khi Tôn Dật Tiên đề xướng để truất phế hoàng đế nhà Thanh, bù nhìn dưới sự cai trị của đế quốc Anh. Cũng như ở Việt Nam khi Phan Chu Trinh kêu gọi thành lập một xã hội mới, truất bỏ chế độ quân chủ bù nhìn của nhà Nguyễn. Nước Việt Nam thật sự là một quốc gia sau khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945 để sống cuộc đời công dân Vĩnh Thuỵ. Việt Nam Cộng Hoà được thành lập từ 1954 đến 1975, coi như 2 thập kỷ.

Nhưng người ta hay ngộ nhận cụm từ Quốc Gia và Đất Nước vì tổ quốc là vĩnh cửu trong khi chính phủ chỉ là tạm thời. Việt Nam có thể là vĩnh cửu nhưng chính phủ đệ nhất và đệ nhị cộng hoà hay Việt Nam dân chủ cộng hoà hoặc cộng hoà xã hội chủ nghĩa,... chỉ tạm thời. Người ta hay lầm tưởng chính phủ Ngô Đình Diệm là vĩnh cửu nên ngày nay họ ra sức, bào chửa cho nền đệ nhất cộng hoà. Vì làm như vậy là chưa thoát khỏi đầu óc vua tôi của đạo lý Khổng Mạnh đã nêu ra, vô hình trung họ xem ông Ngô Đình Diệm là một vị vua  trong chế độ quân chủ, thay thế ông vua Bảo Đại.

Sau này, Việt Cộng gian ác hơn gấp bội phần chế độ dưới thời ông Thiệu nên người ta tìm cách chống đở các tệ nạn tham nhũng dưới thời đệ nhị cộng hoà. Người ta quên là chính phủ là do dân bầu ra nhưng nói cho ngay, bầu cử dạo ấy đều gian lận. Ông cụ mình kể đi gíam sát bầu cử, lúc đem thùng phiếu lên xe GMC thì đã có các thùng phiếu khác được thay thế nên người của phe ta đều thắng nhưng ở Sàigòn thì một số nhân vật chống đối ông Thiệu được đắc cử vào quốc hội có lẻ chính phủ mỹ không muốn hậu thuẫn một chế độ độc tài chuyên chính, quá khích nhưng sau khi miền Nam mất thì họ để mặt các tướng độc tài ở Nam Mỹ tha hồ tung hoành.

Có một nhân vật ở Á châu khá quan trọng mà theo mình còn giỏi hơn Lý Quang Diệu, đó là Tưởng Kiến Quốc, con của Tưởng Giới Thạch. Ông ta đã giúp Đài Loan tăng trưởng 13% mỗi năm trong thời gian cầm quyền rồi nhường quyền hành lại cho Lee Chung Hui, tạo dựng một chính quyền dân cử thay vì trao quyền lại cho con như Lý Quang Diệu hay các thể chế độc tài khác.

Chính phủ phải đặt câu hỏi là Nhiệm vụ của chính phủ không phải là hỏi dân chúng đã làm cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho dân chúng?” Mình không thích tập đoàn cai trị dưới thời ông Bush nhưng mình vẫn yêu mến quốc gia Hoa Kỳ, một đất nước đã mở tay đón chào gia đình vợ mình, mình và hàng triệu người tỵ nạn khác, cho họ một cơ hội mới để làm cuộc đời. Hôm trước, thấy người Syria tỵ nạn, các bạn trên diễn đàn Văn Học đã rũ nhau tự gửi tiền cho Google để họ giúp người tỵ nạn, trôi dạt bên bờ Đia Trung Hải, như thể trả ơn các người Mỹ đã cưu mang họ mấy chục năm về trước.

Chính phủ Mỹ có làm nhiều điều sai trên thế giới vì ảnh hưởng của các nhóm tài phiệt nhưng quốc gia Hoa Kỳ, có lý tưởng Dân Chủ rất đẹp. Ai cũng có thể thành công, một ông da đen được bầu tổng thống dù đa số là người da trắng. Một người Ấn độ đi xin việc làm ở xứ họ không được nhưng lại được mấy công ty hàng đầu thế giới giao cho trọng trách lớn.

Mình rất bực mình, mỗi lần gặp cô bạn đồng nghiệp của đồng chí gái. Cô này sang đây năm 75, được Hoa Kỳ vớt rồi một gia đình mỹ bảo trợ sang đây, cả gia đình, học hành, có cuộc sống sung túc nhưng mỗi lần gặp là cô ta bảo mình sao không ở Pháp, vì bên đó đời sống khá hơn bên mỹ,... Mình khuyến khích cô ta sang Pháp mà sống nhưng không thấy cô ta đi, vì sợ không biết tiếng Pháp, hay kiếm được việc làm nhưng lâu lâu lại nhận email chửi bới mỹ. Mình sinh sống ở Mỹ nhưng không bao giờ chửi Pháp vì chính phủ Pháp đã cho mình học bổng, người Pháp đã giúp đỡ mình rất nhiều trong thời gian còn đi học.

Mình chả đóng góp gì cho xứ mỹ nhưng vẫn chịu khó đóng thuế theo bổn phận, tham gia các hội từ thiện như Lions Club để giúp đỡ những kẻ kém may mắn hơn mình như dạo gia đình đồng chí gái bơ vơ mới bước chân lên xứ mỹ đã được dân mỹ giúp đỡ lúc ban đầu. Có lẻ vì vậy mà mình đặt câu hỏi mà tổng thống Kennedy đã hỏi dân Mỹ 59 năm về trước khi nhìn lại quảng đường đời vừa đi qua để tham gia vào các việc làm trong cộng đồng như trường học, Lions club, hướng đạo,...., như cám ơn nhân dân Mỹ đã cưu mang ngươi Việt, chớ không mong gì để Đức cho con.

Dạo này thiên hạ chộn rộn cứ hỏi “bạn đã làm gì cho tổ quốc?” Trong khi các nước khác, cũng bị ảnh hưởng coronavirus đều tìm cách gửi giúp đỡ người dân trong khi Việt Nam kêu gọi dân chúng đóng góp như khi xưa ông hồ kêu vàng người Việt góp vàng để đưa cho tướng Lữ Hán, quay về Trung Quốc để ông ta rảnh tay thâu tóm chính quyền. Chán Mớ Đời 

Nhs

Sau lưng một người đàn bà thất bại là một người đàn ông xúi dại