Đạo đức = Mĩ thuật

Đạo đức = Mĩ thuật

Nhiều khi ngồi tự hỏi; lí do nào một nền văn minh Hy Lạp, mấy ngàn năm trước lớn mạnh với cuộc trường chinh của đại đế Alexander, trong khi nhiều lục địa còn ăn lông ở lổ rồi tàn lụi. Đế quốc La Mã bắt chước Hy Lạp thủa xưa biến thành một đế quốc rộng lớn rồi cũng tàn lụi. Vào thời đại đó, những câu chuyện giữa Plato và Socrates và các triết nhân khác đã bàn đến thẩm mỹ, đạo đức vẫn còn ảnh hưởng đến tư tưởng nhân loại ngày nay.

Những bức tượng của các nhà mỹ thuật Hy Lạp còn tồn tại từ mấy ngàn năm qua là một cái đẹp tuyệt mỹ, cho đến ngày nay khó có nghệ nhân nào có thể làm đẹp hơn. Mình nhớ những giây phút ngồi vẽ Acropolis ở Athens hay đền Hera ở Agrigento ở Sicily,..., những giây phút tuyệt đẹp nhất của cuộc đời mình, khó mà tìm lại được. Chỉ có một mình, ngồi vẽ trong không gian, dung dịch khá thần thoại, nay chỉ toàn là du và khách. Óc mỹ thuật của người Hy Lạp thời đó quả là tuyệt vời nhưng rồi đất nước này đi vào quên lãng của lịch sử, bị nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ, chiếm đóng mấy trăm năm.

Có người giải thích; người Hy Lạp vào lúc thời đại văn minh của họ lên tuyệt đỉnh thì tự xem mình vừa là người vừa là thánh. Trong Thiên Anh Hùng Ca Gilgamesh ở xứ Sumer, được xem là cái nôi của văn minh Tây Phương, Iraq ngày nay, kể chuyện một người phàm Enkidu, biết suy nghĩ phải trái, đã chặn đường vua Gilgamesh, một nhân vật nữa người nữa thần thánh như các nhân vật Hy Lạp, để dạy cho vị vua này đạo làm người.

Gilgamesh tự xưng là thần linh, tự cho mình là hạng vua vô địch, nhưng trên thực tế những tệ đoan xã hội, chính trị thời đó đã tạo nên hiện tượng Gilgamesh, một bạo chúa lạm dụng quyền hành. Ông ta muốn làm bá chủ thế gian nên coi thường sinh mạng người dân, người lính, dẫn đến sự tàn lụi của nền văn minh cổ của xứ Sumer. Hy Lạp mà sau này đế quốc La Mã đã noi theo để tạo nên một đế quốc rộng lớn trong lịch sử nhưng các Caesar khi có quyền hành trong tay, tự cho mình là thần linh, tàn sát những kẻ đối kháng lại nguyện vọng của mình để đưa đến ngày tàn của đế quốc La Mã.

Vào thế kỷ trước, người ta cũng tự tôn sùng lãnh tụ, cha già dân tộc, xây lăng cho Lenin, Stalin để đời đời hậu thế sẽ tung hô họ như những vị thánh để rồi vào cuối thập niên 80, bao nhiêu bức tượng cha già dân tộc, được dựng lên trên các nước thuộc khối Liên Xô đều phải dẹp bỏ, kéo xuống, lấy sắt vụng đem bán hay những hình ảnh của bạo chúa Sadam Hussein, trốn chui dưới hầm trong khi những tượng đài của ông ta được truất đổ.

Cái nguy hiểm của con người khi có quyền sinh sát trong tay, bổng nhiên cảm thấy mình là đấng toàn năng như tên đồ tể Mugabe của xứ Zimbabwe vừa mứoi qua đời. Từ một giải phóng quân, dành lại quyền hành của người da đen trong tay thiểu số da trắng, ông ta hồ hởi, tự cho mình là cha già dân tộc nên cho lính tàn sát trên 10,000 đồng bào của ông ta, ông ta trở thành bạo chúa. Từ một tên mát xít kêu gọi xây dựng thế giới đại đồng, hắn trở thành một tỷ phú vơ vét hết tài nguyên quốc gia về mình và khi chết đám lâu la vẫn ca tụng là một thánh nhân, anh hùng dân tộc.

Trong lịch sử Pháp quốc, Napoleon nướng mấy triệu lính tây trong các cuộc viễn chinh của ông ta nhưng người Pháp vẫn kêu ông ta là anh hùng dân tộc, cho thấy đạo đức con người cần được kiểm chứng lại. Tại sao học sinh cứ bị bắt buộc kêu gào những tên đồ tể là anh hùng dân tộc. Người ta cần tạo nên những thánh nhân để làm ngôi sao bắc đẩu, để dẩn dắt những đàn con cừu.

Ông vua Gilgamesh có hỏi một câu khá điên điên: "làm sao ta được bất tử", tương tự bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng ở phương đông, muốn tìm thuốc trường sinh, rồi khi chết, ra lệnh chôn sống vợ, quan lính, không phải một vài người mà cả ngàn. Vì câu hỏi này sẽ dẫn đến làm thế nào cho chính thể, đường lối cai trị của một ai hay một tập đoàn sẽ ngự trị vĩnh viễn. Tần Thuỷ Hoàng đã chết nhưng lối cai trị của tên bạo chúa vẫn bất tử, vẫn hiện hữu tại Trung Cộng ngày nay. Tưởng tượng một chính thể sai mà toàn dân phải tiếp tục nuôi dưỡng nó đến muôn đời. Khi Enkidu, một nhân vật nữa người nữa vật, đã ngang nhiên chặn đường vua Gilgamesh, để dạy cho vua biết đâu là phải trái, đạo làm người, đã nói lên vua tôi bình đẳng về đạo đức, lý trí từ mấy ngàn năm trước, đúng hơn là từ khởi nguyên của loài người. Ai sinh ra đều bình đẳng, chỉ có đạo đức là không.

Hôm nay, có một cuộc đảo chính vô cùng khoán hậu ở Úc Đại Lợi. Một ông bộ trưởng của nội các của Thủ tướng Abbott từ chức, rồi quay qua đòi quốc hội biểu quyết tín nhiệm thủ tướng. Ông thủ tướng đạt ít phiếu trong khi vị bộ trưởng mới từ chức lại đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất thế là được lên làm thủ tướng, không phải đánh nhau, bắn chết, đổ máu ai. Có nên hỏi đây là đạo đức của chính trị hay là cái đẹp của đạo đức chính trị tuyệt đối, vì trong lịch sử loài người, đa số các cuộc cách mạng, tranh quyền đều phải trả giá bằng máu của đồng loại.

Trong xã hội, nếu người ta tuân theo những quy luật về chính trị, hành chính thì rất dễ có một cuộc sống an bình nhưng đạo đức con người, tham vọng không muốn tuân theo, để làm lợi cho cá nhân mình hay tập thể của mình.

Người ta khám nghiệm cuốn kinh Koran xuất bản trước khi thánh Mohammed ra đời cho nên có lẻ cuốn Koran không phải chính ông thánh này viết. Trong khi đó các nhà truyền giáo Hồi Giáo quá khích lại muốn đưa xã hội á rập về lại thời đại của ông Thánh này ra đời vào kỷ nguyên 600 sau công nguyên. Một thời vàng son nhất của lịch sử họ, trước khi bị đô hộ bởi Tây Phương.  Tương tự khi Đế chế Constantin, nghe lời vợ gia nhập Ki Tô Giáo, đúng hơn là trở về đạo, dời đô từ La Mã về Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay thì tây Âu biến chìm trong thời đại tối tăm "dark age" với Inquisition, tra tấn những ai có tư tưởng không tin vào các ông cố đạo, kinh thánh như chế độ Xô Viết, bỏ các nhà tranh đấu đòi tự do vào các viện tâm thần. Anh không thích chế độ siêu việt tức nhiên anh là một người bị bệnh tâm thân, cần điều trị. Rất đơn giản.

Các nhóm Hồi giáo quá khích, muốn xây dựng một xã hội như thời ông Mohammed, chiếm đóng khắp nơi và có một nền văn minh rất cao, đóng góp vào kho tàng văn học, khoa học của thế giới. Anh không đồng ý với giáo điều của Allah, anh là một kẻ phản bội, đáng tội chết tương tự thời Trung Cổ ở Âu châu anh không theo đạo Thiên Chúa tức nhiên anh là một người bỏ đạo, một đứa con hoang đàng, bị tra tấn đến chết.

May thay thời Phục Hưng đã thay đổi cuộc sống của người dân, giúp dân trí và mĩ thuật, khoa học được tiến nhanh, nhờ những thiên tài của thế kỷ, Leonardo di Vinci, Michelangelo, Boticelli,..., đã đưa Tây phương ra khỏi cỏi u mê, mê tín của giáo hội. Các tôn giáo chính của Tây  phương  đều xuất xứ từ những Quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông, để rồi truyền đi khắp thế giới, có chung một Ý niệm nhưng không đồng ý về đấng cứu thế mà họ mong đợi từ thượng đế sang tới thế gian này, để cứu rỗi loài người, để rồi choảng nhau, chém giết nhau trên 2,000 năm qua. Họ không đồng ý về người được thượng đế phái tới, vì trong mắt họ, cái vẻ đẹp của xã hội mà hình dung cho cộng đồng, nhân loại khác nhau.

Trong "Tractatus Logico- Philosophicus" ông Ludwig Wittgenstein nhận xét: Đạo Đức và Thẩm Mỹ là một. Dạo mình viếng nước Áo thì khám phá ra ông Wittgenstein. Gia đình ông này giàu nhất vương quốc Áo, rồi ông ta bỏ hết gia tài, để sang Anh quốc sinh sống một đời bình thường. Khi đọc Tractatus của ông thấy là lạ nói về Đạo Đức và Mỹ thuật. Theo mình, cuộc đời ông ta như Đức Phật, giàu có hơn, bỏ sự giàu sang, trao lại gia tài cho mấy người em rồi sang Anh Quốc dạy học. Ông ta chỉ có viết một cuốn sách rồi sau này lại tuyên bố cuốn sách ấy có vài vấn đề. Người tây phương rất ngưỡng mộ đức Phật vì ông ta xuất thân là một hoàng tử nhưng từ bỏ tất cả để đi tìm nguyên lý của cuộc đời. Có thể ông Wittgenstein bị ảnh hưởng về cuộc đời của đức Phật, nên từ bỏ sự giàu sang để làm một giáo sư triết tại Luân Đôn? Không biết ông ta có liên hệ hay bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Hermann Hesse vì cùng thời.

Nếu ta xét khái niệm Mỹ thuật, màu sắc của các triều đại, Văn minh như Hy Lạp, La Mã, có màu sắc riêng của nó tương tự ánh sáng của thời Phục Hưng với kỹ thuật chế biến màu sắc, hay đế quốc Anh, Pháp trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ, hay vào thế kỷ 20 như Đức Quốc xã của Hitler, là màu nâu, Liên Xô với màu đỏ hay màu đen của chế độ Phát Xít của Mussolini. Nhớ kỳ vừa rồi về Việt Nam, trong lúc Hà Nội đang chuẩn bị đại hội Đảng nên thấy toàn màu đỏ của máu khô, nhất là ở Đà Lạt khi trời mưa mới hiểu được tâm trạng của Trần Dần khi thấy mưa sa và cờ đỏ. Hitler, Stalin, Mao, Mussolini,..., và những nhà lãnh đạo khác, tự xem họ là Thánh vừa là người tương tự như vua Gilgamesh hay những người lãnh đạo của Hy Lạp và La Mã, muốn được phong thánh, bất tử trong lịch sử.

Nghe Tố Hữu kêu gào :
 “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin… bất diệt”
(Trăm hoa đua nở trên đất Bắc- trang 37)

Cho thấy hình tượng sắc máu của Ý Chí , đạo đức, nói lên cái tâm, đạo đức của con người được diễn đạt qua hành động và tư tưởng của họ. Thử đọc câu thơ của ông, một nhà thơ tình tiền chiến với bài thơ tuổi nhỏ:

Giơ tay muốn ôm cả trái đất.
 Ghì trước trái tim , ghì trước ngực.
Cho đầy trước mắt khoảng cô đơn.
Bao la muôn trời , sâu vạn vực .
Làm sao sống được mà không yêu.
 Không nhớ không thương một kẻ nào ...
 -- Hãy đốt.

Nhưng rồi vài năm sau, ta nghe sự hung hản của Xuân Diệu:

“Anh em ơi! quyết chung lòng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tư thù
Địa hào đối lập ra tro
Lưng chừng, phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi”.
(Trăm hoa đua nở trên đất Bắc- trang 38)

Có người bảo vì hoàn cảnh nên mấy nhà thơ này phải nặn óc làm những câu thơ trên nhưng khi thấy chữ Tâm, được đặt một cách nghiêm chỉnh trên bàn thờ của gia đình nhà thơ Nguyễn Hữu Loan thì mình không chấp nhận sự lý giải kia vì nhà thơ này hay những nhà thơ khác, chấp nhận bị hình phạt, đầy đọa suốt mấy chục năm vì trái tim của họ, căn bản đạo đức không cho phép họ, chấp nhận khi thấy hình ảnh của những người đóng góp cho cách mạng để rồi khi cách mạng thành công, đấu tố những Ân nhân của mình rồi giết hay con dâu, con ruột phải thoá mạ khi bị đấu tố bố mẹ ruột, chồng.

Nghe mình kể về cô em làm cán bộ nhưng liêm chính nên nghèo thì có người nói là dại. Trong xã hội như Việt Nam hiện tại, phải ăn hối lộ nếu không thì thằng khác cũng ăn rồi còn bị trù dập như Nguyễn Công Trứ ngày nào vẫn vỗ ngực kêu "gặp thời thế thế thời phải thế". Mỗi người đều dùng nền móng đạo đức thừa hưởng của gia đình, để làm kim chỉ nam cho đời sống hàng ngày, cho nên không vì cái lợi của mình mà bán linh hồn để được giàu sang hay phú quý. Lí do là nền tảng đạo đức, hình tượng cái đẹp, lối nhìn, lăng kính là kim chỉ nam hướng dẫn mọi người tiến tới trong cuộc sống thường nhật.

Bà cựu thống đốc tiểu bang Alaska, Sarah Palin tuyên bố là nếu có cả trăm ngàn người chết ở Syria thì mặc kệ họ miễn sao là họ chém giết lẫn nhau, không dính dáng chi đến người Mỹ. Bà ta quên là mấy triệu người ở Syria, phải bỏ nhà cửa, quê hương để lánh nạn vì bom đạn sản xuất do các công ty mỹ bán hay cung cấp, tương tự người Việt đã trải qua mấy chục năm về trước. Họ đều là nạn nhân của chính sách chính trị, ngoại giao thực tiễn của Hoa Kỳ. Kỹ nghệ chiến tranh Mỹ mà tổng thống Eisenhower, đã lên tiếng quan ngại vì súng đạn được chế tạo để bán cho nên chiến tranh sẽ phải có liên tục trên thế giới để các công ty này đạt lợi nhuận 25%.

Ông Gustave Flaubert nói: " cái đẹp nằm trong Thiên nhiên, trong nhiều dạng khác nhau. Khi chúng ta khám phá ra cái đẹp, cái đẹp ấy thuộc về nghệ thuật, hay nói đúng hơn nghệ sĩ khám phá ra đẹp". Nếu chấp nhận ý tưởng này thì vô hình trung chấp nhận trên thế gian chỉ có nghệ sĩ mới biết được cái đẹp còn chúng ta, người thường đều đui mù, không hiểu biết chi về cái đẹp? Hay nói cách khác chỉ có các thầy tu, cha cố,.. , mới có đạo đức? Hay con người có mắt nhưng không thấy vì sống trên những thiên đường mù? Chán Mớ Đời

Nhs