Xe nhân dân

Xe nhân dân

Hôm trước kể chuyện ông Tây với chiếc xe 2 CV (2 Cheveaux Vapeurs) làm mình nhớ đến vụ đụng xe với vợ thầy Phạm Kế Viêm trước trường Việt Anh.

Mình tự tập và bắt đầu lái xe của ông cụ năm 15 tuổi. Mỗi sáng, mình có nhiệm vụ, xem dầu nhớt và châm nước hạ nhiệt xe Jeep của ông cụ. Một hôm, chủ nhật, 6:00 sáng, không có xe chạy trên đường Hai BÀ Trưng, mình đề máy xe rồi chạy thử, chỉ dám sang số 1, chạy lên Số 4 rồi vòng đường Ngô Quyền, qua Calmette, Hải Thượng rồi trở lại Hai Bà Trưng vì không biết de xe ra sao nên chạy một vòng. Dần dần mình quen, tập de xe,…

Khi ông cụ khám phá ra mình biết lái xe, giao cho mình nhiệm vụ Người Anh ưu Tú, đưa mấy đứa em đi học trường Hùng Vương. Một hôm chạy về, khi ngang trường Việt Anh, có một chiếc xe con cóc từ trong trường chạy ra, không nhìn đường xá gì cả, nhường xe ngoài đường, húc vào xe mình. Mặt mình xanh như đít nhái, miệng ú ớ còn người lái xe con cóc, cũng tương tự, bỏ xe chạy vào trường, sau đó thì thầy Phạm Kế Viêm đi ra. May thầy biết mình, xe ông cụ mình nên kêu đi đi. Hú vía.

Dạo ấy chưa có bằng lái xe, trước khi đi Tây mới thi bằng lái xe, sang Tây có đổi bằng lái tây nhưng không có xe. Có mướn xe chạy khi đi Hy Lạp. Sau này qua Cali thì ngày hôm sau phải đi mua xe.

Vợ thầy Viêm chạy xe con cóc mà tây hay gọi Coccinelle, mỹ gọi Beetle của hãng Volkswagen, Đức. Nếu mình không lầm thì vợ thầy Hàn cũng chạy xe loại này. Volkswagen theo tiếng Đức có nghĩa là xe Nhân Dân, Volk (nhân dân, dân chúng) Wagen (xe). Chiếc xe con cóc này được vẽ và chế tạo sau thế chiến thứ 1, khi đảng Đức Quốc Xã (Nationalsozialismus) do Hitler lãnh đạo cầm quyền.

Chính phủ Nazi, thành lập một tổ chức Kraft durch Freude (KdF), do chính phủ điều hành, tổ chức các cuộc nghỉ hè cho nhân công, tuyên truyền cho chính phủ. Đi nghỉ hè, không phân biệt giai cấp, tàu hoả, thuyền đều đồng hạng. Ở Pháp, dạo ấy cũng có Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) do các đảng phái thiên tả và cộng sản cầm quyền từ 1936-1938, cũng tổ chức nghỉ hè, cho phép công nhân được nghỉ hè 15 ngày mỗi năm, được lãnh lương và làm việc có 40 tiếng mỗi tuần và những quyền hạn như thành lập công đoàn, đình công, … cho thấy dạo ấy ở Âu Châu, Nga Sô thì xây dựng thiên đàng Cộng Sản còn Âu châu thì xã hội chủ nghĩa. Có dịp mình kể vụ này, liên quan đến lịch sử Việt Nam sau này vì tuy cầm quyền có 2 năm nhưng Mặt Trận Bình Dân đã tạo dựng nhiều điểm mà đến nay vẫn được áp dụng như làm việc không quá 40 tiếng mỗi tuần và được phép thường niên có lương…

Trở lại chính quyền Nazi, cũng có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nhắm vào tinh thần quốc gia hơn là quốc tế, xây dựng thế giới đại đồng như Nga Sô. Chính phủ Nazi xây những xa lộ đầu tiên trên thế giới thường được gọi là Autobahn, xe chạy rất nhanh, chuẩn bị cho cuộc thế chiến thứ 2. Xây xa lộ, cho nhân dân đi chơi thì cần có xe vì xe là hình ảnh tự do tuyệt đối của con người, không lệ thuộc vào xe đò, xe lửa, muốn đi lúc nào thì đi. Do đó chính phủ Nazi mới phát hoạ ra một loại xe nhân dân (Volkswagen), và chiếc xe có hình thù con cóc ra đời, dễ bảo quản, nhẹ nhàng và rẻ.

Dạo ấy công nhân đức làm việc mỗi tuần được 35 Reichsmark, và chiếc xe Con Cóc giá 900 Reichsmark. Năm nay lương tối thiểu của tiểu bang Cali là $11/ giờ hay $440/ tuần, tính ra là có thể mua một chiếc xe với giá $11,314.29 tương đương với 900 Reichsmark. Họ khuyến khích công nhân để dành tiền trong sổ tiết kiệm để mua xe nhân dân. Nếu họ quên một tháng thì phải làm lại từ đầu. Chính quyền tuyên truyền khiến công nhân hồ hởi, toàn dân quyết tâm để dành tiền để được tự do sau này có một số đông bị đẩy vào các trại tập trung, làm việc không công, chết trong các trại tập trung, mất hết tiền tiết kiệm. Tập đoàn Nazi cướp trắng.

Trong khi đó, chính phủ của Hitler, lấy tiền tiết kiệm của nhân dân, tạo dựng bộ máy chiến tranh, chế tạo súng ống, xe tank,…để chuẩn bị cho cuộc tấn công Ba Lan và Pháp,.. cho thấy người dân không nên tin chính phủ, họ nói một đường làm một nẻo. Khi chiến tranh bùng nổ thì thiên hạ chạy loạn quên hết. Hình như sau chiến tranh, nếu ai còn giữ được sổ tiết kiệm thì được chính phủ Tây Đức trả lại tiền còn dân ở vùng Đông Đức, theo chế độ cộng sản thì bù trớt.

Chính phủ Tây Đức tiếp tục cho ra đời các xe con cóc này và được ưa chuộng khắp thế giới nhưng không hiểu sao, sau này thế hệ chủ trương “Làm tình, không chiến tranh” lại thích loại xe này, hình ảnh các cô gái khoả thân bên cạnh hay ngồi trong chiếc xe này,…được đăng khắp nơi nhất là chiếc xe Van cũng hiệu Volkswagen mà các ông mục sư hay chạy đi truyền đạo ở Đàlạt khi xưa. Chắc là do quảng cáo.

Trong khi đó, chính phủ Đông Đức, trong cuộc chạy đua với Tây Đức, cũng cho ra lò một loại xe hơi, hiệu Trappan, cho thấy sự khác biệt giữa hai chế độ dù cùng một ngôn ngữ. Tương tự miền Bắc và miền Nam Việt Nam trước 75. Loại xe Trappan này, nghe kể người Đông Đức không dám dùng xe này để trốn qua Tây Đức vì không an toàn, hay bị hư hỏng. Khi Liên Sô xụp đỗ thì cả trăm chiếc xe Trappan, đậu trước biên giới, khói xăng ra nghẹt trời khiến mấy tên hải quan Đông Đức, ngột thở nên mở cổng cho qua. Nghe kể sau này dân Đông Đức đi nghĩ hè ở các nước Tây Âu, chạy bằng xe này khiến thiên hạ sợ. Loại xe này sử dụng nhiều vật liệu không tự huỷ được nên ngày nay, các chính phủ không biết vứt đi đâu.

Tương tự ở Ý Đại Lợi, chính phủ Phát Xít của Mussolini, cũng xã hội chủ nghĩa nhưng mang tầm quốc gia, thay vì thế giới đại đồng, cũng rao giảng tự do, lái xe. Trước đó chỉ có giới thượng lưu mới có xe hơi còn bần cố nông thì đừng mộng mơ. Chính phủ kêu hãng Fiat, chế tạo xe nhân dân thì họ cho ra đời xe Fiat 500 (do xe này có 500 phân khối). Đàlạt có vài chiếc, nếu mình không lầm thì hãng cưa Xu Tiến ở đường Phan Đình Phùng có một chiếc. Loại xe này nhỏ để có thể len lỏi và đậu xe trong các đường hẻm nhỏ của xứ Ý.

Điểm vui là Liên Sô, trong thời chiến tranh lạnh, chế tạo xe tăng, vệ tinh, phi thuyền nhưng không chế tạo được xe hơi cho nhân dân. Liên Sô muốn hợp tác với Anh Quốc, Pháp để chế tạo xe Lada, mang tên chiếc thuyền nổi tiếng của Nga Sô. Cuối cùng họ hợp tác với Ý Đại Lợi vì dạo ấy 40% dân Ý bầu cho đảng Cộng Sản. Ngày nay không còn bóng dáng xe Lada này nữa.

Hãng Citroen của Pháp, cũng trong phong trào Mặt Trận Bình Dân cho ra đời năm 1938 loại xe 2CV (Deux cheveaux vapeur). Khác với xe Con Cóc của Đức để chạy nhanh, xe 2 ngựa của Citroen để cho nông dân Pháp sử dụng vì dạo ấy nông dân còn khá nhiều, nhẹ trên 2 tạ. Nhưng chưa sản xuất được nhiều thì Nazi chiếm đóng Paris nên đành gác lại đến sau chiến tranh mới cho sản xuất lại. Sau này chính phủ Pháp chế tạo lại để quân đội dùng khi ra trận.

Xe Citroen được bán khắp thế giới, đâu trên 3 triệu chiếc trước khi hãng Citroen ngưng sản xuất mẫu xe này nhưng xe Pháp nổi tiếng nhất và được bán trên 9.5 triệu chiếc là xe Renault 4. Xe này trang bị máy xe ở phía trước và để cốp xe phía sau và người thiết kế nghĩ ra cách hạ mấy cái ghế phía sau để có thể chuyên chở đồ nhiều hơn. Hình như cô Liên, ngày xưa có chạy chiếc xe này.

Trong một cuốn phim có ông cò Louis de Funes, có quảng cáo chiếc xe Citroen kiểu Ladalat, được sản xuất tại Việt Nam. Phim gì có soucoupe volante, đĩa bay, coi ở rạp Ngọc Lan. Ông cò hề này lái chiếc xe Ladalat chạy rượt đuổi người hành tinh nên sau này thấy người Việt chạy xe này được sản xuất tại Việt Nam. Họ nhập cảng máy móc từ pháp còn dàn hay đồ phụ tùng thì được chế tạo tại Việt Nam. Việt Cộng vô thì bù trớt, họ trở lại thời chạy xe bằng than.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, thế giới bị khủng hoảng dầu lửa nên họ tìm cách chế tạo xe rẻ, ít uống xăng. Ở pháp mình nhớ khi sang Tây có loại xe không cần bằng lái gọi là Voiture Sans Permit (VSP), có kiểu KV1, con nít 14 tuổi có quyền lái. Bên Anh thì có luật xe 3 bánh như xe Lambretta thì không cần bằng lái, đóng thuế ít,… cái khổ của xe 3 bánh là hay bị lật còn xe VPS của Tây thì có trung bình 50 người chết mỗi ngày nên họ dẹp luôn.

Nếu so sánh xe cộ được chế tạo sau thế chiến thì được biết xe mỹ trong khoảng thời gian này được gọi là Happy Days như bộ phim truyền hình mà có thời ở bên Tây mình mê xem hàng tuần. Xe hơi có nóc trần được mở, décapotable, to lớn vì xăng rẻ ngược lại ở Âu châu thì khan hiếm nên họ chế tạo xe như Fiat 500, để mui trần bằng vãi để đở tốn tiền, rất giản dị,…

Tại Nhật Bản còn te tua hơn vì sau chiến tranh, họ không có gì cả, vật liệu,… xe hơi như Datsun, Toyota,…như xe hơi con nít, hay bị hư hao,… ngược lại ông Soichiro Honda lại nghĩ đến xe gắn máy vì rẻ, di chuyển dể dàng và ít sử dụng vật liệu,… ở Âu châu thì người ta bỏ xe gắn máy để chạy theo giấc mơ được làm chủ một chiếc xe hơi nên xe gắn máy như Vespa, Ischia, Goebbels,…bị lùi vào lịch sử.

Nói tới xe gắn máy, mình nhớ lần đầu tiên được đi xe gắn máy. Ông cụ mình muốn đi coi đá banh ở sân vận động nên kêu mình đi, ghé qua nhà ông bạn đường Hai Bà Trưng, chỗ trường Thăng Long cũ, mượn chiếc xe gắn máy hiệu Ischia rồi đèo mình phía sau. Lần đầu tiên đi xe, mỏi chân quá mình không biết để đâu, vừa đến đường Cường Để, vừa hạ chân xuống thì nghe rẹt rẹt, cái chân mình chui vào bánh xe, đau quá kêu ông cụ, ông cụ đẩy xe về, băng bó vết thương xong rồi kêu mình ở nhà. Què chân mấy tháng.

Ông Honda chế ra xe gắn máy, dạo ấy bên Nhật người ta hay gọi các tiệm ăn, mì ramen giao tại nhà hay công sở và được giao bằng xe đạp. Ông Honda nghĩ ra cách chế xe gắn máy mà người giao mì, đồ ăn có thể chạy một tay, còn tay kia thì cầm đồ giao hàng thì chắc các tiệm ăn sẽ mua. Do đó ông chế tạo xe gắn máy, rất tiện lợi cho phụ nữ, tay phải để cầm và rồ ga, còn sang số thì chỉ đạp chân thay vì phải bóp ga, sang số bằng tay trái như các xe gắn máy “đàn ông” như Suzuki, Yamaha,….

Như ông ta tiên đoán, xe Honda Cup được ưa chuộng vì dễ lái, có thể là loại xe bán được nhiều nhất trên thế giới, nghe nói đâu trên 85 triệu chiếc trong khi xe con cóc của đức thì bán được 21 triệu chiếc. Đàn ông hay phụ nữ đều dùng được.

Thập niên 70 của thế kỷ 20, người Nhật có chiến dịch viện trợ cho các quốc gia Châu Phi, xe vận tải nhẹ. Cứ mỗi nước họ tặng vài 100 chiếc. Dân châu phi chạy bú xua la mua vì xe chùa đến khi xe bị hỏng thì phải mua đồ phụ tùng giúp người Nhật lấy lại vốn. Nhờ vậy mà ngày nay Phi Châu hay Trung Đông đều sử dụng xe vận tải nhẹ của Nhật để chuyện chở đạn dược, bắn nhau trên xe với súng đại liên được trang bị phía sau xe.

Năm 15 tuổi, có thằng Sữu, khi xưa ở cạnh nhà mình, sau này làm thợ sửa xe ở ty Công Dụng, đánh bài hay chơi sì ke thua nên kêu ông cụ mình bán chiếc xe Bridgstone (BS) màu đỏ. Xe này được tên Sữu này cưa cái ống bô nên khi chạy xe máy nổ ầm ầm. Lâu lâu mình nhét cái lon coca vào thì nghe te te êm lạ kỳ rồi vài tuần sau lên dốc thì bùm, cái lon bay bắn ra phía sau khi lên dốc.

Sau này có ai muốn mua nên ông cụ bán lại rồi mua cho mình chiếc Honda Cup vì bớt cao bồi mà chủ trước độ lại phân khối, không nhớ là bao nhiêu. Thông thường là 50 cc rồi mấy tên thợ độ lại cho mạnh vì Đàlạt có dốc nên cần máy mạnh hơn. Sau này đi Tây thì mấy đứa em chạy rồi đi di tản cũng đem theo rồi mất luôn thì phải.

Xong om