Ngày xưa Fan Thị

Về Đàlạt lần này gặp một cô học chung lớp 11B khi xưa, bao ký ức một thời xa xưa bổng từ đâu chảy về nên ghi lại cả sau này lại quên. Dạo ấy mới sang Văn Học năm 11B, là ma mới, mình thấy cái gì cũng lạ, lối học ghi bài thầy đọc, không có sách, lớp cả trăm mạng, ngồi chật níc như hộp cá mòi Sumaco của Ma rốc. Lâu lâu có DQT thả bom thối nhẹ nhàng, hay có thằng dẫm phải cứt chó, cả đám lấy vở quạt mệt thở.

May có tên Huỳnh Kim Sang, ở xóm trên đường Thi Sách, hồi nhỏ hay chơi bắn bi với nhau, kêu mình ngồi chung. Ngồi cạnh tên này mới khám phá ra cái màn con trai con gái viết thư cho nhau rồi tự nhiên hắn bắt mình làm người đưa thư bất đắt dĩ. Có hai cặp nhờ mình đưa thư mỗi ngày, không hiểu chúng có thì giờ đâu mà viết thư dầy cộm rồi nhờ mình đưa. Một tên học 11 A tên Hiệp, chơi đá banh với mình mỗi chiều ở sân vận động gần bờ hồ và tên kia là HKS, học chung lớp. Chúng thích hai cô 11B mà mình ghét nhất lớp vì hay nói chuyện, ăn quà trong lớp. 1 trong cô này, sau này lấy chồng cũng học 11B năm đó, gần xóm mình nhưng khi gọi điện thoại cô nàng, kêu không nhớ thằng Hiệp, bồ cũ của cô ấy nên mình cũng không tìm gặp.

Nói chung thì mấy cô theo học ban B thì đa số không được xinh lắm, mấy cô ban C học chung với mình sinh ngữ và các giờ sử địa thì có vẻ chảnh hơn. Nói vậy cũng hơi ngoa vì lớp 11 B năm đó theo mình có 2 cô cũng xinh, đó là Vê Tê Tam Thừa và Gái đen. Cô gái đen được đám con trai thích ngắm và chọc nhiều hơn vì đồ phụ tùng, điện nước từ trên xuống đầy đủ cả, mấy cô khác hình như ăn mắm ruốc nhiều nên thân hình cứ như tấm thớt, từ cổ xuống dưới như định đề Euclid, 2 đường thẳng không song song sẽ gặp tại một điểm A, không có chi là đặc biệt. Mình có gặp lại cô này khi về Đà Lạt chuyến vừa qua, cô ta đến bắt tay mình rồi tự giới thiệu tên Kim Anh, khiến mình như bò đội nón, trong lớp khi xưa đâu có cô nào tên Kim Anh. Một anh bạn như hiểu hoàn cảnh, kêu Gái Đen ngày xưa đó, đổi tên rồi. Nhìn mặt không ra mà còn đổi tên là mình ngọng từ đầu cửa.
Dạo ấy mới sang trường việt nên còn lớ ngớ, có lể vì vậy mà đám học sinh đến tuổi, biết ngắm gái, viết thư cho gái hay nhờ mình đưa thư dùm vì mặt mình ngố ngố như cam-bu-chia nên không sợ bị chúng bạn bắt gặp là chúng là tác giả. Dạo đó có Huỳnh Kim Sang học chung với mình và tên Trần Văn Hiệp, 11A. Lý do là chiều, hai tên này với mình đá banh ngoài sân vận động Đà Lạt, với đám Kho Bạc hay học sinh Việt Anh.
Cứ sáng đến trường là thấy hai tên này kè kè tới lén dỡ tập của mình bỏ lá thư vào, kêu đưa cho Thị Đ hay Thị R cho tao. Vào lớp, cận thị nên mình ngồi mấy hàng ghế đầu, cạnh mấy dãy bàn của mấy cô, trước khi thầy vào thì tranh thủ giao thư lại cho hai cô ả. Ra chơi thì hai cô ả lại nhét thư vào tập mình để trao lại cho hai tên kia. Chúng cứ bắt mình là tên đưa thư mà sau 75, mấy người di tản ở Hoa Kỳ cứ gửi thư cho gia đình cho mình nhờ chuyển về Việt Nam vì chưa lập lại đường dây bưu điện.. Cứ thế được vài tháng sau “Mùa Hè Đỏ Lửa” thì hai tên này sinh năm con Dê, bị đôn quân, bỏ cuộc chơi đả thông tư tưởng với con gái, đi lính. Xong om chuyện tình hữu nghị học trò. 50 năm sau mình mới gặp lại Huỳnh Kim Sang tại Houston.
Lớp 11B năm ấy, có đến trên 10% bị đôn quân còn dân nhảy lớp hay khai giấy tờ trục tuổi khá nhiều. Hai cô buồn vài ngày rồi cũng xí xọn nói chuyện ăn hàng như mọi lần. Nói như một nữ thi sĩ vô danh của Đà Lạt “Dưới cầu Ông Đạo, nước vẫn trôi”. Nghe nói HKS có viết thư cho mình nhờ tên B hàng xóm của hắn, trao lại nhưng tên này không có chức năng làm kẻ đưa thư nên quăng thùng rác, hắn có lần gặp và kể cho mình là quên đưa lại, sau tìm không ra. Nghe nói anh chàng này đã qua đời nên không dám ghi tên.

Một hôm HKS tới nhà kêu chiều nay không đá banh, đi đến nhà trọ của Thị R khiến mình run vì sợ mấy cô này chửi. Mình có sao Đào Hoa nhưng ngộ Thiên Không chiếu vào cung Mệnh nên đàn bà con gái ghét mình chi lạ, nay có vợ mà mấy bà quen vợ mình, vẫn tiếp tục đấu tố mình. Hôm trước tổ chức hội ngộ Văn Học, một đám đàn bà hùa theo đồng chí gái đấu tố mình còn hơn toà án nhân dân cải cách ruộng đất. Bao nhiêu căm thù với chồng mấy bà, họ trút lên đầu mình. Chắc mình phải viết bản tuyên ngôn: “Sơn Đen sinh ra đời để bị đàn bà chửi”.

Nhà Thị R trọ ở đường Thủ Khoa Huân, sau lưng căn nhà Nhật ở dốc Duy Tân. Tới nơi thì mình thấy thằng Hiệp đã đứng trước cổng đợi ở đó rồi, HKS thì có Thị R còn mình thì loay hoay, không muốn phá đám hai cặp này nên ra vườn hái mận ăn. Một hồi sau, hai cặp mới bò ra hái mận, Thị Đ hỏi “trong lớp Sơn ghét tụi này lắm phải không?” Tình thật mình gật đầu, rồi cô nàng hỏi thêm :”nay còn ghét nữa không?” Mình đang nhai mận nhà người ta nhưng tình thật vẫn gật đầu. Giờ nghĩ lại đúng là ngu chi mà ngu lạ vì vậy mà ế vợ, từ đó không thấy hai tên này rủ mình đến nhà Thị R nữa, rồi chúng đi lính, đến nay 50 năm qua, không gặp lại. Nghe nói HKS ở Houston, NVT cho mình điện thoại nhưng gọi không ai bắt máy. Cuối cùng thì năm ngoái có gặp lại tại Houston. Bạn bè gặp lại sau 50 năm, quá mừng vì còn sống sót. Hắn may mắn lấy được cô vợ từ Việt Nam rất giỏi, qua Mỹ 20 năm, tậu 5 căn nhà cho thuê. Mình có mấy người bạn lấy vợ từ Việt Nam, rất giỏi. Có sanh họ đồng chí gái về Việt Nam lấy vợ cho con, cô này rất giỏi, chăm chỉ làm ăn rồi bảo lãnh đại gia đình từ Việt Nam sang. 

Có dạo anh chàng Tóc Gió Thôi Bay, có làm bài thơ “Ngày xưa Lượng Thị” kể lại năm 12 tuổi anh ta đã hát “Mộng Dưới Hoa” tặng một cô học chung lớp, rồi cũng đi theo cô nàng về như Phạm Thiên Thư kể qua Ngày Xưa Hoàng Thị. Mình thấy bài thơ của anh chàng hay hơn thơ của Phạm Thiên Thư nhưng quên tuốt, hôm nào mò trên Văn Học xem. Mình có hỏi hai tên, viết thư cho mấy cô, là viết gì ở trong mà ngày nào cũng dầy cộm, dù viết bằng giấy pelure mua ở tiệm sách Khai Trí ở đường Minh Mạng nhưng hai tên này cực kỳ ngoan cố, không khai. Sống để bụng, chết để da. Lâu lâu HKS rủ mình đến nhà NVT, ở Số 6 chơi thì hai tên này xúm lại đọc thơ Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử,… mình chỉ ngồi đực ra, miệng u chầu u chầu, thấy chúng thông thái, thi sĩ, cao siêu cực đỉnh. Mình thấy đám học trường Việt rất ưu Việt, còn mình thì khi xưa học trường Tây để rồi tiếng Tây không thông, tiếng Việt cũng I tờ rít. Chán mớ đời.

Chúng còn kể đêm thứ 2,4, 6 có chương trình Tao Đàn, trên đài phát thanh Sàigòn hay Quân Đội, nghe Hồ Điệp (nghe nói mất tích trên đường vượt biên) ngâm thơ của Đinh Hùng và Quách Đàm. Họ ngâm thơ của Vũ Hoàng Chương tuyệt vời. Mình tò mò, về nhà mở nghe vào lúc ai nấy đi ngủ thì cứ như vịt nghe sấm, cứ è è é é mới hiểu đàn gãi tai trâu là gì. Bù lại mình thích nghe tiếng sáo của ông Tô Kiều Ngân và Nguyễn Đình Nghĩa, sau này mình có gặp lại ông Nghĩa tại Hoa Thịnh Đốn, và mời gia đình này lên biểu diễn cho sinh viên ở Nữu Ước còn mấy lời thơ thì chịu thua. Không hiểu.

Rồi mấy tên này cho mình mượn mấy tập vỡ mà chúng chép mấy bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng, có ép hoa pensée tím vàng nhưng về nhà đọc vài hàng là đầu óc quay cuồng chả hiểu gì hết. Làm thơ đã khó mà khó nhất làm sao độc giả hiểu được tâm sự của mình, gặp mấy tên gốc bần cố nông như mình thì chán mớ đời. Mình thuộc loại ngu lâu dốt sớm nhưng có cái tật hay hỏi thay vì câm nín chịu dốt. Mình hỏi chúng, là con bé nó đi tỉnh về, hoa đồng cỏ nội chút gì bay đi là sao. Một cô gái Đàlạt, đi về Sàigòn, thì làm gì phải mang theo hoa đồng cỏ nội mà bị móc túi. Cái yếm lụa đào là cái gì vì chả bao giờ thấy,…chỉ nhớ bài ca dao: “3 cô đội gạo lên chùa, một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…” nhưng chưa hình dung cái yếm thắm là cái gì. Sau này sang tây, có tây chụp hình Việt Nam, hình như tên Albert Kahn, mới hiểu cái yếm là gì. Đưa hình cho đầm xem, chúng kêu con gái chúng mày quá sexy.

Chúng nhìn mình như bò đội nón rồi lắc đầu, bảo mày học trường tây mà sao dốt thế, phải yêu thì mới hiểu được tâm sự của Nguyễn Bính hay Hàn Mạc Tử. Mình hỏi chúng yêu là gì thì chúng cười ré lên, đập bàn cười lăn bò lốc, cười như Tạ Tốn trong Đồ Long Đao. Một hồi NVT, như thương hại mình, kêu là thích cô nào mà cứ nhớ hoài. Mình nói mình có thích mấy cô hàng xóm nhưng không có nhớ ngày đêm, vậy có phải yêu hay không yêu. Chúng chỉ lắc đầu, nói yêu chỉ có một người thôi. Như ngươi ta chỉ thích ăn phở hay bún bò, không có vụ yêu kiểu buffet bao bụng.

Một hôm chúng ngồi hát bài chi mà cứ kêu:” mỗi năm đến hè lòng man mác buồn..” mình hỏi tại sao nghỉ hè lại buồn, phải vui vì không phải đi học tha hồ ngủ li bì. Hai tên này nhìn mình như bò đội nón rồi kêu khi nào mày biết yêu rồi sẽ hiểu. Sau này lấy vợ, biết yêu mới hiểu tâm sự tác giả bài “Nổi Buồn Hoa Phượng” vì mỗi khi đến hè lòng tôi thấy buồn, vợ con 3 đứa nó muốn đi chơi, tốn tiền tốn bạc người ơi. Tóm lại hai tên này biết để ý đến con gái, biết yêu sớm trong khi mình còn cà lơ phất phơ như con nít đến năm 30 tuổi mới bị tiếng sét ái tình lần đầu, mới hiểu yêu là tốn tiền trả điện thoại viễn liên,…

Mình chỉ nhớ hồi năm học 5 ème, thấy mấy tên trong lớp chạy Honda, chở mấy cô học chung ở trường, thèm chảy nước miếng, tự hỏi sao mấy tên này dạn dễ sợ, dám nói chuyện với con gái rồi còn chở nhau đi chơi, còn mình thì mấy cô hàng xóm hỏi chuyện là mặt cứ đực ra như ngỗng ị. Vài năm sau thì mình thất kinh khi thấy mấy tên chở gái đi chơi, ôm con đứng trước cửa nhà. Trai một con trông thê thảm ra sao.

Học trường tây, môn Việt Văn mình chỉ học Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Cung Oán Ngâm Khúc nên chỉ nhớ man mác: “người đâu gặp gỡ làm chi, 100 năm biết có duyên gì hay không…” nghe tới Nguyễn Bính, Huy Cận,… là mình tịt. Chúng bảo mình phải đọc thơ của những thi sĩ tiền chiến thì mới cảm nhận được tình yêu là gì. Mấy ông thần tình yêu, làm thơ tình yêu này đều ở ngoài bắc, kẻ thù của miền nam là sao?

Hôm sau HKS, ghé lại nhà mình đâu 4-5 giờ kêu đi chơi, mình lấy xe Honda chở hắn dạo vòng vòng phố rồi hắn kêu chạy qua đường Phạm Ngũ Lão rồi chỉ nhà này là nhà con A, nhà kia là con B,…chi đó, học Bùi Thị Xuân, đẹp nức nở nhưng mình chả thấy cô nào cả vì cửa đóng kín mít hết. Rồi chạy đến đường Phan Đình Phùng, hắn lại chỉ nhà này của con C, nhà kia của con D, học Việt Anh, Trí Đức,…. Hoá ra tên này có một collection, bộ sưu tập về mấy cô gái vô hình ở Đàlạt.
Đoạn đường Hai Bà Trưng, mình từng đi qua nhiều lần với cái bớt một thời. Thường là hai đồng tử gặp nhau tại khúc trường Hiếu Học, Thăng Long rồi đi chung một đoạn đường xình lầy đến trường.
Tới giờ học sinh buổi chiều ra về thì hắn kêu mình chạy về đường Hai Bà Trưng, bổng nhiên hắn kêu chậm lại, chậm lại rồi nói nhỏ xem mặt con nhỏ bận áo màu xanh coi đẹp không. Mình thấy phía trước có 1 cô gái, tóc thề, bận áo len màu xanh, tay ôm vở, đi chậm chạp như ông sư phái “Tiểu Thừa” đi khất thực, sợ bùn mưa bắn lên áo quần, mình chạy qua liếc cái xẹt, tim đập đập như trống Tây Sơn, như ăn vụng bị ai bắt gặp, nhìn cô gái rồi kêu Duyệt Duyệt. HKS ngồi sau kêu đẹp há, mình ừ ừ, hắn cho biết cô nàng tên M. Dạo ấy mình bị cận thị nhưng chỉ đeo kính trong lớp cho nên cũng không nhìn rõ lắm.

Cô này nhà ở gần xóm mình, cư xá Địa Dư, nhà cạnh ông Lào nhưng chẳng bao giờ thấy mặt hay để ý, nay nhờ tên HKS mới giác ngộ cách mạng là gần xóm có một người đẹp. Anh cô này tên H thì mình quen, hay đá banh với nhau hồi nhỏ, nơi vạc đất cạnh cư xá Địa Dư, gần trường Nữ Công Gia Chánh, được gia chủ thuê xe ủi đất để làm nhà. Chưa kịp xây nhà thì thương phế binh cắm dùi, xây nhà hết nên cũng hết đá banh với nhau từ dạo ấy.

Nhớ dạo ấy, thiên hạ làm nhà liên tu ti, ngày đêm nghe tiếng búa, cưa,… Dạo ấy, nhớ mấy ông thần thương phế binh hay xuống đường, biểu tình ở Sàigòn, còn Đàlạt thì họ chiếm đất trống làm nhà gỗ nho nhỏ để ở, khúc Hai Bà Trưng rồi khúc đường Cường Để vì dân quê tản cư vào thành phố nên thiếu nhà, họ nhân danh là thương phế binh nên chiếm đất, kêu chính phủ không lo cho những hy sinh của họ. Sau này đọc tài liệu thì mấy ông thần thương phế binh bị Việt Cộng nằm vùng giật dây mấy vụ này.

20 mấy năm sau, mình được Liên Hiệp Quốc mời về Hà Nội, tham dự hội thảo phát triển Việt Nam sau thời kỳ Đổi Mới. Có một cô hội thảo viên, phái đoàn thanh niên cộng sản HCM với bà Phương Thảo, thêm Hà Quang dự, tự xưng là người Đàlạt, ở đường Hai Bà Trưng, cư xá Địa Dư. Mình hỏi có biết cô M, em gái của H thì cô nàng kêu “em đây” làm mình chới với. Mình cố hình dung cái dáng đi nhẹ nhàng, tay ôm tập vở, áo dài trắng thêm cái áo len trên con đường Hai Bà Trưng năm nào. Khi gặp lại HKS năm kia, mình có nhắc đến khiến hắn cười, kêu mày còn nhớ hả.

Mình không biết có phải cô nàng đi theo cộng sản, theo cách mạng nên ngày nay nhan sắc te tua như bài hát của Francis Cabrel mà dân tây chế lại “Je l’aimais bien pourtant aujourd’hui je la trouve si moche , elle a dû faire toute les guerres de la vie pour être si moche”. Do đó mấy lần về Đàlạt, mấy người em có nói về Cái Bớt Một Thời còn ở Đàlạt nhưng mình không dám tìm gặp, sợ gặp cảnh bà phó chủ tịch quốc hội VN. Đồng thời mình cũng già nên sợ đối tượng một thời té xỉu khi gặp lại mình. Chán mớ đời.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Tóm lại trước khi đi lính, HKS đã bàn giao lại cho mình biết chỗ ở của những bông hồng mà hắn đã phát hiện nhưng mình chưa bao giờ thấy mặt ngoại trừ bà phó chủ tịch quốc hội Việt Nam ngày nay. Ngược lại mình để ý mấy cô học Văn Học, học dưới 1 lớp như Cái Bớt Một Thời, Trần Thị Ánh Nguyệt, hay Vê Tê Tam Thừa học chung lớp. Mình có cái bệnh thích Lá Diêu Bông, dù dạo ấy ông Hoàng Cầm chưa làm bài thơ này nên thích Vê Tê Tam Thừa. Cô này hơn mình 2, 3 tuổi gì đó, gặp mỗi ngày trong lớp, bận áo dài trắng, bận áo len màu huyết dụ hay cái màu đen. Đặc biệt là áo dài trắng chít banh, để lộ cái eo trắng nỏn nà ám ảnh mình nhiều đêm. Mặt không đẹp nhưng rất xinh, má đỏ hồng, không biết môi có hồng hay không vì dạo đó không dám nhìn thẳng mấy cô, hay hỏi mượn vở của mình để chép bài rồi sửa lỗi chính tả cho mình nhưng lên năm 12 thì biến mất, chắc qua Việt Anh hay về quê vì cô nàng ở xứ khác đến Đàlạt trọ học, nhà trọ bà con tên Hà, tóc ngắn, học chung lớp ở cái biệt thự ngay cầu Ông Đạo nhìn qua. Lên lớp 12 B thì trong lớp mất đi 2/3 dân số, một số đổi hộ khẩu qua 12A còn số còn lại chạy qua trường Việt Anh, cách đó 100 mét, theo bộ Tam Sư.

Lên 12B thì trong lớp chỉ có độc nhất 1 cô tên Song Kim, rớt năm vừa rồi nên học lại nên mình lò mò kiếm đối tượng ở các lớp khác. Nhờ làm trưởng lớp và tổ chức văn nghệ nấu chè nên mình mới làm quen được Cái Bớt Một Thời. Nay ráng nhớ lại xem “Ngày Xưa Fan Thị” ra sao. Số là HKS đi lính thì mình đi học với tên PAT, nhà trên đường Thi Sách, cạnh nhà Hường, hướng đạo Lâm Viên. Hai thằng đi học trên đường Thi Sách, rồi xuống dốc Hải Thượng nhưng lên lớp 12B thì tên này đổi Hộ Khẩu qua trường Việt Anh. Mình nói hắn là ăn chung mình chớ chạy theo bộ Tam Sư, mà dốt thì vẫn hoàn dốt. Tên này thì nghiên cứu 3 cái chiêu về tâm linh, tử vi tướng số gì đó. Hắn bảo mình viết tên mấy đối tượng để hắn bói chữ ký, cộng trừ nhân chia mấy mẫu tự của tên mình và tên các đối tượng LÁ Diêu Bông. Rốt cuộc đáp án của những phương trình của hắn đều có một đáp số: Không Hợp = Bù = 10. Hắn cứ tính tới tính lui rồi kêu Mậu Binh.

Hắn kêu mày có số Đào Hoa nhưng ngộ Thiên Không nên mê gái thì nhiều nhưng Gái lại không thích mày vì cung Thiên Di của mày nằm chình ình. Chán mớ đời. Thế là mình binh đường đi Du Học thì thấy đúng. Sau này mình đi mút mùa lệ thuỷ đến 20 năm sau phát hiện ra đồng chí gái mới ngừng bước giang hồ, bố trí tư tưởng để làm người chồng Nhân Dân, người Cha ưu tú.

Lên 12B, mình được gắn cho cái chức trưởng lớp như năm 11B, được giao trách nhiệm tổ chức văn nghệ và bán chè. Mình thì thích vụ bán chè, kiếm tiền lời chỉ tiếc là lời thì dùng tổ chức đi picnic ở thác Dâtanla còn vụ văn nghệ thì mình I tờ. Làm văn nghệ nhưng thiếu ca sĩ, trong lớp toàn đực rựa nên mình nhờ Vũ Văn Tùng, nhà ở Hai Bà Trưng, ngay góc cầu Cẩm Đô, đối diện nhà Vy Nhật Tảo ngày xưa. Tên này hơn mình 2, 3 tuổi nên có vẻ hiểu biết nhiều về gái gú. Dám nói chuyện với con gái.

Về Đàlạt hỏi đám trong lớp thì mọi người như bò đội nón, không ai nhớ tên này. Tên này, người gốc bắc kỳ, nhà ở chỗ quán hớt tóc, sát bên mấy thang cấp lên nhà thương, có cái hẻm đi vào. Để tóc dài, hay bận cái áo sơ mi màu da cam, mê HTNH, lớp 11. Hắn được thầy CBA chỉ định làm Phó lớp, còn gọi cái tên Liên Đoàn Phó. Mình thuộc loại nhát gái, nhờ hắn đi mời mấy cô lớp 11 để hát cho hôm văn nghệ, lớp 12A chỉ có chị Hường, nhà ở Dốc Nhà Bò, nhận lời. Nghe nói chị này hát cho đài phát thanh chi đó. Hắn mời được HTNH, Cái Bớt Một Thời,… Gần đây, có người, kêu là em dâu của anh chàng này, ở Sàigòn, đường Lê Văn Sỹ. Mình nhờ hỏi dùm xem hắn còn nhớ đến mình thì chưa thấy hồi âm. Tháng trước về Sàigòn, không có dịp đi tìm.

Hôm văn nghệ, mình mượn xe ông cụ, chở mấy ca sĩ về nhà nên coi như làm quen mấy cô này nên ra chơi hay đi học mà gặp nhau thì có chào hỏi nhau. Năm 12B thì xét lại mình chỉ còn một đối tượng: Cái Bớt Một Thời. Viết hơi dài, thôi để lần sau viết tiếp.
He he he

Nếu không lầm, mình đã phát hiện CBMT trước khi sang Văn Học nhưng không dám chắc. Lý do là mình bị cận thị nặng mấy năm cuối học Lycée nhưng chưa được đeo kính tiệm “Anh Lân” nên nhìn xa xa không rõ. Dạo ấy mình với Minh Tây Lai, nhà trên xóm Thi Sách, tập Thái Cực Đạo tại võ đường ngay Ngã Ba Chùa, do võ sư Nguyễn Bình, từ Sàigòn lên dạy. Ông thầy bị đổi từ Sàigòn lên nhưng không dạy gì cả, đi gái gú, để một ông đai đen của trường Võ Bị dạy, tên Tường thì phải, nhà cạnh tiệm bán xe gắn máy Tân Tiến ở đường Phan đình Phùng. Tiệm Tân Tiến này gốc Bắc kỳ, hay gây lộn với tiệm Công Thành, đối diện gốc Huế. Hai tiệm này tranh dành khách nên hay chửi bới nhau, mình hay đứng lại hóng chuyện họ chửi nhau. Một bên thì ré ré giọng Bắc Kỳ còn một bên thì rà rà giọng Huế. Vui không thể tả. Nghe nói, sau này hai nhà làm sui gia để hoà hợp hoà giải dân tộc đẻ con cháu Tân Công, Tiến Thành.
Gặp lại cái bớt ngày xưa
Trong các võ sinh có anh chàng Dũng Lasan Kỹ Thuật, rất có khiếu về võ, song đấu rất hay, mỗi lần song đấu với anh chàng này, mình bị đá hoài. Anh chàng hình như cùng tuổi, rất dễ thương, nhà đâu ở Phan Đình Phùng, người to con, ít ai dám lộn xộn với hắn. Anh chàng thi lên đai đậu hoài, còn mình cứ đeo đai nâu một chỗ. Mình thì dốt, không có khiếu về võ thuật nhưng lại thích theo học đến ngày nay.

Minh Tây Lai, học Văn Học, hơn mình 2 tuổi, mình vào Văn Học thì hắn đã đi lính hay về Sàigòn đến nay không gặp lại. Một hôm, hai thằng tới võ đường, nhìn ra đường thì thấy một nữ sinh đi chậm chậm, mặt rất xinh. Minh Tây Lai, học Văn Học nên chắc biết cô này, hỏi “Đẹp há”. Mình, cận thị, cố nheo mắt nhìn theo rồi kêu ừ. Đối với mình dạo ấy, cận thị thì xa xa ai cũng như hoa Thiên Lý. Chắc cô M ở xóm Địa Dư cũng nằm trong số này.

Học Văn Học có màn chào cờ sáng thứ 2 mỗi tuần trước khi vào lớp. 1 số nam sinh tránh màn này như Nguyễn Mơ, ở ấp Cô Giang, nay làm du lịch, đưa mấy thằng Tây con Đầm đi phược với xe gắn máy. Về Đàlạt, NVT có gọi điện thoại cho mình nói chuyện nhưng hắn không nhớ mình dù khi xưa hay đá banh với nhau. Hắn và mấy tên khác đứng dưới đường, đợi xong chào cờ là chạy lên cầu thang liền vì ông gác dan đóng cửa cổng là mệt, phải vào văn phòng trình gửi đủ trò, còn thì đa số cố tránh đứng phía sau để thầy CBA không kêu.

Một hôm, mình đứng lớ quớ bị thầy gọi lên trên bục, hô “ nghỉ nghiêm chào cờ”. Mình chới với, chim dế chạy lộn xộn vì bao nhiêu con mắt ở trong sân trường ngó trừng trừng như muốn nuốt sống mình. Bổng mình bắt gặp một cặp mắt đen như hai viên đạn đồng AK, nhìn lại có cái bớt đỏ hồng như mặt trời cách mạng ở mắt phải, tóc để kiểu Beatles khiến mình chới với, quên mất phải hô chào cờ. Vào lớp, hỏi HKS thì mới biết là Fan Thị, nhà ở Dốc Ngã Ba Chùa nhưng phải đợi đến cuối năm học, đi cắm trại ở Hồ Than Thở, mình lấy xe ông cụ đưa về mới có dịp hỏi nhau vài ba câu vô duyên.

Năm 12B, tổ chức văn nghệ, nấu chè bán trong giờ ra chơi, có lời nên hai lớp 12 B, C rũ nhau đi picnic ở thác Datanla với các cô tham dự buổi văn nghệ. Đi picnic nhưng không dám đem theo xe Honda, sợ để trên đường, có người vớt mất nên hôm ấy mình cuốc bộ từ Hai Bà Trưng xuống thác, cũng mấy cây số. Ra đường không đúng giờ hoành đạo, hôm ấy mình bị mấy cô ban C chửi te tua.

Số là đi tới thác, phải xuống rồi leo dốc, leo thang cấp trong rừng, mình đi trước, rồi quay lại thấy mấy cô mang guốc hay dép đang leo lên nên làm bộ ga lăng, đứng kéo tay mấy cô lên. Dạo đó ít ai mang giày Bata, mình doạ đó cũng mang dép đi học hay ra phố, rất chuẩn bần cố nông. Bổng CBMT hiện đến, mình kéo lên rồi đi theo cô nàng nói chuyện trong khi mấy cô ban C, lại tưởng mình đứng lại kéo mấy bà lên như mấy cô đi trước nên đứng chửi đổng. Cái tay kéo CBMT lên, sao thấy êm chi lạ, về nhà mấy ngày sau không dám rữa tay, sợ hoa đồng cỏ nội, chút gì bay đi. He he he.

Thứ 2 vào lớp, mấy cô ban C, xúm lại chửi mình như bị mất gà, kêu không có tinh thần dân chủ tập thể, đầu óc phản động nhưng mình chả để ý, đưa mặt ngu ra đở, cứ nhớ nắm tay người đẹp là hạnh phúc rồi. Lâu lâu ngửi ngửi cánh tay u chầu u chầu thơm hè hay hè. Cũng từ hôm ấy, mình giác ngộ cách mạng là kiếp trước mình có làm điều chi sai với phụ nữ mà kiếp này đàn bà thích chửi mình. Nay trên 6 bó vẫn bị mấy bà chửi mệt thở. Cứ lâu lâu, mụ vợ hỏi anh viết gì mà mấy bà bạn chửi, kêu này nọ. Mấy bà này bị thâm nhập vào văn hóa thức tĩnh nên đọc bờ lốc mình là chửi đổng.

Năm 12B, PAT chạy qua trường Việt Anh nên trong xóm không còn tên nào rũ đi học chung nên mình lò mò đi một mình, lâu lâu gặp tên Vũ Văn Tùng ở góc Cẩm Đô, đi chung đến trường. Cái khổ năm ấy là ty Công Quản Nước Đàlạt được Đức quốc viện trợ ống nước bằng gang đâu độ 9 cm bán kính nên ty này thay ống nước đường Hai Bà Trưng. Họ bắt đầu từ đầu đường Hai Bà Trưng, góc Hải Thượng đến góc Cẩm Đô. Mình có nhận được email của ai, kêu là đường Hai Bà Trưng khi xưa không có số 1 và 3, chỉ bắt đầu với số 5. Cảm ơn chủ nhân căn nhà số 5. Nhà này hình như có cái vườn rau và chỗ sửa xe. Mình kể chuyện đời xưa rồi thiên hạ truyền nhau, rồi họ i-meo, i-miu đính chính thì mình lại sửa lại cho đúng quy trình lịch sử Đàlạt.

Vụ thay ống nước này là do ông cụ mình đảm nhiệm, dưới ông cụ có 4-5 người thợ, mấy người này vừa thay ống nước vừa sửa chửa ống nước bị hư cho cư dân Đàlạt. Đang làm nhưng có nhà ai bị bể ống nước, hay ai muốn có nước máy, đem vào nhà là phải ngưng, để lo sửa chửa ống nước, do đó công trình thay đổi ống nước mới tại đường Hai Bà Trưng kéo dài tương tự ở Sàigòn mấy năm về trước, nhà thầu tàu, họ đào đường rồi ngưng chơi, đưa thêm tiền thì làm tiếp. Công trình đình trệ lại thêm mùa mưa đến nên bùn lầy đầy đường cả năm trời.

Một hôm, đi bộ đến trường, khi đến ngã 3 Cẩm Đô thì thấy CBMT từ Phan Đình Phùng đi lại, hai bên nhìn nhau như ngạc nhiên rồi mình rướng người đi nhanh lên một tí vì đường bùn lầy, sợ bắn bùn vào quần. Vừa chào CBMT xong, sánh vai đi với người đẹp trên đường đầy bùn, chả biết nói năng cái gì thì “phực”. Chiếc dép phải của mình bị xúc quai. Dạo ấy mình hay đi dép da hay Simili gì đó, Madze Chợ Lớn có hai quai, đúng lúc đi với người đẹp thì một quai bị xúc, chắc thấm nước làm tan keo. Hôm ấy mình phải lết đến trường Văn Học, mặt nhăn nhó vì chiếc dép xúc quai nhưng vui mệt thở.

Thế là từ hôm ấy, đi học mình canh cho đúng giờ CBMT đến ngã 3 Cẩm Đô, nếu đi sớm thì tới khúc Cẩm Đô, đi chậm lại, nếu thấy cô nàng băng qua cầu Cẩm Đô thì dừng lại chờ còn nếu thấy cô nàng rẻ đường Hai Bà Trưng trước mình thì mình cố khắc phục đi nhanh lên như giải bài toán lớp 5: hai động tử đi trên con đường Hai Bà Trưng, một động tử đi bộ 3km / giờ, khoảng cách Cẩm Đô và trường Văn Học là 400 mét, động tử Sơn Đen đi sau động tử CBMT, 50 mét hay 100 mét. Hỏi động tử Sơn đen phải đi với vận tốc bao nhiêu để sánh vai động tử CBMT mà không bị bùn bắn lên quần áo trước khi đến trường Văn Học. Mình không nhớ vận tốc bao nhiêu nhưng lúc nào hai động tử cũng gặp nhau tại khúc trường Thăng Long cũ. Bây giờ chả nhớ hai động tử đã nói gì nhau hay chỉ câm mồm nhưng vẫn hạnh phúc trong khi mình nhìn xuống đất, canh chừng mìn Claymore của mấy con chó, khi đến trường Văn Học thì mấy tên đứng chỗ quán Bà Cai, như Nguyễn Mơ, .. la ó om sòm.

Mình không biết CBMT được thông tin ở đâu, kêu mình giỏi toán nên buổi chiều hay bò lại nhà mình nhờ giải toán dùm hay mượn xe Honda mình đi đâu. Mình đoán là từ tên PAT, đã chuyển hộ khẩu học trò ưu tú qua trường Việt Anh, tên PAT này chơi thân với anh của 1 cô bạn thân của CBMT, tên Hải thì phải, nhà ở đường Calmette, người anh học trường Trần Hưng Đạo.

Có hôm, tan trường, mình thấy CBMT đứng ở cổng trường, cô nàng nói nhỏ là sau ăn trưa, ghé nhà cô nàng. Đúng giờ mình chạy lại nhà cô nàng ở dưới chùa Linh Sơn, xe vừa đậu trước nhà, mình thấy CBMT từ trong nhà chạy ra như Tiểu Long Nữ phi thân khi thấy Dưỡng Quá bị chém đứt tay rồi có một ông cụ trong nhà chạy theo la hét cái chi đó, CBMT nhảy lên yên xe, kêu mình chạy đi trong khi ông bố của cô nàng chạy lên mấy thang cấp trước nhà. Xe chạy lên dốc Hàm Nghi nên èo ẹo trong khi ông bố chạy theo gần được khiến mình tá hoả tam tinh. May quá, xe mình dạo ấy được độ lại 90 phân khối nên lúc có trớn một chút thì dọt cái vèo lên Võ Tánh. Kể từ đó, Sơn đen sợ đến ngày nay, hết dám bò lại nhà cô nàng. Dạo gặp lại CBMT, mình có hỏi thì cô nàng kêu ông bố khi xưa “khó lắm”. Chán mớ đời.

Đều đều suốt niên học, đi học hay tan trường nếu gặp nhau thì đi chung một đoạn đường bùn lầy rồi mùa thi tú tài đến, nghỉ học nên không gặp nữa. Đậu tú tài, mình xin đi du học. Cuối năm 74, mình đến trường Văn Học chào các thầy đi Tây, có gặp CBMT, người đẹp Phao Câu để chào. Sang Tây, nghe anh chàng nhạc sĩ Enrico Macias, cũng mất quê hương, hát bài “adieu mon pays” nên lâu lâu cũng nhớ đến “Ngày Xưa Fan Thị” với …
J'ai quitté une amie, je vois encore ses yeux
Ses yeux mouillés de pluie, de la pluie de l'adieu
Je revois son sourire, si près de mon visage..

Nhưng rồi vào học, mê đầm rồi quên tuốt luốt hết, tưởng lấy vợ ngoại quốc. Chán mớ đời.

40 năm sau mình mới gặp lại CBMT. Nay có con gái ở San Jose, cuộc sống có vẻ nhàn hạ. Mình khám phá ra cô nàng rất lanh lợi nên mừng cho đức phu quân của cô nàng. Cái hay nhất là vẫn còn đẹp dù đã có cháu ngoại bằng tuổi con mình. Khi gặp lại, cô nàng có gọi điện thoại cho Người đẹp Phao Câu để mình nói chuyện. Mình kêu hú vía CBMT không như bà phó chủ tịch quốc hội Việt Nam. Chắc cô nàng không theo Cộng Sản nếu không mình sẽ bắt chước Francis Cabrel rên rĩ: ‘je l’ aimais bien pourtant aujourd’hui je la trouve si conne, elle a dû faire toutes les guerres de la vie pour être si moche ‘. Lần về vừa rồi, có gặp cô nàng nhưng ở tiệm ăn, bị kẹp giữa hai ông thầy nên không có dịp nói chuyện với cô nàng nhưng cô nàng vẫn đọc email mình đều.
Đây là đường Hai bà Trưng mà hai động tử gặp nhau đi đến trường 
Đây là khúc Cẩm Đô và Hai Bà Trưng, nơi hai động tử khi xưa hay gặp nhau để đi chung một đoạn đường đến trường với bùn lầy. Không phải hát em tan trường về này nọ, mình đi bên cạnh xong om

Khúc đường Hai Bà Trưng mà năm 12B, mình hay giải bài toán 2 động tử đi trên con đường, ngày nay nhà cửa xây san sát bên nhau, cửa tiệm mở đầy. Nghe nói đường Hai Bà Trưng được xem là khu ăn nhậu của Đàlạt vì quán ăn, quán nhậu mọc lên như nấm chẳng bù lại khi xưa, rất yên tĩnh, thực dân Tây xây các cư xá cho nhân viên, công chức ở như cư xá của viện Pasteur, ty Kiến Thiết, ty Công Chánh, nha Địa Dư, ty Bưu Điện,…
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn