Có lẻ những kỷ niệm khó quên của thời thơ ấu là tiếng rao hàng buổi sáng hay tối của những người bán hàng rong đi ngang xóm hay đường Hai Bà Trưng. Những người này gánh trên vai, cuộc đời và tương lai của một gia đình trong thời gian mà sự thanh bình còn tồn tại trong không gian của Đà Lạt ngày xưa vì sau biến cố Mậu Thân thì mình không còn nghe những tiếng rao hàng vào ban đêm nữa.
Buổi sáng thì nhớ nhất là bà bán bún bò tên chi không nhớ, chỉ biết trong xóm gọi bà Bún Bò. Bà ta quanh năm suốt tháng, ngoại trừ ba ngày tết là đều đi bán, không nghỉ ngày nào dù mưa bảo. Bà ta chuyên bận chiếc áo dài màu nâu, mang guốc, đội chiếc nón lá bài thơ Huế, nếu trời mưa thì có miếng nylon bọc chiếc nón lại, đi từ đường Hai Bà Trưng rồi gánh lên dốc nhà mình sau đó thì tiếp tục đường Thi Sách, đi lên cư xá Kiến Thiết rồi khu xóm nhà của hai anh chàng thợ may Sơn Tánh rồi tiếp tục đường Hai Bà Trưng về phía khu cư xá Bưu điện và trường Đa Nghĩa. Bà Bún Bò, người Huế hay rao "bò đây...." Mình nhớ dáng bà ta gầy gò, ốm yếu mà không hiểu sao lại gánh nổi lên dốc, không bị đỗ nước ra ngoài vì mình nhớ dạo đi xách nước là bị chao ra ngoài.
Vào những ngày mưa thấy bà gánh lên dốc, bận cái áo tơi, hay ghé lại hiên nhà mình để núp mưa, nghỉ. Cái áo tơi làm bằng rơm, người ta kết lại như người bù nhìn, để trên mấy vườn rau mới gieo hạt để tránh chim ăn, khoát lên người để che phía sau lưng chớ phần trước thì vẫn bị ướt. Mình hay thấy các nhà làm vườn ở Đà Lạt hay bận khi trời mưa. Phía trước nhà mình có cái véranda nên các gánh hàng rong, sau khi gánh lên cái dốc từ đường Hai Bà Trưng là ngừng để thở rồi bán cho mấy bà trong xóm.
Những ngày mưa là bà ta bán rất chạy, có lẻ trời lạnh nên bà con trong xóm kêu mua ăn hay vì thương bà ta đội mưa đi bán. Chẳng ai biết bà ta ở đâu sau này không thấy bà ta đi lại xóm mình từ khi mẹ thằng Khánh Ù nấu bún học bán trong xóm và khu chợ nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, chỗ nhà thuốc Tây Lâm Viên.
Hôm trước nói chuyện với một tên rể của Yersin, hắn có đưa ra nhận xét là đặc điểm của các hàng rong là tiếng rao hàng, âm thanh làm thức tỉnh cảm giác, khữu vị của người ta vì dạo ấy chỉ có tiếng rao hàng hay những dụng cụ gây âm thanh như cái trống bõi của ông thợ nhuộm, tiếng lục lạc của ông hớt tóc mà mình đã từng kể,...
Có ông người nam hay đi qua xóm cầm cái lục lạc kêu dao kéo đây. Lâu lâu bà dì mình, thợ may kêu vào để mài dao và mấy cái kéo để cắt vải. Ông ta lấy trong cái túi kaki ra cái đòn để ngồi rồi cục đá to cở cục gạch, lấy cái lon múc nước ngoài cái lu rồi ngồi xuống cái đòn rồi mài tới mài lui. Xong xuôi thì lại cuốn đồ nghề đi lên đường Thi Sách.
Có một ông Bắc kỳ hay gánh nồi phở đi ngang mỗi ngày. Có lần ông cụ mình kêu vào mua hai tô, một cho ông cụ và một chia cho mấy anh em. Ăn hết bún thì lấy cơm nguội bỏ thêm vào để ăn. Ngon chi lạ. Ông này bán phở Bắc nên không có thêm giá, chỉ thấy tô phở của công ty Thiên Nhiên ở Phi Nôm, ông có hai nồi. Một nồi lớn và một nồi được chia làm hai. Một phần để nấu bánh phở và một nồi để nước lèo. Khi hết nước lèo thì ông ta múc từ nồi lớn qua để tránh bị bốt hơi và tốn củi. Ông ta sắt vài lát ớt đỏ thêm cọng rau hún, vài lát hành cuối cùng rắc chút tiêu. Nghe ông bán phở hỏi ông cụ về thịt cầy rồi nói đến thuốc phiện nên mình đoán là ông này mê nàng tiên nâu và có thể bán thịt chó hay phở chó thay vì phở bò. Sau Mậu Thân là mất tích. Chắc vào Bưng hay đã hy sinh vì cách mạng.
Buổi sáng thường có bà người quảng gánh cái thúng xôi đi ngang. Bà ta lấy lá chuối hay lá chi quên tên để gói xôi. Trong cái xững đựng xôi thì có hai phần; phần xôi đậu đen và phần xôi bắp. Mỗi lần mua là bà ta lấy lá chuối non, lấy đôi đũa gắp lấy xôi bỏ lên lá chuối rồi lấy hai ngón tay rắt chút mè, chút muối mè và đường, sau đó gói lại, dùng cái đuôi của cái lá đâm xuyên qua bên kia để giữ cho lá khỏi bị bung ra. Mình mê nhất món này, rẻ thêm có thể kêu bà bán xôi bán cả hai món. Ăn xong phải liếm cái tàu lá chuối cho sạch mấy hạt đường, muối mè. Cực ngon.
Ban đêm thì hay nghe ông tầu gõ hai miếng gỗ để rao mì. Nhà ông ta ở khu Tân sanh, đường Phan Đình Phùng. Dạo ấy đường Hai Bà Trưng, toàn là cư xá công chức, cho nên khôgn tiệm ăn nào cả, do đó mấy người bán hàng rong mới có nơi sinh sốn gì Phan Đình Phùng thì có nhiều chỗ bán mì. Hình như người con trai đi trước gõ lóc cóc còn ông ta đẫy xe mì theo sau. Mình chả bao giờ được ăn món này vì ông tàu hay đi ngang vào buổi chiều thêm ở dưới đường Hai Bà Trưng. Nghe tiếng lóc cóc của thanh gỗ là biết ông ta sắp sửa đi tới. Xe mì nhỏ hơn xe mì vịt tiềm ở Phan Đình Phùng, nhỏ cở xe của ông xắp xắp ở cạnh rạp Ngọc Hiệp. Có hai nồi: nồi nhỏ để trụng mì và nồi nước lèo, chỉ bán mì xá xíu và hoành thánh. Mỗi lần đẫy lên cái dốc là mệt thở. Hai cha con chung nhau đẫy.
Tới mùa hè thường có bà bán bắp luộc đi ngang. Bà ta gánh 2 thùng nước mắm Phan Thiết không, đựng bắp luộc, đậy bởi tấm thớt có quấn vãi và bao nylon để ngăn hơi nóng ra. Bà ta đi vòng đường Hai Bà Trưng.
Ngoài ra còn có bà bán chè, tuỳ đêm đậu đen, chè bắp. Bà này người nam vừa đi vừa gánh vừa rao ai ăn chè không làm mình hay nhớ bài vọng cổ của Út Trà Ôn "em đi bán chè thưng...". Mình nhớ đến những ngày mưa gió lạnh, bà cụ hay mua cật heo về hầm với hột sen, táo tàu ăn ngon không thể tả được.
Nhưng có lẻ mình mê nhất là ông bán cà rem. Ông ta lấy kem của tiệm kem Thuỷ Tinh ở đường Phan Đình Phùng, trước rạp Ngọc Hiệp. Có món kem Éskimo, có bọc sô cô la. Ông ta đeo vai cái thùng thiết, phía trong có foam để giữ hơi lạnh, đội cái mũ phớt vừa đi vừa run cái chuông leng keng. Mỗi lần nghe tiếng leng keng là nước miếng chảy dài như hiện tượng con chó Palov. Trưa nằm mà nghe tiếng chuông lại chạy xuống đường. Đi theo ông ta lên đến trường Đa Nghĩa. Khi có tiền là mua cây kem Eskimo giá 5 đồng còn ít tiền thì chơi kem đậu đỏ giá 2 đồng.
Nói đến rao hàng thì mình nhớ đến xe rác. Mỗi lần xe rác đi ngang nhà để lấy rác thì có một ông đi trước cầm cái chuông tay, lắc keng keng báo hiệu cho dân trong xóm biết là xe rác sắp đến. Nhiều khi đem rác xuống đường trễ phải khiêng thùng rác chạy theo xe rác mệt thở.
Hồi nhỏ có tiếng rao hàng sau Mậu Thân thì ít người gánh đi bán ban đêm vì có lẻ giới nghiêm, nguy hiểm hay bị cảnh sát chận hỏi, tình nghi là nằm vùng. Họ trả tiền thuê chỗ ngồi bán như ở chợ nhỏ ở Phan Đình Phùng hay trước cư xá Địa Dư có vài người bán bắp nướng, chè và trái cây. Người ta bắt đầu có xe gắn máy nên chạy đi mua ở phố như ở góc Cẩm Đô. Nghe kể ngày nay chỉ cần nhất điện thoại là họ đem tới nhà khỏi phải chạy theo tiếng rao hàng, mất đi âm thanh của ẩm thực của một thời đang lớn.
Sắp lên máy bay nên tải lên.
Nhs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét