Biết ai đây không? Câu hỏi này mình thường được nghe rất nhiều lần khi gặp người lạ. Mỗi lần khiến mình đã ngọng lại phải câm luôn. Đây là chị của một tên học chung trường khi xưa, không thân. Người học chung lớp mà 50 năm sau, gặp lại, mình còn đứng như ngỗng ị khi được giới thiệu, đây lại người chưa bao giờ gặp mặt. Có lẻ mình chưa bao giờ gặp mặt chị ta khi xưa tại Đà Lạt. Thêm ông chồng lại kêu khi xưa, gặp ông cụ mình hàng ngày tại toà tỉnh ở đường Yersin, gần kho bạc thế là ngọng câm luôn. Hoá ra vợ chồng con gái đầu của ông bà tiệm vàng Hoàng Ngọc Bửu ở khu Hoà Bình, người làng Kế Môn, học trò của ông BÙi Duy Chước, đường Minh mạng khi xưa.
Chỗ từ đường Tăng Bạt Hổ lên thấy cái hẻm đi luồng vào trong, có tiệm vàng Hoàng Ngọc Bửu, sau đó có tiệm bánh Thanh Nhàn, nơi lấy mức của bà cụ mình khi xưa để bán chợ TếtNếu dân Đà Lạt khi xưa, chắc không ai quên đối diện nhà hàng Mekong, có một passage, một đường luồng phía trong khu Hoà Bình, nối tiếp xuống cầu thang chợ Mới, có tiệm bánh Thanh Nhàn, đầu hẻm là tiệm vàng Hoàng Ngọc Bửu, hình như có bà con với ông bà Tư Bổ, tiệm vàng Huỳnh Ngọc, cạnh tiệm ông bà Võ Quang Tiềm mà cách đây 1 tháng, ông con ở Annecy, Pháp quốc, hỏi mình sao biết tên cúng cơm của mẹ anh ta. Như đa số các tiệm vàng tại Đà Lạt, thuộc dân làng Kế Môn. Nay họ di dân qua Houston rất đông. Mình có kể lý do làng này nổi tiếng về nghề thợ bạc vì ông tổ nghề này ở Làng Kế mÔn được đưa vào triều đình làm việc.
Dân học sinh Yersin khi xưa có con tiệm vàng rất nhiều như Kim Thịnh, Bùi Vàng, Tư Bổ (Huỳnh Ngọc), Hoàng Ngọc Bửu…
Mình đi ăn cưới cô cháu ở Boston, hai vợ chồng này là bạn của vợ chồng bà chị vợ nên gặp người đồng hương Đà Lạt xưa. Mình có nghe chị vợ nói đến cặp vợ chồng ni nhưng nay mới hội kiến người Đà Lạt xưa. Hoàng Ngọc Ánh có email mình một lần nói có bà chị ở Boston, quen với chị vợ mình. Hai vợ chồng, đại diện nhà gái để nói đôi lời với nhà trai. Nghe kể anh chàng mới ghé Boston chơi xem như hụt gặp lại bạn học cũ.
Sau đó ngồi nói chuyện, bổng nhiên anh chồng kêu mi kể chuyện về Đà Lạt đúng y bong, những người nào là anh nhớ hết. Kêu Lai Thái, Xí rổ,… hay thiếu tá Lê Xuân Phong của đại đội 302. Anh ta kể nhớ khi ông Đoàn thăng chức thiếu tá Phong tại toà tỉnh, thấy hắn còn trẻ ghê mà đã lên thiếu tá. Mình nói may là vì anh ta bị quân lệnh, không được thăng chức mấy năm vì có đàn em đánh lộn với quân cảnh và bắn súng vào đám lính gác trường Võ Bị khi ông Thiệu đang ở trong trường khi tổ chức lễ mãn khóa. Nếu mình không lầm thì theo ông Cornett thì anh Phong có đâu 50 huy chương của Việt Nam Cộng Hoà và 5 cái của quân đội Hoa Kỳ. Anh ta không biết Anh Phong đi cải tạo 10 năm rồi vượt biển. Kêu Việt Cộng bắt chắc là giết ngay vì đại đội 302 khi xưa nổi tiếng sát cộng tại Đà Lạt.
Lại kể vào những ngày hấp hối của Đà Lạt, tiểu đoàn 204 đánh chiếm lại Di Linh nhưng cũng thiệt hại khá nhiều, bắt sống được một ông thượng tá của Việt Cộng và chiếc xe Molotova nên kéo lên Đà Lạt, để trước bùng binh vào chợ Đà Lạt, đối diện cà phê Hạnh Tâm, để trấn an người dân thị xã. Dựa theo cuốn sách của ông Al Cornett, cựu cố vấn của đại đội 302, thì dạo ấy quân số của đại đội 302 lên hơn 300 binh sĩ, xem như nhiều hơn cả quân số của một đại đội. Thay vì giải tán bớt cho các đội quân khác thì ông Nguyễn Hợp Đoàn, đề nghị thành lập tiểu đoàn 204, để giữ hết quân số của đại đội. Do đó vẫn giữ được chủ lực đại đội 302 của Đà Lạt xưa.Nhà ga xe lửa Đà Lạt xưa
Đi ăn đám cưới thì gặp anh rể của chú rể là lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ, hiện đang tập luyện đợi bổ đi nơi khác. Anh ta kể là nhóm lính cuối cùng rời Á Phủ Hãn theo lệnh rút lui của ông Biden. Anh ta cho biết xứ này tham nhũng kinh khủng nên ai thờ ma nhà đó, không như người Ukraine tranh đấu vì đất nước họ, đây thì các bộ lạc ăn chia nên tốn của người Mỹ mà chả đưa đến đâu nên họ rút lui. Nay có lẻ sẽ đi Phi Châu vì ở Phi Châu, lính Nga ở đó khá đông. Dạo này cứ nghe nói về Phi châu, cứ đảo chính đủ loại.
Xa quê hương, lâu lâu gặp lại một người đồng hương, kêu biết bố mẹ mình khi xưa thấy ấm lòng.
Lâu lâu mình có nhận email của hàng xóm hỏi thì nhớ, chớ những người không bao giờ gặp khi xưa mà hỏi biết ai đây không là ngọng. Khi xưa, mình không thích xem chương trình đố vui để học.
Nói chung thì sau bao nhiêu năm trở lại thành phố Boston đầy ắp kỷ niệm của một thời dại gái. Xong om
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn