Nụ cười của Mẹ

Hôm qua, trên vườn về thì được tin nhắn cô em, cho biết mới xuống phi trường Hà Nội với bà cụ. Cô em Viber để nói chuyện khi về đến quê. Khi xưa là phủ Quốc Oai, Sơn Tây mà ông Quang Dũng có nói đến qua bài thơ Mắt người Sơn Tây, nay họ cho nhập vào Hà Nội. Bây giờ phải nói quê mình là Hà Nội. Mất đi hình ảnh quê nội của mình từ bé khi nghe kể về quê nội. Chán Mớ Đời 


U châu đẹp quá con ơi ! Bà cụ mình khen căn nhà thờ tổ mới được trùng tu lại. Nhìn nụ cười của mẹ, quên cái mệt đi xa, cảm thấy ấm lòng. Mấy tháng nay, cô em một thân một mình lo xây lại nhà thờ tổ ở quê theo di nguyện của ông cụ. Mấy năm trước, mình về Đà Lạt, ông cụ làm di chúc có ngỏ ý muốn sau này con cháu ráng làm lại nhà thờ tổ. Đời bố, xa quê năm lên 18, bị tù đầy cải tạo 15 năm nên không còn sức để thực hiện.


Trong lần về Việt Nam, đi Sơn Đoòng, mình tranh thủ bay ra Hà Nội vài tiếng, gặp người thầu khoán, người em họ ở quê.



Cô em là truyền nhân của mẹ mình, biết thu xếp, xử lý mọi việc ở quê bên gia đình ông cụ rất hay. Trả lương cho cô em họ bồi dưỡng nhân công, nước nôi. Lâu lâu cô em đột xuất bay ra Hà Nội để xem thợ đang thi công giúp công trình không bị chậm trễ, đúng hẹn.


Cô em không nói với mẹ mình, chỉ muốn làm sự bất ngờ. Sáng ra, kêu đi Hà Nội mà mẹ hay hỏi mình, cho mẹ ra quê một chuyến. Vấn đề là nhà thờ tổ bị mục nát, cần sửa lại, trùng tu. Quê chồng nhưng mẹ mình vẫn lo lắng như quê của mẹ. Xây dựng lại nhà thờ tổ bên chồng, đối với mẹ là một trọng trách. Thật ra thì mấy ông chú họ có gọi điện thoại vào Đà Lạt báo cho mẹ mình nên bà cụ nóng lòng.


Có dịp mình sẽ hỏi mẹ mình, lý do lo cho bên chồng, nhà thờ vì bổn phận của người vợ truyền thống hay vì tình yêu dành cho bố. Khi ông cụ còn ở trong trại cải tạo, bà cụ, một thân một mình về quê, chăm sóc ông bà nội, đưa tiền để trả nợ, lấy đất gia đình về. Nghe kể mấy bà cô ruột kêu đợi con miền Nam ra đây, bà cho một trận. Hóa ra ông cụ mình đã có vợ theo luật tảo hôn trước khi vào nam. Khi xưa, không có tiền, bà nội có mượn hàng xóm mấy thúng thóc, cầm 1 lô đất. Hứa là khi trả lại tiền thì trả lại đất. Hai bà cô của mình nghe tiền, đến nhà lấy của bà nội nên nay xem như mất trắng đất cho hàng xóm. Hàng xóm nghe tin cô em xây nhà nên họ xây trước, nay hết đòi.

Nhà thờ tổ trước khi trùng tu. Trước kia còn te tua hơn nữa vì không có cửa sổ hay cửa để đóng lại.

Năm 1994, mình về Hà Nội lần đầu, có chạy về quê thì thất kinh. Nhà ông bà nội mình không có cửa sổ hay cửa. Chỉ có hai tấm phên, tối đóng lại ngủ. Nhà tranh vách đất mà họ tôn ông bà nội mình lên hàng phú nông để đấu tố. May sao họ giết đủ số nên tha mạng. Ngay con nuôi được đem về nuôi vào năm Ất Dậu, cũng đấu tố ông bà nội mình.


Cuộc đời ông cụ mình tương tự như bài ca “người anh Vĩnh Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nên khi về quê, mình đứng xem hướng, hàng rào mà đêm hôm ấy, du kích bao vây nhà ông bà nội mình để bắt giết ông cụ, lý do là không theo Việt mInh. Ông cụ mình nhảy qua rào, chạy về Hà Nội rồi vào nam. Sau 75, họ vào nam và nhốt ông cụ 15 năm ở trại cải tạo.

……

Đêm nghe bơ vơ, tiếng súng xa đưa lại

Bên trong im hơi, cây nến xiêu mờ cháy

Tôi đang thiu thiu, nghe tiếng chân ai chạy

Xô mạnh cánh cửa lớn, tiếng người ngã ầm xuống.


Qua khe phên thưa, tôi thấy anh giữa nhà

Tay cong sau lưng, quỳ trước dăm người nữa

"Tên lưu manh kia, kêu hết cha mẹ già

Ra mà lấy đầu mi, chết vì chống chúng ta".


Mã tấu chớp loáng, anh rướn lên gục người

Máu bắn xuống dưới và tưới lên mặt tôi

Bên trong lao ra, chị thét lên rụng rời

Ngã chúi, hồn chới với.


Đêm bao âm u, trên vách hiu hiu mờ

Bên thây anh tôi, Mẹ ngất không dậy nữa

Con chơi ngây thơ, xoa tóc cha tung xoà

"Bố ơi, bố dậy bố bố ơi, má con kìa".


Trong balô anh, tôi thấy bao nhiêu quà

Đôi xăng-đan xinh, đôi guốc cao đẹp quá

Hai đôi bông tai anh tính mua cho mẹ

Tôi tìm trong một góc, có tờ giấy mờ chữ.

Run run đôi tay, tôi bóc xem tháng ngày

Thư anh xa xưa định viết cho vợ đấy

Riêng câu sau đây, theo ám tôi suốt ngày

"Mong được thấy đàn bé, sống hạnh phúc lâu dài. 


Đời thanh niên có nhiều ước mơ nhưng ông cụ không may theo bên thua cuộc, bị tù đầy 15 năm. Cô em và mình tính làm lại nhà thì covid xảy ra nên không làm gì được cả. Năm nay thấy nơi nới nên hai anh em xúc tiến thực hiện điều ông cụ muốn trước khi mất.


Khi xưa, mình có gửi tiền cho bà cụ làm lại nhà nhưng đã qua gần 30 năm nên xuống cấp. Đòn mái nhà bị mối ăn. Bà cụ có đóng góp xây cái cổng đình nên sau đó mới xin được đất để cải táng mồ mã ông bà về nghĩa trang của thôn. Mình ra đình, cứ tưởng tượng, nơi ông bà nội bị đem ra đây đấu tố. Về quê, mình nói muốn đi thăm mộ ông bà thì ai nấy lắc đầu, kêu ra ruộng giờ này mệt lắm. Hoá ra họ chôn thân nhân ở trong ruộng của họ. Sau này, bà cụ mua đất dời mộ ông bà về nghĩa trang của làng, để mỗi lần con cháu về quê, có thể thắp nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.


Khi về quê nội lần đầu tiên cũng như ngày nay, mình có cảm xúc rất lạ kỳ như một con chim lạc đàn bay tận trời âu, trời mỹ. Quê nội chỉ được nghe qua lời kể của ông cụ, hay qua những bài thơ về Sông Đuống của Hoàng Cầm, hay thơ của ông Quang Dũng. Quê nội chỉ biết qua văn chương, lời kể của cha. Khi ghé thăm chùa Thầy, nghe lòng mình say say, tự nhủ quê nội tôi đây, quê nội tôi đây. Nhà nay được trùng tu nên chắc mình về thăm nhiều hơn và ở lại lâu hơn, chỉ tội là 5 giờ sáng cái loa phường hét bên tai. Nhớ lần đầu tiên ngủ ở quê. Sáng 5 giờ sáng cái lo phường oang oang gội tên các người trong làng đã chết tại điện biên phủ. Kinh Mình thích không khí ở quê hơn là Đà Lạt, nhất là ngày nay Đà Lạt bị nát tan như tương ớt.


Nay bà cụ về thăm quê chồng, thấy nhà cửa xây xong thì rất mừng. Nói chuyện rất vui, hỏi có mệt không thì nói không. Có nóng không nói không trong khi cô em la làng nóng thấy bà cố. Mẹ cười hoài kêu không mệt. Thấy dễ thương, làm được di nguyện của ông cụ là mẹ mừng.


Thế hệ bà cụ mình còn giữ trách nhiệm lo bên gia đình chồng, nay thì dâu rể gì chả để ý, ngay cúng giỗ hàng năm còn không thèm đến nói chi nhà tổ, nhà thờ tự.


Người Việt mình về mặt tâm linh, thờ cúng ông bà khá quan trọng. Nay ở Hải ngoại, con cháu chả để ý, cứ muốn bán nhà cửa ông bà để chia nhau, xem như xoá cội nguồn, cội rễ và anh em từ bỏ nhau vì tham, đòi nhiều hơn. 


Ông Lý Thừa Vãn, tổng thống Nam Hàn, hậu duệ của họ Lý Công Uẩn, sợ Trần Thủ Độ chu di tam tộc, chạy đến xứ Cao Ly rồi cũng trở về thăm quê cha đất tổ. Nếu bán đi, sau này con cháu tìm về thì sao. Người Mỹ mình quen, hay đi về Ái Nhỉ Lan để xem cái làng của ông tổ họ khi xưa, người Ý Đại Lợi cũng vậy. Nhớ có lần mình ghé một làng nhỏ ở Ý Đại Lợi mang tên Pretare, gần Roma, thấy người Mỹ gốc Ý gửi con cháu về đây vào mùa hè.


Mình có xem một phim mỹ kể một anh thanh niên, theo di nguyện, cũng như tò mò về xứ Ukraine đi tìm cái làng của ông nội mình, mới khám phá ra cuộc giết người tập thể, hiểu về lịch sử của dòng họ. Có lẻ còn trẻ chúng ta không nghĩ đến những các thế hệ sau sẽ trách móc chúng ta, chỉ vì tham chút tiền chia chát với nhau mà huỷ đi di sản văn hoá của gia đình. Chưa nói đến anh em xào xáo nhau vì chút tiền bán nhà thờ tự.


Nhà được trùng tu lại, làm một tầng, đủ cho mình về ở. Xong om

Cô em cho biết là có mời họ hàng chiều sang chơi, đặt mấy mâm để mời họ hàng ăn uống cho bà cụ vui.

Làng mình có phong tục lạ lắm. Chả biết ngày lễ gì hay lâu lâu hứng lên muốn ăn nhậu là họ hàng gọi bà cụ mình để báo tin rồi họ làm heo ăn uống, kêu bà cụ trả tiền. Nay cô em quản lý tài chánh, kêu không nên họ hàng hết gọi vào kêu gửi tiền để họ làm cổ ăn chi đó. Chán Mớ Đời 


Mấy ông chú họ hỏi mình có sợ vợ không. Mình nói có chớ, ai trên đời mà không sợ vợ không sợ vợ thì sợ ai. Mấy ông chú cho biết làng mình nổi tiếng vùng Sơn Tây là làng Sợ VỢ. Hoá ra cơ bản sợ vợ của mình là từ làng này. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tìm lại nhau khi về già


Hôm trước, đi chơi ở công viên quốc gia Yosemite, ngồi nói chuyện với mấy người bạn. Một chị mới phát hiện con tim đã vui trở lại, cho biết là tỷ lệ ly dị ở Hoa Kỳ là 53%, cuộc đời chúng ta phải sống với hai cuộc tình. Nữa đời trước một cuộc tình và cuối đời thêm một mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi. Kêu vợ chồng mình may mắn vẫn bên nhau sau bao nhiêu năm khói lửa, nội chiến từng ngày với kẻ nội thù. Một cuộc tình đã ngáp ngáp nay đòi hai cuộc tình thì chết sớm.


Trước khi mình lên xe bông về nhà vợ thì mấy người bạn học cũ đã lập gia đình trước, có chỉ giáo mình về cuộc sống chung với người tình 100 năm mà mình đã kể cuộc họp mặt dân Đà Lạt ở cà phê Lú. Sau đó bị vợ họ cho ngủ ga ra. Mấy người bạn cho biết, hai người từ hai gia đình, khác nhau về gia phong, tập quán nên cần thời gian để hoà hợp hoà giải vợ chồng. Tình yêu khác với chung sống với nhau.

Điển hình, đi vệ sinh, đàn ông sợ bắn nước tiểu lên cái nắp, nên dỡ cái nắp lên, vài phút sau là nghe mụ vợ la hét, kêu sao không đậy cái nắp lại. Người vợ có thể đi vệ sinh xong, kéo cái nắp lên cho chồng hay ngược lại người chồng có thể làm tương tự để khỏi làm bực mình kẻ nội thù. Chỉ có những việc nhỏ nhặt như vậy mà nếu không nghe theo lời của lãnh đạo thì lâu ngày sẽ song ca bài Capri, c’est fini rồi sugar you you go, sugar me me go.


Mình là nông dân, nên suy nghĩ của mình rất thuần nông. Đi Thổ Nhĩ Kỳ, mình có mua một bức tranh thêu tay rất đẹp, nghệ nhân bỏ đến 2 năm trời để hoàn tất mà người hồi giáo hay treo trong nhà của họ để nhắc nhở gia chủ luôn luôn làm cho cây hạnh phúc gia đình tươi tốt.


Cây hạnh phúc được tưới nước, bón phân lên cao nhưng cần được tỉa cành vì nếu không mấy nhánh cây chết (tật xấu) sẽ che ánh mặt trời, khiến các nhánh cây tốt (tính tốt) không phát triển được và một ngày nào đó hạnh phúc lứa đôi sẽ chết như cụm hoa thạch thảo.


 Đậy nắp bàn cầu lại sau khi đi tiểu, không có gì là khó khăn nên mình làm cho vợ vui nhất là tránh được những cuộc đối chọi mất thời gian và nước miếng vì thắng hay thua cũng chả đến đâu. Có nhiều cái vớ vẩn có thể đưa đến cuộc tình tàn phai như mùa thu lá bay, hôm nào rảnh mình kể thêm về vụ này vui hơn. 


Khi mấy đứa con đi học xa thì bổng nhiên hai vợ chồng cảm thấy hụt hẫng vì sau giờ làm việc, bao nhiêu thời gian dành cho con cái. Chở đi học, đi bơi, đi học đàn, đi học việt ngữ, đi hướng đạo, nấu cơm, giặt áo quần, đi nghỉ hè nay bổng nhiên vợ chồng trong căn nhà vắng 2 đứa con, thất nghiệp làm cha làm mẹ nên ngọng. Nhìn kẻ nội thù hai mùa thu hẹn.


Có anh bạn kể cô vợ bị đột quỵ khi đến thăm nhà bạn. Anh ta kêu may chớ ở nhà thì không ai biết vì vợ ở trên lầu, chồng dưới nhà để tránh đối chọi nên bị đột quỵ ở nhà là ngọng. Cho nên dù có căm thù kẻ nội thù vẫn phải bám trụ ở cùng phòng để lỡ có chuyện gì thì ngáp ngáp được, gọi xe cứu thương.


Đi nghỉ hè với gia đình rất quan trọng để tạo những kỷ niệm đẹp với con cái và vợ chồng. Mình nhận thấy nhiều cặp quen, lo làm tiền, không bao giờ đi nghỉ hè, về sau đều bỏ nhau. Cuối tuần vợ đi làm vì được trả lương cao hơn, ông chồng ở nhà chăm sóc con thế là một ngày mưa nắng thất thường, bắt chước Christophe hát Non Je ne t’aime plus, ne fais pas la guerre.


Mình trong tuần đi tập võ, mụ vợ đi tập Zumba, cuối tuần hai đứa con đi hướng đạo thì hai vợ chồng bò vào LA Fitness, mình bơi trong khi mụ vợ tập chi đó. 2 tiếng sau thì đi đón con.

Trước covid mình có đi xem festival phim Việt Nam. Có một phim khiến mình cảm thấy như trường hợp của mình. Phim này đoạt giải năm đó, quay tại trường khiêu vũ trên LA, nơi mà hồi đầu năm có 1 ông thần, đem súng đến bắn một đám đang múa đôi rồi tự cho một viên đạn vào đầu trong nhạc điệu Adieu sois heureuse.


Phim nói đến một cặp vợ chồng quen nhau ở Việt Nam khi đi bal ở Chợ Lớn rồi 75 đến. Ông chồng vượt biên rồi viết thư về Việt Nam muốn bảo lãnh bà bồ sang. Khi đoàn tụ thì lấy nhau, sinh con đẻ cái. Khi con cái đi xa thì cảm thấy hụt hẫng. Bà vợ kể bị lạc lõng vì đã xong bổn phận, muốn tìm lại dư âm ngày nào thì dạo ấy, có phong trào khiêu vũ nên hai vợ chồng đi nhảy đầm lại. Bà vợ kể là trong vòng tay của ông chồng khi múa kép thì cảm nhận lại như Edith Piaf la Vie en Rose, những cảm xúc, hình ảnh, hơi ấm của ngày xưa khi mới quen nhau, đi bal. Từ đó họ đi học thêm nhảy đầm để tìm lại nhau. Không biết sau vụ ông tàu hay việt, bị bà bồ xù, bắn chết mấy người ở trường khiêu vũ trên LA, có sống sót hay không. Lạ trên 6 bó mà còn ghen tương. Kinh. Lâu lâu đồng chí gái cũng rủ đi múa đôi, vấn đề là nay mình phải dang hai tay nối vòng tay lớn mới ôm nổi mụ vợ. Chán Mớ Đời 


Cuốn phim khiến mình suy nghĩ, làm sao sống hết cuộc đời với kẻ nội thù nhất là khi về hưu. Mình quan sát người thân, bạn bè thì thấy bà vợ ở nhà trong khi ông chồng đi leo núi, bà thích đi chơi thì ông chồng thích ở nhà, ông chồng thích hát hò thì bà vợ lại ở nhà, kêu không có tui…

Cái tôi khiến vợ chồng xa lần xa lần khi về già rồi buồn đời một ngày nào đó em xa anh, hát je suis parti. Chán Mớ Đời 


Ngoài ra, nhiều người, chồng hay vợ có vấn đề sức khoẻ nên không đi đâu hay làm những gì họ mong muốn ở tuổi đời hoàng hôn được. Có chị bạn than với đồng chí gái là chắc tao chết trước bà già tao với ông chồng quá. Chị ta bị xì-trét vì phải chăm sóc người mẹ trả nhớ về không thêm ông chồng bị tai biến. Chăm sóc người già rất châm vì đang đêm bố mẹ già thức giấc là mình mất ngủ, thêm ông chồng nữa thì chỉ có thánh mới không bị xì trét, thiếu ngủ. 


Khi mẹ vợ còn sống, mình thay vợ để canh bà cụ ban đêm khi người giúp việc nghỉ cuối tuần. Đang đêm bà cụ đánh thức mình dậy, kêu sao ngủ nhiều vậy. Sáng ra là dập dờn.


Có chị mới gặp ông chồng hôm đám cưới con thì lần sau gặp lại, ông chồng ngồi xe lăn,… có chị vừa đi làm vừa lo cho ông chồng bị ung thư nên bị xì trét lắm nên cần thoát ly không gian thường nhật dù ngắn ngủi.


Đồng chí gái có cái tâm rất tốt, hay tổ chức đi dã ngoại cuối tuần, hay đi chơi xa với mấy chị bạn bị xì trét, giúp họ thoát khỏi dung dịch của trách nhiệm, của tình yêu. Hay đi hát trong mấy viện dưỡng lão, giúp những người Việt cao tuổi có chút gì để nhớ.


Mình tếu khi đi chơi với mấy chị bạn của đồng chí gái nhưng rất vui được đồng hành với mụ vợ. Mấy bà bị xì trét nên phải chụp hình để giảm bớt cường độ của lo âu. Sau những bức hình là những người bị xì trét về gia đình, công ăn việc làm,..không nên đấu tố họ.


Trong cuộc đời, mình gặp nhiều người, họ nói mình điều gì hay kêu mình làm gì rồi sau đó họ biến mất nhưng đã thay đổi cuộc đời mình. Điển hình khi mình đi chơi ở Pháp , leo núi ở Grenoble với gia đình và một gia đình pháp đã cưu mang mình khi sinh sống tại Pháp. Lúc đó chân mình có vấn đề nên đi đứng khó khăn. Về Hoa Kỳ thì có một anh bạn quen ở hướng đạo, rủ mình đi tập Hồng Gia khiến sức khoẻ, chân tay mạnh lại trong khi anh ta dẫn mình đến tập, rồi mất tích. Từ đó mình lại gặp Khoa, đã dẫn dắt mình từ 14 năm qua trên con đường tìm lại bản thân, quên bản ngã. Hôm qua, mới tìm được một võ đường cho mượn sử dụng để tập vào buổi sáng tại Bolsa từ 5:30 sáng đến 7:00 Sáng. Ai muốn tập thì liên lạc với mình.

Có tên Mỹ rủ mình leo núi Whitney rồi xù mình, không đi nhưng nhờ vậy mà mình bắt đầu leo núi từ đó. Rồi mụ vợ thích chụp hình nên rủ bạn bè đi chung. Cuối tuần vợ mình đi leo núi dã ngoại với bạn bè còn mình thì làm vườn. Thật sự làm vườn cũng châm lắm. Nội cưa mấy cây với cái cưa máy nặng 15 cân là oải. Vác mấy bao tải đựng bơ nặng 100 cân anh là cũng gãy vai.


Nay gần 7 bó, mình đọc tài liệu về sức khoẻ thì họ cho biết cách hay nhất là đi bộ mỗi ngày để giúp sức khoẻ mình tốt. Lên Yellowstone, Yosemite mình gặp nhiều cặp vợ chồng Mỹ leo lên đỉnh dù họ trên 70, có thể trẻ hơn mình vì người Mỹ trông già hơn á đông. Lên núi giúp máu trong người mình được bơm đều, hít không khí trong lành.


Mình may mắn là mụ vợ cũng thích leo núi, dã ngoại chỉ có vấn đề là mụ chưa nghe mình về vụ giảm cân. Mình giảm 20 cân nên bụng thon còn mụ thì Chán Mớ Đời. Đồng chí gái luôn luôn lãnh đạo nên không nghe mình. Mấy bà nghe mình thì đều kêu xuống cân hết. Thậm chí mấy tên Mỹ nghe xuống 40 cân anh. Vợ chúng cảm ơn mình rối rít.

Chúng ta có chọn lựa khi về hưu; đi chơi tập thể dục để quên ngày tháng hay ngồi nhà, nhậu nhẹt. Nên nhớ là bệnh tòng khẩu nhập. Vợ chồng nên chìu nhau trong các sinh hoạt để đi tiếp đoạn đường cuối đời vì có thể một mai, không ai nhận ra ai. Tự nhiên ông ai thế? Tôi chào ông. Vợ tôi trí nhớ về mênh mông rồi. Ông có gặp thằng chồng tôi, hao hao tôi nhớ dáng người như ông là bỏ mạng. Đồng chí gái thích hát hò, mình thì ngủ sớm để dậy vào lúc 4 giờ sáng để tập võ, cũng lết tới nhà thân hữu để vợ hát trong khi mình thì sau 9 giờ tối là chỉ muốn ngủ, ngồi ghế salon ngủ đến khi vợ đánh thức, kêu về. Mỗi người nhường nhịn một tí thì châu về hiệp phố. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Hoa gì Kỳ lạ?

Hôm nay, lễ độc lập của Hoa Kỳ, cũng là ngày kỷ niệm mình lên xe bông mấy chục năm về trước. Sáng đi ăn phở với vợ con xong thì vợ đi họp mặt bạn học cũ Trưng Vương tới khuya mới về. Mình ở nhà mò mò trên mạng tin tức thì thất kinh.


Thiên hạ bỏ hình ái nữ của Tập Sến sáng, Tập Minh Trạch du học tại xứ tư bản dẫy chết. Hình như khi xưa ông ta có sang Hoa Kỳ ở nhà người Mỹ vài tháng trong vụ trao đổi học sinh ngoại quốc. Mình hay làm vụ này khi xưa, con mình chạy qua Đức quốc, Nhật Bản ở nhà thiên hạ trong mùa hè rồi con họ chạy qua nhà mình ở lại.

Ái nữ của ông Tập Cập Bình, du học tại Hoa Kỳ . Nghe nói ở Trung Cộng, cuối năm thí sinh thi vào đại học rất khó như thể khi xưa, thế hệ mình rớt là đi lính.

Thế này là thế nào? Tại sao giáo dục Trung Cộng là ưu việt, ngay ông đầu não của Trung Cộng lại gửi con sang xứ Cờ Hoa để học. Nghe nói học Harvard.


Nhớ khi xưa, ở Pháp mình nghe nói con gái của Staline lại chạy sang Mỹ định cư vào năm 1982. Lâu lâu lại thấy báo chí lên tiếng về bà. Mình đã ngu lại càng ngu bền vững. Mình đoán là chắc ông bố chết nên sợ bị thủ tiêu nên chạy qua Mỹ. Mấy ông mỹ này cũng lạ, con của kẻ thù mà vẫn đón tiếp nồng hậu. Như ông nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, nổi tiếng, được Hoa Kỳ cho tá túc đến khi Liên Xô sụp đỗ thì về lại xứ ông ta. Đặc biệt ông này cứ chửi Mỹ khi còn sinh sống tại xứ Hoa Kỳ nhưng vẫn được tiếp đãi nồng nàn. Người Mỹ vẫn chửi nước Mỹ như điên. Có chị quen, cứ khen bên tây, chửi Mỹ, không dám hỏi sao không sang tây mà ở.

Con gái của nhà độc tài Staline. Bà này nhiều chồng, sau này mê một ông cộng sản ấn độ nhưng đảng không cho lấy nên xin tỵ nạn ở toà đại sứ Hoa Kỳ ở Ấn Độ.

Lại nghe nói con gái của ông Fidel Castro, Alina Fernández qua Hoa Kỳ định cư dù cha mình hăm doạ đánh cho mỹ cút, làm gác dan với Việt Nam cho nhân loại ngủ. Được cái là cô này không dám ở Florida, nơi cộng đồng người tỵ nạn Cuba khá đông.

Con gái của Fidel Castro định cư tại Hoa Kỳ. Bà này lại chống cộng, dùng giấy tờ giả để chạy qua Tây Ban Nha rồi qua Hoa Kỳ sinh sống. Bà có viết cuốn hồi ký thì bị bà dì hay cô kiện tụng Chán Mớ Đời  

Nghe nói các ông lớn ở Việt Nam, có tài sản ở Hoa Kỳ, có người đứng tên hộ để khỏi bị lộ.


Ngày nay, khắp thế giới đều nói Hoa Kỳ, không còn vĩ đại như xưa nữa. Ông Trump ra tranh cử với khẩu hiệu làm Hoa Kỳ trở lại vĩ đại. Xưa là khi nào, phải có cột mốc. Xứ này chưa tới 300 năm nên lịch sử rất ngắn ngủi.


Điều gì làm cho Hoa Kỳ vĩ đại nhứt trên thế giới?


Ngày nay, người ta cho biết người tù ở Hoa Kỳ đông nhất thế giới. Đa số là dính dáng đến sì ke ma tuý. Đi thi Olympic, học sinh mỹ thua xa mấy anh ba tàu, Ấn Độ,…về toán, khoa học,…


Mỗi năm Trung Cộng sản xuất 3.5 triệu cử nhân, tiến sĩ. Ấn Độ có đến 3.5 triệu kỹ sư ra trường hàng năm. So sánh thống kê thì Hoa Kỳ thua xa Trung Cộng và Ấn Độ. Vấn đề là Hoa Kỳ vẫn có nhiều người đoạt giải Nobel về khoa học, văn chương hàng năm. Xem trên mạng thì Hoa Kỳ có đến 406 người Mỹ đoạt giải Nobel, so với Nhật Bản 32, Trung Cộng 8. Việt Nam có 1 là ông Lê Đức Thọ về Nobel hoà bình với ông Kissinger rồi 2 năm sau, khi Hoa Kỳ rút quân thì xâm chiếm Việt Nam Cộng Hoà đến nay.


Có ông giáo sư Ý Đại Lợi, đoạt giải Nobel với một giáo sư khác ở Hoa Kỳ. Chính phủ Ý Đại Lợi kêu gọi ông ta về, cho nhà cho cửa, lương cao,…nhưng ông ta từ chối khiến người Ý tức giận khiến ông ta phải giải thích là ở Ý Đại Lợi, với tinh thần cổ điển của xứ này thì ông ta sẽ không làm được gì dù có lương cao. Lý do đó ông ta dọn qua Hoa Kỳ làm giáo sư đại học vừa nghiên cứu khoa học. Ông cho biết môi trường làm việc tại đại học của Hoa Kỳ là ước mơ của tất cả mọi người thích nghiên cứu khoa học.

Nếu ở Trung Cộng là họ làm cáp treo cho du khách viếng thăm chụp hình, còn xứ này thì để như vậy, bảo vệ môi trường.

Có chị bạn gốc tàu cho biết là khi đến sinh sống tại Hoa Kỳ, chị ta thấy xứ này rộng lớn mà không tàn phá man rợ như ở Trung Cộng. Đất đai còn nhiều và được bảo vệ môi trường trong khi ở xứ chị ta thì đất bị sa mạc hoá một cách kinh khủng với sự phát triển quá nhanh để đánh đổi sự tàn phá môi trường mà có lẻ sẽ không bao giờ cải tổ được. 


Chị ta cho biết dùng WeChat gửi tấm ảnh mà thiên hạ ở ngoài Trung Cộng thấy lan tràn có tấm biểu ngữ chống cô lập hoá trong vụ covid thì tài khoản bị khoá 4 tháng trời mà chị ta chỉ gửi cho ông anh, và bố mẹ. Nếu ở Trung Cộng là mệt.


Khi đi thăm viếng các công viên quốc gia, chị ta thấy mọi người trên thế giới đều được đến viếng, bất chấp người Mỹ, người Pháp, người âu châu, Ấn Độ, … ai nấy đều trả giá đồng đều, không phân biệt mà lại rẻ. Một chiếc xe cho 7 ngày chỉ trả có $30. Có chỗ để gia đình ăn uống ngoài trời miễn phí, thưởng ngoạn phong cảnh. Đúng là thiên đường.

Hôm qua ghé nhà chị ta ăn cơm. Căn nhà nhìn ra biển xa xa, giá trên 2 triệu. Ở Trung Cộng chắc chắn vợ chồng anh ta sẽ không bao giờ ở được một căn nhà như vậy


Hôm qua ghé nhà chị ta ăn cơm, nhà to đùng ở trên đồi cao của thành phố Orange Hill, nhìn ra biển. Đó là giấc mơ Hoa Kỳ cho mọi người trên thế giới. Anh chồng, gốc nông dân sang đây học, rồi mở công ty. Vai năm sau bán cái đùng, bỏ túi mấy chục triệu rồi cứ đi mua nhà cho thuê. Xong om


Chị ta cho biết người Tàu giàu có, đảng tịch cũng di cư qua Hoa Kỳ hay Gia-nã-đại rất nhiều. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn