Sàigòn ngày trở lại

  


Mình về Sàigòn đúng vào dịp Hà Nội làm lễ 30/4 nên buồn. Mai sẽ bay sang Phi Luật Tân chơi vài ngày rồi về Hoa Kỳ. Nói chung mình không có kỷ niệm gì với Sàigòn ngoài mấy tuần lễ sau khi đậu Tú tài, từ Đà Lạt xuống đây làm thủ tục xin đi du học. Sau này về Sàigòn, cũng ở một vài ngày thăm bạn bè, họ hàng rồi đi. Đối với mình chỉ biết Sàigòn qua văn chương, những truyện của Duyên Anh, Dung Sàigòn,…


Năm 1992, mình về lần đầu thấy Sàigòn vẫn như trước 75, cỏ vẻ cũ kỹ hơn, ít xe taxi hay xyxlo máy. Mấy lần sau thì công nhận Sàigòn thay đổi ào ào nhà cửa xây do ngoại quốc đầu tư vào nhất là khi Clinton bỏ lệnh cấm vận. 


Người dân tứ xứ vào Sàigòn kiếm cơm nên càng ngày càng đông hơn xưa. Nghe nói nay lên đến 20 triệu dân. Mình đoán lý do họ sắp nhập quê mình và các vùng lân cận với Hà Nội, để thu góp tiền bạc của dân Sàigòn đóng để xây cất các hạ tầng cơ sở cho Hà Nội dù ít dân hơn. Đi đâu cũng thấy toàn dân từ bắc vào làm ăn. Để dành tiền gửi về bắc xây nhà to đùng ở quê, đối với họ, miền nam chỉ là nơi kiếm tiền rồi mai sau họ về quê. Nhà cửa ở tạm nên bộ mặt Sàigòn khó thay đổi hoàn toàn đúng nghĩa sự phát triển, ở cali, mấy người thợ gốc Mễ, đi làm mướn nhà ở lụp xụp, để dành tiền đem về quê họ bên Mễ xây nhà to đùng. Lâu lâu là thấy có anh đưa hình mình xem. Họ không nghĩ đến tương lai tại Mỹ nên không mua nhà ở Hoa Kỳ. Hàng tháng biết bao nhiêu tỷ đô được gửi về Mễ Tây Cơ và các xứ khác ở Trung MỸ. Làm sao giữ đồng tiền tại địa phương đó là cách hay nhất để bảo vệ môi trường và tương lai.

Nhìn từ khách sạn

Kỳ này về thì đi xe Grab, thấy tài xế than quá vì bị xe điện của VinFast mới ra độ một năm làm giảm khách hàng. Lý do là xe điện mới êm có máy lạnh, giá như nhau. Xe grab của tư nhân nên mấy ông lái hà tiện xăng nhớt nên mở rất khiêm nhường. Mình thấy xe họ găn quạt máy nhỏ chạy bằng pin, thổi cho khách ngồi phía sau. Mình tính cài ứng dụng Xanh sờ mó của Vinfast nhưng mụ vợ kêu đi gờ ráp để giúp tài xế có công ăn việc làm. Ngồi xe Vinfast thì công nhận êm vì mới và có máy lạnh nhưng thôi nghe lời mụ vợ nếu không mụ chửi banh xác, kêu mình phản động. Thật ra xe Gờ ráp có loại xịn nhưng gái cả đắt hơn nên kêu xe giá tiết kiệm vì mình thuộc hàng keo kiệt.


Tâm mụ vợ mình tốt nên hay thương người, không gian ác như mình. Mình đi bộ lòng vòng Sàigòn trong khi vợ đi gặp bạn học xưa. Có thấy mấy chỗ chạc điện của xe Vinfast khi đi bộ. Đi đường thấy chỉ có mình là đi bộ. Không hiểu ông NGuyên Sa khi xưa, từ Paris về, gặp ai đi bộ, mà làm nên bài thơ Áo Lụa Hà Đông. Có dịp mình hỏi cô Liên hay vợ ông ta, mẹ chồng với bạn đồng chí gái. Ngày nay chắc khó có thể làm được bài thơ hay như vậy vì ra đường, có mực áo lụa Hà Đông đi nữa, mặt các cô đều đeo khẩu trang nên chả nhận ai ra ai. Cháu mình đến chào mình kêu con chào cậu Sơn mà mình chả nhận ra đứa nào cả vì đeo khẩu trang.


Có thể ngày nay, ông ta sẽ làm bài thơ nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em bận quần bò, xách ví Louis Vuiton. Hôm qua về khách sạn thấy mấy cô bận đồ ngủ đứng ngoài cầm điện thoại đợi xe grab mang đồ ăn tới. Dịch vụ này khá phổ thông ở đây. Bên Thái Lan năm ngoái mình thấy xe Grab chạy giao đồ cho thiên hạ nhiều. Vợ mình theo dõi tin tức Việt Nam nhiều hơn mình nhưng không hiểu mấy vụ này. Mụ chỉ biết ca sĩ này lấy ca sĩ nọ hay ly dị. Mình thì mù tịt vì không có trong danh sách ca sĩ karaoke tuổi hạc.


Nói chung đời sống tại Việt Nam thay đổi theo công nghệ thông tin. Em mình bán ngoài chợ Đà Lạt rên là ngày nay người ta không đi chợ nữa. Họ gọi mua bán trên mạng rồi người ta chở lại nhà. Ăn uống cũng kêu xe thồ đem lại nhà. Không ai như mình, bò ra đường ngồi ăn cơm lề đường rồi mua một hộp về cho vợ. Vợ đi chơi hát hò mút chỉ thợ mộc nên mình ăn luôn phần vợ rồi đi ngủ. Về Sàigòn kỳ này, mình chả muốn gặp ai cả. Chỉ gặp hai người em họ và mấy đứa cháu. Có nhắn tin anh bạn nưhng anh ta bận nên thôi. Có lẻ mới chia tay với bà cụ nên mình hơi buồn.

Trạm chặt điện của xe Vinfast. Mình lang thang đi bộ trong cái nóng thiêu lửa nên mới thấy mấy vụ này. Ngồi xe thì chả thấy thằng tây nào cả.

Mấy năm trước chợ ế ẩm mà nhà cầm quyền bắt đóng thuế rồi kêu xây chợ mới đủ trò nên 1 cô em bỏ chợ về nhà, mở tiệm cà phê bán từ 6:30 sáng đến 11:00 sáng rồi đóng. Lo chuyện khác giúp đầu óc bớt xì trét chớ mở cả ngày chỉ có vài người đến uống cà phê mất thì giờ. Mình có cô em gái khác bán ngoài chợ, kêu là còn các khách hàng lớn như nhà hàng nên cầm cự được. Cũng mở bán từ 12:00 trưa đến chiều. Cũng kêu xe thồ chở cho khách. Ngày xưa, bà cụ kêu mình chở lại nhà người mua. Hóa ra mình đã chạy xe Grap khi xưa. Nhất là mấy bao gạo. Cho thấy xây ào ào chợ là coi như thất sách. Amazon đã giết biết bao nhiêu tiệm bán lẻ tại Hoa Kỳ. Có điểm hay là họ cho gỡ bỏ mấy tấm quảng cáo, phản cảm man rợ trên mặt tiền của chợ. Chợ Big C đã giết nhiều người bán lẻ tại Đà Lạt. Nay đến bán trên mạng thì phải thay đổi cách buôn bán.


Mình thấy chỗ nhà nhỏ của thằng Vui trên đường Thi Sách, cho mướn để rửa xe, xà bông xăng nhớt chảy đầy ra đường, không có ống cống không biết đi về đâu. Năm ngoái mình về thấy hắn đang trao đổi với cặp vợ chồng vì cái quán của hắn đóng cửa mấy năm trước.


Có lần về thì thấy công ty xe taxi Mai Linh làm chủ thị trường taxi, đi đâu cũng thấy xe màu xanh. Sau đó thì xe VinaSun rồi đến xe Grab nay thì xe Vinfast. Cho thấy sự tiến bộ, cập nhật hóa chạy theo công nghệ thông tin của đời sống Việt Nam. Nghe nói xe Vinfast không đi ngoài thành vì không có chỗ sạt điện nhiều.


Ngày đầu tiên đến Sàigòn, sau khi máy bay đến trễ một tiếng, mụ vợ bổng nhiên thèm bánh cuốn nên hỏi người em chú bác lại, gặp lần đầu tiên xem tiệm nào ngon, cậu em họ kêu grab đến một tiệm gần nhà. Ăn xong mình trả tiền nhưng không xét biên lai. Sáng ra tình cờ thấy trong túi thì thấy họ chặt gấp đôi. 3 người uống ba chai mà họ tính 6 chai. Chán Mớ Đời 


Sáng hôm sau mình đưa đồng chí gái đến tiệm ăn vì có hẹn với mấy người bạn gốc hội an rồi đi với cậu em họ khác, có gặp lần trước mình về. Cậu em chở mình vòng vòng Sàigòn rồi ghé tiệm phở ăn. Nói chung thì thức ăn tại Việt Nam mình thấy không ngon bằng tại Bolsa. Các nơi khác thì khó so với Việt Nam. Còn ngon nhất là tại khách sạn MArriotts bên HònTre Khánh Hoà. Các món việt rất ngon. 


 Chiều lại lấy grab đưa đồng chí gái đến nhà chị bạn Trưng Vương rồi lấy xe grab gắn máy ra VinCom ăn lẫu tàu với mấy đứa cháu ruột, sinh viên tại Sàigòn. Thấy anh chạy xe grab gắn máy, trời nóng mà phải bận áo xanh, chạy một cuốc có 30.000 đồng nên kêu anh ta khỏi thối tiền. Ở chốn đông người, mình chắc chắn không nhận ra cháu. May chúng nhận ra mình kêu cậu Sơn cậu Sơn. Mình có mấy đứa cháu khá xinh và hiền. 

Mình hỏi một cô cháu, thằng Bồ đâu không kêu nó đến cho vui vì lần trước về đi ăn, thằng Bồ đi theo. Cô cháu kêu tụi con thôi không yêu nhau nữa, hết hợp đồng rồi. Mình nhớ năm ngoái nói với anh ta là phải điều nghiên kỹ lưỡng đối tượng lý lịch ba đời trích dọc trích ngang cháu mình vì ông ngoại thuộc thành phần phản động. Có một người em rể phấn đấu vô Đảng nhưng không được và phải về hưu. Anh chàng kêu chắc cháu không vô Đảng đâu. Dân bến tre quê hương đồng khởi. Về thăm nhà, chắc ông già chửi banh xác, quen con cháu phản động nên hát lời giả biệt sau khi điều tra lý lịch. 


Một cô cháu khác có vẻ lanh lợi như bố. Gọi xe cho mình đủ thứ lại học kiến trúc. Mình có 2 đứa cháu theo ngành kiến Trúc. Một cậu cháu thì học ở Bình Dương, công nghệ thông tin, hiền lành. Nói chung dân Đà Lạt hiền lành, chưa bị tiêm nhiễm cái Xô Bồ của thành phố lớn, bán 1 tính 2.


Sáng qua mình có gặp vài sinh viên dấn thân, nhận học bổng của Lửa Việt. Lễ nên đa số về quê tiếp tế lương thực từ quê nhà nên chỉ gặp có vài em. Có một em đã ra trường nhưng nghe tiếng gọi của Bề trên nên đi tu, làm sơ nhưng vẫn sinh hoạt với các sinh viên mới. Cảm nhận đang cống hiến cho đời chút gì. Có cô chạy giữa đường bị xì bánh xe, không biết có phải bị đinh tặc, tốn 100k nên mình đưa lại. Nghe kể có anh xe ôm, dừng xe lượm đinh rãi trên đường và lắc đầu, con người hại người để sống.

Mình đổi tiền tại Đà Lạt đưa cho mụ vợ. Mới có một ngày mụ kêu hết tiền phải đi đổi. Cách tốt nhất là cho mụ vợ vào khu nghỉ dưỡng. Mụ lo chụp hình quên tiêu xài. Mụ kêu đi chợ Đà Lạt ế như chùa bà đanh, mấy cô bán hàng quần co nàng mệ thở nên mua cho họ cả tội. Về nhà quăn một đống. Có lần, một chị bạn bên Gia NÃ Đại sang chơi, phải ở lại cả tháng mới phụ giúp mụ vợ xếp áo quần. Và cho những thứ không cần thiết. Chán Mớ Đời 

Ngồi nói chuyện thì khám phá ra chỉ có một sinh viên gốc Sàigòn còn bao nhiêu là từ ngoài Bắc vào hay Bắc di cư. Họ kể gia đình vào Tây nguyên rồi về Sàigòn. Có người học về dinh dưỡng, người học công nghệ thông tin, người học quản trị kinh doanh, người học anh văn. 


Mình hỏi tại sao sinh viên dấn thân thì được trả lời. Họ nhận học bổng nhưng không muốn thụ động nên gia nhập các chương trình xã hội từ thiện như chia sẻ những hiểu biết thay vì chỉ nhận tiền học bổng. Nói chung thì học bổng không nhiều nên họ phải đi làm thêm. Tính độ $400 cho một sinh viên mỗi năm. Lửa Việt lựa chọn kỹ lưỡng các sinh viên. Tụi này có người làm toàn thời gian tại Việt Nam để lo liệu các hồ sơ, chương trình ,…


Lửa việt có chương trình khoan giếng cho người ở vùng Tây nguyên, người dân tộc. Nghe nói một cái giếng sẽ giúp trung bình 100 hộ có nước sạch để dùng. Mình nhớ có lần đi viếng một bệnh xá được Lửa Việt hổ trợ thì được biết suối mà người dân tộc uống bị ô nhiễm vì người kinh lên chặt rừng khai phá rồi bỏ thuốc sâu phân bón khiến nước suối ô nhiễm. Giá khoan một giếng nước cũng tùy theo độ sâu khoảng trên $4,000. Con chim đầu đàn của Lửa Việt đã về thiên quốc nên gây quỹ ít lại nên Lửa Việt cũng giảm bớt hổ trợ người nghèo. 


Có một trường học tình thương cho trẻ em nghèo được Lửa Việt bảo trợ lâu nay nhưng mình không thăm được vì lễ nghỉ nên hẹn lần sau. Trước kia LV có bảo trợ trường Nhân Hoà nhưng sau này trường đó được nhiều nơi giúp đỡ nên Lv hổ trợ trường Ái linh. 


Lý do hổ trợ các trường học và sinh viên dấn thân. Nếu các em có khả năng học tập mà gia cảnh nghèo đi lao động thì khó mà đổi đời mình và gia đình và thế hệ mai sau. Nhất là vùng đồng bằng nay thiếu nước và tương lai còn tệ hại hơn. Có lần mình gặp các em Chú Ru gần Đà Lạt, đi bộ 5-10 cây số nên LV có hổ trợ xe đạp cho các em. Mỗi năm, bố mẹ các em ký giấy mượn xe đạp rồi cuối năm học đem lại cho các cha để sửa chửa lại. Một cha nói với mình là chỉ hy vọng một đứa chịu học lên cao rồi trở lại làng của nó và giúp đỡ lại hay làm gương để họ bắt chước. Lý do cho mượn vì cho học sinh thì bố mẹ nghèo, đem bán. 


Có một viện mồ côi ở Song Pha mà LV có bảo trợ. Có mấy người đậu vào đại học và lấy nhau, có tương lai khá hơn xưa. Hy vọng sẽ giúp đỡ các trẻ mồ côi khác. Lần sau mình về sẽ ghé lại thăm vì cũng đã 10 năm rồi. 


Trong tương lai, sau khi leo mấy cái núi mà mình ưa thích, mình sẽ tham gia vài chương trình do Lửa Việt hổ trợ như đào giếng, xây nhà tình thương cho các người dân tộc. Họ như bị bỏ quên trong cuộc phát triển vùng kinh. 


Đồng chí gái đi chơi với bạn học Trưng Vương, mình lội bộ dưới cái nóng của Sàigòn. Mình không thấy ai mà chợt mát vì không thấy áo lụa hà đông như ông Nguyên Sa từ bên Tây về Sàigòn. Nếu ông nGuyên Sa về lúc này chắc sẽ không có bài thơ Áo Lụa Hà Đông. Mấy cô bắc kỳ vào nam, vừa ăn vừa quẹt điện thoại vừa chửi thề. Nhìn quanh không thấy ai lội bộ mấy cây số như Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Dân tình rên nóng 30 độ nhưng minh thấy có gì đâu. Ở vườn nhiều khi nóng đến 40 độ nên chỉ biết lắc đầu.


Ghé bên đường ăn đĩa xôi thịt heo quay. Hôm trước ở NhaTrang, khách sạn cho ăn heo sữa quay, ngon kinh hồn. Lần đầu ăn heo sữa quay năm 1995 tại Sàigòn xem như 30 năm sau mới ăn lại. Gặp mấy ông công an kêu chú qua đường vì đèn xanh cho bộ hành được bật lên rồi. Mình giang hồ quen nên ăn uống lề đường khi không có vợ. Vợ mình thì lo ngại dơ bẩn đủ thứ. Mình thích thu gọn, chìm vào không gian đang sống, không thích chọn lựa. Kỳ này về có đồng chí gái nên ở khách sạn khá khá một tí còn thường mình ở khách sạn rẻ tiền cho đúng chất nông dân. 

Nói chung kỳ này về thấy cờ xí cho ngày 30/4 không nhiều lắm. Gặp ai cũng kêu xứ mình lạ, mấy ông lớn từ chức như sung rụng. Chỉ hy vọng đất nước thay đổi theo chiều hướng tốt. Đà Lạt có một tiểu đoàn bán vé số. Đi đâu cũng thấy người bán vé số. Chắc du lịch nhiều. Có người cho biết toàn dân xứ khác đến bán vé số. 


Điểm lạ không thấy thùng để bánh mì tặng không tại khu Hoà Bình như xưa nhưng lại thấy video mấy người làm cơm tặng người nghèo ở Sàigòn và Đà nẳng. người Việt vẫn giúp đỡ nhau như xưa khi mùa lụt đến. 


Hôm nay là ngày cuối, có cuộc họp mặt bạn học đại học tổng hợp của đồng chí gái khi xưa rồi sáng mai ra sân bay sớm đi phi luật Tân. Kết thúc chuyến đi. 


Nhiều khi mình muốn quên Việt Nam, Đà Lạt nhưng rồi mỗi lần về Việt Nam, nhìn dân nghèo khổ cực lại xót xa. Một cậu thanh niên, gầy còm, đứng bán một trái dừa 20,000 giữa cái nóng trên 30 độ trong khi giá xăng là 1 đô/ lít. Có người gửi video của ai đó mình không quen, kêu bà vợ này nghèo, muốn mình giúp đỡ, chỉ biết lắc đầu. Lại muốn làm gì cho Việt Nam. Hôm qua có nói chuyện với các sinh viên. Chỉ có học mới giúp chúng ta hiểu biết rộng hơn và tự tìm con đường mình đi, làm gì mình đam mê và có thể cống hiến chút gì cho đời. Mình chỉ muốn giúp học bổng chớ còn người nghèo khổ thì thua. Chỉ muốn giúp một vài em sinh viên học ra trường là cảm thấy đã làm chút gì để cảm ơn những người đã giúp mình còn sinh viên. Còn nghèo thì mình biết giúp sao cho họ giàu vì trong thánh kinh có nói đến dạy câu cá hay cho con cá. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn