Ăn bơ loại nào ngon?


Có nhiều người hỏi mình ăn bơ loại nào ngon nên mình ghi đây để ai hỏi mình nói họ đọc bờ lốc thay vì giải thích hoài. Tùy loại và sở thích của người. Có người không thích ăn bơ nhiều chất béo lại có người thích ăn bơ cực béo nên khó mà kết luận ăn bơ nào ngon. Như bà chị dâu thích ăn bơ Zutano ít béo nên vài tuần phải hái cho chị ta ăn. Có bà chị dâu khác thì thích ăn béo nên hái hass. Mình thì thích bacon nên để dành một cây cho mình để ăn từ từ. Đồng chí gái thì thích ăn bơ Pinkerton hass loại dài như trái Lê của người Mỹ thay vì loại tròn. Loại này thì không bỏ tủ lạnh được. Nên hái từ từ ít đem về rồi mụ vợ ăn từ từ.

Bơ này ăn được rồi vì bắt đầu vàng và cơm bơ rất dẻo. Sáng đi tập về mình làm 4 quả hay 5 nếu nhỏ.
Bên trái là bơ loại Zutano, ăn ít béo . Bên phải là loại Hass, da sần sùi nhưng dầy, để lâu được. 
Kem bơ ăn với mật ong hình dưới. Mình hay lấy nguyên cả tổ ong về ăn mật ong, khỏi mất công lọc liếc gì cả.

Ở nam Cali đa số các vườn bơ trồng loại hass. Lý do là vỏ trái bơ hass rất dầy và giữ lâu được. Còn các loại bơ khác ngon hơn Hass nhưng vỏ mỏng nên dễ bị trầy mà trầy thì bị đen thì không bán được. Mấy loại kia vô ý hái rớt xuống đất là trầy da, không bán được. Nên họ ca ngợi bơ Hass mút mùa lệ thủy chớ bơ nào cũng là bơ sao em mua bơ vườn người ta. Bơ nào cũng là bơ. Mua bơ vườn nhà sơn.


Khi hái bơ từ vườn xong, chở về trung tâm mua sỉ thì việc đầu tiên họ bỏ nhúng vào thùng nước to đùng đầy chất hoá học để sát trùng để tránh bị vi khuẩn salmonella, khiến người mua dễ bị ngộ độc. Lâu lâu ta đọc báo thấy các thức ăn, rau cải rữa không sạch, dính vi khuẩn bị triệu hồi vì có ai ăn bị đau, chở vào nhà thương thì y sĩ báo cáo ngay tránh bệnh dịch. Vườn mình được chứng nhận là GAP (good American product) nên phải theo các quy định trồng trọt của chính phủ. Mỗi năm họ cho người đến tái xác nhận nên cũng mệt. Được cái là khỏe mới bán cho Costco được. Nếu không có chứng nhận thì costco không mua.


Vườn mình có nhiều loại bơ như Bacon, Zutano, fuerte,.. và loại Hass là chính. Mấy loại kia để ăn và bán cho dân bán ở Chợ Nông Dân (Farmers’ Market). Có nhiều loại bơ có thể hái trái tháng 12 như Bacon, Zutano vào tháng 1-2, Hass thì cuối mùa là tháng 5-6 còn Reed thì tháng 7-8.


Có người hỏi làm sao biết bơ khi chín. Nếu mua bơ vỏ xanh thì biết là họ hái bơ rất sớm, ít chất bổ dưỡng như mua cà chua trái màu Hồng thay vì màu đỏ, ăn Lạt nhách. Đi Uzbekistan, mê cà chua xứ họ, tươi và ngọt. Trái bơ Hass thường chín vào tháng 5, 6 khi da trái bơ ngã màu hơi nâu, tím. Đó là lúc trái ăn có đầy chất bổ dưỡng, cơm bơ như sáp, dầy và màu vàng nhiều khi thấy cái hột bắt đầu ra rể non. Ăn lúc này là tuyệt. Lý do là bơ không chín thối trên cây, để bao lâu cũng được. Nếu quá già thì sẽ rụng. Khi mình thấy trái nào mà mầu tím nâu là biết trái đó ngon. Đỉnh cao của bơ, đầy đủ chất dinh dưỡng, còn mua bơ hái non thì ít chất bổ lại lâu chín. Tháng 5, 6 mua bơ về là đợi 2, 3 ngày là ăn được liền còn không mua loại hái từ tháng 2,3 là để cả tuần hay 10 ngày mới ăn được. Vấn đề là thị trường bơ thay đổi. Khi thấy bơ lên giá thì các nhà vườn hái bán còn thì để đến tháng 5-6 mới hái. Dạo này bơ cali bị thất mùa vì năm ngoái mùa Xuân lạnh, hoa quả ít. Giá bơ năm nay được giá cao. Người mua thường thích màu xanh, ít chất dinh dưỡng.

Loại bơ bị sên ăn một tí thì rất ngon nhưng ít ai biết điều này. Họ chỉ mua loại không bị sên ăn. Mấy người bán ở chợ nông dân thích loại này lắm. Họ trả tiền như nhau nhưng về nhà họ lựa lại và bán cho mấy người hiểu vấn đề đắt hơn là trái bình thường. Nhất là chợ Santa Monica, giá gấp 5 lần loại trong chợ. Kinh. Mấy chợ nông dân trong thành phố đều có người bán bơ cả. Nếu không thì em chở đến đây bán  giá gấp 5 lần.

Đa số bơ bán trên thị trường Cali đến từ Mễ Tây Cơ và Peru. Peru là trái ngược mùa đông mùa hè nên thường là đã được ngâm thuốc bảo quản lâu ngày nên khi mua về ăn thì thường bị hư ở trong màu đen. Thật ra các loại trái cây đều bị vậy. Lý do là thuốc sát trùng và thuốc bảo quản. Nhớ năm kia mình ai cho mình mấy quả quýt tổ dùng của Trung Cộng. Bên ngoài là thấy một lớp sáp được ngâm sau khi hái. Lột ra thì các múi quýt đắng nghét. Không dám ăn vì biết chất bảo quản quá nhiều. Người mình thích mua trái to về nhưng đầy chất bảo quản, ông bà về ăn là ngọng.


Từ ngày học được vụ này tại đại học Riverside mình không ăn trái cây mua ở chợ nữa. Quanh năm thì mình có bưởi, quýt thì đến tết, bơ thì ăn rỉ rả 5, 6 tháng và thanh long vào mùa hè và mùa thu, đợi bơ chín.


Có một loại bơ mà mình thích ăn nhất đã được mấy con sên ăn. Sên rất tốt cho môi trường trồng trọt, chỉ có vấn đề là ban đêm chúng bò lên cây ăn lá và nhất là trái. Khi con Sên đậu trên quả bơ thì chúng bắt đầu ăn cái vỏ. Trái bơ như cơ thể người ta, khi bị thương thì cơ thể sẽ tự động truyền đến nơi bị thương các loại tố chất giúp làm lành vết thương, không bị gangrene . 


Không hiểu cây bơ truyền chất gì đến để làm lành các vỏ bị ăn nhưng ăn mấy loại bơ này rất cực ngon. Có anh bạn đọc bài của mình trên mạng làm quen, lại vườn giúp mình mỗi tuần. Anh ta kêu là mấy trái bị sên ăn, đừng có quăng mà cho anh ta. Tuần rồi mình lựa ra 20 cân loại này để dành cho anh ta. Lúc đó mới nhớ sực là từ 10 năm nay ăn loại bơ bị sên ăn một tí cái vỏ thì rất ngon hơn loại bình thường. Thiên nhiên rất lạ. Thông thường chúng ta ăn loại trái to đẹp nhưng trên thực tế mấy loại trái cây hữu cơ, nhìn thấy không hấp dẫn như ở siêu thị, lại đầy đủ chất dinh dưỡng, còn trái cây to là như ở họ bỏ phân hoá học mệt hở, tọng như tọng gà heo ăn cho béo nhưng không ngon như loại gà đi bộ, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng từ đất ra.

Mình không thì giờ hái trái bơ vì phải lo nhiều việc khác trong vườn. Ai muốn ăn thì vào vườn mình cho hái không trả tiền. Còn muốn mua thì liên lạc với con trai mình hay cô cháu. Mấy người này chạy xe tốn xăng vào vườn hái nên họ bán. Đừng có kêu em. Hôm trước có chị nào ở Murrieta kêu xin địa chỉ vườn nhưng xa quá nên không thấy liên lạc nữa. Có anh bạn nhờ vợ nấu thức ăn rồi đem lên vườn đổi bơ. 

Hôm trước đến nhà chị bạn bác sĩ, tặng một ít bơ, thấy chị ta ăn bơ với mật ong hữu cơ của mình. Có anh kia ở Di Linh cho mình biết là người Việt mình không biết ăn bơ nên đến mùa rụng dưới đất không ai mua để gà vịt ăn. Khi xưa, người Mỹ cũng ít ăn bơ lắm nhưng từ ngày người Mỹ bắt đầu để ý đến dinh dưỡng, đọc những tài liệu nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng thì khám phá ra bơ là một trong những loại trái cây bổ nhất. Ăn trái cây ngọt thì sẽ bị béo phì. Lý do là trái cây có fructose nên ăn vào sẽ biến thành chất béo loại xấu. Mình có ông anh cột chèo, nha sĩ sang thăm gia đình mình, dẫn lên vườn chơi rồi đúng tết nên quýt ra nhiều, mình hái về ép nước quýt uống tươi khiến anh ta mê. Ngày nào cũng làm mấy ly cối, uống về Boston kêu đường lên. Lần sau sang chơi Xuân ghé thăm nhưng uống điều độ lại.


Theo nghiên cứu thì một trái bơ độ 200 gr thì có các chất dinh dưỡng như sau:

  • Calories: 322
  • Fat: 30 grams
  • Protein: 4 grams
  • Carbs: 17 grams
  • Fiber: 14 grams
  • Vitamin C: 22% of the daily value (DV)
  • Vitamin E: 28% of the DV
  • Vitamin K: 35% of the DV
  • Riboflavin (B2): 20% of the DV
  • Niacin (B3): 22% of the DV
  • Pantothenic acid (B5): 56% of the DV
  • Pyridoxine (B6): 30% of the DV
  • Folate: 41% of the DV
  • Magnesium: 14% of the DV
  • Potassium: 21% of the DV
  • Copper: 42% of the DV
  • Manganese: 12% of the DV

Chúng ta thấy chất béo nhưng loại chất béo tốt. Có người kêu mình không nên ăn nhiều bơ vì có Potassium nhiều. Đọc thấy nữa trái bơ là 10% cho Potassium cần thiết cho một ngày (daily value). Mình ăn 4 trái là vừa đủ.


Ngoài ra trái bơ có nhiều chất xơ, mỗi trái trung bình là có 14 gr chất xơ, xem như phân nữa số lượng cần thiết mỗi ngày cho mỗi người. Mình chơi 4 quả nên nhiều, giúp nhuận trường. Điểm tốt là trước đây mỗi năm năm mình đi soi ruột thì có mấy cục thịt dư nên bác sĩ phải cắt luôn. Năm ngoái mình đi soi ruột thì không thấy gì hết, bác sĩ kêu đi lại 10 năm sau thay vì 5 năm như mọi lần. Đọc đâu đó họ cho biết bơ giúp hệ thống tiêu hoá cũng như giúp phát triển các vi khuẩn tốt trong ruột. Tò mò thì mình đọc thêm như họ kể sau đây, lý do mà các danh từ của các vi khuẩn khá lạ nên không biết dịch ra sao nên chép về đây

(Additionally, the avocado group had more of the bacteria Faecalibacterium, Lachnospira, and Alistipes, all of which produce short-chain fatty acids (SCFAs), including butyrate.

SFCAs help fuel colon cells and protect against diseases like colorectal cancer and inflammatory bowel disease)


Mình có đọc một tài liệu khá quan trọng. Ăn trái cây thì có chất xơ nên lượng đường vào cơ thể của mình sẽ được chất xơ giảm truyền chậm vào huyết quản. Họ khuyên chúng ta ăn trái cây để có chất xơ, giảm bớt chất đường trong cơ thể. Ngoài ra thì nhất quyết không uống nước cốt trái cây vì chỉ là đường. Như trường hợp ông anh cột chèo mình ép quýt ra uống thấy đả quá nhưng không có múi quýt là chất xơ giảm chất đường từ từ vào nên đường huyết lên như máy bay lên thẳng. 


Thiên nhiên lạ lắm, mùa hè cho trái quả ăn để tạo chất béo cho mùa đông. Ngày nay, người ta trồng trong nhà kín hay mua từ các nước miền nam tây bán cầu nên quanh năm suốt tháng đều có thể ăn hoa quả dù là mùa đông nên chất béo thay vì bi tiêu hoá vào mùa đông thì nay không được tiêu hoá nên càng ngày con người càng béo phì như người Mỹ hiện nay.
Vườn mình ở trên cao nên nhìn xuống thấy nhà cửa và xã xã là ngọn núi cao nhất vùng Los Angeles đang bị phủ tuyết sau trận mưa tuần rồi. 

Bơ có thể giúp tăng mức cholesterol loại tốt HDL bảo vệ tim và giảm mức cholesterol loại xấu LDL bị oxy hóa, một loại cholesterol có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch hoặc tích tụ mảng bám dọc theo thành động mạch. Họ chỉ nghiên cứu đâu trên 45 người nên cũng không tin hoàn toàn lắm.


Bơ là nguồn cung cấp các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm tuyệt vời như vitamin C, vitamin E và carotenoid lutein. Bơ nhiều khi hái hơi bị sên ăn, mình nhờ chị dâu làm kem bơ nhưng không bỏ đường. Khi ăn bỏ muỗng mật ong trong vườn mình . Tuyệt cú mèo. Hy vọng giải thích cho các bác biết về bơ nhưng đừng réo em. Muốn bơ thì chịu khó lái xe vào vườn còn không thì gọi con em để mua.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn