Nha Trang ngày về

 Sáng nay tạm biệt Đà Lạt chạy về NhaTrang với bà cụ và mấy người em. Trên đường đi thì thấy hồ Than thở đang bị rào để sửa sang chi đó rồi xuống đèo thấy người ta phá rừng làm nhà lồng trồng rau quả, bơm hóa chất như ở Thái Phiên thấy xót xa nhưng người Đà Lạt vẫn phải sống, hy sinh đời con củng cố đời bố. Thế hệ mai sau sẽ được hưởng một môi trường ô nhiễm bởi thế hệ đi trước, khai thác vô tội vạ. Mình nghĩ một phần dân tứ xứ vùng khác đến Đà Lạt làm ăn, không am hiểu Đà Lạt nên cứ khai thác vô tội vạ không như người Đà Lạt xưa nay. Sau này về già họ bán nhà vườn rồi trở về quê họ xây biệt phủ bỏ mặc dân Đà Lạt chết dỡ với môi trường ô nhiễm. Nhớ trước 75, có thời kỳ người ở các vùng bị chiến tranh tàn phá, bỏ chạy từ quê vào Đà Lạt, cũng xây nhà cửa lung tung xẻng nhưng không như hiện trạng ngày nay vì dân xứ khác nhiều hơn Đà Lạt chính gốc. Ra đường ít nghe người nói giọng Đà Lạt.

Lâu lắm mới thấy lại chiếc xe Lambretta của Ý Đại Lợi  dạo mình đang Ý Đại Lợi làm việc ít khi thấy loại này 

Nhớ khi xưa về đi chơi cùng với đại gia đình xuống Nha Trang cũng đi qua con đường này thì đậu xe bên đường, để đái đường. Nay thì có những điểm dừng như Tea Point, để hành khách vào đi vệ sinh đàng hoàng. Bù lại thì ngồi xả hơi uống nước. Mình thấy họ trưng bày chiếc xe Lambro như cậu 3 Thành, người cũng làng với bà cụ, ở trên đường Hai Bà Trưng, cạnh bà Cáp, gần đến La Sơn Phu Tử. Dạo ấy Đà Lạt có hai loại xe Lam, loại Lambro nhỏ hơn đầu hơi bầu bầu và Lambretta được chế tạo cùng hãng xe nhưng đời cũ. Mình có tấm ảnh xưa, thấy một đoàn xe Lam tại Đà Lạt chạy trên đường Trần QuôcToản ngay cây xăng Esso, nhưng không biết lý do. Có thể đám tang của ai.

Tên xe được đặt theo con sông Lambro ở ngoại ô của thành phố Milano mà mình có đến đây thăm người bạn sau này người ấn độ, Đài Loan và các xứ khác mua bản quyền rồi chế tạo loại xe này tiện lợi cho việc đi chuyển rẻ tiền. Xem phim Ấn Độ hay thấy mấy loại xe này, chở hành khách và một phim James Bond có chiếu chiếc này, được tôn tạo. Thời nào xe nấy.

Điểm đáng nhớ là ông chủ và ông kỹ sư chính bất đồng ý kiến nên ông kỹ sư bỏ đi đầu quân cho công ty khác mang tên Piaggio và cho ra đời Vespa, cạnh tranh với Lambretta và đẹp hơn có dịp mình kể vụ này. Mình hỏi một anh bảo vệ của Tea Point là nhà ở gần đây, anh ta cho biết là ở xa mấy trăm cây số nhưng đến đây làm, có chỗ ăn chỗ ngủ luôn lâu lâu về thăm nhà  

Chỗ ngồi nơi quán ăn Suối đá Hòn Giao nhìn ra sau nhìn sông Giao 

Sau khi đi vệ sinh uống nước thì xe chạy xuống đèo, dừng lại tại một quán ven đường nhưng to lớn, mang tên suối đá hòn giao,  đi ra phía sau thì thấy con suối hay sông vì nước ít mình thấy dân địa phương phục vụ thấp người lại nói phương ngữ thì tò mò hỏi mới biết là họ người Giấc Rây mà ông Trần Tiến có kể là sau 75, đi với một nhóm chạy xe jeep lên đồi núi gặp một ông bộ đội lấy vợ người giác rây, tặng ông ta cây đần chapi giúp ông ta ngẫu hứng làm bản nhạc tiếng đàn chapi.

Ai lên rừng sâu nhưng không dám ăn rau của họ dọn vì sợ đau bụng. Mình thấy họ làm cơm lam nên ăn thử vì có nghe nói đến món này từ vùng Tây Bắc Việt Nam. Hóa ra là họ lấy nếp bỏ vào ống tre với nước dừa và gừng để nướng. Sau đó lóc cây tre rồi lấy ăn với muối vừng. Em mình gọi món canh chua rất ngon và món cá bớp chiên rất ngon. Mình kêu thêm trái dừa tươi. Ở đây họ bỏ thêm chút muối vào nước dừa. Chắc nóng quá nên cần thêm muối. 

Xe xuống đèo thì thấy bò gầy. Chắc nóng quá. Nghe nói vùng này chỉ có nuôi dê mươi chịu được sức nóng khô khan của vùng Khánh Hòa. Xe chạy vào NhaTrang rồi đến bến Vinpearl, lấy tàu qua đảo. Cô em mướn cái villa của Marriott bao ăn luôn. Có hồ bơi và bãi biển thì ngay bên cạnh nhà. Nhưng biển ở phía bên MArriotts không đẹp như bên vinpearl, đá hơi nhiều. Được cái thức ăn ngon hơn và chất lượng hơn bên vinpearl mà gia đình mình có mời ông bà cụ đi hai lần trước đây. 

Từ giả gia đình bay vào Sàigòn, mỗi lần lại buồn vì xa bà cụ. Chắc mẹ mình cũng buồn, nghe nói về Đà Lạt nằm vì mệt. 

Mấy ngày đi chơi với bà cụ và em út, ăn đến tận cổ dù thức ăn ngon. Mấy món phở, bún, bánh xèo đều có làm rất cực ngon. Mình chỉ ăn không bánh phở, và bún. Cứ bỏ rau vào nhiều không tả. Cả gia đình kêu lễ tân đem xe lại Villa chở lên chùa Trúc Lâm mà 8 năm về trước hai vợ chồng có leo bộ lên đây. Nay họ cho làm đường nhựa đàng hoàng, không phải đi bộ như xưa. Chùa đều làm xong hết và to lớn. Họ thờ đủ thứ vua (vương), không thấy đề Bồ Tát nên không hiểu nhiều. Chắc thuộc phái Trúc Lâm của người Việt xuất phát từ núi Yên Tử. Thấy hình tượng hơi giống ở CHùa Thầy, ngoài quê mình. Chắc ông nào gốc bắc vào đây xây chùa vì chùa ở miền Nam khác.

Sau đó thì đi chơi lặn nước, loại họ bỏ cái mũ tròn nặng 37 ký gắn ống dẫn oxy truyền vào giúp nước không lọt vào, đi bộ dưới nước xem cá bơi xung quanh đẹp như thủy cung. Hai cô em kêu không đi, sau đó đi về mê quá cở thợ mộc còn em rể thì sợ lắm, không quen bơi dưới nước thì sợ. Lần đầu tiên thấy em gái cười như La Joconde. Ở chơi vài hôm rồi mình từ giã gia đình, hai vợ chồng bay vào Sàigòn. Đồng chí gái bổng nhiên thèm ăn bánh cuốn nên nhờ cậu em chú bác lại đưa đến tiệm. Hai vợ chồng kêu 2 chai nước đậu đen và cậu em chai nước sâm họ tính 5 chai nước đậu đen. Sáng nay mới khám phá biên lai lần sau đi ăn phải xét biên lại cho kỹ bị dân Sàigòn chặt chém. Chán Mớ Đời 

Mẹ già yếu rồi so với năm ngoái đi Thái Lan bơi lội kỳ này chân yếu.

Sáng nay đồng chí gái có hẹn với mấy người bạn gốc Hội An, mình lấy xe grap cho cô nàng đến rồi kêu người em họ bên ngoại đến chở đi ăn phở. Người em kêu anh về mà không báo trước lễ nên thiên hạ đều chơi hết rồi.  lần sau về báo cho em hay, tổ chức để cả họ bên ngoại gặp nhau, không ai biết anh cả ngoài trừ mấy người lớn tuổi. Thôi thì Tết về mình sẽ báo cho biết trước để họ hàng biết nhau. Kỳ này mình gặp được hai người bà con bên ông ngoại và mấy người khác bên mệ ngoại. Giọt máu đào vẫn hơn. Tối nay đi ăn cơm với mấy đứa cháu học tại Sàigon.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn