Nhìn tấm ảnh này khiến mình nhớ nhiều kỷ niệm thời còn bé. Hôm trước, ông thần hàng xóm ở Gia-nã-đại nói đủ thứ về đường Hai Bà Trưng này, ông thần kêu đến trường Trung Trực khiến mình như bò đội nón, chả biết nằm ở đâu. Tải lên tấm này để ông thần chỉ cho mình trường tiểu học Trung Trực nằm ở đâu. Ông thần này hàng xóm cư xá Địa Dư, gần nhà nhưng lớn tuổi hơn nên không có chơi khi xưa.
Hình này chụp chắc phía sau rạp Ngọc Hiệp về hướng abattoir. Cận cảnh có bãi đất trống xanh ngay góc Cẩm Đô và Hai Bà Trưng, của gia đình chị Hảo học sinh Văn Học, mình có vào nhà một lần với tên hàng xóm muốn cua chị ta. Nhà làm bằng gỗ, sơn màu bordeaux. Sau này hắn lấy chị này làm vợ sau 75. Bên phải thấy ngã ba Hai BÀ Trưng và cầu Cẩm Đô. Hồi nhỏ đi tới cầu này làm bằng gỗ, chỉ đi bộ qua còn xe thì phải chạy xuống đường Hải Thượng để quẹo về Hai Bà Trưng mà người lớn gọi là Cầu ông Cửu Huần, do ông ta xây. Sau đó thời ông Diệm, họ xây cầu bằng bê tông nên xe có thể chạy ngang, chớ xưa chỉ đi bộ và xe đạp. Đà Lạt có hai chiếc cầu mà khi xưa người ta gọi tên người đã đứng ra lo việc xây cất; cầu Ông Đạo do ông Quản Đạo xây và cầu Bá Hộ Chúc do ông thầu khoán người nam giàu có mà ai cũng kêu ông bá hộ Chúc.Thấy nhà của Vũ văn Tùng, học chung khi xưa. Dạo đó ít ai dám cắt đất chỗ cái đồi này để làm nhà nhưng gia đình anh chàng chịu nên ai cũng ớn lạnh sợ bị đất trùi là ngọng. Không thấy xây talus gì cả. Ngày nay thì dọc đường Hai Bà Trưng thì nhà được xây đều, họ đào đồi xây nhà đầy.
Kế đến là con đường mòn đi lên nhà thương Phương Lan, bên đồi kia là mấy biệt thự, hình như có nhà một cô bạn học chung khi xưa tên Hạnh. Có ông anh làm bác sĩ tại Nam Cali, có thấy anh ta chơi đàn mỗi khi có họp mặt ngừoi Đà Lạt. Có gặp lại tại Đà Lạt.
Ngay ngã 3 thấy 5 căn nhà hai tầng của gia đình Vy Nhật Tảo, khi xưa học chung ở Petit lycee lúc nhà anh chàng này làm bằng gỗ. Sau xây nhà lầu thì hết thấy hắn rủ đến nhà chơi như khi xưa. Nghe mấy người bạn học cũ kể anh chàng này là nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Tiếp theo đường Hai Bà Trưng, ngoài các căn nhà nhỏ lụp xụp bằng tôn gỗ, có hai dãy nhà hai tầng, dãy nhà gần nhất màu trắng và dãy cuối màu xanh. Có lẻ dãy màu trắng là địa điểm của trường tiểu học Trung Trực mà ông thần hàng xóm lớn tuổi hơn mình nhớ. Sau này chỉ có thấy thiên hạ ở đó khi mình lớn lên. Dãy nhà màu xanh xưa kia được mướn làm trường học Hiếu Học do thầy Chử Bá Anh thành lập, sau dọn qua đường Hoàng Diệu, đổi thành trường Văn Học, sau sang lại cho thầy Trần Đại Bản, người thành lập trường Thăng Long. Ông cụ mình khi xưa, làm cho ty Công Chánh, tối ông cụ đi học thêm ở đây để thi đổ bằng tiểu học, để lên ngạch thêm lương. Tối tối mình hay đi bộ đến đây đón ông cụ đi học về. Sau này có con, mình cũng bắt chước ông cụ đi học thêm vào ban đêm.
Tiếp đến là dãy vườn rồi đến một cái ga ra quên tên rồi đến bãi đất trống đến đường Hải Thượng. Kế nhà của Vy Nhật Tảo là cầu Cẩm Đô, ngang con suối. Xe mình bị tắt máy khi Đà Lạt bị lụt ngay chỗ này. Lý do là thiên hạ ở xung quanh, đem rác ra đổ xuống con suối, lâu ngày nhất là mùa nắng ngập đầy cầu, đầy suối. Đi ngang là thấy ruồi bay đen nghịt, hôi thối nhưng quen. Khi mùa mưa đến rác đầy nên nước bị nghẹt, dâng lên và phủ khắp khu vực này. Vài ngày sau, khi rác được nước kéo từ từ về khu vực Cam Ly giúp nước rút. Chỉ tội mấy người làm vườn tại khu vực này bị hư vì xã lách hay bắp sú bị úng hết.
Bên trái, cận cảnh thấy nhà hàng và khách sạn Cẩm Đô, nơi có xe mì Cẩm Đô ngon nức nở Đà Lạt xưa. Cạnh khách sạn Cẩm Đô, có dãy nhà màu xanh, mình có vào đây một lần. Có anh bạn học lớp 11 B, nhà ở Nhà Trang, lên đây ở trọ tại đây. Thấp thoáng mái nhà của trường Tân Sanh dành cho người gốc Hoa học. Thấy một phần đâu của đường Phan Đình Phùng và góc Duy Tân, có cây thông to đùng. Chỗ này khi xưa có cái kiosque nhỏ, ông cụ mình học đánh máy tại đây. Mình hay bò đến đây đợi ông cụ đánh máy rồi đi bộ về. Thấy căn nhà của Lê HUy Hà, nơi mình có đến học thêm với chị hắn, ngay dốc Duy tân. Trên căn nhà này thì thấy đường Thủ Khoa Huân, có căn nhà mình có đến một lần với Huỳnh Kim Sang. Chỗ này có cô học chung lớp tên Nguyễn Thị Ri, ở trọ tại đây. Hôm đó mình đi thở eo Sang và một chàng khác học bạn A, đến đây. Hai anh chàng đấu láo với Nguyễn Thị Ri và Nguyễn Thị Đức, mình thì bò ra sân sau hái ổi ăn.
Từ ngã ba Duy Tân và Hai Bà Trưng đi xuống đường Duy Tân đi xuống gặp ga ra Trung Tín ngay bùng binh Hải Thượng. Hình này chụp trước khi phòng mạch bác sĩ Thọ được xây cất, bên cạnh có một nhà chuyên làm bánh croissant bơ. Cứ có tiền chạy lại đây mua. Ngay khúc này thấy trường Việt Anh của thầy Lê Phỉ, mướn khu đất này của ông bà Võ Đăng Dung. Bên kia đường là phòng mạch của bác sĩ, phía sau là abatoir, nhà sát sinh. Tên Nguyễn TRung Thiện, ga ra Trung Tín, dẫn mình vào đây xem người ta lấy búa tạ, khệnh vào đầu con bò, từ gục xuống. Kinh
Phía bùng binh Hải Thượng, đi đến một tí, bên phải có một dãy quán hàng ăn. Mình chưa bao giờ ăn tại đây. Chỉ nhớ có một tên bạn của Đổ Quý Dân, ngày nào cũng bò ra đây đứng đợi một nữ sinh Bùi Thị Xuân, tên Nhung đi học về. Cô nữ sinh này ở cư xá Phạm Ngũ Lão. Đi đến chút nữa thì đụng đường Cường Để. Chỗ này có tiệm Nhật Tân, bán văn phòng phẩm. Chỗ này là nơi giữ các phế liệu hình ảnh mà có người Đà Lạt gửi cho mình, trong đó có thẻ học sinh của chị bạn học khi xưa. Bên cạnh có cái lều của anh chàng sửa xe cho mình.
Sau đó là cầu Lê Quý Đôn, băng qua con suối Cam Ly chảy từ cầu Ông Đạo về. Trên đường Lê Quý Đôn đi về hướng khách sạn Duy Tân, trường Petit Lycee. Bên phải có thuỷ đài và trạm biến điện, thường được gọi là nhà đèn. Điện từ Cam Ly về, và được giảm tại đây rồi phân phát khắp Đà Lạt.
Nhìn kỹ thì đường chắc mới mưa xong nên bùn lầy khá nhiều. Từ khúc nhà Vy Nhật Tảo, đến trường Văn Học, là con đường mình thường sánh vai đi học với đối tượng một thời. Mình có kể vụ này rồi nhưng nay nhìn lại vẫn thấy vui vui.
Mình từ nhà đi bộ xuống ngay ngã ba nhà của Vũ Văn Tùng, thấy cô nàng băng qua từ Cẩm Đô thì dừng lại đợi đi chung đến trường. Còn cô nàng đi sớm hơn thì tới đường Hai Bà Trưng sẽ đi theo lối chánh niệm, đợi mình chạy hộc gạch đến. Có cô em dâu của anh chàng Tùng cho biết hiện đang sống tại Sàigòn. Nay về thì chả thấy gì cả, toàn là nhà và nhà to đùng.Đây là không ảnh chụp cùng ngày nhưng ngược lại. Để hôm nào sẽ kể thêm
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn