Những trận đòn tuổi thơ

Đi chơi với mấy người em, thấy các cô ăn cơm từ tốn khiến mình buồn cười nhớ khi xưa nhà đông anh em. Mỗi khi ăn là ai nấy đều phải chánh niệm không nói chuyện, mắt nhìn vào thức ăn và nồi cơm, trong đầu tính nhẩm gắp được bao nhiêu, tập làm tính nhẩm rất nhanh, không có cảnh như ngày nay kêu mấy đứa con ăn như hầu vong. Mọi người mời bố mẹ xong là đợi bố mẹ gắp thức ăn xong mới dám cầm đũa. Xoay qua xoay lại là hết cơm hết thức ăn. Đó là hình ảnh của gia đình mình khi ăn cơm trưa chiều ngày xưa. Anh em mình có tính lạ là khi ăn không ai nói chuyện chỉ nghe tiếng nhai và chanh húp xì xụp nhưng đến khi hết cơm thì ai nấy như về tới địch trong cuộc đua đường trường thì mới nghe tiếng nhau. 

Hôm nay, ngồi ăn cơm mình nhắc lại chuyện xưa. Như khơi lại dòng suối đã lâu nay đã được lấp kín như trong truyện của Marcel Pagnol, Manon des sources. Mấy cô em than ngày xưa anh đi du học, ở nhà ăn độn khoai, bị mấy anh (em trai của mình) đánh tơi bời hoa lá khiến một cô sợ quá hết dám lấy chồng. Lấy về gặp một tên thích bạo hành như anh trai là đời em cô đơn yêu ai cũng ăn roi. Đến nhà bạn thấy anh chúng sao thương, chăm sóc cho em gái còn ở nhà anh mình khệnh như bao cát. 


Nhìn lại thì thấy bạo lực gia đình khi xưa ở Đà Lạt khá phổ thông. Mình nhớ hàng xóm có lần ông anh khệnh cô em gái. Cô em gái chạy qua nhà mình trốn vì ông anh kêu cô chăm thằng con nhưng cô đi chơi. Về nhà thấy thằng con đái ỉa đầy nhà nên ông anh khệnh cô ta một trận rồi lấy giày dép gì ra lấy cái rựa chặt hết, thêm lấy kéo cắt áo quần của cô ta hết. Nhớ cô em ngồi thúc thít khóc trong khi bà cụ an ủi và thở dài. Khi nóng giận khiến con người mất khôn, lại tốn tiền đi mua lại nên chả bao giờ giàu. 

Khi xưa mình cũng có đánh mấy đứa em, hai người em trai là chính. Nhưng có lẻ một em trai bị mình khệnh nhiều vì ham chơi, phá làng như mình. Mình thì đi phá xóm bị thiên hạ đến nhà mách thì bị ông cụ khệnh mệt thở. Kỷ niệm mình về ông cụ là những trận đòn nhất là những trận đòn oan. Ông cụ đánh bài thua về buồn đời thấy mình nên đem ra khệnh như Lý Tiểu Long trong Mãnh Long Quá Giang. Không tội đánh cho có tội, có tội đánh cho chừa. Mình đoán em út mình khi xưa chắc cũng nhớ về những trận đòn của mình. Có cô viết thư khi mình còn sinh viên bên Tây, kể là nào bây giờ mới biết anh thương em mới khệnh cho em nên người bán cà phê. Vớ vẩn. 


Mình nhớ có lẻ trận đòn cuối cùng nhận được từ ông cụ. Tết năm nào đó, sáng ra mình có nhiệm vụ châm nước, xem nhớt xe ông cụ. Khi xưa, ông cụ có chiếc xe cũ nên mỗi ngày phải châm thêm nước trong bình để làm nguội máy. Bên mỹ thì họ có loại chất hóa học bỏ vào trong bình để làm giảm sức nóng để máy khỏi bị hỏng mà chúng ta thường thấy mấy xe cũ nằm đường khói bay nghi ngút đầu ghềnh xa lộ toả khói hương nhất đi về vùng sa mạc, người ta sử dụng máy lạnh liên tu ti dễ bị làm máy nóng. Khi xưa thì chỉ có nước lạnh. Đi xe xa thì phải đem theo can xăng và thùng nước để châm nếu không là bể máy. 


Hôm đó như thường lệ mình thay nhớt thì thằng Bi Hàng xóm chạy qua kêu đi đánh bi da. Mình lật đật đi quên đem chìa khoá máng vào nhà, bỏ trong áo đi. Chạy ra Hồng Ngọc, thấy thiên hạ đứng ngồi chực bàn nên bò lên Duy Tân, cũng vậy, chạy qua đường Hàm Nghi tương tự, ngày tết thiên hạ có tiền nên đứng đợi đông như quân Nguyên. Cuối cùng hai thằng chạy lên Số 4, chỗ đường La Sơn Phu Tử mà hôm trước, về Đà Lạt mình có chạy ngang, cố tìm đâu dấu tích của tiệm bi da một thời. May quá khu dân Huế lo đổ Sâm Hương nên không có ai đánh nên hai thằng đánh 2 tiếng luôn vì có tiền lì xì. Dạo đó trả 100 hay 120 đồng đánh một tiếng. 

Ở nhà ông cụ sai mấy đứa em đi kiếm mình khắp Đà Lạt, không thấy vì mình ở Số 4. Thế là ông cụ khệnh cho một trận, lấy dây nịt quất như mưa vì cái chổi được bà cụ đem dấu. Đau quá, và sợ vì cái đầu dây nịt bằng sắt nên mình bỏ chạy, xuống nhà Bà Duy. Ngồi ngoài cửa. Ông bà Duy kêu mình vào nhà cho ăn bánh tét rồi kêu ngủ lại với thằng Dũng. Lần đầu tiên mình ngủ nhà lầu trong đời, trên cái nệm với cái mền bông ấm không thể tả. Mình từ bé đến lớn chỉ đắp cái mền nhà binh màu cứt ngựa của ông cụ khi xưa đi lính, đem về khi giải ngủ. Trời Đà Lạt về đêm lạnh cũng chỉ có cái mền này, nằm co ro. Giường thì có chiếc chiếu trải trên mấy thanh nẹp gỗ, ngủ lăn qua lăn lại là nghe kẹt kẹt. Giường thì 3 anh em ngủ, xếp theo diện cá hộp sumaco. Giường lâu lâu phải đem cái chiếu ra phơi nắng vì có đứa đái dầm ban đêm. Nhớ có cô em gái hay đái dầm, nghe thiên hạ bầy cho ăn cóc đủ trò nhưng sáng nào cũng phải đem chiếu ra phơi và ăn đòn. Nay nhớ lại thấy thương em vì đó là bệnh chớ cô em đâu cố ý tè ban đêm. 


Mình nhớ ơn ông bà Duy đã cho mình tá túc đêm đó, hình như mồng 2 tết. Sau này về thăm Đà Lạt, người đầu tiên mình ghé thăm là gia đình ông Duy.


Nhưng có lẻ trận đòn đáng nhớ nhất đời mình là từ bà cụ. Hôm trước về Đà Lạt, anh bạn chở mình đi xuống chỗ am Sohier rồi chạy về Phan CHu Trinh, NGuyễn Du thì có chạy ngang đường nGuyễn Trãi xưa, mình nhìn qua bên đồi bên kia thấy cái chùa to đùng được xây cất trên đồi thông, nơi mình và người em trai chơi với hai anh em tên Phi lOng, học trường Thanh NGọc ở đường Huyền Trân Công CHúa.


Cũng tết, xem ra mình có duyên ăn đòn vào các dịp tết. Hôm đó ông bà cụ kêu xe Lam chở xuống nhà ông bà Hai ngay góc lên trường Grand Lycee và Nguyễn Trãi. Người lớn người ta nói chuyện đâu đâu mà mình ngồi nghe thì hay bị ăn tát vì mình hay hỏi những câu cực ngu. Mình nhớ anh em Phi Long học chung với mình nên xin phép chạy qua nhà chúng chơi. Chúng rủ hai em mình lên đồi nơi có cái chùa vàng bây giờ chơi, núp dưới rừng thông. Mãi chơi mình quên phải về nhà bà 2. Đến khi đói bò về nhà bà hai thì ông bà cụ đã ra về. 


Thế là mình và thằng em chạy về nhà từ đó đến nhà lại phải đi qua cái am khét tiếng linh thiêng Đà Lạt, thiên hạ không ngã mũ chào khi đi ngang. Khi xưa, toàn là cây và có cái am nhỏ chớ không như bây giờ. Đi ngang qua cái am, mình sợ quá cở, nghe gió hú từ mấy cây thông, nhất là từ đồi thông nhà ông Sohier bên phải. Trong cái am có cái đèn cầy thắp và hương khói vì ngày tết thiên hạ đi cúng am. Tối thì họ về hết nên chả có ai ở đó, dạo ấy ông Phác chưa làm ông từ của cái am này. Sợ quá, cứ lâm râm cầu nguyện phật tổ chi đủ loại phù hộ cho mình qua cơn này. Qua khỏi cái cầu chỗ ngã ba Thống Nhất, Nguyễn Trãi và Bà Huyện Thanh Quan là hai anh em bỏ chạy mệt thở. 


Về tới nhà thấy mấy đứa em ra báo cáo tình hình chiến trường An Lộc. 

Ngày thường mình hay khệnh mấy người em nên hôm nay là ngày vui trong ngày đại thắng của chúng, thấy kẻ bạo quyền sắp sửa bị ăn đòn nên mấy người em mình có vẻ vui như ngày tết, được lì xì. Có đứa kêu má qua chúc tết hàng xóm về là ăn đòn. Mình ngồi khấn phật cho tai qua nạn khỏi. Mình lên bàn thờ khấn tổ tiên ,rồi quay qua bàn thờ phật khấn đủ loại, con thề con không dám tái phạm. Nhưng rồi giờ hành hình cũng đến, chẳng có phật phiếu gì phù hộ. Bà cụ về thì kêu thằng sơn đâu ra đây. Mấy người em đồng thanh gọi anh sơn má kêu với một lòng kiêu hãnh của người điều khiển chương trình người cày có ruộng. Mình như ông giê su đi chậm chậm lên đồi Calgary với cái thật tự giá trên vai nặng trĩu với lòng u uẩn đôi mắt người Sơn đen. 


Bà cụ hỏi biết tội gì chưa? Mình ầm thầm dạ biết, con xin lỗi má lần sau con không dám nữa nhưng mặt bà cụ như hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, không chút từ bi gì cả. Bà cụ kêu nằm lên giường. Mấy đứa em bổng nhiêu đồng loạt chạy đi lấy cái chổi lông gà dù bà cụ chưa nói, dành nhau xí trước rồi một đứa hãnh diện tiến về pháp trường đưa cái chổi lông gà cho bà cụ.


Mình bổng tư duy đột phá, nhớ đến mấy bài học trong sách giáo khoa và nhị thập tứ hiếu. Có câu chuyện một ông già không có vợ, nhưng vẫn ra sân chơi với đám con nít hàng xóm để bố mẹ  tưởng ông ta còn trẻ và bố mẹ vẫn chưa già. Một hôm bà đánh ông ta thì ông ta khóc rống to như cha chết. Bà mẹ hỏi trước đây mẹ đánh con sao con không khóc mà hôm nay lại khóc. Ông ta tình thật nói là khi xưa mẹ đánh đau nên con hổng khóc, nay thấy mẹ đánh không đau, lo âu mẹ đã già yếu, con sắp mất mẹ nên Con mới khóc.


Khi bà cụ quất roi đầu tiên thì mình dẫy đứng lên khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc lên đi cho những Vơi sầu. Mình tưởng bà cụ sẽ như bà mẹ trong sách giáo khoa , ngưng tay rồi hỏi mình như sách giáo khoa. Mình sẽ nói hết những lo sợ của mình khi thấy mẹ già, đánh không đau. Ai ngờ, đúng là sách vỡ khác với ngoài đời. Bà cụ nghe mình khóc thì kêu khóc hả, lại khệnh thêm. Thường đứa lớn nhất bị ăn đòn nhiều nhất để làm gương cho em út sau này. Mình nghĩ chắc khóc chưa to nên hét lên cho hết nổi nhục hình. Vấn đề là càng khóc to chừng nào thì bà cụ càng quất cái chổi lông gà vào mông mình. Thế là mình đột phá tư duy, câm cái mồm, cắn răng chịu đựng rồi ngày mai tươi sáng. 


Từ đó mình không tin vào nhị thập tứ hiếu, sách giáo khoa mà thầy giáo dạy ở trường.


Về Đà Lạt, mình như tắm gội trong dòng sông ký ức của thời xưa, nay nghĩ lại phải công nhận mình khi xưa thuộc dạng học sinh có cá tính, chớ không hiền như mình thường nghĩ.

Hôm qua, Đi ăn cơm với mấy đứa cháu học đại học Sàigòn. Ra đường, chúng nhận ra mình chớ mình không nhận ra chúng. Nhìn chúng lại nhớ đến mẹ chúng bị mình đánh khi xưa.  Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn