Những tấm không ảnh xưa mới lượm


Hôm trước, có chị bạn hỏi có tấm ảnh nào ở khu vực, nhà của chị ta khi xưa hay không. Mình nói không thì hôm kia nhận mấy tấm ảnh Đà Lạt xưa trên chuyện xưa.nét nên gửi cho chị ta. Chị ta hỏi lại ở đâu vậy? Kêu là U70 nên không nhớ cái chi cả khiến mình ngọng. Đành viết để giải thích cho chị ta biết nhà của chị ở đâu tại Đà Lạt khi xưa. Tương tự, có lần mình gửi tấm ảnh có đường Hai BÀ Trưng và trường Thăng Long cũ cho một chị bạn. Chị ta kêu không nhận ra rồi hai ba ngày sau mới kêu nhận ra rồi. Nhà của em khi xưa. Chán Mớ Đời 

Tấm ảnh này chụp trên khu vực viện đại hoc Đà Lạt thấy đường Đinh TIên Hoàng nhìn về hướng hồ Xuân Hương. Trước hồ Xuân Hương có hai hồ Đội Có, bên phải và Tống Lệ, bên trái để hứng nước mưa trên đồi chảy xuống tránh chảy thẳng xuống hồ Xuân Hương. Mờ mờ gần hồ Đội Có là nhà của Lafaro. Hình như mình có một tấm ảnh của hồ Đội Có nhưng lười đi tìm lắm. Mình có viết về hồ Đội Có thì chắc có đăng tấm ảnh này và biết đâu có nhà của chị bạn.

Hai tấm không ảnh này cho thấy nhà của Lafaro nằm trên đường Võ Tánh. Cạnh hồ Đội Có 

Mấy tấm không ảnh này, không ghi chú nên mình đoán tác già là ông Bill Robie, từng tham chiến tại Đà Lạt. Mình có kể trong vụ ông ta và vài người bạn quyên góp tiền để tặng học bổng cho hai nữ sinh  trường Bùi Thị Xuân và 2 nam sinh của trường Trần Hưng Đạo. Chụp hình chung với thầy Hoàng Trọng Hàn. Mình thấy mấy tấm ảnh trực thăng đậu tại khuông viên của hai trường này mà không hiểu chuyện gì. Sau mò ra ông ta và hỏi mới biết chuyện ông ta xin tiền của đồng đội để tặng học bổng. Sau này ông ta có về Cam Ranh để gặp lại cô nữ sinh khi xưa và một nam sinh nghe nói nay định cư tại Úc Đại Lợi. Hình như du học với học bổng Colombo. 


Có một điểm lạ là các hình ảnh xưa như mấy tấm ảnh của ông Robie, hay thấy nhiều người lấy trên mạng rồi bỏ tên của họ. Có lần mình mò ra ông Robie nhờ ông ta còm trên mạng. Có khách sạn nào ở Đà Lạt lấy tấm ảnh của ông ta và in to ra gắn nơi lễ tân. ông ta còm hỏi ai lấy ảnh của ông ta bỏ tại đây. Có lẻ sau chuyến viếng thăm Việt Nam, ông ta mới đăng mấy tấm ảnh xưa trên mạng.


Ông ta là tác giả các không ảnh chụp từ trực thăng trên địa phận Đà Lạt vào những năm Mậu Thân. Ông ta có thành lập một nhóm mang tên Dalat Historic để nhắc lại chuyện Đà Lạt xưa. Khi xưa hình như phi đội của ông ta ở gần Phan Rang. Khi lính Mỹ cần yểm trợ không lực thì kêu trực thăng lên Đà Lạt. Nghĩ ra cũng đúng vì muốn tiếp liệu xăng cho trực thăng đóng trên Đà Lạt là chết vì đường đèo, Việt Cộng chỉ phục kích là đời em cô đơn nên yêu ai cũng ăn phóng lựu. Cho nên các phi trường của các phi đội trực thăng đều nằm gần Nha Trang, Cam Ranh. Chỉ có người Mỹ dạo ấy mới có phim màu chụp. Còn không ảnh Đà Lạt do ông Hồng Châu chụp thì trắng đen. Hình như con trai ông ta có tải vài tấm nhưng dạo ấy mình chưa lưu lại như ngày nay. Mình có đâu trên 2,947 tấm ảnh Đà Lạt trước 1975. Kinh. Trong đó có một số đâu gần 700 tấm do một cựu học sinh Adran, gửi tặng.

Đây là tấm không ảnh chụp từ trực thăng gần chỗ hồ Đội Có, nhà máy nước Đà Lạt. Dạo ấy nhà của thầy Thắng, thầy Hàn chưa được xây cất.

Ta thấy Giáo Hoàng Học Viện do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế. Chỗ Này Việt Cộng có chạy vào đây năm 1972 bị đại đội 302 bao vây nhưng tòa thánh Vatican yêu cầu không tấn công sợ mấy ông cha và các học viên bị giết nên phải mở đường máu cho họ đêm xuống rút về đâu ngõ Đa Thiện. Có ai gửi cho mình cái video của đài bình luận của ngoại quốc chiếu trận đánh này. Bên phải là đường Đinh Tiên Hoàng từ bờ hồ Xuân Hương chạy lên và chấm dứt ngày viện đại học Đà Lạt mà ngày nay, người ta hay gọi ngã 5 đại học vì có đường Đinh Tiên Hoàng, Phù Đổng Thiên Vương, căn số 7 là nhà của anh bạn quen, đi du học tại Bỉ Quốc năm 1970, có đường Nguyễn Công Trứ chạy ra Mả Thánh, có đường Võ Tánh, với trường tiểu học Võ Tánh, rồi đường Trần Khánh Dư. Thấy có trường Chiến Tranh Chính Trị và các vườn của ấp Nghệ Tĩnh.

Phía sau Giáo HOàng HỌc Viện, là sân đá banh rồi thấy bãi đất đỏ trống thuộc trường Bùi Thị Xuân. Không biết mấy nữ sinh trường này làm gì mà chỉ thấy đất đỏ, cây cối không mọc, chắc chỗ sinh hoạt thể thao. Rồi đến văn phòng và mấy dãy lớp hai tầng. Kế bên trường BTX là xóm Tăng Văn Danh, đi vào từ đầu đường Võ Tánh. Nếu ai nhớ cặp ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương thì quán Lục Nguyệt Cầm của họ nằm bên tay trái.

Cuối dốc Tăng Văn Danh là các vườn rau Đà Lạt xưa. Không hiểu họ lấy nước ở đâu ra. Chắc nước từ trên đồi xuống rồi có ao để trữ lại như mấy cái vườn mà mình biết tại Đà Lạt.
Không ảnh Giáo Hoàng Học Viện do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế. Mình đoán hình chụp do ông Châu (photo Hồn Châu)
Giáo HOàng Học Viện thấy đường Võ Tánh phía sau, trường Bồ Đề, chùa Linh Sơn, xa xa nhà thờ Domaine de Marie và cuối cùng là phi trường Cam Ly
Tấm ảnh này đẹp vì hai cơ sở giáo dục do mấy ông cha nhà dòng thành lập. Giáo hoàng học viện và viện đại học Đà Lạt. Hình này có ghi chú của ông Bill Robie
Hình này chụp đường Đinh Tiên Hoàng, khúc này sau này họ có xây một căn nhà rồi sau 75, có ông kiến trúc sư nào Đà Lạt, lấy sửa lại gọi nhà 100 nóc. Mình có gặp anh ta rồi nghe nói họ lấy lại. Thung lũng bên phải nước mưa chảy xuống hồ Mê Linh

Bên phải hình sau là dãy nhà của Thương Phế Binh VNCH đó anh (theo Thi Đà Lạt , dãy nhà phía bên trường đại học đi tới)

Phía đường Đinh Tiên Hoàng có một vài căn nhà mới. Không biết có phải nhà của thầy Tạ Tất Thắng hay không. Nhà thầy Hàn thì năm 75 mới xây xong thì cúng cho Việt Cộng 
Bên trái là đường Võ Tánh, còn bên phải là đường Đinh Tiên Hoàng. Chạy xuống hướng bờ hồ, ngày nay người ta xây một cái chùa sơn vàng khè. Kinh 

Tương tự hình trên nhưng thấy đường Phù Đổng Thiên Vương và Nguyễn Công Trứ rõ hơn.


Đây đường Đinh Tiên Hoàng, thấy họ trồng 3 hàng cây để làm ranh giới giữa Giáo Học Học Viện và trường BTX, không cho các nữ sinh trường BTX sang chọc phá mấy ông thừa sai. Thấy đường Võ Tánh chạy cong cong xuống bờ hồ, thấy góc đường chạy lên dinh tỉnh trưởng, góc đường Phan Bội CHâu và mấy căn nhà đầu đường Võ Tánh, có tiệm rượu Lafaro nhưng cháu gái ông ta không nhận ra, kêu là gần 70 tuổi rồi. Chán Mớ Đời 

Thấy cái đồi cao nhất Đà Lạt, nơi có dinh tỉnh trưởng mà họ sắp đập bỏ, miếng đất vàng bên phải ngọn đồi đó là đường Hàm Nghi., trường Bồ Đề. Gần gần là xóm Tăng Văn Danh. Tên ông khu phố trưởng của Thái Phiên hay Trại MÁt, bị Việt Cộng giết năm Mậu Thân.
Tấm ảnh này là lần đầu tiên thấy. Thấy mả thánh Đà Lạt khi xưa. Sau 68, người chết nhiều, chôn ở đây nhất là lính nên sau này họ phải chôn tại Ấp Du Sinh. Bên trái có ngã ba La Sơn Phu Tử, Phan Đình Phùng và đường Tôn Thất Thuyết chạy lên trường Trần Hưng Đạo. Cận cảnh là ấp Trung Bắc. Thấy có đường quẹo vào Nguyễn Công Trứ, thấy am Mệ Cai, gần đó là nhà Ngô Văn Thuỷ, học chung với mình.
Trường này là trường BỒ đề, bên cạnh thấy cái tháp của chùa Linh Sơn. Phiá sau chùa là vườn chè. Thấy đường Hàm Nghi. Quẹo lên là đường Võ Tánh, quẹo xuống thì đường Phan Đình Phùng. Thấy xa xa nhà mình. Kinh. Lần sau kể tiếp
Đây là không ảnh khu vực Domaine de Marie. Từ ngã ba calmette và Ngô Quyền, có các cổng đi vào khu nhà thờ này. Cạnh chỗ này trên đường Ngô Quyền, sau này họ xây dòng Đa Minh mà nghe nói sau 75, có chống chế độ mới hay sao đó, bị bắt khá nhiều. Mương theo cái đồi đi lên cong cong vào cái sân to đùng , nơi mấy bà sơ tổ chức hội chợ từ thiện hàng năm vào lễ giáng sinh. Nhà thờ phải đi lên mấy thang cấp. Phía bên phải cũng là khu vực của nhà thờ này. Có đường Thi Sách, dãy cư xá Kiến tHiết, có nhà của Cao Quốc Tuấn. Đi lên chút là trường tiểu học Đa NGhĩa. Ông thần này cao nên về già chạy xuống địa đạo ở. Đường Thi sách đi thẳng lên Số 4, gặp đường Ngô Quyền, có một con đường bên tay phải là La Sơn Phu tử, chạy xuống đụng mả thánh và đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng. Khúc số 4 này sau Mậu Thân là bình địa luôn. Bom Napalm thả cháy hết khu vực này. Ở khu Vực nhà mình đứng nhìn thấy máy bay thả bom và trực thăng bắn phá.
Đường này chạy xuống đường Trần Bình Trọng. Trước cổng nhà thờ chắc chỗ dạy học. Chưa bao giờ vô đây.
Hình này thấy 3 con đường song song. Phan Đình Phùng, Hai Bà trưng và Thi Sách. Thấy nhà của Trần Văn Tiến ngay gốc Phan Đình Phùng và Mả Thánh. Thấy khu xóm nhà thầy Hồ Thanh Tâm. Thấy nhà trung tá Tốn, nơi có người con gái tên Thi của Cao Quốc Tuấn. Ông trung tá này đi thanh tra đồn lính sáng sớm, lính chưa gỡ mìn nên nổ chết. Đói diện nhà ông Tốn là nhà ông Oai, cha đỡ đầu, bọ của Huỳnh Kim Sang, được mệnh danh là vua bắt Việt Cộng nằm vùng Đà Lạt. Thằng Vui, xóm mình khi xưa hay chơi bắn bi bị ông ta theo dõi bắt. Chắc để hù mình nên ông ta dẫn mình vào trung tâm thẩm vấn, dắt đi xem mấy phòng giam. Thấy thằng Vui ngồi một cục ở trong. Kinh
Cận cảnh là vườn của bà Hành, mẹ của một cô tên Xuân, học BTX và ông anh tên Nhân. Ông thần này học Văn Học, rớt tú tài đi lính chết ở Cai Lậy. Hồi nhỏ mình hay đến vườn này bắt loăn quăn nơi cái ao trước vườn về cho gà ăn. Chỗ đường Thi Sách, trước cổng vườn bà Hành, Chử Nhị Anh có dạo lái xe Mercedes của thầy CBA đi ngang đây bị kẹt xình. Thầy CBA chạy lại nhà mình kêu mình đem xe Jeep lại kéo xe ra khỏi đống xình. Chán Mớ Đời . Hỏi ông thần NHị Anh có nhớ vụ này thì ông thần nhìn mình như bò đội nón.
Hình này to hơn hình trên và họ đã cắt xén nhỏ lại. Thấy con đường đất nối Thi sách ra đường Hai Bà Trưng, đi ngang nhà CÒ Đào và hai ông thần thợ may Tánh và Sơn.

Đường Phan Đình Phùng, thấy cái dốc cao chạy lên nhà thờ Tin Lành, cạnh khách sạn Mimosa. Cận cảnh là chợ Nhỏ Phan Đình Phùng. Căn nhà đầu tiên thấy là nhà thuốc tây Lâm Viên. Có con đường hẻm từ Phan Đình Phùng băng qua chiếc cầu có con suối chảy từ Đa Thiện về đến cư xá Địa Dư rồi đường Hai Bà Trưng. Thấy nhà bảo sanh HIền CHi của ông Tôn Thất CHí. Ông này thất chí nên lấy cô mụ làm này bảo sanh. Sau này truyền nghề lại cho 2 cô mẹ là Cô Tuý và Cô Thanh. Mẹ mình sinh đâu 8 người con tại đây.

Hôm trước, có ông thần nào ở Đà Lạt nhắn tin cho mình kêu Việt Nam Cộng Hoà làm cái đập Đa Thiện để lấp mấy chỗ ông nằm vùng trú ẩn khiến mình buồn cười. Theo mình thì mưa nhiều sẽ làm lụt các khu vực đất đai làm vườn của ông bà Võ Đình Dung cho thuê nhà vườn trồng trọt. Do đó phải xây cái đập để chận bớt nước lại. Nước chỗ Thung Lũng Tình Yêu chảy về thị xã qua con suối và được tách ra làm hai ở góc La Sơn Phu tử rồi chảy về Hoàng Diệu. 
Ảnh này rộng hơn nên thấy con đường mòn băng qua suối , băng qua các vườn, đất mướn của ông bà Võ Đình Dung. Mình thấy nhà cậu Liễu, con bà Dụ, chị của bà Võ Quang Tiềm. Cậu Liễu bán thuốc lá Cẩm Lệ ngoài chợ. Chỗ này khi mưa là vườn bị ngập mấy ngày luôn. Lý do là hai bên vườn có hai con suối chảy từ Đa Thiện về. Bên tay phải có thấy nhà của thằng Đào học chung với mình năm 6 ème và 5 ème. Bố nó có bồ ở Sàigòn nên nhờ dì mình dẫn xuống Sàigòn bắt ghen. Kinh. À thấy tiệm may của ông Ba Hoà, đối diện nhà thuốc tây Lâm Viên
Hình này thấy cả nhà thờ Tin Lành, đường Hàm NGhi, Phan Đình Phùng. Chỗ cong cong, thường được gọi là xóm Giếng vì có cái giếng tước khách sạn Mimosa, thiên hạ đến gánh nước.

Thôi ngưng ở đây. Hôm nào sẽ kể tiếp mấy tấm kia. Ai muốn nghe kể chuyện đời xưa thì cứ có ảnh cũ ngày xưa thì gửi cho em.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn