Xi-nê một thời để nhớ

 Hôm nay họp mặt tại câu lạc bộ Toastmasters, có đề tài về những phim ảnh hưởng nhất trong đời. Khi họ hỏi mình, để trả lời, mình nghĩ có lẻ cuốn phim gây ấn tượng nhất khi còn ở Việt Nam là phim Bác sĩ Zhivago mà ngay người Mỹ cùng tuổi mình ở câu lạc bộ cũng nhớ đến cuốn phim này. Đẹp và có thể dùng để tuyên truyền chống Liên Xô. Phim này, mình xem lại nhiều lần tại Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc và Hoa Kỳ. Tại rạp cung có và trên đài truyền hình.

Phim này mình xem không biết bao nhiêu lần. 2 lần tại rạp Hoà Bình dù dài Lê thê. Cảnh tuyết mùa đông quá đẹp. Nghe nói quay bên Tây Ban Nha, như mấy phim cao bồi spaghetti. Xem phim này khiến mình muốn đi tây nhưng đi Nam Cực về thì phải công nhận đẹp hơn là trong phim của David Lean.

Rạp này vớt tiền của mình khá nhiều, nhất là phim tàu sau Mậu Thân với Tân Độc Thủ Đại Hiệp,..

Khi xưa, đi xem xi nê tại Đà Lạt nhất là khi có phim hay, ngày tết thì có màn chen lấn kinh hoàng. Chui lọt đến quầy bán vé là một đấu tranh trường kỳ, la ó, thậm chí còn đánh nhau như ngày nay, họ đi chùa hay xin ấn. Sau 75, nghe kể có màn xếp hàng, đặt cục gạch. Ai đó báo cáo trên mạng là mấy ngày Tết vừa qua, có đến trên 3,500 người nằm viện vì đánh nhau. Chắc nhậu rồi say, đánh đấm nhau.


Khi xưa, ở Đà Lạt có vụ kiểm duyệt các cảnh nóng. Đang xem đến màn hai anh chị ôm nhau thì xẹt biến qua cảnh khác hay ông thợ chiếu phim lấy tờ báo che lại. Bên Tây thì phim có kiểm duyệt cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bên Hoa Kỳ cũng vậy, cấm đem trẻ em vào nhưng cho xem líp ba ga để hốt bạc.


Có lẻ thời gian xem phim tại Đà Lạt để lại dấu ấn cho mình nhiều là khi chùa Linh Sơn, đúc cái chuông mà ngày nay, thấy treo trước cửa chùa bên tay trái. Mệ ngoại dẫn mình lên chùa, mệ vào chùa để làm công quả hay tụng kinh, mình ở ngoài, đứng xem xi nê Charlot và Lảurel and Hardy. Mấy ông Phật Tử, lấy tấm vải, căng ra từ hai cây gần mấy thang cấp, có hai con rồng. Đặt máy chiếu, cứ hết một phim ngắn độ 15, 20 phút, là phải ngưng đổi phim, phải quay lại đủ trò, con nít như mình chạy đi xuống vườn chè, tè.


Trong chùa, cứ nghe thiên hạ tụng kinh, ngoài này thì con nít như mình chạy chơi, đủ tò, xem phim do ty thông tin Đà Lạt, đem chiếu cho xem. Đúng là xem xi nê chùa, không phải trả tiền.


Qua Tây thì không có màn này nhưng phải đứng xếp hàng ngoài trời, nóng vào mùa hè còn lạnh cóng chân vào mùa đông. Mùa hè thì thiên hạ muốn chui vào xi-nê để có máy lạnh, còn mùa đông thì được sưởi ấm. Mùa đông mình hay đi xem cinematheque ở Trocadero hay trung tâm văn hoá Pompidou. Có phòng ấm, đến suất cuối, 10 giờ bò về nhà là đúng 11 giờ đêm, lên giường ngủ. Khỏe re. Mùa hè thì sau khi đi làm ra, ăn tiệm là bò vô rạp xi nê để hưởng cái lạnh mát rượi trước khi về ngủ trên căn gác nóng hầm. Giá vé cho sinh viên rẻ. Mình tìm trên mạng để xem có tấm ảnh nào về những nơi khi xưa thì khám phá Paris có một cinematheque mới được xây sau này ở Bercy.


Đi xem phim ở cinematheque, lâu lâu có phim câm nên phải có một người ngồi đánh dương cầm trong khi chiếu phim. Dạo ấy, mình thấy đã châm, đã thấy hiện đại khi xem phim mỹ như E.T., Star Wars so với những phim câm khi xưa. Xem phim câm, nghe nhạc đệm dương cầm rất lạ, trải nghiệm không khí khác so với xem trong rạp surround sound. Được cái là không phải đọc phụ đề.

Nhớ có lần xem một phim Gia-nã-đại, nói tiếng pháp, đúng hơn là quebec. Nói chung 60 phút đầu, mình chả hiểu họ nói gì cả vì giọng rất khó nghe. Sau này sang ở Lausanne, Thuỵ Sĩ cũng tưng tự nhưng từ từ nghe hiểu được.

Đây tấm ảnh tiêu biểu khi xem phim câm, có người đánh dương cầm theo thứ tự của cuốn phim. Thường rạp chiếu nhỏ chớ to đùng như ngày nay thì đánh chả ai nghe

Ở trên đại lộ Champs Elysees, có một rạp Gaumont mình rất thích vì ghế ngồi rất êm. Ngồi xuống ghế thì thấy cứng, từ từ cái ghế nó trụt xuống theo trọng lượng của mình, ngồi êm kể gì. Mình hay coi ở đây vì gần nhà, xong phim thì đi bộ về, còn không thì xem ở khu Saint Michel, Odeon, gần trường có giá cho sinh viên.


Sang Hoa Kỳ đi xem phim, có màn mua bắp rang nổ vào ăn với uống coca. Ở tây, nói chuyện trong rạp là bị thiên hạ xì tới xì lui, kêu ta gueule huống chi ăn nhóp nhép bắp rang, hút Coca Cola tụt tụt.


Lâu lắm, không đi xem xi-nê ở rạp vì không có nhu cầu. Ở nhà, cứ mở Netflix, Prime và YouTube, xem phim tha hồ. Thích phim nào thì mở xem, không thích thì đổi trong khi ở rạp xi nê, không hay cũng phải ngồi nán, vì đã trả tiền. Nhớ dạo mới sang tây, mình thấy người Pháp mua cuốn báo, nói về chương trình đài truyền hình trong tuần. Hình như dạo ấy, bên tây chỉ có 2 đài truyền hình phát hình thường xuyên đến 12 giờ đêm. Thêm một đài TF3. Có phim hay là họ phải có mặt đúng giờ ở nhà để xem. Không có vụ nhấn “Pause” khi muốn đi tiểu như ở nhà bây giờ. Cả nhà đang xem thì mấy đứa con kêu “ngừng”. Rồi chạy vào nhà tắm.


Cứ tối thứ 4 hay thứ 6 gì đó, mình không biết vì không có truyền hình, dân tây tranh thủ về sớm để xem bộ phim đài truyền hình của Mỹ Dallas. Trong tuần thì báo chí bình luận về JR sẽ bị gì. Còn tối thứ 7 thường là ca nhạc còn tối chủ nhật là phim xi nê cũ. Mình rất ngạc nhiên vì thường dân tây, kêu người Mỹ không có văn hoá nhưng mê xem phim truyền hình Mỹ.


Xi nê bên tây đa số là phim Mỹ được ưa chuộng nhưng họ lồng tiếng pháp. Mình thích xem phim phụ đề pháp ngữ nên phải lựa rạp chiếu phụ đề để nghe tiếng Mỹ như tập nghe cho quen. Mấy tên bạn tây đầm thường chỉ thích đi xem phim nói tiếng pháp vì chúng không thích đọc phụ đề. Mình dân mít nên quen xem xi nê, nói tiếng tây ở Đà Lạt, phụ đề tiếng Mỹ, tiếng Việt, tiếng tàu. Xem xi nê phải đọc phụ đề việt ngữ mệt thở. Chỉ có mấy phim Việt Nam như Nàng, Chân Trời Tím, Từ Sàigòn đến Điện Biên Phủ,….là không có phụ đề.


Khi mình ở New York, tên ở chung có truyền hình nên cũng hay coi nhưng rồi có phòng trào xem phim bộ, lồng tiếng việt nên ra phố tàu, mướn về xem. Cho tên mỹ ở chung nhà xem rồi mình dịch ra tiếng mỹ cho hắn hiểu. Mỗi lần hết phim là hắn như điên cuồng, phải đợi mai đi làm về, ghé phố Tàu để trả băng video để mướn mấy tập tiếp theo.


Thế hệ con mình không biết, không trải nghiệm xem xi nê kiểu này. Nay chỉ cần mở truyền minh thông minh rồi lựa phim để coi. Không thích thì chuyển phim khác. Chúng có thể xem trên iPhone hay iPad, laptop,… tải về laptop mấy cuốn phim thích coi rồi lên máy bay mở để xem. Muốn ngừng khi nào cũng được. Ngày xưa, đi xi nê, mót đái cũng không dám đi. Coi xi nê trên đài truyền hình cũng vậy. Phải ngồi xem từ đầu đến cuối. Dạo đó truyền hình của Pháp, là của chính phủ nên không có trò quảng cáo khi xem đá banh, xi nê. Sau này có Canal+ mới bắt chước Hoa Kỳ, có quảng cáo nhưng dân tây lại thích hơn dù có quảng cáo. Đài của chính phủ thì chán như con gián.


Có bà nói là sau khi xem phim Shark, bà ta hết dám bò xuống biển để bơi vì hình ảnh cô gái bơi ban đêm, bị con cá ăn thịt để lại dấu ấn tàn nhẩn. Có người nói về E.T., người nói đến Star War. Sang Hoa Kỳ mình mới hiểu lý do, các phim Mỹ được ưa chuộng vì tư duy của họ không bị hạn chế. Mấy phim như Back to the future,…


Nói chung khi đi du lịch hay làm việc ở các xứ, văn hoá của Mỹ có rất nhiều ảnh hưởng bởi truyền hình. Các đài truyền hình địa phương mua bản quyền, chuyển ngữ hay phụ đề rồi chiếu cho người dân sở tại xem. Con nít được xem mấy chương trình Disney,…từ bé nên lớn lên, chúng chỉ thích nghe nhạc Mỹ, ăn hamburger, uống Coca Cola. Đó là cuộc chiến văn hoá mà cựu bộ trưởng văn hoá pháp, Jacques Lang lên tiếng báo động.


Trong lịch sử loài người, văn hoá nào được ưa chuộng nhất, sẽ giúp nước đó hùng mạnh như La-Hy, Nhà Tống, Ấn Độ,… ngày nay với kỹ thuật, con người được nối kết, giải trí bởi các kỹ thuật khác nhau. Xi nê từng là món giải trí cho nhân loại. Máy chục năm về trước, mình thích xem phim Tàu của Trung Cộng vì mới lạ. Nay thấy toàn là tuyên truyền nên Chán Mớ Đời.


Dạo mình sang Pháp, rát thích xem phim Ý Đại Lợi với những đạo diễn trẻ, đầy ý tưởng giới lạ như Federico Fellini,.. sau một thời gian bị cấm đoán dưới thời phát xít của Mussolini, giới trí thức được bung ra nhiều sáng tạo. Tương tự mình nhìn lại sau 1954, khi các trí thức miền Bắc di cư vào Nam, họ như cá gặp nước, bơi lội trong vùng sáng tạo vô biên. Các sáng tác về âm nhạc, sách báo khá đa dạng song song với sách vỡ tuyên truyền của chính phủ.



Ngày nay, mở Netflix xem phim ý thì chán như con Gián. Phim Đức khi xưa với những đạo diễn như Fassbender, Herzot,..quá hay này H tì cũng chán. Phim tây ngày xưa với loại Film Noir, nay cũng chán. Mỗi cuốn phim thực hiện ở Âu châu, đều được sản xuất chung với nhiều công ty thuộc Liên Hiệp Âu Châu, để có tiền thực hiện nên hằm bà lằng. 


Đi A Căn Đình, thấy họ quảng cáo phim Avatar II đầy nơi. Ai nấy đều chống Mỹ cưu nước rồi lại bò vào xi nê xem phim Mỹ và vỗ tay. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn