Vòi nước uống công cộng Wallace tại Paris

Hôm nay, 1 ông thần quen, đăng tấm ảnh chụp ở Paris khi xưa khiến mình thất kinh. Không phải hình của ông ta giữa Paris lạnh giá mà mình thấy lại hình ảnh thân thương của Fontaine de Wallace, phía sau. Mấy vòi nước để dân Paris, khát nước, ghé lại uống mà mình vẽ nhiều lần, thời đi học. Các vòi nước này xuất hiện nhiều nơi trong thủ đô Paris, để giúp người dân uống nước hay lấy nước từ muà Xuân đến mùa Thu. Mùa đông thì tắt, tránh bị đông lạnh, làm hư hại các đường dẫn nước. 

Thiên hạ chụp ảnh tạo dáng, ông này chả nhớ gì cả về Paris, kêu không biết dù chụp hình ngay bên cạnh. Đối với mình là hình ảnh đầu tiên, đập vào mắt khi mới đến Paris. Hai điểm cần nhất khi đi ngoài phố Paris là chỗ đi tiểu công cộng và nước uống khi khát.

Mấy chỗ này hay để như vậy. Khi hư, họ tháo mấy tấm lưới bằng sắt lên, leo xuống để sửa chửa mấy ông nước.

Dạo mình mới đến Paris, thấy mấy vòi nước phong ten này, mang tên một người Anh quốc, Wallace nên thấy lạ. Lý do là người Pháp không thích người Anh quốc, từ thời Nã Phá Luân bị thất trận, đúng hơn là cuộc chiến 100 năm, giữa hai nước, có chung một hoàng tộc, tranh dành ngôi báu. Ngày xưa, mấy ông tây bà đầm dạy về lịch sử của pháp đến mờ mắt, chả hiểu gì cả vì ở đâu đâu, không dính dáng gì đến Việt Nam.


Hè đi vòng vòng Paris để xem biết tình hình, khát nước thì ghé lại cái phông ten này, đem theo cái bình nước để hứng nước uống. Nhất là khi mình tập vẽ, cần nước để pha màu thuỷ mạc. Mắc tè thì có chỗ đi tiểu công cộng mà người Pháp hay gọi Vespasienne, hay Pissoir qua tên một hoàng đế la mã tên Vespasien, cha của hoàng đế Titus, nổi tiếng vì đánh thuế người la mã, đi tiểu nơi công cộng. Tuần lễ đầu tiên đến Paris, mình đi viếng vườn Lục Xâm Bão mà ông Cung Trầm Tưởng làm thơ. Đi vòng vòng thì mót đái, thấy cái pissoir này, chạy vào tè lần đầu tiên tại Paris phê luôn.


 Sau này, mình về Paris thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó là những cầu tiêu công cộng của công ty Decaux, bị hư hoài vì dân tình thích xã hội chủ nghĩa, không muốn trả tiền nên phá. Du khách đi kiếm chỗ đi tiểu phải hát Nắng Paris mà anh chợt nóng vì đi kiếm chỗ cho em đi tiểu. Vào tiệm cà phê thì phải mua cái gì trong khi ở Hoa Kỳ, hay mấy nước khác như A Căn Đình, CHí lợi mà mình đi chơi vừa qua. Mót tiểu thì chạy đại vào khách sạn, tiệm ăn, tè một phát rồi đi. Chủ vui vẻ chào hasta la vista.


Ông Richard Wallace, người Anh quốc, sống gần cả đời tại Paris. Ông ta cho tiền để gắn và đem nước miễn phí qua các vòi phong ten, đến cho người dân tại Paris vào thế kỷ 19.


Mình nghe tây kể là trong thời gian chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871 và thời La Commune (Công Xã). Hoàng đế Napoleon đệ Tam choảng nhau với ông hoàng xứ Phổ, Otto von Bismarck. Quân đội pháp bị thua xiểng niềng. Hoàng đế tây bị truất phế và đệ tam cộng hoà được thành lập. Khi bị bao vây, cư dân ở Paris, đói quá nên ăn chuột, chó mèo và mấy con thú ở sở thú Paris. Thời đại La Commune ở Pháp, ít được nhắc đến trong chương trình giáo dục lịch sử Pháp. Ông tây khi xưa dạy Sử-Địa, chỉ nói phớt qua đến khi mình sang Pháp, kiếm sách đọc mới lòi ra vụ này.


Sau khi truất phế hoàng đế Napoleon đệ tam, cháu của ông Bonaparte, dòng họ này cứ đem chiến tranh đến cho nhân loại như gia đình Bush. Người dân bầu quốc hội mới. Mấy ông  thần đại biểu muốn hoà đàm , không đánh nhau nữa, khiến dân Paris, nổi loạn do một số trưởng giả và công nhân, đứng dậy chống đối.

Ngoài ra, khi ông Baron Haussmann, đập phá các khu vực cổ để xây dựng các đường xá rộng hơn, để nhân dân nổi dậy thì có thể đem cà nông ra bắn, triệt hạ hết hầu để tránh một cách mạng 14/7 lần nữa. Khi người dân chống đối, lính, công an của vua Louis 16, đi lùng kiếm thì dân núp khắp nẻo đường của Paris, khó tìm. Nên hoàng đế Napoleon III, ra lệnh cho ông Haussman, phá bỏ các khu nhỏ bé để thành lập các đại lộ như ngày nay. Paris nay còn vài khu vực nhỏ bé như xưa. Họ gọi nhóm cách mạng, chống đối này là Les Communards de Paris. Cuối cùng thì nhóm nổi loạn này bị dẹp tắt.


Trong thời gian hổn loạn này, ông Wallace sống tại Paris và chứng kiến sự đói khát của người dân nghèo nên có ý định tự bỏ tiền, gắn những phong ten này khắp Paris để cho dân tình có thể lấy nước uống và dùng.


Khởi đầu, họ cho gắn 50 cái phông ten, làm bằng gan sắt, sơn màu xanh lá cây vào năm 1872, xem như 102 năm trước khi mình đến Paris, vẫn thấy và sử dụng. Nghe nói nay vẫn còn hoạt động ngoại trừ mấy chỗ pissoir, đi tiểu công cộng. Nghe nói sau này có đến hơn 100 cái.


Ông Wallace phát hoạ ra hình ảnh của phông ten, rồi đưa cho điêu khắc gia Charles-Auguste Lebourg, thực hiện mẫu cuối cùng.

Đi trên đường, hay thấy mấy chỗ đi tè công cộng, sơn màu xanh để hoà với thiên nhiên, cây cối.

Trong cuộc chiến với quân Phổ, và cuộc nổi loạn La Commune, các hạ tầng cơ sở của Paris bị phá hỏng, người dân không có nước uống, xài. Người ta múc nước từ sông Seine, kéo xe bò để bán cho dân Paris. Nước dơ vì bao nhiêu cống rảnh từ Paris đều chảy sông Seine như Đà Lạt chảy về suối Cam Ly. Do đó mà người Pháp ở Paris, bắt đầu uống rượu và bia để khỏi bị nhiễm độc khi quân Phổ bao vây và cuộc nổi loạn La Commune. Mình đọc tài liệu, kể khi xưa, mấy ông bán thịt, làm thịt ngựa, bò xong thì bỏ xương, da,… dưới sông Seine nên khá hôi tanh vào mùa Hè. Nhất là khu vực La Cité. Kinh 

Từ đó say rượu và nạn nghiện rượu đến với dân lao động mà nhà văn Emile Zola tả trong các truyện của ông ta. Ở Việt Nam, mình chưa bao giờ đọc Balzac, hay Emile Zola nhưng khi qua tây, bạn bè kêu mình nên đọc. Mượn thư viện về đọc thì khám phá ra mấy ông muốn làm cách mạng, chắc bị ảnh hưởng bởi mấy cuốn truyện này.


Ngày nay, uống rượu rất đắt chớ thời xưa, rượu được làm ra, rẻ lắm vì ít ai uống. Dạo mình ở Tây, trưa đi ăn cơm tiệm, bình dân, một carafe de vin (bình rượu) rẻ hơn một chai nước suối. Rượu thường thôi mà người Pháp gọi vin de table. Rượu chỉ để dành khi đi lễ nhà thờ. Nghe kể khi Paris bị bao vây bởi quân Phổ, lính vệ quốc đến mấy quán rượu để uống rượu khi khát vì nước sông Seine quá độc. Say quá nên bị quân Phổ đánh chết bỏ.


Có lẻ vì lý do này mà ông Wallace thương cảm, bỏ tiền ra thành lập một hệ thống cung cấp nước cho người dân thủ đô đến ngày nay, do Eau de Paris quản lý. Dân tây thì chém giết lẫn nhau, một người ngoại quốc bỏ tiền cung cấp nước miễn phí cho dân tây dùng. Chuyện đời khó hiểu.


Nhiều khi mình nghĩ nếu người Pháp không đô hộ Việt Nam, không dạy tinh thần pháp chửi bới nhau, tự cho mình là đúng, đánh nhau như người Pháp thì có lẻ người Việt không bị ảnh hưởng mấy ông tây, đánh nhau chí choé nhân danh Tự Do, Bác Ái và Công Bằng bú xua la mua. Từ 1945, đánh nhau tới 1975, nay vẫn tiếp tục trên mạng, với bò đỏ bò vàng. Chán Mớ Đời 


Có hai loại phông ten này, đứng trên các lề đường và gắn ở tường. Mình nhớ ít thấy loại gắn bờ tường. Lúc đầu mới thấy cái phông ten rất lạ vì có 4 tượng phụ nữ. Sau này học lịch sử nghệ thuật mới khám phá ra ông Phidias của Hy Lạp đã bắt mấy bà đội nóc nhà, nóc đình từ lâu. Ngày nay, ai đến viếng Parthenon Ở Hy Lạp, sẽ thấy vài tượng phụ nữ đội cái mái nhà của đền, bên tay trái của đền chính.


4 người phụ nữ tượng trưng cho 4 mùa; lòng tốt (mùa đông), giản dị (mùa Xuân), từ thiện (mùa Hè) và sự tỉnh táo (mùa Thu). Mỗi phụ nữ đều khác nhau. Tượng trưng cho lòng tốt thì được điêu khắc gia cho cong đầu gối trái, Giản dị thì cong đầu gối phải,.. theo mình thì điêu khắc gia tìm cách làm cho bức tượng chung đẹp, sau này dân tây hay giải thích vớ vẩn cho có vẻ trí thức.


Địa điểm mà người dân Paris thích nhất là chỗ đi tiểu công cộng, họ gọi pissoir, do động từ Pisser (đi tè). Họ còn gọi là Vespasienne cho có vẻ trí thức, nhắc nhở đến ông hoàng đế la mã tên Vespasien. Ông này là người đầu tiên, cho trang bị các chỗ đi tiểu ở nơi công cộng, để đánh thuế, kiếm tiền cho nhà nước.


Paris thì đi bộ mệt thở, qua các chặng Métro. Dạo mới sang thì mỗi lần đi métro thì phải mua vé. Sau này, mới có mấy thẻ mua đi hàng tháng, lên xuống chỗ nào cũng được, trước kia thì khá mắc. Mình không nhớ phụ nữ ra sao, còn trong công viên hay trên đường bộ hành, có những chỗ để khi buồn tiểu, ghé lại tè. Khi xưa, phụ nữ không đi làm, ít ra đường nên các chỗ đi tiểu chỉ được thực hiện cho đàn ông đứng tiểu. Sau này, phụ nữ đi làm nên có vấn đề cho họ. 


Có vấn đề mình không quen là họ cứ để nước chảy hoài cả ngày cả đêm để không làm mùi khai nước tiểu. Sau này thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó, họ gắn các cầu tiêu công cộng của công ty Decaux. Lúc mình sắp sửa rời khỏi Paris thì có công ty Decaux, thiết kế mấy nhà vệ sinh cho hai giới nhưng mình chưa bao giờ sử dụng.


Hôm nào rảnh mình kể chuyện đời xưa ở Paris.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn