Boa hay Tip cái nào đúng

 Tình cờ đọc trên nhóm “Moments of Kindness”, có một status ngắn do một cô gái kể là đi ăn tiệm lần đầu, với một anh chàng, rất đàng hoàng, tướng tá khoẻ mạnh, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng cô ta quyết định không tiếp tục đả thông tư tưởng, xét lý lịch trích dọc trích ngang đối tượng này nữa. Lý do là ông thần này hà tiện, đi ăn ông thần kia trả cho hai người $118.42 mà chỉ boa cho phục vụ viên có $6, hay 5%.

Cô ta kêu cho dù người phục vụ có quăng thức ăn trên bàn và viết lộn thức ăn họ gọi. Ông thần tưởng là cho tiền boa ít để dạy cho phục vụ viên một bài học, nhắc nhở người bồi về cách ứng xử với thực khách. Cô ta không nghĩ như vậy vì sẽ ảnh hưởng đến thực khách vào sau, người bồi sẽ bực dọc và giận cá chém thớt, thực khách đến sau sẽ gánh chịu những bực dọc này. Nếu đối tượng keo kiệt kia dù bất mãn vẫn boa đều đặn thì sẽ giúp người bồi hưng phấn và phục vụ tốt hơn cho thực khách đến sau.

Nếu ông thần hà tiện boa 30% sẽ giúp người bồi phấn chấn. Đúng ! Phục viên của chúng tôi không phục vụ tận tình nhưng chúng ta phải hiểu nhiều khi họ đang gặp chuyện buồn lo gia đình chi đó. Chúng ta phải thông cảm cho nhân loại. Cho nên tôi không muốn đả thông tư tưởng với ông thần này nữa để dạy cho ông ta một bài học đối xử với nhân thế. Có thể ông thần sẽ boa khá hơn lần sau để khỏi bị đối tượng chê bai. Vì đó là cách tốt nhất để sống ở đời. 


Mình đọc các còm để xem họ nói gì thì thất kinh. Có người kêu bài này do một phục vụ viên viết, người thì kêu ông thần hà tiện đó quá may mắn chớ lấy cô về thì nghèo muôn đời. Người thì kêu, đi ăn lần đầu tiên mà cô bắt ông thần hà tiện trả đến $120 mà còn chê bai này nọ, phải tự trả phần mình, chia xẻ hay tại sao ông thần hà tiện trả thì sao cô không boa thêm này nọ… các bác nghĩ sao?


Đọc vụ này khiến em bay về vùng trời quên lãnh, nhớ khi xưa, đi tìm vợ thì mấy đối tượng một thời cứ chọn mấy tiệm ăn đắt tiền để đả thông tư tưởng, rồi họ đá em khi khám phá em vốn dòng keo kiệt, hà tiện còn khi dò xét lý lịch tích dọc trích ngang, đồng chí gái chỉ ăn phở gà và Pollo Loco thì lại chịu lấy em. Nên em kiếm mấy coupon mua 1 tặng một của tiệm Gà Điên, cuối tuần đưa đồng chí gái vào đây ăn mệt thở. Sau này lấy nhau mới khám phá đồng chí gái thích ăn sang nhưng ngại tiêu tiền mình nên chỉ chọn đi ăn phở Nguyễn Huệ và Gà Điên.


Đọc bài này khiến mình nhớ tới thời gian làm bồi ở bên Tây. Tiệm ăn Việt Nam bình dân nên khách toàn là sinh viên, trẻ nên họ boa rất cực ít nhưng mình vẫn vui vẻ vì hồi chiều khi mới đến tiệm chuẩn bị mở cửa, đã được bà chủ quán bồi dưỡng tô bún thịt nướng và trả mỗi tối như vậy 100 quan. Lúc đầu thì còn căm thù thực dân, phải phục vụ chúng nhưng dần dần quen nên không để ý, chỉ nghĩ là công việc thôi, kiếm tiền gửi về cho bà cụ nuôi em. Bạn bè biết mình bò đến ăn, cũng boa ít nhưng vui. Mình chỉ xài tiền học bổng thôi nhưng cũng hà tiện.


Tên hà tiện này thấy có chút gì đó là chính mình vì đi ăn mình hay bị đồng chí gái la vì nếu phục vụ không tốt thì mình boa ít. Đồng chí gái thì có tính thương người thêm sợ bị thiên hạ chê cười. Còn mình thì tiền trao cháo múc. Nếu phục vụ tốt thì boa tốt còn không thì ít thôi, để cho họ hiểu mình không quên tiền boa nhưng không thích cách phục vụ của họ. Tiệm ăn Việt Nam thì chủ lấy hết tiền boa nên boa rất ít.


Chữ “pourboire” của người Pháp có từ thời vua chúa mới dời về ở Versailles, khách khứa từ Paris đến hoàng cung chơi, dự tiệc này nọ. Vấn đề là dạo ấy chưa có hệ thống vệ sinh, ống cống cầu tiêu như ngày nay. Thật sự ngày nay, họ làm thêm, đi viếng cũng phải chạy ra ngoài tè. Hoàng cung có mướn mấy người hốt phân xách cái bô đi vòng vòng, ai mắc tè thì vẫy tay kêu lại rồi vén váy ngồi trên cái bô. Vì vậy mà thời trang khi xưa, cái váy của phụ nữ rất rộng, lót cái vòng  tròn bằng dây kẽm để ngồi tè cho tiện, không ướt váy. Xong việc thì cho tiền mấy người hầu này kêu “pour boire” (để uống rượu). Từ đó mới có thói cho tiền khi ai giúp đỡ mình việc gì như ở tiệm ăn hay đi xe taxi,…


Buồn đời mình tìm thêm tài liệu để xem tục lệ cho tiền xuất xứ từ đâu thì khám phá ra tục lệ cho tiền khởi phát từ Anh quốc vào thế kỷ 16. Khi giới quý tộc Anh quốc thưởng tiền cho các người hầu hạ họ, làm việc cực lực gọi là “Vails”, xuất phát chữ tiếng la-tinh “Valeo” nghĩa là thêm một chút. Còn ở Pháp quốc thì “pourboire” xuất hiện lần đầu trong tác phẩm “L’ école des femmes” (1662) của văn hào Molière mà khi xưa mình phải học cuốn “les femmes savantes” thậm chí ông thầy bắt xem cuốn phim này do Louis de Funes đóng. Cuốn này chắc ngày nay bị giới chủ nghĩa thức tĩnh lên án vì cười trào phúng về mấy bà quý phái học làm sang.


Ở Cali hay đi các xứ nói tiếng Tây Ban Nha thì họ dùng từ “propina” đến từ chữ La-tinh “propinare” nghĩa là mời uống. Năm nay đi chơi ở Honduras, Mễ Tây cơ, họ hay xin thêm propina. Vào cuối thế kỷ 17, có một loại tiền boa khác được xuất phát từ Luân Đôn. Trong các quán cà phê của giới quý tộc, ai mà cần được phục vụ gấp thì thảy đồng tiền vào một cái hộp bằng thiết để trên quầy bar. Tiếng động leng keng sẽ khiến các phục vụ viên chú ý, xem như trả thêm 1 tí để được phục vụ trước các người khác. Từ đó cụm từ “to insure promtpness”, viết tắc là TIP, bảo đảm được phục vụ nhanh chóng. Ai sang các xứ nói anh ngữ thì họ dùng từ Tip còn pháp ngữ thì Pourboire. Việt Nam thì dùng Boa, xuất phát từ “Pourboire”. 


Từ đó khi người Anh quốc đi du lịch sang Hoa Kỳ, đi tàu, đi xe lửa,…thì họ cho tip những người khuân vác Vali cho họ. Dần dần chủ nghĩa thức tĩnh thâm nhập vào các xã hội, người ta chống đối vụ cho tiền boa vì làm hạ cấp người phục vụ này nọ. Họ nói thay vì cho tiền boa thì nên trả lương $25/ giờ và ra các đạo luật phải trả tối thiểu nhân viên bồi bàn $25/ giờ. Chủ tiệm không trả nổi nên đóng cử, nhân viên hết việc, hết tiền. Đâu có tiệm nào dám mướn nữa. Đó là tinh thần mát xít, chống đối đấu tranh giai cấp nên nay về Âu châu chả thấy họ cho tiền boa nữa. Đã tính hết trong biên lai. Nên nhớ Âu châu là thiên đường xã hội chủ nghĩa. Đi Nhật Bản, mình cho tip thì họ không nhận. Có ăn cơm với cặp vợ chồng quen, họ mới đi Nhật Bản kêu tiền Yen xuống giá so với mấy năm trước nên khuyên mình đi lại. 

Tỷ lệ trộm cắp tại Châu Âu thì xứ Thuỵ Điển được xem là cao nhất. Xứ này được ca ngợi là xứ xã hội chủ nghĩa nhất. Nay mới hiểu lý do họ đuổi di dân về xứ. Thấy hình chụp họ đuổi một số người Iraq về nước lại. Nay chuẩn bị đuổi người tỵ nạn gốc Syria. Hôm trước thấy bà nào bên Thuỵ Điển tải video người tỵ nạn Syria ra đường câm cờ Syria phất ăn mừng giải phóng Syria rồi kêu tốt vậy tống cổ họ về nước ngay. người Việt đã trải qua cuộc giải phóng rồi.

Nay về già thì mình thấy khi chết không mang theo, thôi phục vụ tốt hay xấu cũng boa cho họ đàng hoàng. Vì họ cần tiền hơn mình. Xong om

Có ông thần nào mua trái chuối đến $6.2 triệu nên nghệ nhân nào làm lại vụ này.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét