Đại chiến Nike v Adidas

 Nike


Đi Âu châu thăm thân hữu vừa qua, mình rất ngạc nhiên khi thấy các tiệm mang hiệu Nike to đùng khắp Paris, Torino vì khi xưa, Âu châu thuộc quyền của Adidas và Puma, do hai anh em người đức Rudolph và Adolph Dassler sáng lập rồi tách đôi. Adolph thường được gọi là Adi nên ông ta sáng lập hiệu Adidas, còn Rudolph thì được gọi là Ruda nên thành lập thương hiệu Ruda, sau đổi thành Puma với huy hiệu con beo. Dạo mình ở Âu châu thì chưa nghe đến Nike, chỉ có mặt tại thị trường tại Hoa Kỳ. Còn giày Dassler thì nổi tiếng bên Mỹ khi Jesse Owens đoạt mấy huy chương vàng tại thế vận hội Berlin, mang giày của thương hiệu của hai anh em lúc chưa tách riêng.



Năm 1984, mình đang làm việc ở Thuỵ Sĩ thì Nike bán ế như chợ chiều nhất là giày bóng rổ. Giày Adidas làm vua trên thế giới, với 3 gạch mà thế vận hội vừa rồi, mấy người bận áo và mang giày hiệu Adidas, có 3 gạch màu đỏ với nền vàng khiến mình vui khi nhìn lại biểu tượng lá cờ Việt Nam Cộng Hoà.

Dạo ấy đi đâu trẻ khắp Âu châu mang giày hiệu Adidas. Khi đá banh cho đại học mình có mua giày Puma cho rẻ. Nhưng tại sao Adidas bị Nike, một công ty nhỏ bé soán ngôi. Đó là vì một lỗi lầm quá tự cao, xem thường đối thủ. Khi đã trên cao thì càng phải nổ lực để giữ địa vị của mình nếu không những kẻ khác sẽ tìm cách soán ngôi mình.

Năm 1984, Nike bị mấy công ty khác giết. Hiệu Converse có Magic Johnson, và Larry Bird , hai cầu thủ bóng rổ nổi tiếng của Lakers và Boston Celtic trong khi Adidas có Kareem Abdul -Jabbar, cao lêu nghêu trong phim Lý Tiểu Long.

Dạo ấy có một cầu thủ bóng rổ của đại học có nhiều tiềm năng mang tên Michael Jordan. Ông thần này như bao thể tháo gia trẻ, mơ được mang giày Adidas, sắp sửa ký hợp đồng nhưng bổng nhiên Adidas nổi hứng không muốn phát triển thị trường môn bóng rổ. Mình đoán là dạo đó NBA còn mới nên Adidas nghĩ không nhiều cổ động viên như mấy môn khác được ưa chuộng trên thế giới như túc cầu, quần vợt,…

Nike chiếm 17% thị trường dạo ấy, chụp lấy cơ hội và ký hợp đồng với Michael Jordan: $500K/ năm, gấp 5 lần các cầu thủ khác. Cho ông ta loại giày thương hiệu riêng mang tên của ông ta. Kiểm soát hoàn toàn quảng cáo thương hiệu.

18 tháng 10 năm 1984, khi Michael Jordan bước vào sân chơi trận đầu tiên chuyên nghiệp NBA sau khi hoàn tất chương trình đại học. Ông ta mang giày màu đen và đỏ của thương hiệu Nike.

Công ty Nike quên luật lệ của NBA, quy định là tất cả cầu thủ phải mang giày màu trắng nên bị phạt. Họ ra lệnh phải đổi màu giày hay bị phạt $5,000/ trận mỗi khi ông Michael Jordan đấu. Nike chụp lấy cơ hội để tiếp thị, tiếp tục trả mỗi trận $5,000 tiền phạt để ông Michael Jordan thi đấu cho đội Chicago Bulls, có huy hiệu màu đỏ. Họ trả tiền phạt tổng cộng năm đầu tiên $410,000 và quảng cáo: “NBA không thể cấm chúng ta mang giày đỏ”. Con nít nghe bị cấm thì lại thích nên ùa nhau đi mua giày Nike bị cấm. Các tiệm giày, người đi mua đông hơn quân nguyên, đánh lộn đánh lạo. Công ty sản suất không kịp cho thị trường. Từ đó Nike tạo ra văn hoá Sneaker (sneaker culture). Giới trẻ Hoa Kỳ mang giày Nike như nói lên sự chống trả áp bức, cường quyền. Bác nào thấy chồng mình mang giày Nike, là bác trai đang chống đối sự áp bức của mấy bác.


Lúc đầu Nike dự tính bán độ $3 triệu, trả cho Michael Jordan nữa triệu, đủ lời. Ai ngờ năm đó họ bán lên $126 triệu. Trả tiền phạt cho NBA $410k, xem như chi $1 triệu, bỏ túi $125 triệu. Quá lời. Và kỹ nghệ về giày thể thao đã hoàn toàn thay đổi khắp thế giới.

Năm 1984: Nike bán giày bóng rổ  = $40 triệu

Năm 1985: $126 triệu

Năm 1990: $1,000 tỷ

Thương hiệu Michael Jordan không thôi, bán đến $5.1 tỷ 

Điểm vui là Michael Jordan được Nike trả $1.7 tỷ nhiều hơn là ông ta lãnh lương của NBA chỉ vì Adidas kêu không muốn đầu tư vào thị trường môn thể thao bóng rổ.

Ngày nay, Nike và thương hiệu Michael Jordan kiểm soát 85% giày bóng rổ và các môn khác. Trong khi Adidas chỉ chiếm được 5%. Họ trả tiền rất nhiều cho các đội giao đấu ở thế vận hội Paris 2024 vừa qua.


Trong thương trường, sản phẩm có thể bắt chước, giá tiền có thể thay đổi, chất lượng có thể cải thiện nhưng Văn Hoá thì muôn đời. Nike không những làm giày mà tạo dựng một phong trào mà đi khắp nơi, Âu châu, Việt Nam, Phi Luật Tân, thậm chí vùng Trung Á, Phi châu, đâu đâu cũng mang giày bata. Về Paris, thấy mấy bà đầm mang giày bata trong métro, ngoài đường, khác xưa khi mình sinh sống tại Âu châu. Khi xưa, Tây đầm thường kêu người Mỹ không có văn hóa nhưng nay trở lại Âu châu thì tiệm ăn của Mỹ mọc đầy và rất sang, không bình dân như bên Mỹ. Tiệm ăn MAcDonalds, Starbucks, Pizza hut, Burger King,…đầy phố, giới trẻ, bận quần bò, áo 3 lỗ của Mỹ, đội mũ bóng chuỳ khắp nơi.


Mình làm thầu khoán nên phải mang giày có đế bằng sắt để lỡ đạp Đinh ở công trường không bị lủng chân, xem như không bao giờ mua giày bata. Từ mấy chục năm nay nhưng đám con thì mua nhiều loại. Nay mình mang giày ké của con khi chúng quăng mua đôi khác.



Addidas trở thành di tích lịch sử? Chưa chắc. Người quân tử đợi 30 năm để phục thù cũng chưa muộn. Năm 2013, xem như 29 năm sau cuộc cách mạng Nike đã lật đỗ Addidas với Michael Jordan, Kaney West, ra bước vào tổng hành dinh của Addidas, tuyên bố: ”Nike treats celebrity collaborators like mascots. I want to build an empire”. Thien hạ xem ông nhạc rapper này hơi điên nhưng Addidas khám phá ra điều gì đó. Đối với Nike, Lực sĩ = hiệu suất còn người nổi tiếng = quảng cáo. Trong khi Kanye West muốn được kiểm soát hoàn toàn về mặt sáng tạo, tiền bản quyền cho mỗi sản phẩm được bán và có một nhóm thiết kế riêng. 

Nike nói Không còn Addidas nói Đồng Hành.

Nike trả cho Michael Jordan tiền bản quyền 5%, trong khi Addidas trả cho Kanye West 15%. Bù lại ông rapper kêu sẽ đem lại vinh quang cho công ty Addidas sau 30 năm bị lu mờ bởi Nike.

Kết quả là giày Yeezy mới ra đời làm nghẹt Internet. 9,000 đôi được bán trong vòng 10 phút đồng hồ. Các trang web toàn cầu bị crash. Giá bán lại một đôi lên tới $3,000. Thiên hạ ngủ ngoài cửa tiệm cả mấy ngày để được mua đôi giày mới ra lò. Cổ phiếu Addidas lên 7% trong một ngày. 

Yeezy là hiện tượng của năm 2021, các trang web bị crash, giày được bán gấp 10 lần giá chính thức. Yeezy không những giúp Addidas làm giàu mà còn làm cho Addidas được biết đến bởi một thế hệ trẻ ngày nay vì bị lu mờ bởi Nike suốt gần 3 thập niên.


Cái gì bạo phát thì bạo tàn. Tháng 10 năm 2022, ông rapper buồn đời xuất hiện trên chương trình InfoWars, tuyên bố quan điểm chính trị, chống do thái khiến thế giới lên tiếng chống đối trong khi Addidas im lặng. Lý do là Yeezy chiếm 50% thị trường bán trên mạng, khiến cổ phiếu Addidas lên 300% từ năm 2015.


Các công ty khác huỷ hợp đồng với ông Kanye West ngay như Balenciaga hủy hợp đồng $100 triệu, Gap không bán các sản phẩm do Kanye West thiết kế, thậm chí ngân hàng Chase đóng trương mục của ông ta.

Addidas có trên $1.3 tỷ đô la về mặt hàng đang nằm trong kho, hàng ngàn nhân viên có thể bị sa thải, thêm cổ phiếu xuống 66% năm đó. Các tổ chức do thái biểu tình chống đối khiến Addidas phải lên tiếng huỷ hợp đồng.

Thay vì đốt hay quăn các sản phẩm trị giá $1.3 tỷ còn tồn trong kho, họ bán giày này và quyên tặng các tổ chức chống kỳ thị. Cuối năm tính ra họ bán được $750 triệu vào năm 2023.

Năm 2024, Kanye West quảng cáo trong trận Super Bowl giới thiệu sản phẩm YZY PODS (sock-shoe hybrids), một loại vừa vớ vừa giày với giá $20 và bán 200,000 đôi một cách nhanh chóng.

Trang web của Yeezy bấn loạn với các đơn đặt hàng, họ phải ngưng các loại sản phẩm mới dù không được Addidas, GAP, Nike hổ trợ. Kanye West trở nên một thương hiệu trên thế giới nên những ai ủng hộ thì sẽ tiếp tục ủng hộ, như Apple, thậm chí thương hiệu Trump.

Trong thương trường ngày nay, chúng ta thấy một cá nhân giúp một công ty bán được 60 tỷ đô la, và không muốn cắt đứt liên hệ khi ông Kanye chửi bới người do thái. Cho thấy một cá nhân có thể giúp xây dựng và cũng làm tàn lụi một đế chế trên thương trường.

Có hiện tượng ngày nay trong lãnh vực kinh doanh đó là thương hiệu cá nhân. Qua cuộc bầu cử năm nay, lần đầu tiên mình nghe đến ông Joe Roagan, người phỏng vấn ông Trump trong suốt 3 tiếng đồng hồ, có đến 40 triệu người Mỹ nghe podcast của ông ta. Hay trường hợp bà Megan Kelly, bị đài NBC sa thải, buồn đời, thay vì chạy đi xin việc ở các công ty truyền thông khác, bà ta mở Podcast riêng cho mình. Số lượng người theo dõi đông gấp 5 lần ABC và NBC cộng lại. Cho thấy người thích cá nhân nào đó thì đi theo, không phải vì công ty. Các ứng dụng kỹ thuật về truyền thông ngày nay quá dễ dàng để thành lập một chương trình thông tin được truyền bá khắp nơi. Điển hình mình quen nghe bà Christine Oakrent, khi xưa làm xướng ngôn viên đài truyền hình Pháp, nay mỗi tuần, thứ 7 mình đều nghe bà ta phát thanh từ bên Tây. Addidas huỷ hợp đồng với ông Kanye West thì ông ta mở công ty riêng cho chính ông ta, và khách hàng vẫn chạy theo. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn