Gặp mụ hàng xóm bên Tây

 Gặp mụ hàng xóm bên Tây 


Qua cộng đồng mạng mình tìm lại khá nhiều người quen, hàng xóm xưa ở Đà Lạt. Lâu lâu thấy có người còm hỏi phải con thiếm ĐOÀI là mình biết hàng xóm, còn con bà Thuận thì mình biết bạn hàng ngoài chợ Đà Lạt xưa. Lâu lâu lại có người kêu bà cụ mình là mẹ nuôi chiến sĩ anh hùng của họ khiến mình đã ngu lâu lại còn ngu bền vững. Mẹ mình có mười mấy người con nuôi đã oải, nghèo vì có 8 cô con gái, mỗi tháng mua băng vệ sinh là nghèo rớt mồng tơi, nay lại nhận thêm con nuôi. Mình không biết mấy người này nên hỏi có làm đồ ăn gì đem lên cho bà cụ xơi thì kêu không. Cho thấy không nên nhận con nuôi hay chị nuôi vì chỉ có tiếng chớ không có miếng. Kỳ về thăm nhà năm ngoái có gặp lại hai chị em hàng xóm cũ, nay ở Sàigòn sau 53 năm mới gặp lại. 


Năm nay thì có gặp lại gia đình một chị hàng xóm khi xưa ở Seattle. Hóa ra ông chồng lại bà con bên ông ngoại mình, gốc làng Dưỡng Mong, Thừa Thiên. Về Đà Lạt, thấy có một cô bạn của em mình, hay qua nhà chăm sóc bà cụ mình như mẹ ruột khiến mình rất cảm động. Thật ra, bạn bè cũng như hàng xóm cũ gặp lại trên mạng, đã là một cái duyên còn gặp lại ngoài đời thì phải trợ duyên mới gặp. Có nhiều người Đà Lạt ở nam Cali nhưng gặp lại không được. Như Nguyễn Minh Dũng con trai của bác Thừa, thân với bà cụ mình nhưng mỗi lần hẹn thì vào phút chót hắn lại kêu bận việc gì đó. 

Mình rất ngạc nhiên là ngày nay chính phủ pháp cho làm các loại quảng cáo tạm kiểu này
Có lẻ bánh ngon nhất trong chuyến đi vừa qua
Có lẻ coupole này gây nhiều ấn tượng nhất nay họ xây thêm cái cầu nhỏ để thiên hạ xèo phì

Kỳ về thăm Paris vừa qua mình có dịp gặp một chị “hàng xóm xưa”, chưa bao giờ gặp hay biết mặt ở Đà Lạt. Nói hàng xóm nhưng thật ra ở cách nhà độ 100m, nhỏ tuổi hơn mình nên khi chị ta giới thiệu là ngọng. Một hôm nhận được hình của mẹ mình chụp với chị ta ở Đà Lạt, gửi cho khiến mình cảm động. Nhưng mình cũng không biết là con ai vì chưa bao giờ gặp mặt ở Đà Lạt. 

Lâu lâu bạn học xưa lên Đà Lạt ghé thăm bà cụ mình, chụp vài tấm hình bà cụ gửi cho mình khiến rất cảm động. Không ngờ sau bao nhiêu năm, vẫn có người nhớ đến mình. Tương tự khi mình về thăm nhà, có anh bạn cũ, mỗi ngày đem xe tới nhà chở mình đi thăm chốn xưa rồi giải thích ngày xưa rồi các biến đổi của 50 năm qua từ khi mình đi du học. Chuyến đi Âu châu vừa qua, mấy người bạn học xưa ở Yersin, đều mời mình lại nhà ăn cơm. Vui như nhìn lại hình ảnh khi xưa ở Grand Lycee.

Về già đi khắp năm châu, thấy tình cảm của mấy người bạn học xưa rất quý. Cho thấy khi xưa mình chắc đối xử với anh ta tốt nên 50 năm sau vẫn nhớ đến mình. Có tiền chưa chắc mua được những tình bạn như vậy. Cũng như mình về Việt Nam, bạn học của đồng chí gái khi xưa lấy xe chở mình đi viếng thăm nhiều nơi. Dù chưa bao giờ biết mặt mình, nhưng qua đồng chí gái, mình ăn theo diện vợ.

Về Pháp và Ý Đại Lợi vừa rồi mình có duyên gặp lại những ân nhân đã giúp đỡ mình thời sinh viên cũng như các người bạn du học cũng thời, cùng một lứa bên trời lặn đận. Những tình cảm của tình bạn khi xưa không bao giờ phai. Vẫn mày tao như xưa, vẫn chọc quê nhau như thời tuổi trẻ ngây thơ vô số tội. Đó là một diễm phúc cuộc đời khi vẫn còn giữ được những tình bạn đơn sơ như vậy. 


Trở lại vụ mụ hàng xóm xưa ở giếng ông Ba Tây. Chị này, cựu học sinh trung tâm giáo dục Hùng Vương nên biết hết em út mình, cũng học ở đây. Còn mình đi Tây thời Bảo Đại nên khi cô ta tự giới thiệu là mình ngọng, không biết con ai hay em ai trong xóm. Mẹ mình hay kêu mẹ chị ta là bà Kề. Hàng xóm gần nhà thì mình đều nhớ cả vì cư xá công chánh. Đây nhà chị ta ở khá xa. Hỏi vòng vòng thì hóa ra là cháu ông Tư Thân, hình như có hai em gái đi buôn, chở hàng hoá từ Sàigòn về cho dân buôn ở Đà Lạt. Hình như bà mẹ chị này cùng tuổi với mẹ mình. Mẹ mình thì nhờ ông Sở, chạy xe hàng bên cạnh mua dùm. Trước khi về Sàigòn, ông SỞ lại hỏi mua gì rồi kê khai, lấy tiền bà cụ đưa để ông ta trả cho người bán ở Sàigòn. Ông Sở chỉ mình dùng abacus của người Tàu để làm toán. Có dạo ông ta bị tù cả năm không biết về tội gì. Bà Sở phải thuê tài xế và đi Sàigòn mau hàng thế ông ta.

Dân xóm giếng ông 3 Tây mà buôn bán thì mình nhớ có dì Sắc, vợ của chú Nghĩa, làm cảnh sát. Dì bán đồ PX Mỹ ở ngoài chợ, gần hàng của mẹ mình. Lâu lâu có tiền mình hay ra đây mua một lon đồ hộp mỹ, đem về nhà lấy đồ khui, ăn ngon phê không tả được. Lúc đầu tính đi pháp với đồng chí gái nên mình có liên lạc với mụ hàng xóm không biết mặt ở xóm trên, học chung trường với em mình. Nghe nói chị ta có căn hộ cho Airbnb mướn ở Paris. Cuối cùng thì mình đi một mình nên ở nhà cô em để anh em có dịp Hàn huyên.

Hóa ra chị ta là fan cứng của Mực Tím sơn Đen. Tại Paris, cũng có một anh cựu sinh viên chính trị kinh doanh, liên lạc nói chuyện nên mình tính gặp hai người cùng một lúc luôn tiện để người đồng hương Đà Lạt gặp nhau làm quen nhưng giờ chót anh ta bận việc nên hẹn sau khi ăn trưa. 

Đi viếng Paris nên mình ít khi xem điện thoại nhất messenger vì trái giờ nên chỉ xét khi tối hay sáng sớm. Rút ra rút vô sợ bị móc túi. Thêm muốn quan sát đời Sống bên Tây thêm nói chuyện với cô em. Nhiều khi thấy nhạc sĩ đánh đàn trong xe métro nhưng không dám cho tiền vì sợ bị móc túi. Ở Paris, có rất nhiều móc túi cũng như Venice nên ngại ngại. Chị ta nhắn tin hẹn lúc mình ở Paris nhưng mình không xem, về nhà mới xem thì quá trễ. Cho thấy phải có duyên mới gặp được. Giống như hôm mình lên Seattle, có hẹn trước với chị bạn học xưa nhưng rốt cuộc không gặp được. Mình thì đợi chị ta gọi vì chị ta cho biết mới đi Yellowstone về nên nghĩ là còn mệt. Cứ tính chuyện leo núi với mụ vợ còn chị ta cũng đợi mình gọi lại nên khi chị ta gọi là mình đang trên đường ra sân bay. Chán om

Nhà em mình ở Rueil-Malmaison, đi RER vào paris độ 20 phút. Đi métro Tây có đặc điểm là cảnh báo là dân móc túi có thể có mặt trong xe khiến ai nấy nhất là du khách bồn chồn. Có lẻ nhờ thế vận hội nên các bảng chỉ dẫn đều có chữ tàu, Đức ngữ và anh ngữ và tiếng Tây Ban Nha. Đặc biệt ở phi trường, chữ tàu được treo to đùng. Mua vé thì có máy trả bằng tiền mặt hay Apple Pay. Cô em mình mua từng chục vé trước thế vận hội để dành vì trong thời gian thế vận hội, Tây lên giá vé để chém du khách nên mỗi lần đi cô em đưa vé cho bỏ vào máy. Dân Tây đi thường thì họ mua tháng rồi dùng điện thoại để scan vé của mình. 

La Samaritaine được thay đổi xấu thật. Bắt chước Anh quốc chỉ làm cấu trúc phía ngoài rồi ỊN kính vào. Mình nghĩ kiến tức Tây không khá là vì khi xưa rất nhiều sinh viên không biết vẽ, họ chú trọng về xã hội học, chính trị nhiều hơn nên về Pháp thấy kiến trúc mới rất chán. Mấy điểm nhấn đều do kiến trúc sư ngoại quốc như LA Defense, Pyramid Louvre, Beaubourg. Khi xưa, cứ thấy quảng cáo LA samaritaine 

Khu vực La Defense khi xưa như chùa bà đanh nay hàng quán, tiệm mọc lên như nấm, đông dân Tây. Nói đúng hơn về kỳ này mình thấy dân Tây khác xưa lắm. Da đen và ả rập thuộc thế hệ thứ 2 đông như quân Nguyên. Thời mình chỉ có thế hệ thứ nhất, đa số là đàn ông sang Tây làm việc nhưng dần dần họ cho đem gia đình qua nên tha hồ đẻ trong khi Tây trắng không muốn đẻ. Lâu ngày, tương lai sẽ có luật shariah ở Tây như bên Đức đang đòi hỏi. Có thể trong tương lai sẽ có xung đột giữ các tôn giáo, chủng tộc vì cao trào cực hữu lên cao. Khi người dân không còn đi nhà thờ thì người đạo hồi lo lắng cho con họ về mặt đạo Đức tâm linh. Khoa học trở thành một tôn giáo mới ở thế kỷ 20, 21. Qua khoa học con người có thể không sinh nở, có thể thụ thai này nọ, và chữa được nhiều bệnh nên về mặt tâm linh chúng ta bỏ rơi. Ngày nay người ta khám phá ra tâm bệnh phát triển quá nhanh vì không có chỗ dựa về tinh thần, tâm bệnh và cơ bệnh cần chữa trị cả hai.

Chị ta hẹn ở cạnh nhà hát Tây opera vì sau đó đi làm cho tiện. Ra khỏi Métro thì mình thấy còn dư giờ nên đi vòng vòng đến Au Printemps, một chỗ bán áo quần tạp hóa. Thấy họ Tân trang lại đẹp hơn xưa. Sau đó bò về địa chỉ tiệm ăn gần Galleries Lafayette, cũng thấy họ Tân trang lại nhiều, đẹp và sang trọng hơn xưa. Chắc nhờ du khách tàu vào đây mùa đồ nhiều. 

Galleries Lafayette được xem là khu phố mua sắm sang trọng của Tây như Harrods của Anh quốc hoặc Bloomingdale’s của Hoa Kỳ. Cửa hàng được thành lập từ năm 1893, thời đại mà người Pháp gọi La Belle Époque với kiến trúc Art Nouveau. Khi xưa mình có ghé vào đây để xem cái coupole rất đẹp nhưng áo quần thì chịu. Mình rất ngạc nhiên khi thấy họ cũng xây một cái ở Dubai, nơi có ATM bán vàng. Mình thích các quảng cáo của pháp có nội dung hơn là của Mỹ. Đang đi nhìn các quảng cáo của bến xe buýt thì thấy mụ hàng xóm chạy ra chào. Thấy mặt mụ hàng xóm trên Facebook nên nhận ra ngay. Kéo vô tiệm ăn Tây. Mình đi xứ nào thì ăn cơm xứ ấy chớ không chui vào tiệm ăn tàu hay Việt Nam. Nhất là ở Cali nên theo mình không có chỗ nào cơm Việt Nam ngon bằng. Về Việt Nam thì ruồi nhặng, nóng nực nên dù ngon cũng thấy không thoải mái lắm.

Chị ta cho biết ở xóm Giếng ông Ba Tây, nơi ngày xưa có thời gian lên đây xách nước về cho nhà xài. Mình chỉ biết hai người ở đây là Phạm Minh Tuấn và Nguyễn thị Hường, cả hai đều học chung lớp 11B sau đó thì họ chạy qua Việt Anh. Tuấn thì ở Cali còn Hường nghe nói đã qua đời. Chỗ khúc này có đường mòn lên đường Calmette, chỗ Domaine de Marie. Mình có biết mấy gia đình trên đường Thi Sách, xa nhất là nhà bác Tô và đại úy Hải và gia đình Dũng đầu bò, người nùng có anh đi biệt kích còn từ đó trở lên dãy nhà bác Oai thì chịu vì không có ai thân với gia đình mình. 

Ngồi nói chuyện kêu đồ ăn thì cô em tới. Cô em đi sau vì phải đợi họ giao đồ. Mình chơi món steak Tartare để nhớ lại tuổi thanh xuân, sau đó chơi cái tarte aux figues. Bánh trái Tây thì ngon hơn của ý. Mình báo với ông thần thụ nhân là hẹn ở bể nước Saint Michel. Cô em và hàng xóm trao đổi số điện thoại để liên lạc. Sau đó hai anh em đi bộ qua Cầu Mới (pont neuf), tên thì mới nhưng thật ra cầu này được xây lâu đời nhất ở Paris, xây cất đầu thế kỷ 17, ghé lại Boul Miche một thời. Gặp ông thần “người cây” của Đà Lạt khi xưa. Anh chàng này gốc Quảng Trị, nhưng vào Đà Lạt học đại học nên có nhiều kỷ niệm ở Đà Lạt. Đi bộ lêu bêu vào vườn Lục Xâm Bảo, mình nhận thấy mấy cái pissotiere, chỗ do từ đều biến mất. Dạo mình sinh viên thì đi đường, có mấy chỗ đi tè công cộng. Sau này mình về thì thấy họ trang bị mấy cầu tiêu công cộng của Decault, phải trả tiền nay thì biến mất hết. Chắc thiên hạ đập phá để lấy tiền. Nếu sử dụng với Apple Pay thì chắc được. Các chỗ để gọi điện thoại công cộng đều được dẹp bỏ.

Anh này cho biết khi xưa, ở trọ nhà thằng bạn ở đường PHù Đổng Thiên Vương, căn nhà to đùng. Sau 75, tên bạn chết vì thiếu thuốc. Khi xưa, chạy xe vào đập Đa Thiện , Thung Lũng Tình Yêu, thì có chạy qua con đường này. Hình như trong lớp có người ở đâu trên đường này. Có ghé lại vài lần nhưng không nhớ căn nhà to đùng.

Anh này về hưu nên chơi nhạc cho mấy tiệm ăn ở Quận 13. Lâu lâu thấy anh ta gửi cho video như BĂng Châu hát này nọ trong tiệm ăn, Tây đầm mít ôm nhau nhảy bú xua la mua. Nghe anh ta than về các bà già muốn làm ca sĩ miệt quận 13 khiến buồn cười. Mấy ông chồng thì quay video, sàn qua sàn lại đụng mấy cặp đang dìu nhau trên quận 13. Kỳ này về, mình không ghé lại quận 13. Nói chung là để gặp lại bạn bè, người thân còn Paris thì đã trải qua một đời sinh viên ở đây nên cũng thấy nhiều.

Đi dọc đại lộ Saint Michel, thấy phố xá đóng cửa khác với khi xưa. Lý do là sau covid, người Pháp quen mua đồ trên mạng, người ta làm việc ở nhà nhiều nên văn phòng đóng cửa, tiệm buôn bán chỉ còn các tiệm ăn, cà phê. Anh ta nói mình đi qua vương cung thánh đường Notre Dame de Paris. Nghe nói sẽ mở cửa lại vào cuối năm nay, nhưng phải trả tiền vào cửa khiến người Pháp la ó. Nghe đâu 5 euro. Tại đây mình chia tay anh thụ nhân Đà Lạt xưa rồi hai anh em đến Beaubourg. Xem vì họ đóng cửa 6 năm để trùng tu lại. Không biết bao nhiêu ngày mình ghé vào đây đọc sách hay xem xi nê và mơ một ngày nào người Việt mình tạo Việt Nam có một trung tâm văn hóa như vậy. 

Lết bộ đến les Halles lấy rer về nhà ăn cơm với mấy đứa cháu. Xa Đà Lạt, lâu lâu gặp đồng hương khá vui, nhắc lại một thời tuổi thơ, ôn lại những nhân vật trong xóm giúp các hình ảnh xưa quay về. Có ai nói chúng ta là những gì chúng ta nhớ. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn