Gặp lại bà Marco sau 42 năm


Hôm nay, cô em gái và mình lấy xe lửa đi Mantes La Jolie để thăm bà Marco. Vị ân nhân thứ nhì khi mình đến pháp. Mình đến Pháp thì mấy tháng sau mất Sàigòn. Mình được ông bà Boiteux, bố vợ của ông cậu họ của mình, cho ở tạm một căn phòng, vì lịch trình là hè họ sẽ đập phá để xây chung cư. Mất tin tức Việt Nam thêm dạo ấy sinh viên ngoại quốc không được đi làm ngoại trừ làm chui. Mình có làm chui mấy chỗ nhưng hết việc lại đi tìm. 

Ai chỉ mình ghé lại hội cựu chiến binh pháp, được họ giới thiệu ông Marco. Ông này làm thầu khoán ở Mantes la Jolie. Ông ta xin cho mình làm việc hai tháng hè ở Parunis, một siêu thị do công ty ông ta xây cất và cho ở nơi văn phòng cũ sắp sửa bị phá để xây trung tâm thể thao mà thằng con út sau này dùng và sống nhờ thiên hạ lại đó chơi thể thao tập tạ. Lạ thật. Khi mình qua pháp thì hai nơi mình được ở miễn phí đều bị đập phá để xây lại. 

Thấy bức ảnh đẹp nói lên sự cô đơn cua một người phụ nữ

Bà Marco thuộc gốc Tây Ban Nha. Ông cố sang Algérie sinh sống mấy đời từ thời hoàng đế napoleon đệ Tam, thế kỷ 19, đi lính cho Tây, có quốc tịch Tây nhưng đùng một cái thì Charles de Gaulle trả lại độc lập cho Algérie, thế là người Algérie đuổi cổ mấy người gốc Âu châu ra khỏi xứ họ, dù đã lâu đời sinh sống tại đây. Kiểu người da trắng ở Nam Phi, Botswana, Rhodesia,…

Mấy người này, người Pháp gọi là Pieds-Noirs (chân đen). Khôi nguyên văn chương Nobel, Albert Camus cũng thuộc tầng lớp này. Mình không rõ bao nhiêu người phải bỏ quê cha đất tổ ra đi, và lên thuyền về Pháp mà ca nhạc si Enrico MAcias (cũng thuộc tầng lớp này nhưng gốc do thái) đã làm bài hát khiến ông ta nổi tiếng “adieu mon pays”.

Họ đi Pháp như những người di tản, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn tại Algeria, đến pháp với hai bàn tay trắng. Họ gặp sự chống đối của người Pháp tại Pháp, kêu họ là giết người này nọ. Mình có xem vài phim quay cảnh người Pháp tại Algerie bắn chết người sở tại trong cuộc chiến dành độc lập của người bản xứ.

Dạo đó có một tổ chức gọi là OAS (organisation d’armée secrète), chống lại ông de Gaulle, trao trả độc lập cho Algerie, xoá bỏ đế chế pháp mà Napoleon bắt đầu thực hiện. Họ ám sát hụt ông ta và tướng Raoul Salan và đồng loã bị bắt hết. Mình có quen vài người cũng ở tù trong vụ này như Ông Pierre Guillaume, nhân vật được kể trong phim “Le Crabe Tambour”. Mình có ăn cơm trưa với ông tướng Salan 2 lần và tướng Bigeard, người đầu hàng tại Điện Biên pHủ. Mấy người theo tổ chức quân đội bí mật này sau này đều được De Gaulle ân xá.

Gia đình ông Marco đến pháp thì ai đó giới thiệu đến vùng Mantes La Jolie vì có việc làm. Ông ta và vài người bạn nhận thầu xây cất một ngôi nhà rồi từ từ ông ta trở thành một nhà thầu xây cất nổi tiếng trong vùng.

Dạo ấy gia đình ông Marco nhận bảo trợ mình và một gia đình Lào cũng chạy giặc Pathet Lào. Nghe nói ông Lào này sau này làm chức nghị viên thành phố. Ông bà Marco có một căn nhà từng làm văn phòng, sắp sửa đập phá để xây trong tâm thể thao nên cho tụi này ở ké tạm trong khi tìm việc làm này nọ. Bà người Lào nhưng nói tiếng Việt rất giỏi kêu nấu cơm cho mình ăn trưa và chiều rồi mình trả tiền cho bà ta. 2 tháng sau thì mình trở về Paris để bắt đầu đi học. Lâu lâu mình ghé thăm hai ông bà. Không bao giờ gặp lại gia đình người Lào.

Mình nhớ nhất là sau khi tốt nghiệp, mình có ghé thăm hai ông bà và cảm ơn sự giúp đỡ của họ. Ông bà nói sau này trên đường đời nếu mày gặp ai lâm vào trường hợp của mày mới sang thì giúp họ thôi. Xem như đã trả ơn cho tụi tao rồi. Từ đó khi nào có lễ gì thì mình đều mời sinh viên xa nhà cũng như mấy người lớn tuổi, không có con cháu về thăm trong các dịp tết, Thanksgiving như để trả ơn cho họ.

Mình không ngờ là sau này ở Hoa Kỳ, mình lại theo chân ông Marco, làm nghề thầu khoán nhưng không có công ty lớn như ông ta. Hồi tỵ nạn Syria sang, mình cũng dành một căn hộ cho họ ở tạm. Di dân lậu thì mình cũng cho họ mướn nhà ở, thường Mỹ trắng không cho. Thấy họ cũng bỏ nước ra đi để kiếm tiền nuôi gia đình nên nhắm mắt cho họ thuê.

Albert Camus

Ngồi nói chuyện đời xưa với bà Marco thấy thương bà ta vì cô đơn. Bà mẹ và ông Marco qua đời trong một ngày. Nay đau ốm nên buồn trong một căn nhà to đùng, chỉ có mình bà ta sống. Con cháu ở nơi khác. Cuối tuần ghé thăm.

Cuối cùng mình cũng phải chào bà ta ra về vì đi xe lửa cũng cả tiếng hơn. Mỗi năm mình đều viết thư thăm hỏi, bà ta có viết trả lời sau thay thế ông Marco. Ra về nhưng buồn vì không biết khi nào gặp lại vì lớn tuổi mà Tây thì chưa chắc mỗi năm mình về lại. Nhưng nếu về thì sẽ ghé thăm bà ta.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn