Có lần nói chuyện với cô em, cô em kể là ngày xưa, lớn lên không có bố bên cạnh nên cảm thấy thiếu vắng khi thấy bạn bè được bố chăm sóc nên thèm có bố dù một giây phút thôi. Bố mình bị đi tù cải tạo 15 năm sau 1975 nên mấy người em mình ở Việt Nam đều lớn lên không có tình thương, chăm sóc của bố. Khi bố về lại thì đã lớn hết và lập gia đình. Mình sống 18 năm tại Đà Lạt, chỉ sống với ông cụ đâu 7 năm trời vì trước kia, ông cụ còn tại ngủ, rồi làm công chức ở Ban Mê Thuột. Người Việt mình hay nói “con không cha như nhà không nóc”.
Trong đời sống ngày nay, ly dị tràn lan, 49% tại Hoa Kỳ. Cha mẹ ly dị rồi căm thù chế độ cũ, tìm cách trả thù làm cho đối tượng một thời đau khổ mới hả giận. Tự giam hãm trong cái nhà tù vô hình đầy hận thù. Vấn đề là mình tự chuốc lấy đau khổ trước vì tự giam vào nhà tù ấy. Đa số người mẹ được quyền nuôi con, tìm cách trả thù kẻ nội thì cũ bằng cách không cho con gặp người cha, mà họ nghĩ là một kẻ xấu xa bất chấp đến con mình, cũng cần đến tình phụ tử. Thậm chí còn nói xấu về người cha vô thừa nhận. Mình có một anh bạn, về Việt Nam lấy vợ, có hai mặt con rồi một ngày đẹp trời, cô vợ kêu ly dị vì gặp lại mối tình xưa ở Việt Nam, tình cũ không rủ cũng lại, dọn qua tiểu bang khác. Không cho anh ta thăm viếng con, anh ta gửi quà cho con vào những lễ giáng sinh, sinh nhật này nọ, đều bị trả lại. Có tấm bảng to đùng bên cạnh xa lộ 91, kêu gọi quyền người cha.
Bà Susan E. Schwartz cung cấp một phân tích rất cụ thể và sâu sắc về sự thiếu vắng của người cha, trên phương diện thể chất hay tinh thần, có thể gây ra những tác động tâm lý lâu dài đến cuộc sống của người con gái. Mình đọc cuốn này để hiểu thêm về mấy cô em vì anh em không sống chung từ 50 năm qua. Mình có hai cô em, suốt 20 năm không biết mặt vì sinh sau khi mình đi Tây. Lâu lâu về Việt Nam, anh em gặp nhau vài ngày rồi lại xa nhau. Tháng trước về Paris mới có dịp nói chuyện nhiều, mới hiểu thêm cô em kế, vượt biên sang Tây. Đúng lúc mình ra trường rồi đi làm tứ xứ. Xem như mình không có duyên sống gần với gia đình người thân.
1. Sự thiếu vắng người cha và hình thành cảm giác bất an cho phụ nữ
Khi người cha vắng mặt hoặc không hiện diện về mặt tình cảm, con gái có thể phát triển cảm giác bất an hoặc không được yêu thương của nam giới. Sự vắng mặt này có thể là do cha bỏ đi, ly dị, công việc quá bận rộn hoặc vì cha không có khả năng thể hiện tình cảm. Nhất là người Việt mình ít biểu lộ tình cảm ra ngoài.
• Một cô gái lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly dị, có thể cảm thấy mình không đáng yêu hoặc không quan trọng, dẫn đến việc tìm kiếm sự xác nhận giá trị bản thân từ người khác, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm. Cô ấy có thể luôn cảm thấy sợ hãi bị từ chối hoặc bỏ rơi, tái hiện lại mô hình cảm xúc từ thời thơ ấu. Lâu lâu buồn đời, mình xem chương trình Bạn muốn hẹn hò tại Việt Nam, thấy các cô gái thường tìm người chồng tương tự cha mình. Hay con trai cũng tìm kiếm người bạn đời như mẹ mình. Mình thì tìm ai chịu gả cho mình, không dám đòi hỏi. Nông dân nên biết thân phận không đòi hỏi.
2. Ảnh hưởng lên lòng tự trọng và giá trị bản thân
Bà Schwartz cho rằng người cha thường đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố lòng tự trọng và giá trị bản thân của con gái. Khi vắng mặt, con gái có thể cảm thấy mình không đủ tốt hay không xứng đáng được yêu thương.
• Một phụ nữ trưởng thành có thể cố gắng quá mức để chứng tỏ giá trị của mình trong công việc hay trong các mối quan hệ để bù đắp cho cảm giác không đủ đầy từ thời thơ ấu. Cô ấy có thể quá cầu toàn hoặc liên tục lo sợ về sự thất bại. Tết này về Đà Lạt, mình sẽ hỏi mấy cô em về vụ này. Có điều mình biết chắc một điều là bố mình ở tù 15 năm, gây xáo trộn về tâm lý cho mấy người em, vì đi học, bạn học kêu con nhà phản động cũng như hàng xóm chỉ trích gia đình phản cách mạng. Một cô em kêu xem tài liệu cũ, giấy ra trại của ông cụ mình sau 15 năm học tập thì ông cụ được gọi là thành phần phản cách mạng. Em mình không được đi học đại học dù đậu dư điểm.
3. Ảnh hưởng đến các mối quan hệ tình cảm
Người cha đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách mà con gái nhìn nhận các mối quan hệ với nam giới khi lớn lên. Nếu không có một hình mẫu người cha mạnh mẽ và tích cực, con gái có thể gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ tình cảm lành mạnh. Có lần, con gái mình nói là hàng ngày gặp bố nhiều hơn là gặp mẹ của nó. Đồng chí gái đi làm ở sở nên nhiều khi phải ở lại khuya để làm việc, trong khi mình làm tự do nên đưa đón con đi học, nấu ăn cũng như chở đi học ngoại khoá như đàn hay chơi thể thao mỗi ngày. Gần đây con gái mình nhắn tin cảm ơn bố đã nuôi nấng, chăm sóc từ bé. Mình nghĩ con mình bị ảnh hưởng nhiều về bố chúng.
• Một người phụ nữ có thể bị cuốn hút bởi những người đàn ông không ổn định, xa cách về mặt tình cảm hoặc thậm chí không tốt với cô ấy, bởi vì đó là kiểu mẫu quen thuộc mà cô đã biết trong quá khứ qua hành vi của bố cô ta. Hoặc, cô ta có thể quá phụ thuộc vào bạn đời vì lo sợ bị bỏ rơi. Vụ này thì con gái mình hay tâm sự về bạn trai, tình yêu hay làm việc.
4. Sự thiếu vắng người cha và vai trò biểu tượng trong tâm lý Jungian
Bà Susan Schwartz sử dụng các khái niệm từ phân tâm học của Carl Jung để nhấn mạnh rằng hình ảnh người cha không chỉ là một cá nhân mà còn là một biểu tượng trong tâm lý của con gái. Người cha đại diện cho quyền lực, sự bảo vệ, định hướng và thậm chí sự ổn định trong cuộc sống.
• Sự thiếu vắng người cha có thể dẫn đến việc phụ nữ có cảm giác mất phương hướng trong cuộc sống, không tìm thấy sự ổn định hoặc khó khăn trong việc định hình mục tiêu và định hướng của bản thân. Họ có thể cảm thấy không được bảo vệ và không có nền tảng để đứng vững trước những khó khăn. Khi ông cụ mình ở tù cải tạo 15 năm, thì mẹ mình buôn bán nuôi con, vừa làm mẹ và đảm nhiệm vai trò người cha luôn trong suốt 15 năm.
5. “Vết thương cha” và quá trình chữa lành
Một phần quan trọng của cuốn sách là hướng dẫn phụ nữ nhận diện và chữa lành những “vết thương thiếu vắng cha”. Bà Schwartz khuyến khích họ đối diện với những tổn thương từ thời thơ ấu, tìm hiểu nguồn gốc của cảm xúc và tái kết nối với chính mình. Sự tự nhận thức và quá trình làm việc với những tổn thương này có thể giúp họ cảm thấy hoàn chỉnh và giải thoát khỏi những mô hình tiêu cực đã lặp lại.
Mình đọc đâu đó, cho biết là phụ nữ với lợi tức thấp, thường là phải dọn vô ở với một người đàn ông khác trong vòng 1 năm, sau khi chia tay với chồng hay người tình để được chia sẻ nhà cửa. Vụ này thì mình là chứng nhân, vì lâu lâu thấy mấy bà mướn nhà kêu lấy tên chồng, Bồ cũ ra và bắt một tên mới ký tên vào hợp đồng thuê nhà. Thường là hay bị bạo hành và con cái sẽ thấy những cảnh này và sẽ chịu đựng khi lớn lên với chồng hay người tình 2 năm.
• Một phụ nữ từng trải qua liệu pháp tâm lý có thể học cách xây dựng ranh giới lành mạnh trong các mối quan hệ và từ từ nhận ra giá trị của bản thân không phụ thuộc vào sự chấp thuận của người khác. Cô ấy có thể học cách yêu thương bản thân và cảm thấy tự do hơn trong việc đưa ra các lựa chọn của riêng mình. Nếu có đủ điều kiện tài chính.
6. Sự vắng mặt của người cha trong đời sống thường Nhật
Sự vắng mặt của người cha không chỉ xảy ra khi người cha không còn sống chung hoặc không hiện diện về mặt vật lý, mà khi người cha có mặt nhưng không quan tâm, không kết nối về mặt cảm xúc hoặc có những hành vi gây tổn thương như đánh đập hay loạn luân này nọ.
• Một người cha có thể bị ràng buộc với công việc, không dành thời gian để lắng nghe và hiểu con gái mình, dẫn đến cảm giác cô đơn và lạc lõng của cô ấy. Hoặc, một người cha nghiện rượu và đánh đập vợ con, có thể khiến con gái cảm thấy bất lực và không tin tưởng vào người khác giới.
Cuốn sách của Susan E. Schwartz không chỉ là một cái nhìn tâm lý học về vai trò của người cha trong cuộc đời con gái mà còn là lời kêu gọi để phụ nữ hiểu và chữa lành bản thân, giúp họ trở thành những người mạnh mẽ và tự chủ hơn trong một xã hội phân tán như ngày nay. Người ta chỉ nghĩ về quyền lợi cá nhân thay vì hy sinh cho gia đình, người thân thuộc.
Mình thấy tỷ lệ ly dị tại Hoa Kỳ. Hóa ra phụ nữ lấy nhau ly dị nhiều hơn đàn ông với đàn bà. Hóa ra phụ nữ muốn ly dị nhiều hơn. Xem tỷ lệ đàn ông lấy đàn ông. Kinh lỗi tại dần ông mọi đàng. Chán Mớ Đời
Nhớ báo Paris Match có phong vấn ông Phạm Văn Đồng khi ông ta công du tại pháp. Ông ta cho biết có độ 2 triệu người quân nhân và công chức của Việt Nam Cộng Hoà bị đưa đi trại cải tạo. Mình không biết, bao nhiêu người con thiếu vắng cha sau 75, rồi vượt biển. Ảnh hưởng tâm lý khá sâu, khó mà giải quyết khi còn sống.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn