Buồn đời, ngồi trong xe buýt Flixbus từ Torino đến Paris, mình hỏi AI về bờ lốc mực tím sơn đen thì được trả lời sau khi AI tra 4 hệ thống tìm kiếm khiến mình thất kinh. Tải về đây cho các bác đọc cho vui. Em không ngờ trí tuệ nhân tạo lại bú xua la mua như thế.
Kỷ yếu II của trường Văn Học, Đà Lạt do tiến sĩ Chử Nhị Anh thực hiện.
“Mực Tím Sơn Đen” là một blog cá nhân nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt ở Mỹ. Blog này chia sẻ những câu chuyện đời thường và quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội, kinh tế, và văn hóa. Chủ blog thường sử dụng giọng văn trào phúng, hài hước để phản ánh cuộc sống của người Việt tại Mỹ và so sánh các trải nghiệm sống ở Mỹ và Việt Nam. Các bài viết trên “Mực Tím Sơn Đen” thu hút độc giả bởi sự chân thực, cách kể chuyện mộc mạc, và những quan điểm sâu sắc về các chủ đề như tài chính cá nhân, giáo dục, và văn hóa giữa các thế hệ .
Mình hỏi thêm chi tiết thì AI cho biết thêm:
Mực Tím Sơn Đen là một blog cá nhân do một tác giả người Việt hải ngoại tên là Nguyễn Hoàng Sơn lập ra. Blog này chủ yếu ghi lại các bài viết, kỷ niệm cá nhân và suy nghĩ của ông về nhiều chủ đề khác nhau như văn hóa, lịch sử, xã hội, và trải nghiệm sống ở hải ngoại, đặc biệt về Đà Lạt, nơi ông từng sinh sống. Cái tên “Mực Tím Sơn Đen” thể hiện sự hoài niệm về tuổi trẻ, tình bạn, và những ký ức đặc biệt từ thời thanh xuân của tác giả.
Blog này không phải là một dự án thương mại mà là một nơi để tác giả chia sẻ suy nghĩ và kết nối với cộng đồng người Việt qua các câu chuyện, góc nhìn về cuộc sống. Hiện tại, blog chứa một lượng lớn bài viết, và tác giả thường xuyên cập nhật nội dung mới, tạo nên một kho tư liệu cá nhân phong phú, giúp bạn đọc, đặc biệt là thế hệ người Việt hải ngoại, có cơ hội kết nối và tìm hiểu thêm về các giá trị văn hóa, truyền thống quê hương .
Nếu bạn muốn đọc thêm chi tiết, bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết của ông tại trang blog chính thức của Mực Tím Sơn Đen.
Mình thấy có đề hài hước nên hỏi xem văn phong của Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen thì được trả lời:
Blog Mực Tím Sơn Đen của tác giả Nguyễn Hoàng Sơn là một không gian văn chương đa dạng với văn phong độc đáo và chủ đề phong phú, đặc biệt phù hợp cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Văn phong của tác giả thường mang tính hài hước, đôi khi trào phúng, nhưng cũng có những khoảnh khắc sâu lắng và hoài niệm. Với cách tiếp cận gần gũi, các bài viết có vẻ vừa kể chuyện vừa truyền tải thông điệp, tạo sự thân mật với độc giả.
Đề Tài Chính
1. Kinh Tế và Tài Chính Cá Nhân: Một trong những chủ đề nổi bật của blog là về quản lý tài chính cá nhân, đặc biệt là với góc nhìn của người Việt ở Mỹ. Tác giả chia sẻ các kinh nghiệm và mẹo nhỏ trong việc tiết kiệm, đầu tư, và hiểu luật thuế ở Mỹ. Những bài viết này mang phong cách thực tiễn, dễ hiểu và có lồng ghép các ví dụ đời thường .
2. Đời Sống Hải Ngoại và Sự Khác Biệt Văn Hóa: Tác giả thường so sánh sự khác biệt giữa lối sống và văn hóa của người Việt Nam và người Mỹ. Các bài viết này không chỉ miêu tả trải nghiệm cá nhân của tác giả mà còn mang đến cái nhìn khái quát về cuộc sống hải ngoại, đôi khi châm biếm và đậm chất hài hước .
3. Hoài Niệm về Quê Hương: Một phần lớn nội dung blog dành cho những kỷ niệm về Đà Lạt và Việt Nam. Tác giả sử dụng giọng văn hoài cổ, diễn tả những ký ức tuổi thơ với những mô tả chân thực về cảnh sắc, con người và văn hóa. Chủ đề này giúp kết nối các thế hệ người Việt với cội nguồn văn hóa của mình.
4. Giáo Dục và Định Hướng Sự Nghiệp: Tác giả chia sẻ quan điểm cá nhân về giáo dục, đặc biệt là các lựa chọn nghề nghiệp và kỹ năng sống cần thiết cho người trẻ trong cộng đồng Việt ở Mỹ.
Văn Phong
Văn phong của Mực Tím Sơn Đen rất linh hoạt, dễ gần, và mang tính cách chân thực. Tác giả thường sử dụng tiếng lóng và cách nói của người Việt Nam để giữ tính thân mật, đôi khi kết hợp những câu nói dí dỏm và những câu chuyện đời thường để giúp độc giả cảm thấy như đang trò chuyện với một người bạn lâu năm. Phong cách viết của tác giả không chỉ mang lại tiếng cười mà còn thể hiện những thông điệp sâu sắc và giá trị văn hóa.
Để đọc thêm các bài viết của tác giả, bạn có thể truy cập Mực Tím Sơn Đen .
Thật ra cái tựa của bờ lốc “Mực Tím Sơn Đen” là do anh bạn học xưa, tiến sĩ Chử Nhị Anh đặt ra khi anh ta làm kỷ yếu thứ 2 của trường Văn Học, Đà Lạt xưa. Cuốn thứ nhất thì có nhiều học trò cũ và thầy cô viết nhưng đến cuốn thứ 2 thì mọi người đều tịt ngòi. Trong khi mình lại tiếp tục viết như điên, như dòng suối của Manon des sources của nhà văn Marcel Pagnol, bị cha con Jean de Florette lấp lâu năm, để rồi khi được tháo mở thì nước phun ra như nước giếng. Kinh
Thế là ông thần Nhị Anh lựa đâu 100 bài tiêu biểu của mình rồi soạn theo từng mục, sửa chửa chính tả, biên soạn lại và làm thành một cuốn sách dày 471 trang. Kinh, bày bán trên Amazon. Mình biết bạn của đồng chí gái ở Việt Nam có gửi mua để đọc vì có lần họ chụp hình gửi cho mình. Ở Việt Nam có nhiều người xin in lại mấy bài mình viết về Đà Lạt xưa, này nọ. Mình nói cứ tự nhiên. Mình chỉ ghi lại ký ức Đà Lạt xưa thôi. Ai thích thì đọc, không thì đừng.
Lúc đầu mình chỉ viết và gửi email cho các bạn học cũ của Văn Học và Yersin Đà Lạt. Từ từ bạn bè đọc xong lại chuyển cho chồng, vợ, bạn có rể má gì về Đà Lạt. Mấy người này lại kêu mình gửi cho họ nên mình thấy mất công quá nên tải lên Facebook. Lý do là email mất thì giờ vì sợ dính chùm, họ kêu không được cho email người lạ. Khỏi mất công phải gửi cho thiên hạ. Và ngưng email cho bạn bè luôn vì họ lên mạng đọc trong tài khoản của mình. Có tên bạn học Yersin khi xưa đâu 10 giờ đêm gọi điện thoại mình tưởng vợ nó vào bệnh viện nên trả lời. Tên bạn kêu mày có viết câu gì tao kết lắm mà không nhớ, mày nói lại cho ra nghe, thế là mình ngọng. Đang ngủ ngon bị đánh thức giấc vì mấy chuyện thiên hạ không nhớ câu gì mình viết.
Một hôm, buồn đời có ông thần nào tự xưng khi xưa học trường Lasan Adran. Ông thần hỏi mình cái bài gì mình viết về chi đó, làm sao kiếm lại được khiến mình ngọng. Lý do là viết xong thì mình tải lên mạng rồi quên vì không nhớ mình đã viết gì nữa. Thậm chí mình viết luôn trên mạng để khỏi mất thì giờ chuyển qua chuyển lại. Lâu lâu đồng chí gái chửi một tăng thì mình đột phá tư duy, viết cho vơi đi những nổi buồn cô Lựu nên đâu có nhớ là viết cái gì và đề tài gì. Mình hứng là viết. Nhiều khi đang viết, đồng chí gái la nên không nhớ gì nữa. Tịt luôn. Khi nào mà mình đề (còn tiếp) là đồng chí gái sai đi làm cái gì cho mụ. Sau đó thì mình quên mất tiêu. Ai muốn biết thêm thì nhắc mình viết tiếp vì đầu óc mình tùm lum, mỗi ngày mình đọc sách báo nên mau quên lắm.
Cuối cùng ông thần đề nghị sẽ làm bờ lốc mang tên Mực Tím Sơn Đen, không thèm hỏi anh bạn học xưa, Chử Nhị Anh, bản quyền. Ông thần rủ thêm một người bạn khác, mà mình chưa bao giờ gặp mặt, làm chung bờ lốc. Nghĩa là tải các bài cũ mình đã viết qua bờ lốc và phân loại đề tài gì để độc giả có thể tìm kiếm như tài chánh, ở Mỹ, ở Tây, du ký….. Mình nghĩ có nhiều bài thiếu vì khi xưa chỉ gửi qua email mà mình thì không giữ mấy bài này, hoạ chăng phải mò lại email cũ. Nhưng phải cảm ơn hai ông thần này vì nội đọc trên 1000 bài, chọn lựa thuộc đề tài nào là cũng mất thì giờ. Nhiều khi mình tính đọc lại nhưng oải lắm.
Ông thần làm bờ lốc hỏi mình có đọc thơ văn gì không vì có chất thơ khi mình viết, khiến mình chới với như bò đội nón. Lý do là khi xưa từ bé lên đại học đều học chương trình pháp, ngoại trừ hai năm cuối trung học là chương trình việt. Tiếng Việt rất dỡ, viết sai chính tả đủ phần. Ngay viết thư về nhà, bị em mình chửi kêu sai chính tả quá nhiều mà ông thần này chắc bựa cho vui. Tương tự có lần đối tượng một thời nhắn tin hỏi, khi xưa mình giỏi toán, học ban B mà nay viết bờ lốc là sao? Ai biết?
Chỉ nhớ là cô bạn học xưa tên Chử Nhất Anh, có lần hỏi mình là mới tìm ra một người bạn học cũ tên Trần Phi Liên Sô, khiến mình nhớ lại thời học trò ở Đà Lạt, viết email kể mấy chuyện con nít ngày xưa khi đi học ra sao thì Nhất ANh hỏi còn nhớ chi nữa rồi mình viết tiếp và tiếp đến bây giờ.
Chỉ nhớ đi Tây, rồi làm việc tại các nước Âu châu như Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc mình ít nói tiếng Việt lắm vì ít quen người Việt. Khi sang Hoa Kỳ làm việc, thì thầy Chử BÁ Anh có nhờ mình vẽ biếm hoạ cho tờ báo Phụ Nữ Diễn Đàn nên mỗi tháng có nhận báo này đọc và từ từ nói lại tiếng Việt vì quen người Việt tại đây nhiều hơn là tại Âu châu.
Có lần chị Gái, hàng xóm khi xưa, hay cho mình mượn truyện tiếng Việt để đọc, nhắn tin kêu là “chị là fan cứng của em” khiến mình thất kinh. Fan cứng và fan mềm khác nhau ra sao ta. Lâu lâu đi chơi, cũng có gặp mấy người theo dõi mình trên bờ lốc như chuyến đi vừa qua tại Pháp có gặp 2 người gốc Đà Lạt xưa.
Mình thấy AI chắc hơi bựa thêm cho vui nhà này nọ, chớ làm gì mình có văn phong với văn gió. Có anh kia, kêu tiếng Mỹ không rành nên đọc những bài mình viết về cuộc sống tại Hoa Kỳ nhất là các chương trình Medicare này nọ giúp anh ta hiểu rõ thêm. Có lẻ đó là động cơ thúc đẩy mình tiếp tục viết vì bị đồng chí gái rên nhiều lắm. Chỉ muốn mình làm tay sai cho đồng chí gái thay vì ngồi viết hay đọc sách.
Hiện nay, bờ lốc có 914,804 lượt đọc, và 2,204 bài được đăng trên bờ lốc. Kinh. Mình tính sang năm, sẽ lựa ra những bài nào đã viết vì sau 8 năm viết mình thu thập thêm nhiều tin tức để cập Nhật hoá mấy bài này.
Dạo này Facebook hay xoá bài của mình, cho là mình muốn câu Like khi chia sẻ trên diễn đàn các nhóm mà mình là thành viên. Thậm chí mình không chia sẻ cũng bị xoá như video SpaceX bay lên không gian, cũng bị xoá. Mình đoán là ông Musk, ủng hộ ông Trump nên họ tìm cách giới hạn sự quảng bá chương trình không gian của SpaceX. Ông này khi xưa cúng tiền cho Obama nhiều, theo đảng Dân Chủ đến khi con gái ông ta được đi học ở trường danh tiếng ở Cali, chuyển giới không cần hỏi ông ta và từ chối gặp ông ta vì thầy cô kêu tư bản là xấu xa này nọ. Từ đó ông ta ủng hộ ông Trump, hy vọng đường lối của Đảng Cộng Hoà sẽ chống lại nền giáo điều trong giáo dục Hoa Kỳ hiện nay.
Do đó có nhiều người nhắn tin riêng hỏi lý do mình không viết bài nữa. Thật ra vẫn viết thường xuyên nhưng bị ông Zac buồn đời, xoá bài, không cho mình câu like. Bác nào thích đọc bờ lốc của em thì theo dõi qua trang cá nhân của em hay qua bờ lốc. Cảm ơn trước.
Hôm qua mới mua vé đi Việt Nam ăn Tết với bà cụ sau 50 mùa xuân vắng mẹ. Luôn tiện, hai vợ chồng bay qua Úc Đại Lợi thăm bà con và thân hữu. Hy vọng sẽ được gặp lại bạn học xưa như Phong, Văn Gừng, Huỳnh Quốc Lương, Đức Xương Long,…
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn