Tuổi nào ngưng uống rượu

 Tuổi nào nên ngừng uống rượu

Cuối năm 2024, mình phải đi lấy nhà lại từ một gia đình mà ông bố nghiện rượu, không có tiền để trả tiền nhà. Phải đưa ông ta một tí tiền để ông ta dọn ra với gia đình để nộp cho chủ nhà khác. Nếu ông ta không tự thay đổi, tự kềm chế, không uống rượu để có thì giờ đi làm, kiếm tiền thì sẽ không bao giờ thay đổi lối sống.

Đầu năm thấy thân hữu tụ tập nhau ăn Tân niên tại nhà cũng như nhà hàng chào đón mừng năm 2025. Rượu được khui ra như pháo và những lời chúc tụng đẹp nhất cho nhau khiến mình nhớ đến cuốn sách nói về rượu và trí nhớ. Về già chắc chúng ta thích uống rượu để mau quên hoặc khi trẻ lấy vợ, cần uống rượu để quên đi nỗi sầu đông.

Trong cuốn sách “The Complete Guide To Memory”, có phần “Cách phòng ngừa chứng mất trí nhớ” của Tiến sĩ Restak, nhà thần kinh học và tác giả đã tiết lộ rằng việc uống rượu, đặc biệt là uống với số lượng lớn, thường xuyên, xin nhắc Lại số lượng nhiều, có thể gây hại cho sức khỏe não bộ của chúng ta. Ông chia sẻ rằng đó là một "chất độc thần kinh trực tiếp" (direct neurotoxin).


Rượu có thể gây hại rất nhiều cho trí nhớ của chúng ta, ông khuyên mọi người ở mọi lứa tuổi nên xem xét lại mối quan hệ của họ với rượu. "Hãy tự hỏi bản thân, tại sao tôi lại uống rượu?' Nếu câu trả lời là 'vì rượu giúp tôi nâng cao tâm trạng và giảm bớt lo lắng, thì bạn có thể đang gặp nguy hiểm và có lẽ tốt nhất là nên dừng hẳn", ông nói trong cuốn sách của mình. Ông này viết rất nhiều sách, nghiên cứu về bộ não nhưng mình đọc được một cuốn là oải.


Gặp lại các bạn học cũ, tên nào kêu không nhớ là mình đoán hắn uống rượu nhiều. Có một anh bạn thân ở Đà Lạt, nhớ dai lắm. Lý do là anh ta không thích uống rượu, chỉ khi nào bắt buộc thì làm một tí cho vừa lòng các anh.dcg thì không uống rượu nhưng không hiểu sao bộ nhớ bị vi-rút gì đó, chỉ nhớ chuyện tiêu cực.


Mặc dù chúng ta "có thể bớt sợ hơn" khi chúng ta uống rượu để giao lưu hoặc vì lý do nếm thử, nhưng nhà thần kinh học vẫn khuyên những người uống rượu nên dừng lại. Tiến sĩ Restak cho biết: "Tôi thực sự khuyên bạn nên loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn rượu khỏi chế độ ăn uống của mình nếu bạn đã 65 tuổi". Đúng tuổi về hưu. Tại sao lại là 65 tuổi? Mình có mấy bạn quen về hưu lại càng uống nhiều hơn không đi làm. 


Một phần là do nguy cơ bị ngã ở tuổi hưu trí. Mặc dù ít gây ra nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hơn hút thuốc lá nhiều, Tiến sĩ Restak cho biết rượu vẫn có thể gây tổn hại đến trí nhớ của bạn nhưng tác động của nó có thể tệ hơn đối với hông của bạn. "Rượu cũng nên được xem xét trong bối cảnh người lớn tuổi thường xuyên bị ngã", bác sĩ cho biết. 


"Tỷ lệ tử vong do ngã đang gia tăng, đặc biệt là ở nam giới cao tuổi", ông chỉ ra, đồng thời nói thêm rằng số ca tử vong đã tăng 30% trong giai đoạn 2007-2016. Mình không biết ngày nay ra sao, nhất là sau vụ COVID. Mình thấy các tiệm BevMo bán rượu mọc ra khắp nơi, quảng cáo rượu rất nhiều trên truyền thông. Ông cho biết, ngã là nguyên nhân gây ra 70% số ca tử vong do tai nạn ở những người từ 70 tuổi trở lên. Có một bác quen kể là người em lớn tuổi, không chống gậy, ngã té bể đầu, chết luôn.


Nhớ khi xưa, bố vợ còn sống, tối đang ngủ mình bổng nghe cái rầm, cả nhà không ai nhúc nhích, mình bò dậy đi một vòng thì thấy bố vợ nằm dưới đất. Máu me ngay đầu, kêu xe cứu thương chở vào cấp cứu. Sau vụ đó ông cụ như quên hẳn khi xưa đã hút thuốc, không thấy kêu đi mua thuốc cho ông cụ nữa, ngưng hút thuốc luôn. Cái ngã đã ảnh hưởng đến bộ trí nhớ của bố vợ.


Ngoài ra, có bệnh loãng xương khi về già, nếu ngã khiến xương gãy nhất là cái hông thì hết đi đứng. Hôm qua mình nói điện thoại một người bà con, dì kể bị ngã hai lần, gãy hai cái xương chân. Muốn tránh bệnh loãng xương thì phải tập nội công Hồng Gia, và Thái Cực Quyền nhất là đừng uống sữa vì mình đã kể, sữa có nhiều a-xít nên cơ thể sẽ tìm lấy calcium trong xương để bảo hoà pH cơ thể khiến bị loãng xương. Người Mỹ uống sữa rất nhiều nên về già bị bệnh loãng xương. Xương cốt lộn xộn. Công ty bán sữa thì họ phải quảng cáo Calcium này nọ nhưng lại quên không nói đến hệ quả của việc uống sữa. 


Có một nghiên cứu của một y sĩ người Nhật. Ông ta có phòng mạch ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ông khám phá ra người Nhật ở Nhật Bản về già ít bị bệnh loãng xương trong khi người Nhật di cư sang Hoa Kỳ thì lại bị. Lý do là uống sữa như người Mỹ. Ông ta tìm tòi thì khám phá ra vấn đề này. Sữa có a-xít khiến cơ thể tự rút chất calcium trong xương. Người Mỹ sợ da ăn nắng nên bôi kem chống nắng, mà cơ thể cần ánh nắng mặt trời để tạo chất calcium nên người Mỹ bị loãng xương trầm trọng khá nhiều khi về già. Ai có con dâng học y khoa kêu chúng theo ngành chân tay vì thế hệ banyboomer về hưu, lại to béo nên dễ bị ngã tha hồ gắn ốc vít này nọ. 


Vì vậy, bạn nên hạn chế tiêu thụ rượu sau 65 tuổi, đặc biệt là nếu "bạn đã mắc phải các nguyên nhân khác gây ngã, chẳng hạn như suy giảm sức mạnh, teo cơ, các vấn đề về thăng bằng và dùng thuốc. Trong trường hợp đó, uống rượu có thể đặc biệt nguy hiểm.” Chịu khó đi tập thể dục, đi bộ giúp chân và đầu gối mạnh lên. Như tập Thái Cực Quyền và Nội Công Hồng Gia giúp xương chắt.


Rượu còn ảnh hưởng đến não vì có một loại chứng mất trí nhớ đặc biệt chỉ xảy ra khi uống quá nhiều rượu.


Tình trạng này, được gọi là hội chứng Korsakoff, "được đánh dấu bằng tình trạng mất trí nhớ gần đây nghiêm trọng" và "là kết quả của tác động trực tiếp của rượu lên não", Tiến sĩ Restak cho biết. Ai buồn đời thì tìm đọc thêm về vụ này.


Đó là do nồng độ thiamine của bạn giảm, nghĩa là "trong vòng một giờ, một người uống nhiều rượu bình thường có thể bị lú lẫn, mất thăng bằng, loạng choạng và ngã. Ảnh hưởng nhiều nhất là trí nhớ về các sự kiện gần đây", bác sĩ cho biết. Không biết có phải vì vậy mà cảnh sát khi chận lại, bắt người ta đi bộ.


Những người mắc tình trạng này cũng có thể lấp đầy khoảng trống trong trí nhớ của họ bằng "sự bịa đặt", Tiến sĩ Restak chỉ ra nghĩa là nếu họ quên mất những gì họ đã làm vào tối hôm trước và chúng ta nói với họ rằng chúng ta đã nhìn thấy họ tại một hội chợ vui chơi vào ngày hôm đó, họ sẽ tiếp tục và thậm chí tô vẽ thêm cho câu chuyện (mà không nói dối, họ thực sự tin vào điều đó). Cái này hơi nguy vì khi người ta tin tưởng vào sự bịa đặt thì khó mà lay chuyển khiến họ đổi ý.


Người Việt khi xưa hay nói rượu vào lời ra, rượu nói chớ không phải người uống rượu. Tiến sĩ Restak cho biết, việc uống quá nhiều rượu cũng có thể ảnh hưởng đến mức sinh tố B12, một sinh tố rất có lợi cho não của chúng ta.


Tóm lại bác nào bị vợ đì thì cứ tiếp tục uống cho say để quên đời, đây lên hành mụ vợ trả thù còn bác nào thương vợ con thì ngưng uống để tránh tai nạn, té ngã vì sau đó vợ con phải lãnh trách nhiệm chăm sóc. Còn bác nào muốn sức khoẻ, chân tay tốt hơn, có calcium nhiều để xương không bị loãng thì đến Đông Phương Hội tập, miễn phí. Hôm kia có anh quen hỏi tập ngày nào, nói sẽ đến nhưng mình đã nghe nhiều người nói rồi nhưng anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến. Chán Mớ Đời 


Anh ta có đến tập được một buổi rồi nhắn tin là không có thời gian nhiều. Đợi khi khác. Vào tuổi hưu trí mà chưa hiểu là sức khỏe của mình chỉ có tự mình tạo nên. Không có tiền bạc nào có thể mua được. Có chị 83 tuổi, đến tập với tụi này được 6 tháng nay thấy chị ta khỏe, chân tay mạnh lên. Chị ta kêu vui quá chú Sơn. 


Đầu năm chúc các bác cùng thân quyến mọi sự tốt đẹp. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen ‘

Nguyễn Hoàng Sơn