Một ngày đầu năm

 Ngày đầu năm

Sáng sớm chở con gái ra phi trường đi chơi ở Costa Rica. Sắp sửa đi thì đồng chí gái dậy, muốn đi theo. Thấy lòng mẹ thương con, ít khi nào đồng chí gái thức giấc vào 6:00 giờ sáng nhưng con đi phi trường nên gắng dậy đi theo để tiễn con. Mình tính đi vườn để lấy cái hên đầu năm đi cày cả năm đi cày thì đồng chí gái kêu ở nhà vì phải đi ăn tiệc đầu năm Liên trường học gì đó. Thôi ngưng làm nông dân một buổi, ăn bữa giỗ lỗ bữa cày, đi làm bảo vệ đồng chí gái một sáng đầu năm.

Ban hợp xướng Trưng Vương có mặt đồng chí gái.

Mình không biết có bao nhiêu trường học khi xưa, liên kết để tổ chức buổi họp mặt này vì không thấy tờ chương trình. Hình như họ cũng gây quỹ cho thương phế binh tại Việt Nam thì phải. Nhìn chung thì 85% là phụ nữ, còn lăn tăn vài ông chạy vòng vòng chụp hình cho mấy bà. Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao, dù hàm răng không còn chiếc nào, dù thân thể còm nhom như là con cóc, dù cho bước đi vô cùng khó nhọc nhưng vần cầm máy hình xeo-phi. Mặc ai hát trên sân khấu phe ta xeo phì. Dạo mình mới sang Hoa Kỳ thì đi đến mấy chỗ Tết kiểu này thì 95% là đàn ông, lác đác vài cô đang tìm cách đuổi mấy tên bu lại bên cạnh như ruồi. Cho thấy thế hệ trên 6 bó, có chồng tiêu diêu miền cực lạc khá nhiều hay không đi đứng nổi ở chỗ này.


Đang đi lấy nước trà cho đồng chí gái thì có ai gọi tên, quay lại, hoá ra cô bạn học cũ ngày xưa ở Đà Lạt. Cô này cũng khá vui. Khi xưa, cô ta và anh chồng, đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho mình. Cô ta bảo ông đừng có giới thiệu tôi là mẹ ông nhé. Lý do là mình có dẫn một đối tượng đến gặp cô bạn lần đầu tiên ở vùng Bôn-sa. Ra về, đối tượng kêu bạn anh mà sao em thấy giống như bạn của má em. Chán Mớ Đời 


Sau khi hỏi vợ cho mình xong thì cô nàng biến mất đến 20 năm sau, đi ăn cưới cháu người bạn, gốc Đà Lạt. Trên sân khấu, họ giới thiệu ca sĩ NH, mình nhìn lên sân khấu thấy bà nào thấy quen, như đã gặp ở đâu. Hỏi đồng chí gái thì mụ vợ kêu bạn anh chớ ai trồng khoai đất này. Từ đó mới có điện thoại di động, liên lạc lại. Tháng trước, cô nàng gửi cho cái USB của băng nhạc Mùa Thu mới thực hiện năm 2024, nghe cũng phê lắm. Ở Đà Lạt, trong lớp đâu thấy cô nàng hát hò gì đâu. Ngày xưa, mình tổ chức văn nghệ cho trường, đâu có thấy cô nàng làm ca sĩ xung phong. Lâu lâu cô nàng điện thoại hỏi sao thấy đồng chí gái đi dự lễ gì đó mà không thấy ông. Mình nói đâu biết, bà vợ đi đâu thì bà đi, chớ có báo cho mình biết. Ngược lại mình đi đâu thì phải xin phép, đi thưa về trình cho phải đạo làm chồng nhân dân ưu tú. Đứng chụp hình với cô nàng và đồng chí gái xong thì nghe ai kêu, quay lại thấy anh bạn quen gốc Hà Nội, du học sinh tại Liên Xô, nay chạy qua Hoa Kỳ làm công dân Hoa Kỳ, kiểu đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, nay chạy qua Mỹ đánh cho Mỹ nhào như ngụy khi xưa luôn. Đúng lúc trên sân khấu, ban hợp ca đang hát Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm Duy,:


Mờ trong bóng chiều một đoàn quân thấp thoáng,

Núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng,

Của người anh hùng lạnh lùng theo trống dồn,

Trên khu đồi hoang in trong chiều buông.


Ra biên khu trong một chiều sương âm u, âm thầm chen khói mù,

Bao oan khiên về đây hú với gió, là hồn người Nam nhớ thù.

Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn, muôn lời thiêng còn vang,

Hồn quật cường nguyền mang đến phút chiến thắng, sầu hận đời lấp tan.


Gươm anh linh đã bao lần đẫm/vấy máu,

Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.

Rừng trầm phai sắc, thấp thoáng tàn canh,

Ôi người chiến sĩ vô danh.


Mình hỏi bác đi đây, ở chỗ bọn phản động, tàn dư con cháu ngụy quân ngụy quyền thế này. Anh ta kêu vợ anh ta nói là có ông đi nên tôi mới đi theo, rồi kêu anh ta thích không khí ngụy quân ngụy quyền. Anh này gốc gác lớn ở Hà Nội, nếu về Việt Nam thì có thể làm chức ít nhất thứ trưởng. Nghe kể sau khi Liên Xô tan rã thì có một nhóm độ 70 du học sinh ở Liên Xô không chịu về khiến Hà Nội điên đầu vì con ông cháu cha không. Nay đều chạy sang đây, vào công dân Mỹ hết, xem Hoa Kỳ là chùm khế ngọt, cho tôi ăn hamburger mỗi ngày. Thật ra mấy người này họ sinh ra ở Hà Nội, rồi du học ở Liên Xô nên họ hiểu sự thật về chủ nghĩa cộng sản, nên không về Việt Nam, ở lại Liên Xô làm ăn khá lên, có tiền là đầu tư vào Hoa Kỳ theo diện EB-5.


Anh ta kêu tôi nhớ ông lắm nên cứ phải vào bờ lốc Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen để đọc. Mình kêu bác này lạ, sao lại đi đọc bờ lốc của em. Em là sản phẩm của chế độ ngụy quân ngụy quyền, của thực dân Pháp và bọn Sài lang đế quốc Mỹ mà bố mẹ các bác lên án, suýt tý nữa là thủ tiêu ông cụ em ngoài quê, phải trốn vào Nam. Rồi 20 năm sau lại cho ông cụ em đi cải tạo đến 15 năm. Anh ta cười kêu đó là thế hệ của bố mẹ tôi, không dính dáng gì đến tôi cả. Tôi không có nợ máu với nhân dân miền nam.


Quay qua lại gặp anh bạn mà mình đã có kể chuyện tình môn đăng hộ đối của anh ta. Bố mẹ cấm cản đến 19 năm sau mới gặp lại đôi mắt người xưa. Thế là nối vòng tay lớn từ Tây qua Mỹ với người tình năm xưa. Anh này rất được mấy bà thích vì có tên cực kỳ hoành tráng đó là Cường Dương. Cứ gặp anh ta là mấy bà hỏi mua thuốc cho ông chồng già.


Sau khi mấy ban nhạc đại diện các trường trung học khi xưa lên trình diễn. Thật ra đa số đều thâu trước, rồi mấy bà nhép nhép líp singing cho thiên hạ vỗ tay, ông chồng chụp hình với nụ cười hoàng hôn toả nắng rồi xuống. Đến phần dạ vũ thì mình đi về. Người nào hát trực tuyến thì âm thanh bú xua la mua.


Nằm nghỉ một chút xong thì đi gặp một anh chàng gốc Jordan. Mình có ghé nhà bố mẹ anh ta ở Jordan khi ghé thăm xứ này. Mình hỏi thăm tình hình bố mẹ anh ta, vì nghe nói họ muốn sang đây, có giấy tờ thẻ xanh hết rồi. Anh ta cho biết, bà mẹ không thích ở đây, vì còn bà ngoại ở bên kia nên đã về lại. Tháng 4 qua lại. Mình nói thật ra nên để cho bố mẹ anh ta ở Jordan cho khoẻ, sang đây họ buồn, chết sớm. Anh ta cảm ơn đã cho biết vì con anh ta kêu bà nội, bà làm khó dễ cho cháu, bà phải học tiếng anh để bà cháu mới nói chuyện được với nhau. Nó lấy gú gồ dịch hơi lộn xộn gửi cho bà nội. Mình kể về bà cụ mình, cũng buồn vời vợi khi sang Hoa Kỳ nên đưa về Việt Nam cho bà cụ vui.


Anh chàng này hay hỏi mình về mua bán nhà cửa nhất là gia đạo. Anh ta đi học mấy khoá tài chánh rồi để dành tiền để mua nhà trong khi cô vợ lại muốn tậu nhà to hơn, nơi khu bảnh hơn. Thế là hai vợ chồng choảng nhau. Lý do là không hiểu ý định của nhau dù mỗi người đều lo muốn xây dựng tổ ấm và tương lai nhưng chưa đả thông tư tưởng. Mình đã từng trải vụ này. Mình thì muốn hà tiện tiêu xài để mua nhà cho thuê, mai mốt về già có tiền tiêu xài trong khi đồng chí gái thì muốn ở căn nhà đẹp đẽ. Trời thương mình mua được căn nhà tử tế cho mụ vợ nên tránh cãi vã sau này. 


Mình nói với anh ta là căn nhà rất quan trọng cho gia đình vì để xây tổ ấm, tạo dựng kỷ niệm vì nếu không một mai con cái lớn chúng sẽ rời nhà và không trở lại. Có kỷ niệm sẽ giúp chúng tìm lại những vết chân xưa. Anh ta đi gặp CFO với cô vợ để họ giải thích lý do tại sao để dành tiền giúp cô vợ hiểu thêm ý định của ông chồng tham gia dòng keo kiệt để mua nhà cho thuê. Nay vợ chồng đề huề, mình kêu kiếm nhà và chỉ căn nhà mình đang thương lượng ở Villa Park. Biết đâu anh ta sẽ mua được, mình đợi sửa căn nhà mới lấy lại hôm cuối năm, bán mới có tiền để thương lượng mua của bà. Thật ra có duyên mới mua được. Để xem, có Phước mới mua được chớ đâu phải khơi khơi.


Đang ngồi nói chuyện, bổng nhiên nói về cái bờ lốc do hai ông thần hay đọc bài của mình thực hiện, anh ta kêu đưa tin tức, rồi kêu chuyên viên kỹ thuật ở đâu bên Pakistan, gắn thêm phần chuyển ngữ. Vậy là mình có thể viết đủ loại, mấy tên Mỹ quen hay bạn bè ở Ý Đại Lợi, Hoà Lan, Pháp có thể đọc bờ lốc mình, chỉ cần vào bờ lốc, phía bên phải ở trên đầu có phần chọn ngôn ngữ. Nếu muốn con cháu đọc bằng anh ngữ thì chọn english, hay tiếng ả rập này nọ. Khỏe mấy ông Mỹ không còn kêu réo mình chuyển ngữ nữa. Hay mấy bà muốn cho con đọc, lại réo mình dịch qua tiếng anh. Tuy có thể không như mình viết nhưng có thể tạm ổn. Vậy là mấy cô bạn học Yersin khi xưa có thể đọc bài của mình, vì mấy cô kêu là không rành tiếng Việt. Kêu dịch ra tiếng Pháp. Thật ra dịch cũng khó sát nghĩa, phải viết lại theo tiếng Pháp hay tiếng anh vì mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt khác nhau nhất là mình hay tếu, mà tếu pháp ngữ thì thằng Mỹ không hiểu. Mình đâu có thì giờ ngồi viết đủ thứ tiếng. Nội một tiếng không là đủ oải rồi. Chỉ có khi nào mấy người Mỹ yêu cầu thì mình mới viết theo tiếng anh cho họ. Họ có bỏ gú gồ nhưng lối dịch của gú gồ khá buồn cười.


Sau đó mình về nhà gặp đồng chí gái đang xem ảnh chụp buổi lễ hội đầu năm liên trường rồi cười. Xong om


Sáng nay, nhận được tin nhắn của anh bạn gốc Bảo Lộc. Anh ta về thăm mẹ rồi lên Đà Lạt chơi thì có ghé nhà mình thăm bà cụ. Rất cảm động. Mình quen anh này qua Facebook.

Lại ghé quán cà phê của hai cô em gái ở đường Phan Đình Phùng, “Chez Nous”
Ghé nhà mình thăm bà cụ khiến mình rất cảm động. Chỉ quen nhau qua Facebook, mà anh ta lặn lội đi xa để thăm bà cụ mình.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn