Trời mưa không thấy bóng Ba Vì

 

Hôm nay trời mưa ào ào chắc cả ngày ở Ba Vì hay còn được gọi là Tản Viên. Mưa trút cơn giận cuối năm, còn gì ông trời cứ xả ra hết để năm mới mọi gia đình đoàn viên. Mình tính đi bộ đến viếng đền thượng nhưng mưa chắc ngồi phòng nhìn mưa. Khi xưa, học việt văn có học về ông Nguyễn Khắc Hiếu, buồn đời kêu Sông Đà Núi Tản đúc lên ai? Nay mới có dịp đi viếng vùng này một cách ngẫu hứng không tính trước. 

Đỉnh Tản Viên nhìn từ nhà trọ

Hôm qua trên đường lên núi Ba Vì không thấy sông Đà, chỉ thấy quảng cáo hai bên đường giò đà điểu, nghe nói đặc sản vùng này. Đồng chí gái hỏi họ bán chân đà điều mình nói giò đây không phải bún bò giò heo mà là chả như người Huế gọi. Thấy họ bày bán trứng đà điểu hai bên đường. Thấy bảng hiệu thịt ngựa và thắng cố thì được anh tài xế giải thích là nội tạng của ngựa được gọi là thắng cố. Món này của người đồng bào thượng du như người Mường, Tày. Đọc theo âm tiếng Việt là thằng cốt, canh xương. Thấy họ bày thịt trên quầy hai bên đường bụi xe bay lêu bêu như khi xưa chạy xe trên đường Sàigòn - Đà Lạt thấy ở Định Quán khiến đồng chí gái ớn ớn. Đúng ra mình cũng có thấy tại Đà Lạt các hàng thịt bên lề đường sau khi ra khỏi phi trường Liên Khương. Thấy thịt chó đầy đường. Kinh


Vùng này nổi tiếng sữa dê và bò từ lâu năm và đà điểu. Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không nhắc đến trong thơ của ông ta. Chắc thời ông ta chưa có đà điểu. Còn sữa bò thì mình đoán là từ mấy ông tây mà ra. Họ nuôi bò ăn cỏ trên các đồi núi.


Thấy một chiếc xe khách bị công an chận lại thế là ăn Tết mất vui. Hai bên đường thấy dân từ Hà Nội chạy xe gắn máy đeo nhau về quê bận áo phông và áo mưa. Ngồi nói chuyện Cái Quỳnh, cô em họ kể khi xưa ở trong Đà Lạt phụ người em mình làm ăn, lần đầu tiên về Đà Lạt Đồng chí gái về có tặng cho cái áo phông khiến đồng chí gái ngọng vì không hiểu nên lại phải giải thích. 


Tới núi Ba Vì mà theo ông Quang Dũng kể trời xanh không thấy núi Ba Vì trong khi mình thì thấy trời mưa không thấy bóng Ba Vì. Lý do là trước khi đi, trời bổng đổ mưa thêm thời tiết báo là ngày mai mưa thế là ngọng. Đến nơi lấy phòng xong thì đồng chí gái kêu đói bụng nên xuống nhà ăn gọi phở bò Ba Vì trong khi đồng chí gái kêu cá chẽm nướng tre, cuốn bánh đa. Ăn rất ngon. Ăn xong hai vợ chồng đi rao rảo xem núi rừng Ba Vì nơi mà ông Paul Bert, một thời làm toàn quyền Việt Nam, khám phá ra khi còn làm kỹ sư. Khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam, họ sai người đi thám hiểm để xem có địa chất hầm mỏ gì để khai thác như trường hợp ông Yersin thì khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, đề xuất xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương.

Cái lò than để hâm nóng xôi
Bình trà mà 50 năm rồi mới thấy lại nhưng thiết kế đẹp hơn
Tháng trước mình có kể về bình trà tàu, viết chữ tàu
Bình trà được làm tại Việt Nam nhưng người ở đây không biết từ lò gốm nào. Khi xưa bình trà của công ty Thiên nHiên, gần Đà Lạt tương tự như vậy, sơn màu xanh

Khu nghĩ dưỡng Melia nằm trong công viên quốc gia Ba Vì, nghe nói có 3 cái đền, nhưng đọc kỹ lại thì nghe nói họ tân trang làm lại hết nên chả muốn đến xem. Thêm trời mưa nên không muốn đi theo tour. Đọc mấy review của du khách ngoại quốc thì hết muốn đi viếng. Ở đây họ có xe đạp đường núi nhưng mưa nên hơi ngại vì trơn trợt.


Sáng ra thì trời mưa, đồng chí gái hỏi làm gì thì ngủ. Mình nói tên Thuỷ Tinh đang thức giấc, thấy tên Sơn Tinh, dậy sớm đi vắt sữa dê làm phô mát và dê thui đem lại mời nhà vua ăn sáng nên vớt được công chúa nên hắn tức vì đem hải sản đến dâng cho vua nhưng vì để lâu quá lại thời đó không có tủ đông lạnh nên bị thiêu hết nên vua kêu thối quá, gã cho tên Sơn tinh, cho ăn phô mát làm bằng sữa dê của vùng núi Ba Vì. Thuỷ tinh mất vợ nên buồn đời hắn làm mưa gió để cho người tình phụ chết theo với tên SƠn Tinh. Mưa thì đồng chí gái đóng vai công chúa của vua Hùng còn mình đóng vai Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen.


Thật ra khi người Pháp đến Đông-Dương thì họ gặp vấn đề địa lý, phong thổ nên bệnh tật rất nhiều. Mỗi năm phải cho công chức và lính về pháp nghỉ dưỡng hay Nhật Bản mà mình có kể, làm gánh nặng cho ngân sách. Do đó họ tìm các nơi có khí hậu khá khá một tí để xây khu nghỉ dưỡng cho công chức và binh sĩ của họ. Ngoài bắc thì họ khám phá ra Sapa, Tam đảo và Ba vì, ở cao nguyên thì Đà Lạt.


Hoá ra người Pháp đã đem hạt cà phê và cây Quinquinat từ Nam dương đến vùng Ba Vì để trồng ở cao độ 500 mét. Họ khuyến khích người Pháp đến đây lập đồn điền thì có một ông tây gọi là Marius Borel, một cựu quân nhân rồi ở lại vùng này, mua của chính phủ bảo hộ đâu 180 mẫu đất ở vùng này và nuôi bò và dê, trồng cà phê,… sau đó làm phô mát với sữa tươi, để chở về bán ở Hà Nội. Ông ta mướn phụ nữ vùng này làm việc khi hái cà phê vì lương rẻ hơn đàn ông. 


Sau này, người Pháp có xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở vùng này cho quân đội của họ, nay chỉ còn phế tích. Dãy núi Ba Vì có nhiều ngọn núi như Tam đảo nhưng họ nói đến Tản Viên dù thấp hơn cả 300 mét cao độ so với Tam Đảo.


Mình ở trong công viên quốc gia Ba Vì, tại khu nghỉ dưỡng Melia. Phong cảnh rất đẹp, cứ như Đà Lạt khi xưa, sương mù giăng khắp lối. Cách thiết kế cũng rất hay, tiệp với phong cảnh của rừng núi. Đi mùa này thì thiên hạ lo tết nên ít du khách nên được tiếp đãi tận tình hơn. Ngày đầu thì hai vợ chồng ăn chiều món phở bắc rất ngon, đồng chí gái kêu món cá chẻm nướng trong ống tre, cuốn với rau và bánh đa. Rất ngon. Hôm sau ăn điểm tâm thì có món bún cá rất ngon, ngoài ra thì ăn thêm rau cải, phô mát nên khá no. Sáng hôm sau thì được ăn món phở gà, rất ngon. Tại đây đầu bếp giỏi nên các món ăn rất ngon, hương vị của miền bắc nhưng chắc phải đợi ghé khu nghỉ dưỡng Marriotts ở hÒn Tré ăn. Năm ngoái ghé lại đó ăn quá ngon. Đồng chí gái thuộc loại khó ăn mà phải khen.


Sáng nay, dậy sớm, ăn sáng xong thì ra phi trường Nội Bài độ 90 phút lái xe. Anh tài xế từ Phú Thọ lên đón, lấy 820,000 đồng trong khi xe của khu nghỉ dưỡng lấy đến 3 triệu. Còn taxi nội địa thì 1.2 triệu.

Chuyến đi này có vấn đề với giấy tờ. Đến phi trường làm thủ tục thì qua an ninh, họ kêu tên Nguyen mà sao lại in Mguyen. Thay vì Nờ lại thành Mờ. Thế là phải chạy lại quầy đổi boarding pass. Họ hỏi cô nào ở quầy nào làm thủ tục, mình nói cô nói 28 tuổi nhưng chưa có tình yêu, họ cười kêu chị Yến đấy, dẫn mình lại cô đánh máy sai. Chán Mớ Đời 


Lên Lounge Sông Hồng ăn bún mộc, nhắn tin cho anh bạn. Máy bay không trễ. Anh bạn học khi xưa này rất dễ thương. Cứ lần nào mình về thì anh ta đều đem xe xuống Liên Khương đón đưa về nhà. Rồi chở đi chơi. Anh ta kể là ông anh, bố mình và ba của anh bạn đi chung, đều bị bắt khi xưa vì cùng chung tổ chức. Bố mình bị lên án 18 năm trong khi bố anh đi chung thì chung thân. Sau này già họ đuổi về vì lao động không được.


Trên máy bay, mình phát hiện ra là hành khách là dân vùng Đà Lạt, Lâm Đồng rất nhiều. Đa số nói giọng bắc sơ tán. Trước 75, thì người ta hay nói đến 1 triệu người miền bắc di cư vào nam. Đó là cuộc di cư vĩ đại của người Việt vào thế kỷ 20. Trước đó thì có dân đi theo chúa Nguyễn vào nam, rồi sau này đi xuống miền nam. Nhưng có lẻ ít ai nhắc đến cuộc di cư âm thầm của người miền bắc vào nam sau 75. Đà Lạt ngày nay xem như 60% dân cư là thuộc thành phần người miền bắc sau 75. Khi xưa chỉ người ở ấp Hà Đông và Nghệ Tỉnh. Ở ngoài quê có vài gia đình họ hàng vào nam làm ăn. Mình không có thống kê nhưng chắc chắn là rất nhiều. Mình có một người em rể cũng di cư vào Nam sau 75 cùng gia đình. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét