Cali chìm trong biển lửa


Mấy ngày nay, mình nhận được email và tin nhắn từ các thân hữu từ Pháp, Ý Đại Lợi, Hoà Lan và Việt Nam, hỏi vụ cháy Cali có bị ảnh hưởng hay không. Mình nói chưa, vấn đề là tuần tới gió Santa Ana lại kéo về nên phải đợi hết vụ này mới hết lo. Mình theo dõi một chuyên gia khí tượng tại Cali thì ông này báo động từ hai tuần trước. Phải công nhận ông này rất giỏi. Các đài truyền thông lấy video ông này rồi đọc lên đài, không dẫn nguồn. Thường gió thổi độ 1, 2 ngày là xong, kỳ này ông ta tiên đoán 2 tuần lễ nên lo sốt vó. Thứ 7 lại gió rồi tuần tới nữa. Chán Mớ Đời 


Hàng năm, gió Santa Ana thổi về từ tháng 10 cho đến tháng 4 mới hết. Lý do là vùng Nam Cali có rất nhiều núi xung quanh nên khi áp xuất giảm thì tạo ra gió, thổi vào thung lũng của vùng Los Angeles và quận Cam. Mấy ngày nay, mình chạy lên Victorville thì không thấy gió vì ở cao độ nhưng khi chạy về nhà là gió thổi vù vù. Cách đây mấy năm, cháy gần khu nhà mình ở. Lý do là một ông thần làm việc cho CalTrans, kiểu nha Kiều Lộ của Việt Nam Cộng Hoà xưa, ông ta đi dọn đường. Như thường lệ, họ hay lấy một loại “flare” bẻ ra để báo hiệu cho xe phía sau tránh xe của họ như xe cảnh sát, mỗi lần có tai nạn. Đúng lúc hôm ấy, gió Santa Ana thổi về, thổi bay luôn ống flare báo hiệu vào cỏ dại, bắt lửa cháy nguyên khu vực.

Cứ mỗi lần có gió này về là Cali bị cháy, vì nhiều người bất cẩn, nấu nướng ngoài trời rồi quên dập tắt lửa bằng nước nên khi gió thổi về lại làm bùng nổ lửa thế là cháy lan như lần trước, có một đám trẻ vào rừng picnic, gió thổi thế là tiêu Tùng một đám rừng và nhà cửa. Khiến các công ty bảo hiểm không dám bán bảo hiểm cho người dân Cali. Mình mới mua lại bảo hiểm thì thấy giá lên gấp 4 lần từ các công ty ngoài Cali. Chán Mớ Đời 

Loại flare này, cảnh sát hay sử dụng trên đường để báo động hiểm nguy trước mặt như đụng xe này nọ.

Thật sự, Cali có thể tránh vấn nạn cháy rừng kiểu này nếu chính phủ tiểu bang đừng có áp dụng các luật lệ vớ vẩn dựa theo chính sách bảo vệ môi trường này nọ. Mình là nông dân nên mỗi năm, phải tỉa cây nhánh khô. Thường các nhánh cây, bị các nhánh khác trên cao che ánh sáng mặt trời thì bị chết khô. Mình phải cắt bỏ đi, nếu không thì cành lá mới sẽ không đâm nhánh ra. Ngoài ra có sự nguy hiểm là nhánh khô dễ bị cháy. Đi Việt Nam về mình phải cưa một số cây cao, che khuất ánh mặt trời làm chết cây phía dưới.

Các lính cứu hoả của tiểu bang Oregon chuẩn bị lên đường đến Cali để trợ giúp dập tắt các ngọn lửa

Những năm 1950 thì tại Cali, người ta chặt cây, sử dụng cho việc xây cất nhà cửa độ 6 tỷ bộ anh hàng năm. Ngày nay chỉ còn có 1.5 tỷ bộ anh, xem như giảm 75%. Các rừng Cali chiếm độ 1/3 tiểu bang, có độ 163 triệu cây chết. Nếu ai vào các công viên sẽ thấy mấy cây mọc sát nhau thì thường có cây chết, vì không vươn lên được, không có ánh sáng mặt trời, điển hình công viên ở Yorba LInda mà khi mình hay chở vợ con đến đây đạp xe đạp, cây chằn chịt, chết rất nhiều nhưng họ không được cắt bỏ. 


Lý do là California Environmental Quality Act (CEQA) và các quy định khác, hạn chế các thành phố quản lý cây cối trong vùng của họ. Như cắt bỏ các cây chết, vì rất dễ bắt lửa. Có nhiều dự luật như AB 2330, AB 1951, AB 2639 được đưa ra thì bị quốc hội tiểu bang đa số là Dân CHủ (70%) hay ông thống đốc bác bỏ. Tương tự các dự luật của thượng nghị viện Cali như SB 1003, cho phép CEQA làm các đường dây điện dưới lòng đất vì dễ bị cháy nhưng đều bị bác bỏ. Các luật lệ cấm không được tỉa bỏ các cây chết khiến khi rừng càng ngày càng dầy đặc, có lửa cháy dễ bắt lửa. Năm ngoái mình đi viếng công viên quốc gia Yosemite, thấy cây chết rất nhiều. Thêm hệ thống trụ điện của Cali quá cũ nên dễ bị nổ cháy, lan qua rừng cỏ dại. Nhưng họ không cho chôn đường dây điện vì tàn phá môi trường.

Đây là hồ Tulare lớn nhất Cali, thung lũng San Joaquín, chứa nước cho dân Cali xài nay họ cho nước chảy ra biển nên Cali phải mua nước từ tiểu bang Colorado mà mỗi năm, họ hay mời mình đi viếng, được trả ăn uống và khách sạn hàng năm để có cớ mua nước Colorado. Xem bản đồ thấy nay chỉ còn đất xanh, còn lại hai cái hồ bé xíu. Vùng này là thủ phủ của hạnh nhân Cali. Các nông dân bỏ vườn rất nhiều vì không có nước. Nếu ai đi xe từ Bắc hay Nam Cali qua vùng này sẽ thấy các tấm bảng to đùng, kêu gọi xây đập nước.

Mình thấy họ phỏng vấn các người nổi tiếng ở Hồ Ly Vọng, mấy người này chửi bới chính phủ. Mình nghe nói bà thị trưởng Los Angeles, lấy 17 triệu Mỹ kim của ngân sách dành cho đơn vị cứu hoả, để nuôi người vô gia cư nhưng chưa được sử dụng. Họ chuẩn bị thế vận hội năm 2028. Các đội cứu hoả mở nước cho các vòi rồng thì không có nước vì nước chảy đến quá chậm. Mình đoán là không có tiền mua nước dự trữ. Lý do là từ mấy chục năm nay, từ khi Đảng Dân Chủ cầm quyền, 3 ngành Lập Pháp, hành pháp, và tư pháp thì họ không cho trữ nước ở khu vực thung lũng San Joaquín. Tại đây có cái hồ to đùng Tulare, chứa nước từ các dãy núi Sierra, có đỉnh Whitney cao nhất nội địa Hoa Kỳ, hàng năm tan tuyết chảy về, giúp dân Cali tiêu thụ nước uống. Họ sợ mấy con cá không bơi ra biển được nên cho phá bỏ cái đập nước này để biến thành một hồ khô. Và dân Cali phải mua nước từ tiểu bang Colorado về nên nước khá đắt. Nhất là vào mùa khô, Cali bị hạn hán này nọ.

Nhà ở Mỹ xây bằng gỗ nên khi gặp lửa là xem như đời em cô đơn.

Nếu Cali không thay đổi luật lệ về bảo tồn rừng và cây cối thì cháy rừng vẫn tiếp nối, năm này qua năm nọ đến khi hết chỗ để cháy. Cạnh vườn mình có mấy cột điện nên công ty điện lực, hàng năm cho người đến để phát cỏ xung quanh mấy cây cột điện, phòng cháy. Nhưng đó là cỏ dại chớ nếu có cây thì xem như họ sẽ không được cắt tỉa nhánh hay cây khô. Cây bơ của mình thì trồng cách cột điện 10 bộ anh. Chán Mớ Đời  


Các tiêu chuẩn xây cất nhà cửa đều dựa trên phòng chống động đất nhưng phòng cháy thì không. Mình nghĩ nên đưa thêm tiêu chuẩn các phòng cháy nhưng làm bằng gỗ thì ngọng còn làm bằng nhôm thì đắt gấp đôi.


Khi chúng ta tự sướng kêu là bảo vệ môi trường cho có vẻ trí thức. Khi xưa, mình cũng bảo vệ môi trường đến khi làm nghề nông dân thì mới hiểu thiên nhiên 4 mùa thay lá nên không theo chủ nghĩa vô ý thức, không hiểu gì về thiên nhiên nữa. Khi chúng ta chặt cây già, để không gian thì mấy cây non sẽ mọc lên. Tre già măng mọc, đó là luật thiên nhiên, không nên nhân danh bảo vệ môi trường, một cách ngu xuẩn cấm không cho ai chặt cây. Đó là sự vô minh. Chán Mớ Đời 

Mình đọc trên mạng, người ta chính trị hoá vụ cháy, đổ lỗi cho Đảng Dân Chủ này nọ. Thật ra, chúng ta cần bình tỉnh tìm ra nguyên cớ cứ mỗi lần có gió là biển lửa. Phải hiểu lý do này nọ, chớ chửi nhau, chả đưa đến giải quyết vấn đề. Bảo vệ môi trường là đúng nhưng phải cho phép chặt cây khô, cây chết. Cho trữ nước chớ khi cháy nhà, thì thành phố có ngân sách chỉ mua chừng ấy nước hàng năm thì họ đâu có tiền mua thêm khi cháy nên ống vòi rồng có đó nhưng không có nước đến thì cũng cặp đất mà ăn.


Cali cứ nhìn vào nước Đức. Họ nhân danh bảo vệ môi trường, ủng hộ Đảng Xanh, dẹp hết mấy trung tâm phát điện nguyên tử. Mua ga của Nga để đốt, và năng lượng xanh, mặt trời mặt trăng chi đó để bảo vệ môi trường. Nay chiến tranh Ukraine khiến họ ngọng, kinh tế banh ta lông, sẽ không bao giờ ngất đầu lên nổi. Họ ủng hộ, kêu vạn tuế Greta, cô bé thánh chiến bảo vệ môi trường đến khi cô ta kêu gọi giúp đỡ Gaza thì họ hết cho lên truyền hình.

Đây là danh sách những gì cần thiết để cháy nhà cần di tản thì đem theo

Mình về Pháp và Ý Đại Lợi năm ngoái, thấy tinh thần bảo vệ môi trường lên cao kinh hoàng, so với thời Lalonde mới cho ra đời Đảng Xanh. Ai đi xe hơi bự là bị chúng đâm thủng bánh xe, cạo trầy sơn xe, chửi bới khi lái xe to. Xe bên Âu châu rất nhỏ so với xe ở Hoa Kỳ.

Mình chụp từ video họ cho rằng hình vệ tinh chụp từ mấy năm nay cho thấy cái hồ dự trữ nước Santa Ynez không có nước từ mấy năm qua.













Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn