Túc cầu thời cô rô la vi rút

Mỗi tuần mình xem đá banh 2 trận vào cuối tuần hay trong tuần nếu có giải âu châu nay họ ngừng thi đấu vì đại dịch nên đành xem mấy phim các giải túc cầu thế giới từ khi có phim đến giờ.

Có 2 phim mà mình đã xem khi còn ở Đàlạt tại rạp xi-nê Ngọc Lan; phim giải túc cầu 1966 tại Anh Quốc, và năm 1970 tại Mễ Tây Cơ. Phim năm 1966 thì mình xem với ông cụ khiến mình mơ một ngày được xem túc cầu tại Anh Quốc ở vận động trường Wembley, to lớn hùng vĩ. 12 năm sau, mình đã thực hiện được giấc mơ này khi đi xem hai đội Liverpool và Arsenal đấu giải “Community Shield”. 

Dạo còn sinh viên mỗi lần đến thành phố nào đều đi xem đá banh để quan sát mấy vận động trường vì biết đâu sẽ có ngày vẽ một cái, như sân San Bernabeu của đội Real Madrid hơn 100,000 chỗ, Juventus, Roma…. Mình đang kể về sân vận động Đàlạt ngày xưa với những trận đấu mà mình đã xem khi còn nhỏ. Hôm nào hứng sẽ tải lên đây.

Phim năm 1966 tại Anh Quốc thì họ chiếu sơ sơ không nhớ lắm nhưng chỉ nhớ có đội tuyển Bắc Hàn, đại diện cho Châu Á tham dự, đá bại đội Ý Đại Lợi. Trong trận kế tiếp, 30 phút đầu tiên, họ dẫn trước đội tuyển Bồ Đào Nha 3-0 khiến thiên hạ ngơ ngác, một xứ mà chả ai biết gì cả vì thiên đường cộng sản, chỉ dành riêng cho một số người, bổng xuất hiện, đá bại Ý Đại Lợi, một nước đã từng vô địch rồi ôm nhau hát như có bác Kim trong ngày vui đại thắng.

May thay có con báo Phi châu, cầu thủ Eusébio da Silva Ferreira thường được gọi là ”con báo đen” (black Panther), sinh tại thuộc địa Bồ Đào Nha ở Phi Châu, đá banh giỏi nên mang quốc tịch Bồ Đào Nha, xem như người gốc phi châu đầu tiên, đá cho một đội tuyển âu châu da trắng. Sau này, xem mấy đội tuyển của Pháp quốc có đến 80% thậm chí Ý Đại Lợi vẫn có người gốc phi châu.

Trong trận này, ông ta đá lọt đâu 4 bàn, loại Bắc Triều Tiên và phải đợi 40-50 năm sau, Bắc Triều Tiên mới được tham dự lại, thua đậm Bồ Đào Nha của Ronaldo, nhất là trận này được trực tiếp về Bắc Triều Tiên, nghe nói huấn luyện viên bị đấu tố rồi bị tử hình sau khi trở về thiên đường công sản. 
Mỗi cầu thủ đều có giấc mơ tham dự giải túc cầu thế giới nhưng nếu quốc gia, nơi họ sinh ra, không có khả năng tham dự thì họ có thể thay đổi quốc tịch để thỏa mãn ước mơ của mình. Ngay thế vận hội, cũng có nhiều tuyển thủ thay đổi quốc tịch.

Ông cụ mình có một “Collection” về báo thể thao ngày xưa “Thao Trường”, và “Nguồn sống” mấy năm trời, xếp đầy dưới một divan nên hè mình lấy đọc, học tiếng Việt, bàn về các trận đấu, giải túc cầu nên mình nghe đến những tên như Raymond Kopa, Just Fontaine của Pháp, Pele, Toastao, Garincha, Di Stephano, Eusebio,…

Sau này dọn nhà nặng quá nên đành lấy ra bán ve chai. Bà mua ve chai phải gánh đến 5, 6 lần mới hết. Qua âu châu đi chơi, gặp bố của mấy cô bạn thì mình có dịp tiếp chuyện khi nói về đá banh, nói đến cầu thủ ở thời của họ khiến họ khoái lắm, nói đến thần tượng của họ.

Trận chung kết năm 1966 diễn ra giữa hai đội tuyển Đức và Anh Quốc nhiều kịch tính. Anh Quốc dẫn 2-1 thì 30 giây cuối cùng, đội tuyển đức gỡ huề. Phải đá thêm 30 phút. Lúc đó mới hiểu tinh thần chiến đấu của người Anh Quốc (british fighting spirit) và tinh thần kỹ luật chiến đấu của người đức. Mình nhớ phim cứ chiếu đi chiếu lại vụ bàn thắng thứ 3 của Anh Quốc. Trung phong Hurst đá banh trúng sà ngang, dội xuống đất ngày làn vôi biên rồi bật ra ngoài nhưng trọng tài biên, người Nga (đội Liên Sô bị đức loại ở tứ kết), kêu là đã quá làn biên nên đức thua rồi trung phong Hurst làm bàn thêm quả thứ 4. Ông này là người đầu tiên đá lọt 3 bàn tròn (hat trick) ở một trận chung kết giàu túc cầu thế giới. 

Nhờ xem phim này, mình thích hai đội tuyển Anh Quốc và Đức quốc nên sau này sang tây là mình cổ vũ hai đội tuyển này dù sinh sống tại Pháp quốc. Mình có ấn tượng ông cầu thủ Anh Quốc, tên Bobby Charlton, một trong những người sống sót của đội Manchester United trong chuyến bay định mệnh từ Munich về Manchester, sau một trận đấu giải âu châu. Từ đó mình là cổ động viên cho Liverpool, Mờ U của Anh Quốc, còn ở Tây thì vẫn PSG, Ý Đại Lợi thì Roma,…

Coi mấy phim này mới thấy sự thay đổi về môn túc cầu. Thật ra mình thấy Messi hay Ronaldo đá giỏi hơn Pele, Puskas, Eusebio, Kopa, Fontaine,.. Mà mình đọc trên mấy ngàn tờ báo Thao Trường khi còn bé. Đọc báo nên mình hay tưởng tượng thêm nhưng khi xem phim thì thấy cũng thường, không như các cấu thủ ngày nay, chạy như điên suốt 90 phút của trận đấu. 

Cầu thủ ngày xưa còn phì phà hút thuốc lá đủ trò nhưng tả biên Garrincha của đội tuyển Ba-Tây vẫn hay. Ông này chân có tật, đi cà khỏng cà khổ nhưng chỉ biết một chiêu mà tất cả hậu vệ trên thế giới đều bị qua mặt. Sau này chết nghèo khổ vì nát rượu, chơi bời nên gái lấy hết tiền, vợ con đói khổ. (Còn tiếp)

Nhs