Quên hay Nhớ ngày 30/04/1975



Gặp lại bạn học cũ, mình hay nghe họ hỏi sao mình nhớ những chuyện thời trước 75 trong khi họ không nhớ gì cả. Những câu hỏi này làm mình nhớ đến những giờ học Đạo Đức với thầy Nguyễn Quang Tuyến và Luận Lý với thầy Nguyễn Minh Diễm. Học ban B nên mình chỉ có học mỗi tuần hai tiếng của hai môn này.

Quên là không Nhớ. Quên là nghịch với Lời Hứa. Một tình nhân quên lời hứa của mình để đi lấy chồng hay lấy vợ khác. Theo Nietzche, "Quên" là sức mạnh chống đối đầy hoạt lực, là một khả năng sống động, một quyền lực giải thích những gì chúng ta đã sống, đã trải nghiệm, cho nên Quên trở thành bản ngã của con người, đúng hơn là chúng ta có Ý thức về hành động Quên. Cô gái ý thức là quên lời hứa với anh học trò nghèo để đi lấy chồng giàu sang hơn hoặc một chính trị gia, khi tranh cử thì thề thốt, sẽ làm lợi cho cử tri nhưng một khi được đắc cử thì họ có cái quyền "quên". Khi người ta khám phá ra vụ bán súng ống cho Ba Tư để lấy tiền chống lại nhóm cộng sản ở Nicaragua, tổng thống Reagan, kêu ông ta không nhớ về việc này. Ai dám chửi bới một ông già, mới bị ám sát suýt chết. Huề vốn.

Chính trị gia ý thức muốn quên lời hứa khi tranh cử, và theo Nietzche thì đây là một triệu chứng tinh thần, có ý chí rõ ràng. Quên hay Không giữ lời hứa là tạm thời đóng cửa Ý thức, tạm thời quên đi lời hứa, không thắc mắc gì đến phải trái. Đóng cửa lại để cho thế giới lương tâm tự giải quyết. Coi như mình không có hứa hẹn gì cả. T.T. KH với bài thơ Hai sắc hoa Ti Gôn nổi tiếng vì cô nàng bỏ lời hứa thề với "Người" để đi lấy chồng. Nhưng có lẻ ông chồng có vợ bé hay không thương, đoái hoài đến nên khi cô đơn mới nhớ đến người tình xưa. Lúc đó, lương tâm cắn rức nên mới tưởng tượng : " Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, trời ơi chắc người ấy buồn lắm,.."

Nếu như lương tâm cô ta không bị đóng khép lại khi đi lấy chồng thì chắc chắn sẽ trăn trở trước ngày Vu Quy, và có thể sẽ không bỏ người yêu để bước lên xe hoa. Cô ta đau đớn vì không hạnh phúc bên chồng. Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạt lẽo của chồng tôi..." để rồi tiếc nuối về quyết định của mình, hay đúng hơn "không giữ lời hứa" hay "quên".
Mình có một người cậu, cũng tuẫn tiết ngày 30/04/1975. Mình viết bài này như dâng nén hương cầu mong cậu được đến cỏi Vĩnh Hằng

Hành động cố Quên Đi để nhẹ lương tâm. Quên là mưu toan, có sức mạnh rõ ràng, do đó con người chỉ có quên đi thì mới có hạnh phúc, niềm vui, hy vọng về hiện tại cũng như tương lai của con người. Nếu không quên thì ta sẽ như T.T.Kh trăn trở đến niệm phúc cuối.

Mình nhớ sau 75, đọc sách báo Việt ngữ ở hải ngoại, thấy toàn những ước mơ, căm thù Việt Cộng, rồi sau này qua các trại giam ở Hongkong, các thuyền nhân đi từ miền Bắc cũng nhờ đem những bài thơ của họ làm, nhờ đăng trên báo chí Việt ngữ ở hải ngoại. Thơ của họ cũng rặt theo thơ của những người miền Nam bỏ nước ra đi với mối thù với chế độ.

Vài năm sau cũng chính những người này, quay lại Việt Nam để làm ăn, gái gú rồi sau khi bị Việt Cộng lừa thêm, lấy hết tiền của họ thì mới căm thù lại. Khả năng Quên là một sức mạnh, nuôi dưỡng sức đề kháng và trí nhớ. Ông Nietzche gọi hiện tượng này là Trí nhớ của Ý Chí, cái tôi muốn hứa và thực hiện lời hứa, con người có quyền phủ quyết, dùng những lý do chính đáng để biện minh cho hành động của mình.

Anh trở lại Việt Nam, với sổ thông hành của Pháp, Mỹ,.., thì công an khu vực không làm khó dễ gì anh. Nếu họ có đến nhà thì anh tặng họ vài bao thuốc lá và họ khuyên anh lao động tốt, để dành tiền để về thăm quê hương, chùm khế ngọt. Chỉ có những người dân sống tại chỗ thì mới hiểu, thấm thía được hiện thực. Anh có thể về, đem theo thuốc men, xe lăn, chụp hình kỷ niệm, tặng quà cho dân nghèo,... Anh không thể thấy cảnh vài tiếng đồng hồ sau đó, công an đến nhà xét và lấy quà của anh tặng mang đi. 
Sinh Viên Việt Nam đi tuần hành tại Paris ngày 27/4/1975, để tang cho Việt Nam Cộng Hoà. Hình chụp bởi sinh viên Trần Đinh Thục

Làm sao để con người biết giữ lời hứa, là cỗi nguồn của trách nhiệm. Biết giữ lời hứa là điều kiện tiên quyết của Đạo Đức và Luân Lý. Con người phải suy nghĩ kỹ càng, tư duy trước khi buông một lời hứa, là trách nhiệm, là ý thức ngự trị cái bản ngã của con người hay thường được gọi là lương tâm.

Con người có ký ức thật rõ ràng nhưng chính cái lương tâm bảo nó quên vì điều mà họ muốn quên vẫn nằm trong trí nhớ của họ. Một người vượt biển, xin tỵ nạn chính trị, kêu gọi lương tâm nhân loại cứu vớt họ vì nếu họ bị dẫn độ về Việt Nam, sẽ bị đưa đi trại cải tạo hay giết hại. Khi đến định cư, sau một thời gian họ có một cuộc đời sung túc, thì trở lại Việt Nam. Lương tâm họ bảo họ quên đi những hình ảnh bao cấp, xếp hàng, cải tạo,… áo gấm về làng, mang sổ thông hành ngoại quốc, sang trọng hơn những người còn ở lại, không may mắn như họ?

Mình quen một cặp vợ chồng ở hải ngoại, nay về hưu sống ở Việt Nam. Họ khuyên mình đừng có đi viếng những viện mồ côi vì depressed, sẽ làm mất vui cho chuyến đi về Việt Nam thăm gia đình. Họ sống ở Việt Nam, và chấp nhận sống với chính sách 3 Không, không nghe không thấy không biết.
Một người mẹ ôm con chạy giặc Việt Cộng 04/1975

Lý do, ngày nay họ được đội, bận vào một lớp áo của một kỹ sư, bác sĩ, công nhân của một nước giàu có như Mỹ, Pháp, Đức,... Họ bảo không chống Hà Nội, viện dẫn Việt Nam Cộng Hoà, khi xưa cũng đầy tham nhũng như ngày nay. Đời sống gia đình, người thân của họ ngày nay khá hơn xưa, hơn thời bao cấp. Họ đi ăn ở các tiệm ăn nổi tiếng, không có những đứa trẻ vào mời đánh giày hay xin một phần ăn. Cho nên họ rêu rao, không được nói đến chính trị.

Thầy Nguyễn Minh Diễm nói mục đích Triết Học là tiếp tục tìm ra phương pháp để phê bình tư tưởng của ai đó hay cả chính của mình, nói cách khác cứu cánh của Triết Học là con đường hành động để biết rõ giá trị của tư tưởng. Như thầy Tuyến nói Philo cái Sophos. Tư tưởng của Tầu chỉ dựa vào nguyên lý Đúng - Sai, không đề cao đến phân tích đúng sai và không có luận lý như thể lẫn lộn giữa Nhập Đề và Kết Luận.

Mọi luận điểm, hay trong lớp thầy nói cái gì là học trò phải gật đầu hay yên lặng nếu không sẽ bị cười chê, cho là không biết Gốc hay Ngọn. Một là Khổng tử nói thế này hai là Tử Khổng Cỏn như thế kia,... Dần dần con người chấp nhận sự hèn kém của mình, chấp nhận số phận của mình, tự an ủi là kiếp trước vụng tu. Lịch sử cho thấy Nho Giáo và Phật Giáo rất hợp nhau, đổ lỗi cho cái quả của kiếp trước. Chỉ mong tu kiếp này để được an bình kiếp sau.

Khi Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập lên nhà Hán thì ông ta ghét Nho học nhưng sau này phải áp dụng vì Nho Giáo là một thuyết giúp con cháu ông ta trị vị trên 4 thế kỷ. Nho sĩ chỉ là ăn bám xã hội, dựa theo vua mà sống. Khi Mao Trạch Đông nắm chính quyền thì ông ta cũng bài Nho Giáo nhưng sau phải phục hồi lại giáo lý Khổng tử để tránh bị chống đối mà ngày nay họ thành lập các hội Khổng Giáo khắp nơi. 

Có thời Lý Quang Diệu muốn bắt học sinh ở Tân gia Ba học Khổng Giáo nhưng không hiểu lí do nào bỏ kế hoạch đó. Nên nhớ Lý quang Diệu dạo đó, dưới mắt người Tây Phương, được xem là một nhà độc tài tương tự như Tưởng Giới Thạch, Phác Chánh Hy nhưng dần dần họ hiểu ra nên từ bỏ Khổng Giáo, giúp đất nước họ tiến bộ như ngày nay. GDP cua người dân Tân Gia Ba cao hơn cả người Mỹ.

Việt Nam cũng vậy, cho xây Văn Miếu, học tập tư tưởng HCM, xây tượng đài. Sinh viên mới vào đại học phải mất 18 tháng đầu để học chủ nghĩa Mac Lê mà ngay chính Liên Xô đã đập vỡ, kéo đổ tượng đài của ông này. Sau 18 tháng học Mac Lê, các sinh viên được thấm nhuần tính nghe lời của các nho sĩ khi xưa, đã thông Tứ Thư Ngũ Kinh, cứ hô hào chủ nghĩa Mac Lê là siêu việt nếu không sẽ bị đánh rớt tương tự khi xưa ông Nguyễn Du đi thi cũng phải khen vua nhà Nguyễn là vạn tuế, con của Trời. 

Các sinh viên ngày nay phải học tập tư tưởng HCM là siêu việt để đậu, không còn ý chí tư duy đề kháng, sẽ làm nô lệ cho chế độ suốt cuộc đời còn lại. Chỉ thay thế Thiên Tử bằng "đảng", 1000 năm sau người ta đọc sử cho thấy Nho Sĩ được đổi tên thành Đảng Viên. Nho sĩ là đảng viên của Khổng Giáo, phải trung thành thì mới có ăn, làm quan hay cán bộ.

Quên hay nhớ? Bạn thích cái nào? Chán Mớ Đời 

Nhs