Cô giáo ngày xưa

Mình may mắn vẫn còn liên lạc được với một cô giáo thời cấp 2 và hai ông thầy thời cấp 3. Hai người ở bên Mỹ còn một người ở Việt Nam. Cứ qua lại qua email, lâu lâu có gọi điện thoại hỏi thăm còn cô giáo thì chít chát trên Facebook. Có điều cô nay đã lớn tuổi mà sống một mình, nên mình hơi lo nhất là vụ covid-19, không chịu ở gần con cháu, lâu lâu gặp con của cô, cứ rên với mình; Mẹ em thế này mẹ em thế kia, không chịu ở gần đứa nào cả. 

Mình nói cô về Cali sống cho vui. Bán nhà ở Ohio, về đây thuê một căn hộ, ngay Bôn sa, con có phòng mạch ở bôn sa, ngày ngày ghé thăm nhưng lại than: “lực bất tòng tâm”.

Năm ngoái, mình đưa mẹ mình đi viếng Nhật Bản, cô thấy thích quá nên kêu mình rủ bà cụ đi Tây với cô, mong ước nhìn lại khung trời của thời sinh viên, học sinh. Con của cô đồng ý mua vé đi Tây nhưng cô không chịu đi. Mỗi lần nói đến đề tài gì thì cô hay kêu: “lực bất tòng tâm” khiến mình buồn cười vì khi xưa cô ta cho mình 0 điểm khi học về câu của ông giáo Nguyễn Bá Học; “Đường đi khó, không vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

Lý do là khi xưa, học giờ việt văn với cô, mình ngồi cuối lớp nên hay hóng tin mấy tên ngồi gần, đa số là dân học cực ngu như mình. Không thằng nào theo dõi những gì cô nói, có thằng đến giờ cô là đói, lấy gói mì gói ra, bỏ miệng nhai mì gói khô nghe rào rào nhức nhối lỗ tai mấy thằng ngồi bên, đưa tay ra xin như ăn mày ở cầu thang chợ Đàlạt.

Bổng cô kêu tên mình, hỏi mình lập lại câu thành ngữ của ông Nguyễn Bá Học mà mình cứ đinh ninh là Nguyễn Thái Học, anh hùng Yên Bái chi đó. Ông này có câu “không thành công thì cũng thành nhân”, khiến mình bị ăn zero nhớ đời. Mình thắc mắc khi một ông thầy khác dạy việt văn nói câu này, khi kể về 13 người hùng Yên Bái trong đó có Cô Giang, Ấp mang tên cô này, nơi mình hay cúp cua đá banh với thằng Khoa và tụi trong lớp. Mình không hiểu tây đem máy chém thời cách mạng của họ, xem như phế liệu sang nước mình, chém 13 anh hùng Yên Bái chết thì làm sao họ làm người (thành nhân) được. Mình nghe chết thành ma chớ có bao giờ nghe chết thành người, hỏi ông thầy, thì thầy lắc đầu kêu sao dốt thế, cho 0 điểm.

Mình có tật khi thầy cô hỏi mà mình không biết trả lời thì tự nhiên mình bị cà lăm. Mình cố gắng để trả lời nhưng cứ bị cà lăm. Nghe mấy đứa bên cạnh nhắc tuồng nên mình nghe chữ được chữ không, trả lời khó khăn lắm mới trả lời hết: “đường ..đi khó ...vì ngăn... sông.. cách.. núi... và ...lòng.. người... ngại núi.. e.. sông”Thế là bị cô cho điểm xấu, 0 điểm, còn phê trong học bạ là nói chuyện trong lớp chi đó.

Hôm trước, cô lại đem chuyện ông Ban Siêu bên tàu ra để viện cớ chi đó, không nhớ khiến mình trả lời; ngày xưa cô dạy em “đường đi KHó,….” khiến cô cười nức nở. Cuộc đời không biết được mai sau, gặp mấy tên học trò chuyên chính ngu lâu dốt sớm như sơn đen, còn nhớ được điểm xấu  Mà thầy cô cho ngày xưa, nay đem ra đấu tố. He he he

Theo mình hiểu cô giáo ngày xưa rất cá tính, độc lập. 16 tuổi đã đi du học ở bên Tây, xa quê hương, xa gia đình từ bé nên thích tự lập, ý chí rất mạnh, lại không muốn làm phiền con cháu nên thích sống một mình.

Nếu mình không lầm thì thành ngữ “lực bất tòng tâm” được mấy ông thầy đồ khi xưa, kể lại chuyện ông Ban Siêu. Ông này được vua phái đi Tây vực. Ông ta làm quan đâu gần 30 năm nên muốn về cố quận nhưng xứ Tây Vực thì không có thằng quan nào muốn đi tới đó nên vua không có người bổ nhiệm nên lờ đi. Sau em gái của ông ta viết thư cho vua, kể rằng ông ta nay đã già, đi đâu phải chống gậy, nếu có loạn xẩy ra thì không thể cáng đáng được thì uổng công thành quả của các bậc trung thần, xây dựng từ mấy chục năm nay. Nhà vua nghe thấy chí lí nên cho ông ta về quê, chưa đầy một tháng thì đi theo hầu tiên đế luôn. Từ đó người ta hay dùng “lực bất tòng tâm để nói lên những việc muốn làm mà sức khoẻ không cho phép.

Sau này đi hướng đạo, tập hát mấy bài ca sinh hoạt, mới hiểu ý nghĩa của câu ông Nguyễn Bá Học. Khi xưa, ngồi lớp mãi mê nghe tiếng nhai rào rào mì gói của thằng Hiển nên chả hấp thụ gì của cô giáo ngày xưa. Kể ra sợ cô buồn nhưng cũng là một kỷ niệm một thời đi học.

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, 
Nhưng khó vì long người ngại núi e sông.
Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, 
Nhưng khó vì long người ngại núi e sông.

Anh em ta ơi! Đường trường còn dài,
Còn nhiều trở ngại, còn nhiều gian khó.
Kiên gan, kiên gan, anh em ta ơi!
Cố tâm vượt qua.

Mình nhớ năm Mậu Thân, bị cấm cung như dạo này. Trường kêu lên lấy bài tập về nhà làm, cô có cho bài “Thằng Bờm”, khiến mình càng dốt lâu hơn vì tên này không muốn giàu có mà chỉ muốn ăn thôi như thiên hạ chỉ muốn làm cho nhà nước để ăn thay vì tạo dựng công ty, buôn bán làm giàu. Hôm nào rảnh sẽ kể vụ này vì cũng được điểm 0 của cô. Chán Mớ Đời 

Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử" -

Nhs