Những người đồng hành vô hình

Mấy tuần nay, mấy người bạn kéo đầu mình vào giúp họ trong chương trình “Masks Save Lives” khiến mình trở về khung trời của thời thanh niên. Làm việc với nhiều người mà mình chưa bao giờ thấy mặt như mấy chục năm về trước, mình gọi những người bạn đồng hành vô hình mà đến nay mình làm việc lại thì mới chợt nhớ đến vài tên quen, từng đã đồng hành một thời vẫn chưa biết mặt mũi của họ ra sao.

Cứ thấy nhắn tin với số điện thoại của vùng nào thì biết là miền Bắc Cali, miền nam Cali, Florida, New Jersey, New York, Louisiana,… cứ trả lời nhưng cũng chả biết ai là ai rồi họ vẫn trả lời. Cần gì thì họ giúp, hay kiếm người giúp vấn đề nào đó.

Điển hình, mình biết một anh bạn hay gây quỹ trên Facebook mỗi năm vào sinh nhật của anh ta để tặng một cơ quan từ thiện nào đó nên nghĩ muốn giúp chương trình “Masks Save Lives” thì có thể gây quỹ trên Facebook nên hỏi anh ta. Anh ta cho biết cách thức rồi mình nhắn tin mấy số điện thoại thì có người cho biết có quen một anh nào ở Nam Cali, chuyên gia về thành lập gây quỹ trên Facebook nên hẹn gọi “conference call” để bàn chuyện này sau ăn cơm.

Anh này đồng ý lo vụ này thế là gọn gàng. Chiều nay, có người từ Arizona, gọi điện thoại cho mình, hỏi cha tên gì? Mình nói không phải cha. Nhóm bạn mình đồng hành đa số là linh mục và giáo dân của họ nên khi thấy điện thoại của mình cạnh số mấy linh mục. Họ gọi không được các linh mục thì gọi số của mình nên tưởng gặp cha sơn đen. Chán Mớ Đời 

Chị ta muốn đóng góp gì đó cho các viện dưỡng lão hay nhà thương tại địa phương của chị nên ngõ ý muốn có các thiết bị y tế để tặng những nơi chị ta biết ở Arizona, và sẽ đóng góp hiện kim cho chương trình “khẩu trang cứu người.” mình nói là sẽ gửi cái đơn rồi nhờ chị ta đi hỏi các trung tâm y tế cần thiết bị y tế nào rồi cho mình biết.

Có một chị y tá của viện dưỡng lão mà mình có giao mấy khẩu trang và diện trang tại viện dưỡng lão nơi chị ta làm việc. Hôm nay nhắn tin mình là bận việc nhưng vẫn muốn đóng góp cái gì đó cho chương trình. Chị ta có thể đi giao đồ hay chi đó.

I have to give you and Anh Viet and the team 2 thumbs up 👍🏻 👍🏻for doing this! 
I am currently working but I can help to deliver in between too if you need volunteer 
Let me know I can work out my schedule 

MÌnh có ông bạn mỹ già 72 tuổi, email cho mình là có máy may, muốn giúp đỡ cho chương trình.

Sony:

I have a sewing machine here.  How could I help make some masks?

I have a camera setup here on one computer, a build in camera on a laptop and could connect in a variety of ways.  the other computer uses ubuntu which is different kind of setup.

Joe

Tối qua có người nhắn tin vào 1:00 giờ sáng”

Hello chi. Cho em informations May mask please. Nếu em không may được , em có vải cotton , chị muốn không 

Hay:

S ơi chị muốn góp 1 ít vào nhóm đang làm khẩu trang và may đồ cho bệnh viện,nhg account khg có tiền nhiều,nên chị nhờ Oanh (em út) gởi dùm,em có thể cho chị địa chỉ nhà để gởi đến và tên trương mục khg?

Hoá ra có nhiều người muốn đóng góp ít nhiều nhưng không biết chỗ nào bắt đầu. Do đó anh chị nào đọc được những dòng này, biết ai muốn đóng góp thì xin liên lạc về MaskSaveLives.Virus@gmail.com. Hồi bé mỗi năm có lũ lụt miền trung thì hay đi lạc quyên, với câu “lá lành đùm lá rách”. Ai muốn đóng góp công sức như may các khẩu trang như ông mỹ ở hội Toastmasters của thành phố Orange. Người da trắng, da màu chi đó mà mình biết, cứ kêu gọi đóng góp. Mình có bà bạn mỹ làm quản lý cho bệnh viện nhi đồng CHOC. Mình có cho tên cô người Việt đã liên lạc chương trình khi mình đem giao 100 cái diện trang cho nhà thương nhi đồng này. Còn ai không có thì giờ thì có thể đóng góp hiện kim hay thiết bị y tế, sẽ được khấu trừ thuế vì Lửa Việt Youth Organization là tổ chức vô vụ lợi, 501 (c) (3).

Ngoài ra có những nhóm khác mỹ  hay Việt như ở Nam Cali mình biết tổ chức SAP-VN mà đồng chí gái đồng hành với họ từ mấy chục năm nay. Cứ liên lạc với những tổ chức mình biết rồi giúp đỡ, công giáo chùa nào cũng được như mình thấy chùa Điệu Ngự cũng phát thực phẩm cho người tỏng thành phố. http://sap-vn.org/ 

Gửi các thiết bị y tế đi đâu thì lại nhờ một người ở Florida làm hoá đơn vì chị ta có trương mục với UPS với 30% rẻ hơn nên mình thấy hay. Có người chẳng nề hà chi cả nếu có cùng chung ý nguyện để làm việc gì đó chung. Không cần được ai biết đến, những người đồng hành bí ẩn hay vô hình, chỉ biết nhau qua số điện thoại. Xong om

Nói vậy chớ gửi một thùng đồ qua UPS là cũng bay $70 rồi nên mấy tuần lễ đầu cứ cắm cúi chạy, mấy anh chị bỏ tiền túi của mình, nay thì bắt đầu cần tiếp viện của mọi người.

Dạo mình mới sang Hoa Kỳ làm việc, một hôm đi ngang phố tàu thấy một bích chương, kêu gọi họp mặt của hội thanh thiếu niên người Việt ở New York, nên tò mò bò lại để gặp người đồng hương. Họ đang bàn thảo tổ chức trại hè cho thanh thiếu niên tại vùng Đông Bắc. Lớ ngớ họ kêu mình vào ban tổ chức thì cũng đồng ý dù mình thuộc loại lười từ bé.

Lên đất trại, thì ban tổ chức giao trách nhiệm mình quản trọ vụ cách giãn xã hội khi đi vệ sinh. Lý do là đất trại nằm trong khuôn viên của nhà dòng Don Bosco ở New Jersey. Nhà dòng toàn là mấy ông cha không nên xây nhà vệ sinh như bên xứ Saudi Ả rập, nghĩa là không có phòng vệ sinh cho phụ nữ.

Cứ việc nào mà thiên hạ chê là họ giao cho mình. Mình có bổn phận xem giờ để cho đám thanh niên vào 10 phút rồi đám thanh nữ vào 1 tiếng. Lúc đó mình mới khám phá ra vụ con gái đi vệ sinh, lúc nào cũng đòi đi chung cả đám nên họ vào lâu lắm. 10 thanh niên, 10 phút, 10 cô thì một tiếng đồng hồ. Mình không hiểu họ làm cái gì trong mà lâu kinh hoàng. Nhiều cô đi trại có 2 ngày mà đem theo va li như về nhà chồng hay vào nhà vệ sinh để Tô son làm đỏm giữa mùa hè nóng nực cháy da, mồ hôi mồ kê.

Sau đó họ lại rũ mình tham gia tổ chức biếu tình chống cưỡng bách hồi hương các đồng bào tỵ nạn, lây lất ở các trại tỵ nạn ở vùng đông Nam Á. Mình phải làm mấy tấm bảng nói về tình trạng tỵ nạn để họ triển lãm ở các đại học để thâu chữ ký của sinh viên mỹ, để chống cưỡng bách hồi hương. Được đâu mấy chục ngàn chữ ký để gửi về cho thượng nghị sĩ Hartfield, lo vấn đề này ở quốc hội Hoa Kỳ.

Dạo ấy, có hai sinh viên gốc Việt, một ở đại học MIT và một ở UCI thành lập một hệ thống để sinh viên gốc Việt liên lạc qua Internet, được gọi là Vietnet. Lúc đó lên mạng để theo dõi tin tức qua Vietnet, hàng ngày, tin tức ào ào tuy chậm hơn ngày nay nhưng đọc đủ thứ khá vui. Chỉ tiếc hai anh chàng này không tiếp tục, biết đâu Vietnet biến thành một Facebook của Việt Nam hay gì đó. Hai anh chàng này nay sinh sống tại Nam Cali.

Những gì sinh viên ở vùng đông Bắc làm thì sinh viên ở Cali cũng làm và liên lạc qua Vietnet. Có chị sinh viên của NYU, New York, đại diện bay qua Cali để họp mặt với các anh chị sinh viên gốc Việt do nhóm Project Ngọc, do sinh viên UCI thành lập để cùng chung tranh đấu cho các đồng bào tỵ nạn ở Đong Nam Á mà không có nước nào nhận. Có anh bạn của mình là sinh viên y khoa ở San Francisco, tuyên bố tuyệt thực mấy ngày đó không nhớ cũng có nhiều sinh viên hưởng ứng, khiến anh ta phải viết chuẩn bị tinh thần khi tuyệt thực,… Anh chàng này, viết một bài báo được đăng trên New York Times nên Peter Jennings có mời lên New York, cho ở khách sạn 5 sao của Donald Trump La Plaza, để lên truyền hình, cuối cùng họ không cho lên đài vì nhóm thân Hà Nội ngăn cản, chỉ để ông Bùi Diễm lên nên te tua. Ông này không biết gì về tỵ nạn để nói lên sự tuyệt vọng của người việt tỵ nạn. Chán Mớ Đời 

Nay anh chàng về hưu, ở vùng này, lâu lâu hay đi leo núi với vợ chồng mình.

Nhớ hôm đi biểu tình được tổ chức ở đại lộ 5 của new York, “Fifth Avenue”, khúc Downtown. Cả dòng người mấy ngàn người đi biểu tình trên đại lộ, có cảnh sát chận đường xe cộ để thiên hạ đi biểu tình, thấy đi biểu tình ở mỹ sướng ghê, không như ở Paris bị cảnh sát cho ăn lựu đạn cay. Đa số là sinh viên giới trẻ, ít có người lớn tuổi. Chỉ tổ chức với các hội sinh viên gốc việt. Mình còn vài tấm hình các sinh viên khắp nơi kéo về đi chung để nói lên tiếng nói của những người không có tiếng nói, đi tìm tự do. Có tấm ảnh ưng ý nhất là ngồi đánh đàn bên cạnh chị ký giả Vũ Thanh Thuỷ và anh Quang Phục. Hôm nào rảnh sẽ lục lại để kể chuyện thời qua mỹ.

Có ông dân biểu New York, quên tên, gốc Do Thái, kêu ông ta đến tham dự vì tò mò có một cô sinh viên họ Hồ, cứ ngày nào cũng gọi vào văn phòng để mời ông ta tham dự cuộc biểu tình. Ông ta bận nhưng cứ bị gọi hoài, đành phải nhận lời để xem mặt cô sinh viên gốc Mít. Ông ta kêu chỉ biết có một người Việt họ hồ là Hochiminh còn Miss Ho là ai. Vui nức nở. 

Có mời ban nhạc Peter Paul and Mary đến hát thay cho tiếng vọng của người tỵ nạn Việt Nam. Phải nói tổ chức đông như vậy, sinh viên từ MIT, Harvard, Yale, U Conn , Princeton, NYU, từ Virginia về đông không thể tả. Biểu ngữ được dựng lên nhiều. Phải nói lần đầu tiên, giới trẻ đứng ra tổ chức mà không có mấy người lớn tuổi trong ban tổ chức. Đến ngày thì cũng phải mời họ đi cho phải đạo. Chỉ có mấy người lớn không được lên bục cầm micro, bực tức thôi còn ai nấy đều nói tuổi trẻ Việt Nam khá.

Có chị Vũ Thanh Thuỷ và chồng là anh Quang Phục, từ San Diego bay sang, đại diện cho hội SOS Boat People đi biểu tình. Có lúc Giải lao, ngồi đánh đàn hát mình nói với chị Thuỷ là “đàn bà Việt còn thì Việt Nam còn” khiến chị ta cười vì nếu hết đèn bè Việt Nam thì ai sinh con người Việt ra.

Cuối năm thì nhóm này họp mặt, kêu viết báo xuân để bán gây quỹ. Họ bắt mình viết bài và cuộc đời kể chuyện của mình cũng bắt đầu từ đó. Họ thành lập các quỹ như “Chén Gạo Tình Thân”,… sau này thì giúp các tổ chức thiện nguyện y tế về Việt Nam… con trai mình có theo một phái đoàn y tế về Việt Nam, mới hiểu lý do cha mẹ chúng bỏ nước ra đi. 

Mình dọn qua Cali để lập gia đình, có mời vài người trong nhóm tham dự. Ai ngờ họ kéo nhau khắp nơi về mấy chục người về tham dự mà có người mình không biết hay chưa bao giờ nghe tên nhưng đều đồng hành trong chương trình “Chén Gạo Tình Thân”, chống cưỡng bách hồi hương các đồng bạo tỵ nạn….

Từ ngày lập gia đình thì mình ngưng sinh hoạt với mấy anh chị của nhóm, lo tề gia, chỉ đóng góp hiện kim cho các chương trình. Nay con cái lớn rồi nên cũng bớt lo nên khi các anh chị hú mình thì giúp một tay. Vấn đề kỳ này liên quan đến sinh mạng và tương lai của con em chúng ta, ngay tại Hoa Kỳ. 

Đại dịch gây nhiều hậu quả về kinh tế, tài chánh,.. Và những hệ luỵ sẽ kéo dài sau khi cơn đại dịch biến mất. Người Mỹ sẽ căm thù người Tàu và người Việt chúng ta sẽ bị ảnh hưởng vì họ không phân biệt được người Việt và người Tàu hay người nhật,… mà chúng ta bắt đầu thấy ở học đường, ngoài phố, thậm chí ở âu châu, một cô gái gốc Việt, cầm tấm bảng “Ich bin kein Virus”, tôi không phải là vi-rút, đi xe điện ngầm hay đứng đường để nói lên sự kỳ thị của người da trắng.

Hôm qua thấy hình ảnh của nhóm da trắng độc tôn, xuống đường với súng ống liên thanh đeo trên mình, kêu gọi bãi bỏ cách giãn xã hội. Chúng ta có thể nhắm mắt xem như chuyện này sẽ không bao giờ xảy nhưng khi xét lại lịch sử Hoa Kỳ thì có luật lệ cấm người Tàu di dân,… hay gần đây sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, các người gốc Nhật Bản đều bị lùa vào trại tập trung, nhà cửa mất hết.  

Mình chỉ mong muốn là sẽ không có vấn đề kỳ thị sau đại dịch những nếu nạn kỳ thị xẩy ra thì mệt. Con cháu chúng ta sẽ không ngất đầu lên nổi vì các chức lớn hay công trình lớn đều bị kiểm duyệt vì dân da vàng có thể đánh cắp tài liệu bán cho Trung Cộng,… con cháu chúng ta chỉ leo lên mức độ mà người da trắng cho phép.

Trong cuốn sách “Godfather”, tác giả Mario Puzzo có nói đến việc một ông người gốc ý, có cô con gái bị bọn da trắng (gốc ái nhỉ Lan) làm nhục. Ông ta tin vào nền tư pháp của Hoa Kỳ nên đi kiện, cuối cùng mất tiền mà các thanh niên da trắng được toà tha bổng nên tức quá phải nhờ đến Don Corleone để trả thù. Dạo ấy người gốc Ý Đại Lợi bị dân gốc Ái Nhĩ Lan khinh ghét,…

Mình hy vọng trong cuộc chiến đại Dịch hôm nay, người Việt chúng ta tham gia, giúp đỡ người Mỹ trắng, đóng góp vào như may khẩu trang hay hiện kim,… mình thấy đa số là các người gửi đơn đều là người á đông, Phi, Việt Nam, cũng có người Mỹ da trắng, biết đến chương trình “Masks Save Lives” qua các đồng nghiệp gốc Việt.

Chúng ta cần thoát khỏi văn hoá Ghetto của cộng đồng người Việt mà tham gia vào dòng chính của Hoa Kỳ, cho người Mỹ biết chúng ta cũng muốn xây dựng, sát cánh với họ trong cơn đại dịch thì mới không vụ trả thù sau này. Người mỹ da trắng sẽ có cái nhìn thân thiện với cộng đồng người Việt sau cơn đại dịch, sẽ giúp chúng ta trong cuộc sống và tương lai sẽ sáng sủa hơn để con cháu chúng ta thực hiện “Giấc Mơ Hoa Kỳ”.

Nếu các anh chị biết ai muốn đóng góp trong công cuộc chống lại đại dịch tàu thì xin liên lạc về MaskSaveLives.Virus@gmail.com hay ai muốn đóng góp hiện kim thì liên lạc với www.luaviet.org để biết địa chỉ để gửi ngân phiếu hay qua dịch vụ PayPal.

Xin cảm ơn trước.


Nhs