Rước đồng chí gái lên đồi, cỏ hoang ngập lối

 Cuối tuần này, mình không lên vườn. Đồng chí gái kêu đi dã ngoại với cô nàng với nhóm Meet-up gì đó. Tính lên vườn hái bơ bán nhưng đành ở nhà, đi dã ngoại với vợ cho vui đời. Từ 5 tháng nay, tuần nào mình cũng lên vườn để lo làm lại hệ thống tưới nước. Không có giờ đi chơi với vợ. Có thì mấy buổi cơm chiều cuối tuần. Nay mọi việc xong xuôi thì lại đến mùa hái bơ bán. Bơ không chín cây nên không sợ. Từ từ hái bán cũng được.

Mình đang dự định đi Machu Pichu ở Peru vào tháng 5 này nên hỏi đồng chí gái có muốn rũ thêm bạn đi cho vui thì cho biết để mình còn lo mua vé, đặt khách sạn,... mình đi tứ xứ trên thế giới, chỉ còn vùng Nam-Mỹ là chưa đi nên cố gắng 5 năm tới đi chơi cho đã, vài năm nữa lụ khụ đi không nổi nữa, nhất là đồng chí gái. Có lẻ mình sẽ đi một mình vì đi leo núi, ngủ qua đêm trong mấy cái lều chắc mụ vợ chịu không nổi.

Bạn mụ vợ đi xe lửa lên tới chân của đỉnh này rồi đi bộ lên, nên dễ thở hơn. Mình thì muốn đi bộ leo núi, tối ngủ lại lều cho hoang dã, nghe tiếng hú của rừng núi. Khi nào mà mấy bác không thấy mình xuất hiện ở đây là biết em đang trên núi vì sẽ không có Internet. Nghĩ tới đó là thấy vui rồi. Một tuần không có Internet, sống với thiên nhiên.

Dạo này, trên đồi núi ở miền nam Cali, hoa dại nở đầy. Đồng chí gái kêu chụp hình

 Mình đang nghiên cứu về dãy núi Andes ở Nam Mỹ. Đang tính trong 5 năm tới sẽ đi hết mấy nước ở vùng này. Họ nói tiếng tây ban nha nên cũng dễ hiểu.

Cách đây mấy năm, có thằng mỹ quen, rũ đi leo núi Whitney, cao nhất Cali. Mình đồng ý nên tham gia một nhóm tập dợt 6 tháng trước khi leo núi này. Đồng chí gái đòi đi theo. Nhớ lần đầu tiên, đi leo núi, đồng chí gái rên, đi không nổi, cứ đòi bỏ cuộc. Mình phải động viên kiểu Tào Tháo, là phía trước có rừng me, sắp tới rồi.

Sau vụ này, mụ vợ bị vi-rút dã ngoại xâm nhập nên ghi tên mấy nhóm đi dã ngoại hàng tuần. Dần dần thấy bớt mệt. Thằng mỹ rũ mình leo núi, vào giờ chót rút lui khiến mình chới với vì không dám đi một mình. Thêm nữa mình bị té gãy chân khi leo núi Yosemite. Đành bỏ cuộc. Chán Mớ Đời 

Lên núi này, vào mùa hè vì ít lạnh hơn nhưng trên núi vẫn lạnh còn tuyết. Đi 22 dặm nguyên ngày. Sáng thức dậy độ 3 giờ sáng, trời lạnh để đi, chiều về độ 5, 6 giờ chiều. giới trẻ có thể ngủ lại đêm, cắm trại thì dễ hơn. Còn sáng đi chiều về kiểu mình là hơi chăm. Thôi để kiếp sau, sinh tại Cali sẽ chuẩn bị đi cho kỹ.

Sáng này, đi dã ngoại gần nhà với nhóm của đồng chí gái. Có người già người trẻ, đa số là già nên đi chậm hơn so với nhóm luyện tập leo núi Whitney của mình. Họ đi từ từ. Dạo này mùa xuân nên cỏ hoang mọc đầy, các đồi núi xanh rì, thêm hoa dại mọc đầy. Đang đi bổng nhớ đến ca sĩ Thái Thanh có hát bài nào hình như Cỏ Hồng “ rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối...”.

Chỉ khác là khi xưa ông Phạm Duy nắm tay hay ôm cô con gái của đối tượng một thời của ông, kiểu tình mẹ duyên con, lên đồi cỏ hồng ở Đàlạt, mình phải kéo mụ vợ lên dốc. Mụ mang giày leo núi chớ không có vụ đi chân không vớ vẩn như ông nhạc sĩ kể. Chán Mớ Đời 

Đi leo núi nhưng lại phải cẩn thận vì nhóm người đi xe đạp núi. Họ đi phía sau, cứ quát tháo để mình tránh sang một bên. Lại có nhóm trẻ, dắt theo chó, kêu bảo vệ môi trường bú xua la mua nhưng cứ để chó ỉa rồi không hốt, dù bảng cấm đầy đường. Chúng không thèm có con, chỉ cần chó. Nếu chúng có con thì chúng hiểu là phải dọn cứt ngay. Mình ủng hộ giới trẻ có con thay vì nuôi chó để chúng hốt cứt chó khi đi dã ngoại. Cái đám này vào vườn mình cũng vậy.

Mỗi lần đồng chí gái kêu đi dã ngoại, mình nói sao không lên vườn, làm việc trên vườn cũng đi 4-5 dậm đường mà còn châm hơn là mấy cái đồi vớ vẩn này. Mụ vợ không chịu. Nay mình mới hiểu, vì cô nàng muốn chụp hình khoe với bạn. Chán Mớ Đời 

Cứ đi lâu lâu, lại ngừng lại kêu mình chụp vài tấm. Rồi hỏi đi, hỏi lại có lấy cái này, có lấy cái kia khiến mình đâm khùng. Trong đám ca sĩ viện dưỡng lão, có mấy tên dỡ hơi. Cứ mỗi lần vợ chúng lên hát, là chúng chạy ra lấy máy quay vi-zeo , dù vợ chúng hát không thua gì con coyote trong vườn mình khi nghe máy bay.

Nói đến coyote, từ độ này không thấy coyote xuất hiện ở vườn mình nữa. Có lẻ chúng không tìm thấy nước ở vườn. Trước đây hệ thống tưới nước cũ, sử dụng các ống nước mềm nên chúng hay đến cắn phá để có nước uống. Nay mình dùng loại ống PVC cứng nên chúng hết cắn. Lại chôn dưới đất. Có lẻ vì vậy chúng đi chỗ khác tìm nước uống, hết xuất hiện ở vườn mình. 

Năm nào, đồng chí gái cũng muốn mua điện thoại đời mới nhưng lại quên nạp điện nên đi đâu lại phải dùng điện thoại của mình để chụp hình. Điện thoại mình thì đời cách đây 7-8 năm về trước.  Chán Mớ Đời

Đi dã ngoại 3 dặm về thì đồng chí gái kêu đi ăn riêng. Thường thì sau khi đi dã ngoại xong thì nhóm tụ họp ở tiệm ăn nào đó để tán gẫu nhưng cô nàng kêu đi về, rũ mấy đứa con đi ăn. Thế là chạy lại một tiệm gần nhà ăn. Ăn xong về nhà, mình lăn ra ngủ một giấc. Từ 5 tháng nay, lên vườn mỗi ngày nên không có thì giờ ngủ trưa.

Tuần sau sẽ gắn hệ thống viễn liên, đo độ ẩm của vườn thì mình sẽ khoẻ hơn, chỉ cần mở điện thoại ra là biết nước tưới đến đâu và cần tưới hay không. Mình phải thâm nhập vào kỹ thuật canh nông của thế kỷ 21.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Ông Gordon

 Sáng nay, mình chạy xuống Escondido để thăm ông Gordon, một nông dân trồng bơ 90 tuổi. Mình quen ông ta ở một Seminar về bơ và từ đó, hay chạy xuống thăm vườn của ông ta để học nghề. Ông ta khởi đầu nghề trồng bơ từ 60 năm qua sau khi chán trời tuyết lạnh ở Ohio, lái xe xuống Cali nắng ấm.

Ông lấy vợ, có bố vợ làm nông dân nên theo nghề trồng bơ của bố vợ đến ngày nay. Cách đây 30 năm, bà vợ bị ung thư qua đời. Buồn đời ông ta lấy bà khác, sau này cũng bị ung thư nhưng thoát khỏi, tương tự ông ta cũng bị ung thư đường ruột và được chữa lành. Chắc nhờ ăn bơ quanh năm.

Mỗi lần đến thăm là ông ta chở đi lòng vòng ở vườn, rồi giải thích tại sao phải trồng như vậy. Hôm nay, mình xem hệ thống đo độ ẩm của đất để biết khi nào ngưng tưới, khi nào tưới thay vì tưới bú xua la mua. Đất có nhiều loại, có loại giữ nước, có loại không nên cần gắn các thiết bị ở dưới đất để đo đạt rồi truyền qua Internet. Mình ở nhà chỉ mở ra mỗi ngày xem, khi nào cần tưới thì nhấn nút trên điện thoại. Xong om.

Hệ thống đo độ ẩm, được truyền qua hệ thống Internet, mình có thể ở nhà và mở ra theo dõi.

Cali có vấn đề nước, rất đắt nên cần phải cần kiệm nước nên phải gắn các hệ thống này cho chắc ăn. Nếu giảm bớt 20% là xem như đỡ tốn $8,000/ năm.

Ông này trồng bơ từ 60 năm qua và rất hiệu quả. Mỗi acres bơ thường chỉ cho trái độ 20,000 cân anh mỗi năm, trong khi ông ta trồng thì lên đến 30,000 cân anh/ mẫu anh. Đi Seminar, nghe mấy tiến sĩ giáo sư đại học nói chỉ có 20,000 trong khi ông ta chả có bằng cấp gì cả lại sản xuất khá hơn tiến sĩ. Ông ta kể gốc nông dân ở Ohio, hồi bé, đi học về thì phụ làm nông cho gia đình, lâu lâu thì giúp nông dân hàng xóm kiếm tiền.

Mình mới đặt cọc tiền để mua hệ thống theo dõi nước tưới qua Internet, giúp mình bớt lên vườn. Tuần sau, họ sẽ đến cài đặt ở vườn mình. Có dạo mình tính mua lại vườn ông ta nhưng sau thấy mệt quá. Lo một vườn cho khoẻ đời. Tham quá thì mệt thêm. Ông ta bán cho tên bên cạnh đã mua 20 mẫu của ông ta, nay còn lại 10 thì cũng đã mua, và nhờ ông ta quản lý dùm đến khi ông hết làm nổi.

Ông ta 90 tuổi vẫn còn lái xe hơi được, và lái xe máy cày nên mình hy vọng làm vườn để đến khi 90 vẫn còn vui vẻ như ông ta thay vì rên rĩ như đa số người về già.

Thổi phải đi dã ngoại với vợ. Hôm nay, vợ đi dã ngoại với một nhóm nên kêu ở nhà. Mấy tháng nay, mình lo làm lại hệ thống tưới nước nên không có thì giờ cho vợ. Tính lên vườn hái bơ bán nhưng thôi tuần sau cũng không muộn. Mới được tin chính phủ cho tiền trả lại phần làm lại hệ thống nước tưới. Gửi cho mấy người giúp mình xin được tiền chính phủ mỗi người 20 cân anh bơ, ăn mệt thờ để mình còn xin thêm tiền để trang bị hệ thống đo độ ẩm như ông Gordon. Ông này nói chính phủ chỉ cho tiền mua máy còn tiền công thì mình chịu. 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Mua đất trồng cần sa tại Cali

 Hôm trước, trong buổi hội thoại ở đài truyền hình Little Sàigòn, tự nhiên mình nhắc đến mua mảnh đất 17.5 mẫu anh, rồi quay qua bán lại trong vòng 2 tuần và mua một mẫu anh đất để bán lại vài năm sau. Tất cả đều mua với quỹ hưu trí Self-directed Roth IRA. Nay mình ghi lại đây.

Vụ đầu tiên là ông Steve, chuyên viên địa ốc, mua cho mình mấy căn nhà của ngân hàng tịch thu. Một hôm, ông ta dẫn đi xem hai miếng đất của ông ta. 1 giá $10,000 và 1 giá $50,000. Cái khổ là giá $50,000 thì phải đóng tiền H.Ở.A. Rất đắt đâu $500/ tháng trong khi nhà đang xuống. Cuối cùng mình mua miếng đất 1 mẫu anh với giá $10,000. Mình sử dụng Self-directed Roth-IRA để mua. Còn miếng kia thì ông ta bị ngân hàng tịch thâu.

Mình và ông Steve thảo văn bảng bán rồi ký giấy, đưa ra Escrow để hợp thức hoá vụ chuyển nhượng. Mình viết thư kèm theo bản hợp đồng cho công ty giám hộ quỹ hưu trí Self-Directed Roth-IRA của mình là Millenium Trust để họ biết và gửi tiền cho công ty Escrow. 

https://youtu.be/5s8hp9gnBQs

Xong xui thì miếng đất đó thuộc chủ quyền của quỹ hưu trí của mình dưới sự giám hộ của công ty Millenium Trust. Mỗi năm công ty này gửi tiền trả tiền thuế đất cho mình còn mình thì trả tiền công cho họ làm giám hộ.


6 năm sau, ông Steve, có vợ mới, muốn mua lại miếng đất để xây nhà với vợ mới nên hỏi mình, mua lại. Mình bán với giá $20,000. Thật ra mình cấn cái nợ khác, mình mua nhà của ông ta giá $116,000 (giá thị trường $230,000), sắp bị ngân hàng kéo, rồi cấn lại cái nợ. Tại sao ông ta bán cho mình với 50% giá thị trường. Ông ta tin tưởng mình vì quen đã mấy năm trời, nếu mình không mua thì ông ta bị ngân hàng hay sở thuế tịch thu. Bán thì bị thuế vụ lấy mất tiền. Mình có kể vụ này rồi. Ai thắc mắc thì tìm đọc trên bờ lốc của mình.

 Cũng làm giấy tờ như trước. Chuyển tên ngược lại cho ông ta. Xong om. Nay ông ta dọn lên tiểu bang Idaho, sau khi mua cho mình 11 căn nhà, vườn bơ và miếng đất 5 mẫu, ở gần con của bà vợ mới. Để hôm nào mình chạy lại xem miếng đất ra sao. Có thể mua lại của ông ta với Self-Directed Roth-IRA của mình.

Vì Self-directed Roth-IRA nên mình không phải đóng thuế tiền lời $10,000. Trên thực tế thì khi các quỹ hưu trí đầu tư thì tiền lời thì không phải đóng thuế ngay năm đó, chỉ khi nào rút ra thì mới bị đóng thuế. Nếu quỹ hưu trí là Roth-IRA thì khỏi phải đóng thuế, cứ vô tư rút ra. Do đó mà Roth-IRA của ông Romney có đến mấy chục triệu dù chỉ được bỏ vào có mấy ngàn một năm nhưng ông ta dùng chiêu “Option” nên gầy dựng rất nhanh. Mình đã kể vụ này.

Trong buổi hội thoại, mình cũng có kể sử dụng Roth-Ira để mua 17.5 mẫu Anh, với ý định để trồng bơ. Mình cho kỹ sư khám nghiệm chỗ đào giếng nước trước khi mua. Chủ cũ là một tên chuyên đi mua đất có vấn đề. Nhiều người sở hữu chủ đất nhưng về già không có tiền đóng thuế điền địa nên thành phố tịch thu. Tên này mua 17.5 mẫu Anh, chủ trước bị bệnh hay đau chi đó, rẻ như bèo. Anh ta có ý định bán lại để làm lời nhưng khó bán. Sau này mình mới hiểu lý do.

Mỗi sáng thứ 4, mình đi ăn sáng với một nhóm chuyên gia địa ốc. Mấy tên này chuyên bán đất và cơ sở thương mại của chủ muốn bán. Có một tên cứ thấy hắn kêu là mới list mấy mẫu đất nên mình kêu hắn, kêu cho xem mấy miếng đất của hắn đang tìm cách bán. Hắn dẫn mình đi xem mấy miếng đất. Miếng đất 17.5 mẫu Anh tương đối gần nhất.

Tại sao 17.5 mẫu anh vì trung bình họ chia lô đất theo 20 mẫu anh. Mình xem thì thấy có một miếng đất 2.5 mẫu anh, nằm ngay góc. Hoá ra là hai lô đất này trước đây là một một, tổng cộng là 20 mẫu anh. Chắc chủ trước túng rồi bán bớt 2.5 mẫu anh nên mới có vụ “easement “, cho phép chủ của miếng đất 17.5 mẫu anh đi ngang qua lô đất 2.5 mẫu anh.

Muốn đến đất thì bắt buộc đi ngang lô đất 2.5 mẫu anh, lại có cổng nên khá phiền phức. Có lẻ vì vậy mà khó bán.

Đi vòng vòng thì mình thấy vỏ đạn của thiên hạ bắn rơi rớt nên cũng hơi ớn. Nhìn xung quanh thì thấy mấy khu đất bên cạnh đều có trồng cần sa. Luật Cali cho phép người ta trồng cần sa nhưng vài cây thôi. Đây họ trồng để bán. Chắc ở xa nên cảnh sát không mò vào vì phải qua các cổng rào đủ trò. Muốn vào khám xét thì phải có giấy của toà.

Mình gõ cửa nhà của lô 2.5 mẫu anh thì gặp tên Mễ trồng cần sa. Mình hỏi, hắn cho biết chỉ lo trồng tưới, còn có chủ hắn là một tên Mễ khác trẻ tuổi từ Mễ qua lo hết. Mình đoán là băng đảng của dân buôn bán ma tuý. Mình hỏi thì được biết là hắn thuê căn nhà này với 2.5 mẫu đất. Mình tính liên lạc với chủ nhà để xem có thể mua luôn 2.5 mẫu đất để dễ sử dụng. Chắc khó vì hắn đang cho tên này mướn giá đắt hơn thị trường.

Ngồi nói chuyện một tí, mình hỏi về cách trồng đủ thứ. Hắn mới kêu là có những chỗ khác nữa mà hắn lo trồng nữa. Hắn đứng tên mướn lô đất, đặt cọc $2,000, tháng 9 là tháng thu hoạch cần sa, thì trả $18,000, xem như $20,000/ năm. Mình hỏi hắn muốn mướn đất của mình không vì có chỗ đào giếng đã được kỹ sư khám phá rồi. Hắn kêu nhất trí nhưng phải hỏi lại chủ của hắn.

Đây khởi đầu vấn đề là muốn viếng đất của mình thì phải gọi hắn vì hắn đưa chìa khoá cổng nhưng cứ thay đổi hoài. Gọi điện thoại thì hắn cứ thay đổi số, phải gọi mẹ hắn để lại tin nhắn rồi hắn gọi lại. Cuối cùng hắn hỏi mình có muốn bán không, mình hỏi hắn muốn trả bao nhiêu. Mình cho giá quá sức của mình, gấp 4 lần giá mình mua. Thế là nhất trí, ra Escrow. Chị hắn lo vụ này, tiền vào quỹ hưu trí của mình xong om. 2 tuần đúng sau khi mua. Bán xong vừa mừng vừa hết lo. Làm ăn với dân trồng cần sa, hơi ớn.

Có dạo thiên hạ chạy đi mua đất ở vùng Apple Valley vì thành phố cho phép trồng cần sa. Nhà đất lên như diều, nay thì cũng dẹp. Mình thấy tên trồng cần sa, diện tích trồng đâu nữa mẫu anh thôi mà hắn nói tới mùa, phải có người đến canh, đeo súng vì có dân bò tới ăn cắp, tạm gọi là “cần-sa tặc” nên mình cũng teo bu-ri nên khi hắn hỏi mua thì mình nhất trí, khỏi phải deal với hắn hoài. 

Theo mình thì không nên dùng quỹ hưu trí để mua địa ốc. Ngoại trừ như mua đất rẻ rồi để đó, 10 hay 20 năm sau bán. Lý do là mua nhà cho thuê thì mình không được khấu trừ thuế vào lợi tức của mình. Cách tốt nhất là cho vay ngắn hạn.

Như mình kể trong hội thoại, có nhiều người bạn mua nhà cũ, sửa chữa lại rồi bán. Mỗi năm, có người mua đến 300 căn (thời nhà xuống). Mua nhiều nhà bằng tiền tươi thì họ không có đủ nên phải mượn tiền ngắn hạn. Ngân hàng không cho vay nên họ cần nhưng Private lender , những người có tiền mặt, cho thuê thì tiền lời cao hơn. Thường họ lấy 10-12%/ năm, và 3-5% tiền giấy tờ.

Thí dụ mình có $100,000 cho vay, lấy được $3,000-$5,000 tiền giấy tờ và $10,000-$12,000 tiền lời cho mỗi năm xem như từ 13-15% cho mỗi năm. Nếu họ không trả sau 1 năm thì mình sẽ làm thủ tục xiết nhà, giá gấp đôi.

Thường thì mấy người mua nhà sửa bán thì họ xoay qua lại bán độ từ 4-6 tháng, vì càng để lâu thì họ bớt lời. Do đó mình có thể cho họ mượn 2, 3 vụ mỗi năm. Được độ 20% tiền lời cho mỗi năm.

Nếu mình không làm Self-directed Roth IRA thì sẽ phải làm Roth_IRA thường thì chỉ có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán hay mua mutual funds. Còn sử dụng Self-directed Roth-IRA thì mình tự quyết định, có thể mua vàng bạc, mua lúa, mua cà phê, gạo,...nhưng chắc không được mua cần sa. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Đám tang cô tôi

 Thế là xong! Cô tôi được chôn ở quê chồng, Đồng Lư, hôm nay. Hai cô em gái bay từ Đàlạt ra quê, dự đám táng của cô. Mẹ mình lớn tuổi, nên mấy người em không cho đi. Nghe nói có trên 100 người trong họ để tang cô. Họ nói nếu ông cụ mình mà được chôn ngoài quê thì sẽ có trên 300 người để tang. Ông cụ là trai trưởng của dòng họ nên mình hơi run. Về quê thì được lên chức trưởng gì đó. Chán Mớ Đời 

Nói thật về quê, mình không biết ai là ai. Cứ người nào nhắc tuồng thì chào chớ không biết tình hình, họ hàng ra sao. Chán Mớ Đời 

Cô là vợ liệt sĩ nên có mấy quan nhớn đến đọc điếu văn, trước khi di quan. Nhìn xe đám ma khiến mình nhớ đến chiếc xe đám ma ở Đàlạt. Bên này họ cũng có làm nhưng chỉ đưa đi một quãng, từ nhà quàn ra nghĩa địa bên cạnh, độ 100 thước chớ không có vụ kéo đẫy đi mấy cây số như Đàlạt khi xưa.

Nghe cô em mình kể phong tục ở quê. Khi xe đưa tang đến cầu thì có mấy bà chận lại, hát chèo gì đó, để đưa cô lên đò qua sông. Phải dúi tiền cho họ, thì họ mới cho đi. Văn hoá của người Việt mình là chủ nghĩa thời cơ. Người ta đi đám cũng nhảy ra chận đường không cho đi, sợ trễ giờ lành tháng tốt, đành phải bỏ tiền vào thúng, xin nhắc lại vào thúng.

Đoàn người đưa cô đi về chốn xa xăm, trên đường quê. Hai bên đường là đồng lúa. Khi mình về, mới cảm nhận được quê cha đất tổ.

Mình định về hưu thì về quê ở. Cứ xem đám cưới hay đám ma nào ở quê thì chạy chận lại, hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, thiên hạ lì xì tiền ăn hưu. Hát chèo, gõ mõ phải đeo khẩu trang. Chán Mớ Đời 
Thấy mấy người đeo tang, ngồi đợi, phì phèo điếu thuốc. Đám ma mà cũng phải hối lộ, mới cho đi. Văn hoá người Việt mình ăn sâu vào tiềm thức nên không bao giờ chống được tham nhũng.

Đến nơi thì hòm của cô dài quá nên họ phải đo và đào thêm, phải đứng đợi ở giữa nắng. Ở quê người ta không có phòng lạnh như trên Hà Nội, họ bỏ xác của cô vào lồng kính để thổi máy lạnh vào để giữ xác cho lạnh.
Từ nhà đến nghĩa trang, phải lộ bộ mất 3 cây số. Mấy bà chận đường, cầm chèo hát để đưa cô qua sông. Thấy cục gạch chận bánh xe. Thấy con cá trên xe tang và con hạc đưa cô bay về trời.
Cô được hạ huyệt, con cháu đi quanh mộ 3 lần để chào tạm biệt quá khứ, hiện tại và tương lai hay tam pháp.
Đốt vàng cho cô đem theo về bên kia chín suối mà xài. Cô quen vàng bạc nên dễ hơn thay vì đôla hay thẻ tín dụng. Không biết thầy có đưa cho cô sổ thông hành để nhập hộ khẩu. Mình thây dạo này các chùa có màn, cúng dừng để được phát sổ hộ khẩu bên kia thế giới, niết bàn chi đó.
Mọi người chào vĩnh biệt cô lần cuối. Bổng mình nhớ đến bài thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh 

Cô gái Việt Nam ơi!

Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi

Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ

Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi


Nguồn: Hồ Dzếnh, Quê ngoại, NXB Hoa Tiên, Sài Gòn, 1969


Quê tôi ở Sơn Tây mà ông Quang Dũng có nhắc đến trong bài Đôi Mắt Người Sơn Tây. Phủ Quốc là phủ Quốc Oai, sông Đáy, để hỏi người tình Akimi.

Nguyễn Hoàng Sơn 


Cô tôi

 Hôm qua, cô em mình ở Việt Nam, nhắn tin, báo cô Tân đã mất. Hai cô em mình sẽ thay mặt gia đình, bay ra Hà Nội đi đám. Cô Tân là cô út trong gia đình. Xem như thế hệ của ông cụ mình đã ra đi hết. Lần cuối mình gặp cô, cô bệnh già, cũng có tính tình gia truyền.

Mình đến thăm, thấy cô đang nằm rên hừ hừ, kêu đau lắm nhưng khi mình lì xì cho cô thì bổng nhiên cô ngồi dậy, người thấy khoẻ hẳn ra, kể về người con nuôi, năm Ất Dậu, gia đình chết hết, ông bà nội đem về nuôi rồi đến khi Cải Cách Ruộng Đất, từ trung nông, ông bà nội được thăng chức, đội lên cấp Phú nông và người con nuôi đấu tố kiểu đấu lưng, không dám đấu trước mặt mà đứng sau lưng, để đấu tố theo chỉ thị của đảng và nhà nước. Người nào mà gian ác thì đấu tố trước mặt, còn người mà thương người bị đấu thì đứng phía sau để đấu cho cán bộ xem.


Ông cụ mình có cái bệnh trầm kha của gia đình. Khi mình về Đàlạt, hỏi ông cụ có khỏe không, ông cụ kêu mệt lắm, già rồi. Mình hỏi đi ăn phở nhé thì ông cụ đứng dậy, đi phăng phăng lên dốc trước mình. Làm bát phở xong là nói chuyện rao rao. Em út mình ở Đàlạt cũng thế, bị cái DNA này nên khi hỏi thăm là các cô than chợ đò ế ẩm lắm anh ơi như thể sợ mình mượn tiền. Hỏi mấy người khác thì lại nghe làm ăn khá lắm. Khi gặp em mình mà nghe họ than là mình mừng vì đang hát quan họ Quảng Ninh.

Ông cụ mình có 3 người em, 2 trai 1 gái và người chị đầu. Mình chỉ gặp mặt được hai người con gái của ông bà nội còn 2 chú đã chết từ lâu. Một ông thì bị Tây bắn chết khi đi học về trên đường làng còn một ông thì bị bom B52 dập chết trên đường mòn Uncle Lake, khi vào nam giải phóng ông cụ mình khỏi ách nô lệ của mỹ-ngụy. Đồng đội của chú thì tống ông cụ mình vào trại cải-tạo 15 năm, nhằm giải phóng tư tưởng chạy theo mỹ ngụy. 

Ông cụ mình về thăm quê, bị du kích, rình và vây nhà để giết như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang kể trong bản nhạc Người Anh Vĩnh Bình. May là trốn thoát được, nếu bố mình mà theo du kích thì cuộc đời mình chắc cũng như mấy người em của mình ở quê, dù mấy ông chú họ đều là đảng viên. Chán Mớ Đời . Mình thì không thích mấy ông chú họ lắm vì họ quen tuyên truyền nên cứ gặp mình là xổ ra toàn là những gì đâu nhưng vẫn phải gật đầu.

Mình gặp cô Tân và cô Bặm lần đầu khi về quê lần đầu tiên. Lần nào về quê mình đều ghé thăm cô. Cô trông giống bà nội trong ảnh nên khi gặp cô, mình cố tìm chút gì hình ảnh của nội vì không bao giờ gặp mặt. Mình biết mặt ôn mệ ngoại nhưng ông bà nội thì không, vì khi mình về Việt Nam lần đầu tiên thì ông bà đã mất.

Nhớ lần đầu tiên về quê, mình đi xe máy từ Hà Nội về quê, nhờ em họ của đồng chí gái đưa về. Đồng chí gái có người cậu ruột đi kháng chiến làm sĩ quan tuỳ viên cho Võ đại tướng. Sau 1975, vào nam thăm nhà, kêu gọi con cháu đi được thì vượt biển hết. May nhờ ông cậu theo Việt Cộng mấy chục năm báo tin nên đại gia đình đồng chí gái đều ở ngoại quốc hết.

Vào làng hỏi đường, mình thấy một cái quán bé tí ti độ 1 mét dài 2 mét, có một cô con gái, nên hỏi đường. Cô bé bổng nhiên la to lên, mẹ ơi anh Sơn anh Sơn khiến mình như bò đội nón. Cả dòng họ bỏ việc cầy cấy, chạy lại thăm mình. Hoá ra, khi mình làm đám cưới có gửi vi-đeo về cho nhà thì ông bà cụ mình có ra quê đem cho họ hàng xem nên cả họ đều biết mặt mình. Chán Mớ Đời 

Chồng cô mất sớm trong thời chiến tranh, cô ở vậy nuôi con. Cô có 3 con; 2 trai một gái. Người con trai tên Tiến đi cửu vạn ở bên Lào thì phải. Có cô vợ người Thanh Hoá, ở nhà săn sóc cô. Mới gặp cô em dâu thì lúc đầu mình chưa quen giọng Thanh Hoá nên rất khó hiểu nhưng cô nàng kể chuyện thì thấy thương người Việt mình chân quê.

Mình đoán là người em của mình đi cửu vạn ở vùng Thanh Hoá rồi phát hiện ra mối tình hữu nghị Thanh Hoá và Sơn Tây nên đăng ký quản lý đời em, đem về quê săn sóc mẹ chồng, còn anh ta thì tiếp tục cuộc đời làm Cửu vạn, mỗi năm về thăm một lần.

Đi làm Cửu vạn ở đâu, anh ta đem về một cô khác. Cô vợ Thanh Hoá, cầm kéo đâm cho một nhát kiểu nhân vật Loan trong “Đoạn Tuyệt”. Công an nhốt tù vài ngày rồi thả, kêu sợ chưa dạ sợ thì ký vào đây. Cô nàng kêu không biết đọc khiến mình giật mình. Mình chỉ tưởng thế hệ của mệ ngoại mình và mẹ mình là mù chữ, không ngờ 45 năm sau ngày Việt Cộng thống nhất đất nước vẫn còn nạn mù chữ.

Hỏi cô em gái, con của cô mà mình vẫn liên lạc để biết tin tức về quê. Khi nào có giỗ hay ai chết thì cô em đều báo cáo cho mình. Cô em này kể học xong cấp 2 thì nhà không có tiền đóng học phí nên ngưng học, ở nhà đi làm Cửu vạn như anh mình. Nay có chồng có con, mới gả chồng một cô con gái. Lâu lâu cứ thấy đi cấy lúa thấy thương cho thân phận dân quê, sau 45 năm vẫn chưa thay đổi, ngoại trừ có điện nước về thôn.

Sống tại miền bắc, bố mẹ là trung nông, bị đấu tố thì lý lịch không khá, bị nhiều ảnh hưởng nhất là ở quê. Cô mình chắc không được đi học. Mình cũng không gặp cô được lâu khi về quê. Phải quay lại Hà Nội để nghỉ vì ngại ở quê, không an ninh. Chỉ có lần mình nghe lời cô em, ngủ lại nhà ông bà một đêm. May quá đêm đó có trăng nên đẹp, mới thấm thía trăng ở miền quê ra sao.

Đang mơ màng ngủ thì nghe tiếng oang oang, “trần văn nhật, sinh 1930, đã chết,...” mình ngơ ngác như bò đội nón, chạy ra sân thì khám phá ra cái loa của xã đang rêu rao danh sách những người của xã đã chết tại Điện Biên Phủ, 60 năm về trước. Kinh. Hết dám ngủ lại làng, tối sau, qua nhà cô em ngủ, xa cái loa vì nghe nói ai cóp tiền thì cho họ tiền để họ xoay cái loa hướng khác.

Người cộng sản chỉ tự ru ngủ về quá khứ của họ, không có viễn kiến về tương lai dân tộc. Tân Gia Ba đang lo làm sao 50 năm tới, họ sẽ không bị bỏ rơi lại sau thế giới. Việt Nam chỉ lo cho tiền còm các gia đình liệt sĩ. Chán Mớ Đời 

Mấy hôm nay, tối mình đều tụng kinh cầu siêu cho cô thoát được kiếp người. Chồng chết sớm nhưng vẫn không chấp nối, như đa số phụ nữ ở làng mình biết như vợ của chú mình, chết trận ở miền nam, ở vậy nuôi con đến ngày ra đi.

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tại sao chúng ta nên nghèo

 Thế giới ngày này đã thay đổi rất nhiều từ khi khối Liên-sô xụp đỗ. Người ta thấy hiện tượng người á châu bị bệnh béo phì rất nhiều. Các dinh dưỡng gia cho rằng nguyên do là vì họ ăn cơm, có nhiều tinh bột. Nếu chúng ta xét lại thì người á châu nhất là vùng Đông Nam Á, thuộc nền văn mình lúa nước, họ trồng lúa và ăn gạo từ mấy ngàn năm qua. Mình nhớ khi xưa, nhà buổi sáng nấu nồi cơm cho mấy anh em ăn trước khi đi học, chỉ và với nước mắm và một hột vịt luộc cho cả nhà ăn với trái ớt, khá lắm thì có thêm bắp xú để chấm. Ai nấy đều ốm nhom ốm nhách.

Hôm trước, xem phim Tuổi Dại, được thực hiện vào năm 1974 tại Sàigòn và Đàlạt, thấy các diễn viên đều ốm như mắm bò hóc. Ngược lại ngày nay, xem phim hay truyền hình Việt Nam thì thấy dân tình khá béo tốt, không thua gì bên Hoa Kỳ.

Xem thống kê thì người ta được biết năm 1975, lúc Sàigòn bị mất thì dân số Ấn Độ chỉ có 1.5% bị bệnh béo phì. Dạo ấy ở bên Tây cứ thấy hình ảnh các trẻ em Bangladesh, nghèo đói, còn bên Trung Cộng của Mao chủ-tịch thì 2.5% bị bệnh béo phì, chắc là cán bộ.

Đến năm 2014, xem như 40 năm sau thì ấn Độ từ 1.5% béo phì lên đến 8%, hay 500% còn Trung Cộng thì nhờ phép lạ kinh tế, theo bước chân của Mao chủ-tịch làm một bước nhảy vọt từ 2.5% lên đến 18%. Con nít Trung Cộng ở quê từ 0.03% nhảy lên 17.2%. Trung Cộng lại theo chủ nghĩa trai hay gái chỉ một con mà thôi nên thằng bé ra đời, được ông bà nội, ông bà ngoại đút cho ăn mệt thở như cho hạm ăn. Kinh

Nhìn biểu đồ, cho thấy năm 1975, người Mỹ bị bệnh béo phì lên 33%, vào 2014 thì xuống được một chút, ngược lại Ấn Độ và Trung Cộng gia tăng rất mạnh. Ngày nay 25% người Mỹ được xem là bị béo phì.

Nếu xét về bệnh tiểu đường thì năm 1980, Ấn Độ có 12 triệu người bị bệnh tiểu đường, Trung Cộng có 64 triệu người bị bệnh tiểu đường. Đến năm 2014 thì Ấn Độ từ 12 triệu nhảy lên 20 triệu người bị liệt kê là bị bệnh tháo đường còn Trung Cộng thì từ 64 triệu nhảy lên 103 triệu người bị bệnh này.

Mình có kể về lúa mì mà người tây phương dùng để làm bánh mì. Khi xưa, lúa được giã vỏ rồi xay để làm bánh mì đen nên cứng như đá, có thể để dành mấy tháng. Bên Ý Đại Lợi, mấy người nuôi dê, bò, đem bò dê lên núi ăn cỏ vào mùa Xuân, vợ họ làm bánh mì mấy tháng trời để họ ăn. Sau này, họ biết cách xay, làm bột mì trắng, dành cho người giàu có nhưng loại bột này mất hết sinh tố, chất dinh dưỡng, chỉ còn là tinh bột.

Tương tự, người á chấu trồng lúa gạo, sau gặt hái thì có gạo lứt nhưng chừng mấy trăm năm đổ lại, họ biết cách giả gạo để làm gạo trắng, và mất hết chất dinh dưỡng, chỉ còn là tinh bột. Khi xưa, sản xuất lúa gạo thì thường người ta để dành ăn, hay bán trong vùng nhưng khi họ bắt đầu mua bán, nhập cảng, xuất cảng thì họ phải làm gạo trắng để giữ lâu hơn nhất là ngày nay, họ bỏ hoá chất bảo quản nhiều để mọt khỏi ăn và giữ lâu ngày hơn. Nói chung là gạo ngày nay không có chất dinh dưỡng, ngoài tinh bột. Trước 1975, kinh tế kém nên người dân ăn gạo nhưng mà ít, nay họ ăn các thức ăn khác như người tây phương nên đâm ra cũng bệnh béo phì và tiểu đường như người tây phương, chỉ khác là gạo thay vì bánh mì. Chán Mớ Đời 

Nếu xét glycimex Index (G.I.) của gạo thì tỷ số là 60 so với đường 100. Dinh dưỡng của gạo thì gạo lứt có tinh bột, chất đạm, chất sơ, sinh tố, khoáng chất và Thiamine B1, còn gạo trắng thì chỉ có tinh bột còn chất đạm thì chưa chắc. Xem như gạo trắng chỉ là đường. Người ta nói người ăn gạo trắng về già hay bị bệnh Beriberi, bệnh thủng, yếu đuối, tay chân run rẩy, bị sưng, đau đớn, ...

Người ta giải mả vấn nạn là 200 năm về trước, 85% dân số trên thế giới thuộc dạng nghèo, ngày nay chỉ có 9%. 50 năm vừa qua thì tỷ lệ giảm nghèo lên đến 50%. Chúng ta thấy trường hợp Trung Cộng hay ngày cả Việt Nam, từ ngày từ bỏ chế độ bao cấp, ngăn sống cấm chợ, dân tình khá lên.

Từ mấy chục năm nay, thực phẩm chế biến, khởi đầu từ Hoa Kỳ, đã lan tràn khắp nơi trên thế giới như các tiệm ăn MacDonalds, uống coca cola, pizza,... người dân làm việc trong văn phòng, ít hoạt động lại ăn nhiều hơn trước nên từ từ dự trữ chất béo trong người và đưa đến bệnh tiểu đường.

Cách đây 200 năm, không ai nghe hay biết đến bệnh tiểu đường, ngày nay có 425 triệu người bị bệnh tiểu đường và tiên đoán vào năm 2045, sẽ có 629 triệu người bị bệnh tiểu đường. Trên thực tế có thể hơn nữa.

Xứ Mễ tây Cơ cũng như các nước vùng trung-mỹ cũng lâm vào tình trạng như á châu ngày nay. Dân xứ này ăn bắp ngô rất nhiều. Tổ tiên của họ ăn bắp từ mấy ngàn năm qua. Chính người tây phương khám phá ra khoai tây và ngô tại đây, vào đem về âu châu để trồng, giúp âu châu hết bị nạn chết đói.

Các nhà dinh dưỡng cho biết lý do chính là họ ăn đường, thực phẩm chế biến và ít hoạt động như xưa ở nhà quê. Khi hoạt động thì giúp tiêu thụ các chất đường trong cơ thể. Thật ra vì các nước này cũng giàu lên.

Người Việt chúng ta hay nói “phát tài phát tướng”, Mễ Tây Cơ được xem là xứ tiêu thụ nước ngọt như coca cola nhiều nhất thế giới. Nước ngọt được làm bằng bắp ngô. Thực phẩm chế biến không có sinh tố như mình đã kể nên ăn càng nhiều càng đói, càng tạo thêm đường trong cơ thể, tạo thêm chất béo.

Ngày nay 90% bắp ngô trên thế giới là GMO. 2.5 tỷ cân anh bắp hay 320 cân / mỗi người. Người ta trồng bắp để chế tạo ra:

40% Ethanol

36% dành cho thú vật chăn nuôi

12% để làm thực phẩm cho con người tiêu thụ, xi-rô,...

Ngô là món ăn quan trọng của người Mễ, bắp nhận 4 carbon thay vì các rau cải khác chỉ có 3 carbon do đó họ thích trồng bắp để bảo vệ môi trường. Bắp được sử dụng để chế biến các thứ như sau:

Nước ngọt 100%

Thịt 93% bắp

Burger 52% là bắp, khoai chiên là 23%. Nay họ dùng đậu nành để làm thịt giả,.... đậu nành thì cũng như bắp. Chán Mớ Đời 

Mấy người thợ làm cho mình, thích uống nước ngọt lắm. Mua thức ăn cho họ là phải làm thêm 1 lít nước ngọt vì quen từ bé. Khi xưa ở Việt Nam mỗi lần được uống nước ngọt là vui lắm, sang mỹ thấy họ uống coca thả dàn. Vào tiệm ăn, kêu coca hay pepsi là người tiếp viên, cứ ghé lại rót đầy thêm ly nên thiên hạ uống mệt thở. Uống chất đường sẽ giúp thực khách hưng phấn. Ra về còn lấy cho đầy ly để đem theo. Chán Mớ Đời 

Người ta nuôi thú vật như bò, heo, gà bằng ngô. Do đó thú vật được nuôi bởi ngô thì sẽ có rất nhiều omega 6 theo tỷ lệ 20:1. Khi chúng ta ăn thịt bò, thịt gà được nuôi bởi các hạt ngô. Nếu tỷ lệ Omega 6 nhiều hơn Omega 3 trong cơ thể của chúng ta thì sẽ gây nhiều vấn đề, có thể đưa đến các tế bào ung thư. Mình đã kể rồi.

Nghèo thì ốm nhom như khi xưa nên ở Việt Nam, mình hay nghe người ta khen ai to béo, kêu phát tài phát tướng. Khi làm ra tiền thì người ta hay đi ăn nên béo ra. Béo ra thì dễ bị bệnh và chết sớm. Do đó, muốn sống lâu thì nên nghèo, không nên giàu có. Có lẻ vì vậy mà người Việt thích hát nhạc “kiếp nghèo”.

 Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Các người đầu tư địa ốc 2021

 Hôm nay, mình ghé lại tiệm ăn để gặp ông Mic và nhóm đệ tử của ông ta. Mỗi thứ 3, ông ta ăn trưa với nhóm học nghề đầu tư ở thành phố Chino. Mình quen ông Mic cũng trên 25 năm. Ông ta ở Riverside nên bao nhiêu nhà cửa đều ở vùng này. Mình gặp ông ta ở tiệm ăn Coco’s vào mỗi buổi sáng thứ 6, khi nhóm đầu tư địa ốc họp mặt ăn sáng ở thành phố Brea.

Ông này có cuộc đời khá kỳ lạ. Khi xưa, ông ta là du đảng, lấy vợ rồi ăn trợ cấp, sống ở Mobile home park. Một ngày đẹp trời, ông ta chán cuộc đời ăn trợ cấp nên hai vợ chồng quyết định, giả từ của sống xã hội chủ nghĩa, chế độ bao cấp của nhà nước, không muốn bị cán bộ xã hội làm khó dễ nữa nên bỏ trợ cấp, đi làm, tìm thú vui trong cuộc đời lao động vinh quang.

Bà vợ đi chùi nhà cho thiên hạ còn ông thì đi làm thợ vịn ở công trường. Từ từ ông ta biết tay nghề, đi xây thầu cất nhà cửa. Một hôm, ông ta đọc cuốn sách “How to Wake Up the Financial Genius Inside You” rồi đề xuất một kiến nghị với bà vợ là để dành tiền mua căn nhà, làm tổ ấm uyên-ương. Ông ta giới thiệu mình cuốn sách này khi mới vào nghề.

Mình có đọc cuốn này và vài cuốn khác do ông này viết. Cuốn này hay nhất. Ông này rất thành công nhưng sau đó lại dính vào cái bệnh dại gái nên bay hết tài sản. Chán Mớ Đời 

Trời thương, bà vợ đồng ý nên hai vợ chồng chỉ tiêu xài tiền lương của bà còn tiền của ông làm ra thì để dành tậu căn nhà. 2 năm sau thì họ đủ tiền để đặt cọc, mua một căn nhà cũ, rồi ông ta sửa chửa lại. Rồi từ từ vì quen xài có một lương nên họ mua thêm nhà cho thuê. Ngày nay thì họ có 52 căn nhà cho thuê. Mình có gặp bà vợ, kể lại những nhọc nhằn, lúc khởi đầu, hà tiện, thèm khác áo quần thời trang,...

Có lần hai vợ chồng đi chơi đâu trên Vancouver. Thiên hạ kêu sao không đi Alaska luôn. Thế là ông nói bà vợ ở đó với bạn, ông bay về Cali, lấy tiền thuê nhà xong, bỏ vào ngân hàng rồi bay lên lại, hai vợ chồng đi chơi thêm 3 tuần. Dân cho thuê nhà chỉ làm việc có 1 tuần trong tháng. Nhận tiền thuê nhà bỏ ngân hàng, trả nợ chi phí trong tháng rồi gửi hoá đơn cho tháng sau. Nay thì có email, Quickbook làm sẵn nên có thể ở Alaska làm qua điện thoại. Người thuê nhà tự động trả qua ngân hàng.

Hai vợ chồng hay đi seminar với nhau để học hỏi thêm rồi ai mới vào nghề như mình 25 năm về trước thì ông ta chỉ, hướng dẫn. Tương tự ngày nay, ai mới vào nghề thì mình hướng dẫn.

Hôm nay đến thì gặp vài tay quen từ 20 năm qua nhưng cũng có vài tay mới vào nghề. Năm 2000, ông ta kêu mình chạy ra RiverSide mua nhà nhưng đi học nghề thì thiên hạ kêu là không nên mua nhà xa quá chỗ ở hơn 1 tiếng đồng hồ lái xe. Khi có vấn đề, mất thì giờ chạy xa. Nhà ở Quận Cam thì mua không nổi, quá đắt lại không đủ tiền trả tiền sở hụi. Có mấy căn họ kêu bán nhưng không có tiền đành chịu.

8 năm sau, mình nghe lời ông ta chạy ra RiverSide, tuy xa nhưng phải mở đường máu, lùng nhà quá rẻ. Một căn nhà chỉ mua với giá $50,000, 4 căn chỉ có $99,000 tha hồ mà mua. Cho thuê mỗi căn $1,200, cứ 3 năm là lấy lại vốn. Nội xây một căn nhà mới là đã thấy đi đong $150,000. 

Xui cái là Obama cấm không cho ngân hàng tịch thu nhà nữa nên thiên hạ cứ ở chơi, rồi họ cho tiền lời xuống thấp, thế là dân tình vui vẻ lại. Giá nhà lại lên. Thoát khỏi khủng hoảng kinh tế 2008. Xong om

Ngồi nói chuyện với một bà gốc El Salvador, nghe bà ta kể về cuộc đời của bà khiến mình thất kinh nên ghi lại đây.

Bà ta sinh trưởng tại El Salvador. Khi miền NAm Việt Nam bị Việt Cộng chiếm đóng thì Hoa Kỳ rất sợ các nước Nam Mỹ và Trung Mỹ rơi vào tay công sản nên ra lệnh, giúp quân nhân đảo chánh ở CHí Lợi, Á Căn Đình, các nước trung-mỹ thì cũng te tua. Các đội quân phiệt, giết người như ngoé ngay giám mục cũng bị giết. Mẹ bà ta bị giết nên bà ta được cứu vớt đem sang Hoa Kỳ và mấy người em không cha mẹ. Từ từ bà đi học, đi làm rồi một ngày đẹp trời chợt giác ngộ là nên mua nhà cho thuê. Từ đó, bà ta đi kiếm nhà mua bán nay cũng khá. Tuy chưa đủ để về hưu.

Bà em cũng có mặt trong đám và cô con gái, bận cái áo T-shirt đề I Love Passive Income. Bà ta kể là đi làm cho luật sư. Tìm được một thân chủ cho luật sư thì trung bình luật sư vớt được $25,000 cho mỗi vụ đụng xe nhưng bà chỉ được trả lương có $1,200 mà lo làm nên không có thì giờ chăm sóc con gái. Nay vào nghề mua nhà, sửa chửa lại thì có thì giờ lo cho con gái. Kinh

Bà ta kể là có mua một cái Mobile home, giá $60,000 nhưng chủ bán đòi tiền mặt chớ không nhận cashier check. Bà thấy lạ nhưng cũng chìu, đem tiền tươi lại nhưng kêu cô con gái quay vi-zeo rồi ông chủ bán đi Las Vegas. 3 ngày sau cúng hết $60,000, trở lại nạy cửa chui vào. Kêu đại dịch mất cả năm mới truật xuất ra khỏi. 

Bà ta kêu thằng cháu rình, đợi ông bán nhà đi khỏi là chạy vô nhà, thay ổ khoá lại hết. Tên này trở lại chửi bới tùm lum, bà kêu cảnh sát lại, cảnh sát kêu ông kia phải đi, cấm không được bén mảng lại gần nhà. Có gì thì đi kiện qua toà án. May quá khi cảnh sát đến là bà ta đã ở trong nhà. Người ở ngoài muốn vào thì phải đi kiện ở toà. Toà cho phép thì mới có cảnh sát đến trục xuất. Cảnh sát xem vi-zeo là có đưa cho tên bán lấy tiền tươi. Do đó, chủ nhà sợ nhất là nhà trống vì thiên hạ đột nhập vào ở là mệt, mất thời gian truật xuất họ.

Từ hơn 1 năm nay, bà ta mua Mobile home cũ, sửa chửa lại rồi bán, được nhiều tiền hơn là đi làm cho luật sư, lại có thì giờ chăm sóc con gái.

Có một cuốn sách khác mà mình thích đọc lại mỗi năm là “the richest man in Babylon “

Những loại sách này rất bình dân học vụ, dễ hiểu chớ đọc mấy sách của các tiến sĩ kinh tế là nhức đầu vì chỉ lý thuyết. Cuốn này mình có đưa cho mấy đứa con đọc nhưng không biết chúng có nhớ gì không. Nay chắc chú tâm kiếm bạn gái bạn trai. Chán Mớ Đời 

Nghe bà này kể xong cuộc đời của bà là mệt, phải bò về trong khi cả nhóm vẫn ngồi nghe thiên hạ kể chuyện. Dạo này thị trường địa ốc lên cao nên đông người, muốn làm giàu qua địa ốc. Đến khi nào thị trường địa ốc te tua thì cha con lặn mất. Thiên hạ hay a-dua, cứ nghĩ làm địa ốc là mau giàu nhưng khi đụng trận thì Chán Mớ Đời bỏ cuộc rất nhiều.

Thật sự, các họp mặt này giúp mình rất nhiều vì nghe thiên hạ bị lừa ra sao để tránh như vụ tên bán nhà đòi tiền tươi. Hay có nhiều chuyện động trời khác. Mình học kinh nghiệm của người khác để tránh bị lừa. Trên đời này, khi đụng đến tiền là có người lường gạt. Các nạn nhân thường là người lớn tuổi. Về hưu sợ không đủ tiền để xài lâu năm nên hay nghe lời bọn bất lương dụ đầu tư vào cái này dễ ăn, lời to.

Nên nhớ nếu lời to thì chả thằng nào dại mà kêu mình. Mình mà biết cách làm ra tiền, thì đi mượn tiền thiên hạ rồi đầu tư. Sau này thắng thì trả thiên hạ. Chỉ có khi nào người ta không muốn cho mượn tiền mà đòi chung hùn với nhau thì mới đồng ý.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Trồng bơ bán bơ

 Mùa bơ tại Cali thường bắt đầu từ cuối tháng 2, khi trận chung kết giải bóng bầu dục tại Hoa Kỳ, thường được gọi là Super-bowl . Người Mỹ thường tụ họp, làm guacamole để ăn và ngày 5/5 (Cinco de mayo) ngày lễ độc lập của Mễ Tây Cơ, thì người Mỹ gốc Mễ ăn bơ nhiều nhất. Thường mình bán đầu mùa cho Superbowl và đợi đến trung tuần tháng 4 là bán hết vì giá cao cho lễ độc lập của xứ Mễ tây Cơ.

Bộ canh nông Cali phải thẩm định độ chất béo trong quả bơ trước khi cho bán ngoài thị trường. Có nhiều người bán trước mùa thì bị phạt. Năm ngoái có ông mua bơ ở vườn mình rồi bán ngoài chợ nông dân (farmers’ market ), bị phạt $1,000 vì bán trước khi được bộ canh nông tiểu bang cho phép.

Người tiêu dùng thì không biết nhưng trong ngành trồng bơ hay các trái cây khác thì hằm bà lằn. Vườn nào mà được “GAP certified “ (Good American Products) như vườn mình thì giới mua sĩ thích lắm, và mua giá cao hơn. Lý do là phải theo các thể lệ của chính phủ và bị thanh tra chính phủ đến thăm viếng hàng năm.

Anh chàng đem xe đến mua bơ của mình rồi bán lại tại chợ Nông Dân.

Đi học mấy cái này rất châm vì phải biết cách-ly nước và các loại phân bón, hoá chất,....để khỏi bị ô nhiễm, có thể gây bệnh cho người tiêu dùng. Thêm vệ sinh, y tế. Do đó các công ty mua sĩ, đem từ vườn về là họ ngâm vào các chất hoá học để cho vỏ tươi lâu và sát trùng đủ loại. 

Do đó, 1 trái táo có thể để dành cả năm mà vẫn tươi. Thiên hạ hay hỏi mình là họ mua bơ từ các chợ về, ngoài tươi trong lại đen là sao. Mình giải thích vì họ ngâm thuốc và để lâu. 

Thiên hạ cứ xin bơ của mình, mình kêu bơ em trồng để bán chớ không để cho, khiến nhiều người giận. Mình trồng chơi ở nhà thì xin được, đây trồng để bán mà cứ xin, rồi giận. Có người lại kêu mình hái đem về cho họ vì ngại đi xa. Mình lên vườn để làm việc chớ có phải đi làm công quả ở chùa đâu. Chán Mớ Đời 

Khi mùa bơ đến thì phải hái và bán. Bán thường thì cho các công ty mua sỉ thì giá thấp còn muốn giá cao thì tự bán ở các chợ nông dân hay ngoài đường. Năm nào được mùa thì phải mướn người hái và bán cho các công ty mua sỉ. 

Thường mấy công ty này mua xong thì bán cho các xứ ở á-châu như Nhật Bản, Trung Cộng, Tân-gia-ba,.. công ty mình thường bán cho thì bán cho Nhật Bản. Nghe nói một trái bơ bên đó giá $8. Họ nhập cảng từ MỄ-tây-cơ, Peru, Chí-lợi vào thì bán cho dân mỹ để có lợi nhuận nhiều do đó bơ thường bị ngâm thuốc trước để được lâu. Nếu bán bơ Cali thì giá cao hơn thị trường hiện nay.

Năm nay thất mùa nên mình phải bán rỉ-rả, kêu con lên phụ hái rồi bán cho chợ Nông-dân. Thông thường thì bơ đến tháng 5-6 là phải hái hết vì chúng sẽ rụng thêm là chất béo quá nhiều sẽ làm đen cái đáy của trái bơ. Khó bán. Nhất là tháng này thì hoa đã nở, và sẽ thành quả, phải hái để chất dinh dưỡng nuôi trái mới.


Bơ hái từ từ nên phải bỏ vào mấy thùng này để dễ di chuyển đến chợ nông dân. Còn bán sỉ thì họ đưa cho mình các thùng cần xé loại chứa 1000 cân anh, độ 450 kí-lô rồi khi xe tải của họ đến thì câu lên và chở đi. Nếu nhìn cái vỏ bơ thì thấy bắt đầu có phần bị sậm tối. Lý do là bị nắng. Lá bắt đầu rụng để ra hoa cho mùa tới nên vỏ bơ bị sạm nắng.

Thiên nhiên lạ lắm. Khi sắp ra hoa thì lá khô rơi rồi nụ hoa mọc ra rồi hoa nở thì có lá mới mọc ra để che nắng các trái vừa đậu. Trung bình mỗi cây có cả triệu đoá hoa nhưng đậu trái độ 500, rồi từ từ cơ thể của cây chịu không nổi, tiếp dưỡng cho trái nên rụng một số. Tuần vừa rồi, ông mỹ nuôi ong đem mấy trăm tổ ong đến vườn để cho hoa thụ phấn.


Anh chàng cắt cần xé làm hai để chở cho tiện. Khi nào mướn người hái thì họ đem lại cả chục người. Thường thì trong vòng một tuần là họ hái hết vườn. Mỗi ngày trung bình một người hái được 1,500 cân anh. Hôm qua mình hái có phân nữa của họ là đã oải. Đó là mình chỉ hái trái gần mặt đất, còn họ phải leo lên thang để hái. Anh chàng hay hái thuê cho mình, mỗi năm phải xin phép chính phủ để đem người hái từ Mễ sang. Mấy người này lấy $70 để hái một cần xé còn dân hái ở mỹ thì lấy gấp đôi mà tìm không ra.

Các tổ công đoàn lao-động, kêu gọi biểu tình tẩy chay các nhà vườn vì sử dụng người hái đem từ Mễ Tây Cơ sang. Họ kêu $150/ ngày không được phải $450/ ngày chi đó. Họ không muốn dân Cali ăn bơ. Chán Mớ Đời họ không kể là trả $150/ cần xé. Trung bình mỗi người hái 1.5 cần xé, xem như $225/ ngày. Chủ phải trả tiền bảo hiểm tai nạn lao động thêm $150 nữa vị chi là $375.

Họ nhập cảng bơ từ Mễ tây Cơ qua nên giá thị trường rẻ, không đủ sỡ hụi. Bọn mua sỉ thì làm áp lực.

Năm được mùa thì số lượng trái có thể lên đến 250,000 cân anh, còn thất mùa thì phân nữa hoặc 1/3. Mình vừa làm lại hệ thống nước, hy vọng sẽ ít tốn nước, nhất là nước tưới đúng chỗ. Mình đang chuẩn bị trang bị hệ thống sensor độ ẩm để có thể tự động tự động tắt nước tưới, không tốn hao nước tưới. Từ xưa đến nay, người ta tưới vì ngại khô nước nhưng nay với công nghệ tân tiến thì có thể đo độ ẩm, giúp mình biết khi nào cần tưới khi nào ngưng.

Thứ 4 này mình chạy xuống Escondido, viếng một ông mỹ già có vườn bơ từ 40 năm nay. Mình gặp ông ta trong một Seminar nên theo ông ta học nghề. Cứ lâu lâu chạy xuống vườn ông ta, học hỏi thêm rồi mời ông ta đi ăn trưa. Ông ta tính về hưu, bán cái vườn. Mình nói muốn thì bán cho mình nhưng để xem vì ông ta đã bán phân nữa cho tên bên cạnh.

Hôm qua, anh chàng đến chở bơ đi bán cho đám bán ở chợ nông dân. Anh ta đưa mình một cọc tiền lẻ, tờ $5 khiến mình thất kinh vì bỏ ví không được, dầy cộm. Hỏi ra, anh ta mới giải thích là bán bơ cho một tên nào. Hắn để cái xe bò-ếch trước nhà và mấy bịch bơ. Bỏ cái hộp đựng tiền rồi thiên hạ đi bộ qua nhà anh ta, dừng lại, bỏ vào hộp $5 rồi lấy đi một bịch bơ. Mỗi ngày lời $50-$100, nhưng phải ở trong khu người đàng hoàng chớ ở mấy vùng cà chớn thì chúng lấy bơ và tiền đi luôn. Cứ lâu lâu, anh chàng chạy ra xem, thiếu bơ thì bỏ thêm. Mỗi tháng bỏ túi thêm $2,000. Xong om

Nghe vậy khoái quá, muốn làm, chạy về nhà, bố trí tư tưởng, thưa với đồng chí gái về ý tưởng làm ra tiền để khỏi mang tiếng ăn theo vợ. Không còn sợ bị vợ la là cứ lang thang, chả làm gì. Vợ kêu thôi thôi tui xin Ôn. Làm mình cụt hứng. Cuộc đời mình lạ lắm. Cứ nghĩ cái gì ra để làm tiền là bị vợ cắt ngang, không duyệt, tiếp thu ý chí can cường, quyết làm giàu của mình.

Khi xưa, đi học mua nhà cho thuê về. Nói với vợ là ráng chịu khó 20 năm nữa là mình giàu. Vợ kêu tui lạy anh, tui lạy anh. Rồi như sợ mình không nghe lời đảng, đồng chí gái đi nói với mấy ông anh bà chị. Mấy ông bà chị vợ này kêu mình lại dũa nát nước, kêu nhà đang xuống mà đi mua nhà. Tiền đâu ra mà đi mua nhà.

Cuối cùng mình lén mụ vợ đi mua nhà, bỏ tên trong Trust nên không cần mụ ký. Đặt cọc vài ngàn nên mình lén ký cũng được và chủ cho vay lại nên không cần mụ vợ ký chung. Xong om.

Sau này anh chị vợ kêu “ông Sơn hên, mua nhà lúc nó xuống” Chán Mớ Đời 

Nghĩ lại thì thương mụ vợ. Khi xưa, bạn bè họ hàng của mụ kêu đừng lấy cái thằng Đen ấy, nghèo rách khố nhưng đồng chí gái nghĩ còn vớt vát được cái nghề Kiến Trúc Sư, du học vớ vẩn. Ai ngờ lấy nhau được vài năm mình lại xuống cấp, đi lợp mái nhà, xây nhà cho thiên hạ. Gặp ai mình kêu làm nghề thợ hồ, đồng chí gái phải bồi vào kêu là kiến trúc sư. Nay lại càng xuống cấp, xuống tận đáy xã hội làm nông dân nghiệp dư. Ai cũng gọi Bà Nông Dân Nghiệp Dư.

Để coi, em tính cuối tuần này làm hay tuần sau. Chỉ sợ em đi vườn thì mụ vợ ở nhà dẹp quán bán bơ dã chiến của em quá.

Cứ đem cái Easy-up ra, để đống bơ trên xe bồ-ệch thêm cái thùng đựng tiền. Viết vài tờ quảng cáo. Mình hay thấy mấy nhà, trồng lựu hay táo chi đó cũng để một thùng ngoài đường và cái hộp đựng tiền. Cuối tuần thì ông thợ đến phụ, và cũng muốn rời nhà vì ở nhà lại mê đá banh, mở xem Mờ U đá chán như con gián nên vào vườn lao động vinh Quang, cho khoẻ người.

Hôm nay ở nhà, dưỡng sức cho khoẻ và đi chợ cho vợ. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Ai-phôn tui-phôn

 Facebook nhắc đến bài mình viết mấy năm về trước về điện thoại di động khiến mình chợt nhận ra chúng ta bị lệ thuộc vào của điện thoại di động. Ra đường là phải có nó nếu không là mệt, như người trong sa mạc, không biết cầu cứu ai.  Không có nó là đời mất vui, như con người thiếu nước trong sa-mạc. Nói một cách yếm thế hơn là nô-lệ cho cái điện thoại. Có thể trong tương lai, chúng ta sẽ không còn sử dụng điện thoại di động, thay vào đó là một cái chip siêu nhỏ được cài đặt trong người.

Vào quán ăn, mình thấy cảnh quen thuộc cả gia đình, mạnh ai nấy cầm cái điện thoại trong khi chờ đợi, thậm chí khi ăn họ cũng dán mắt vào cái điện thoại. Như bài hát thủa nào “chúng ta yêu nhau tuy xa mà gần, tuy gần nhưng cách xa...” sự liên hệ của con người qua điện thoại di động. Khi xưa, khi cần gọi mấy đứa con trong phòng xuống ăn cơm thì dùng interphone nay thì phải nhắn tin qua điện thoại.

Cho thấy con người liên lạc với nhau rất nhiều nhưng qua nhắn tin. Dần dần cuộc sống sẽ mất đi khoảng cách, không gian và thời gian. Sẽ không có ngày, có đêm, cuộc sống càng nhanh chóng, fast lane cho vận tốc siêu thanh, đúng hơn là vận tốc của chip điện tử. Chúng ta chỉ sống qua cái điện thoại, không có nó là không có cuộc sống.


Khi xưa, vào quán phở thấy ông chồng cần tờ báo biếu quảng cáo, nhặt ở chợ, hay báo trong tiệm phở để cập nhập tin tức thay vì nhìn mặt mụ vợ đang theo thể loại mùa thu đến, mất đi cái nụ cười thanh xuân khi mới quen nhau.

Người ta cho rằng, chúng ta mê hay nghiện điện thoại vì sự chán chường của cuộc sống. Do đó con người hay mở điện thoại di động để xem có gì mới lạ, kích thích cuộc sống của họ hay không. Mở Facebook để xem có bạn nào mới đăng tấm ảnh nào hay có ai xem ảnh mình mới xeo-phì tô mì gà mới ăn. Thậm chí có người cứ lấy hình chụp món ăn của ai rồi tải lên mạng, như thể mình mới làm, đẻ câu Like. Thậm chí lấy hình ảnh của ai đó rồi xoá tên người đăng, bỏ tên mình vào như thể mình vừa làm tô mì. Tạo dáng xeo-phì.

Khi khám phá ra có điều gì lạ, nhấn like hay có nhiều like về tấm ảnh của mình, chúng ta nhận được cảm giác thích thú và từ từ chúng ta đâm nghiện những khoảnh khắc tạo dopamine ấy.

Trong xã hội đông đúc đến hơn 7 tỷ người mà người ta tính đến năm 2050, dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỷ người. Chúng ta không là cái gì cả. Chúng ta chán chường vì không được ai biết đến, vô danh nên cố tạo ra sự duyên dáng, dùng photoshop để vượt qua số phận. Cái mặt như cái bánh bao nhưng chúng ta vẫn làm dáng làm duyên để đạt triệu LIKE. Kinh

Đang viết đến đây thì mụ vợ đi ngang kêu chán chường quá. Mình kêu chán thì lên vườn sẽ hết. Mụ vợ kêu nghe ôn nói làm tui càng chán hơn nữa.

Khi xưa, chúng ta ở trong một cái làng nhỏ nên chúng ta phải thoả hiệp hay lắng nghe sự đối thoại với người hàng xóm hay bạn bè. Ngược lại, ngày nay chúng ta có bạn bè trên mạng, có cùng chí hướng, yêu thích về một vấn đề nào đó. Chúng ta chỉ làm quen với những người có cùng chính kiến, sở thích,..nên chúng ta không cần phải đối thoại, lắng nghe những ý kiến khác biệt. Dần dần chúng ta nghĩ chúng ta đúng vì những người bạn trên mạng đều đồng ý, nhất trí với mình. Chúng ta không màng đến sự thoả hiệp, thương lượng hay lắng nghe người đối thoại, đưa đến tình trạng cực đoan.

Chúng ta chứng kiến những sự việc, thay vì làm cái gì đó thì lại móc điện thoại ra quay. Các cảnh học sinh đánh nhau, không đi báo thầy cô hay hiệu trưởng, cứ quay vô-tư để tải lên mạng được triệu Like. Dần dần cuộc sống của chúng ta bị điều kiện hoá bởi cái điện thoại cầm tay. Nhiều khi ngồi ăn với vợ con. Mụ vợ và con gái cứ kêu khoan, không cho ăn vì phải để họ chụp hình câu Like, khiến mình nổi điên. Cấm không được đem điện thoại vào bàn. 

Vợ chồng con cái gặp nhau một lần sau 1 ngày làm việc, cần có thời gian, không gian để trao đổi, bồi dưỡng sự liên hệ, tình cảm với nhau. Nay cứ lấy cái điện thoại làm chính.

Trong vụ bầu cử vừa qua, đã nói lên sự ảnh hưởng của mạng xã hội về con người chúng ta. Vợ chồng cãi nhau, bạn bè không thèm nhìn mặt nhau, vì bất đồng chính kiến với mình. Chúng ta cứ rêu rao tự do ngôn luận nhưng không để cho người bất đồng chính kiến bầy tỏ quan điểm của họ. Không khác những chế độ độc tài của Việt Cộng, Trung Cộng hay quân phiệt.

Các nhà tâm lý học khuyến cáo về tình trạng lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Họ cho rằng tỷ lệ bệnh trầm cảm và tự tử gia tăng. Trẻ em bị bạn bè chửi bới chi đó trên mạng là tự tử. Người lớn chắc cũng vậy, ai đó mắng mình thì cảm thấy nhục nhã rồi tự vận.

Chúng ta cứ tìm kiến những cảm giác thích thú dopamine nên cứ xét điện thoại hoài làm mất hết sự chú ý vào công việc học hành nên tình trạng ADD gia tăng rất nhiều. Sự việc này sẽ cản trở năng suất làm việc của chúng ta. Nhất là học sinh về việc học hành.

Về sức khoẻ thì mỗi ngày mất 8-10 tiếng trên điện thoại sẽ làm chúng ta bất bình thường, cũng như chơi game điện tử,.. các hoạt động này đưa đến đau cổ, đau lưng,...


Quan trọng nhất là mất ngủ. Đồng chí gái có vấn đề khó ngủ, cứ lướt mạng trước khi đi ngủ nhưng không bao giờ nghe lời chồng. Mình thì tập xong, ngồi thiền một tí rồi ngủ tới sáng. Khỏe ru.

Điện thoại bên thoại bên Úc Đại Lợi đều phải ghi cho người tiêu dùng biết là các làn sóng từ trường,  phóng xạ “có thể” làm họ bị ung thư. 1/2 ong ở Hoa Kỳ chết vì các cột điện phát sóng tưng tự 1/3 chim ở Hoa Kỳ cũng chết hay biến đi đâu nhưng các công ty điện thoại không cần phải cảnh báo cho khách tiêu dùng. Mình phải mua cái đò bọc điện thoại để tránh bớt phóng xạ. Chán Mớ Đời 

Mình cài hệ thống là không nhận điện thoại sau 7 giờ tối. Chuyện quan trọng của thiên hạ chưa chắc là chuyện quan trọng của mình. Làm nghề cho thuê nhà, mình quen rồi. Cái gì hơi lộn xộn là họ gọi mình dù 12 giờ đêm nên không bao giờ bắt máy. Sáng ra gọi họ lại thì mọi việc đã yên ổn.

Dạo này mình tìm cách bớt lên mạng, bớt tò mò, xem có ai đọc bài của mình. Sáng ra, tải một bài lên rồi chiều xét lại. Xong om

Mình xoá khá nhiều mấy cái App có chức năng mà mình ít khi dùng. Thêm nữa, dạo này là mùa Bơ nên phải lên vườn, hái bơ cho thiên hạ đến lấy. Lên xe, mình cũng không mở các chương trình hội thoại hay radio thì thấy đầu óc thoải mái hơn, không cố gắng tìm hiểu môn này, môn nọ.

Có lẻ làm vườn, thiên nhiên đã giúp mình trở lại bình thường?

Khi nào cảm thấy trống vắng thì mình tập thở. Khi tập thở thì đầu óc bổng nhiên an vui. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nàng! 1 sản phẩm của tình yêu


Tuần này, trên Facebook của NAM ROM, có tải 1 phim Việt, được xem là phim cuối cùng thực hiện của Việt Nam Cộng Hoà trước khi Việt Cộng vào, được quay năm 1974. Phim này do con trai ông Thái Đức Nhã làm đạo diễn, đến 45 năm sau mới được trình chiếu trên YouTube dưới tên “Tuổi Dại” ( Green Age). Xem link

https://youtu.be/dHwABXu4kuY

Có ca sĩ Thanh Mai đóng vai phụ, khuôn mặt rất dễ thương tương tự mụ vợ mình. Xin phép được ca tụng đồng chí gái 1 tí.

Xem hình xưa thì đồng chí gái giống ca sĩ Thanh Mai nhưng sau 30 năm lãnh đạo, đối chọi với mình thì như Francis Cabrel hát “Elle a dû faire toutes les gueres pour être te-tua .. »

Khi còn sống bà Thái Đức Nhã quen với bà cụ mình. Hình như có biệt thự ở đường Pasteur, cạnh nhà nghỉ mát của gia đình dì của đồng chí gái. Có lần sang Hoa Kỳ chơi, bà cụ mình nói chuyện với bà dì vợ thì được biết là hai nhà cạnh nhau. Họ biết nhau ở Sàigòn. Về Đàlạt mẹ mình có kể chuyện với bà Nhã. 

Phim này được quay bằng phim màu. Trước 75, ít khi có phim Việt được quay bằng phim màu, toàn là đen trắng. Hình như mình có xem phim Chân Trời Tím, Người Tình Không Chân Dung là phim màu. Thấy cũng vui vì được nhìn lại những hình ảnh của Sàigòn xưa, thời trang của giới trẻ, tóc dài đủ trò. Cốt truyện thì như bao nhiêu chuyện Việt Nam, con gái nhà giàu mê trai nhà nghèo, anh chàng này là dân Đàlạt. Khi xưa mình cũng nghèo nhưng chả cô nào nhà nghèo để ý cả. Chán Mớ Đời 

Người Việt mình thích Nghèo. Hạnh phúc vì nghèo. Người ta phỏng vấn ông nhạc sĩ nào đó, quên tên rồi. Lý do ông làm nhạc về nghèo. Ông ta kể mấy bản nhạc viết về nghèo, lại bán chạy nhất nên phải sản suất theo thị hiếu của thị trường.

Nếu viết về con nhà nghèo lấy con nhà nghèo hay con nhà giàu lấy con nhà giàu, không có câu khách được. Nghe kể có ông ca sĩ nào cứ hát bản nhạc Kiếp Nghèo, mua được mấy căn nhà. Xem báo chí mỹ, hay tây phương, họ cứ kể chuyện nhà giàu hay vua chúa mới bán chạy. Người tây phương thích làm giàu nên học cách làm giàu, chạy theo người giàu có để học nghề, còn người Việt thì thích nghèo, ngâm nga kiếp nghèo.

Rồi lại chửi bới người yêu phụ tình, đi lấy chồng. Anh nghèo, lười, không chịu làm việc, cứ tối ngày say sưa, lại bảo tôi về làm vợ, nuôi anh thì khốn nạn cho cuộc đời tôi. “Cứ rên rỉ, người ta lại bỏ con rồi Chúa ơi. Chán Mớ Đời “

 Có mấy cảnh quay tại Sân Cù Đàlạt và những thác nước như Pongour hay Gougat mà mình chưa bao giờ viếng khi xưa vì an ninh. Nhìn lại khi xưa không có dịp đi chơi với cô nào ở Đàlạt trên sân cù, thác nước ,... Buồn!

Cốt truyện là một cuộc tình tay ba, có anh chàng con nhà giàu, chả thấy học hành gì cả, không đi lính, cứ lái xe đi tán gái và hát hò ban nhạc. Thời đó, con trai mà không học đại học thì phải đi quân dịch, ai muốn miễn dịch thì phải học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm. Chỉ có con mấy ông lớn mới có tiền chạy chọt để miễn dịch. 

Còn một ông thần là sinh viên Phú Thọ, con công chức, không giàu, lại là bạn thân của con trai nhà giàu từ thời mẫu giáo, thấy có vẻ gượng gạo ra sao. Khi xưa mình đi học, mấy tên học chung thuộc giai cấp giàu, không bao giờ chơi với mình. Đến nhà thằng nào, là đứng ở ngoài chơi, đâu có cho vô nhà, sợ chôm chỉa. Đây lại nói con gái nhà giàu mê con nhà nghèo. Chán Mớ Đời 

Nói đến Chân Trời Tím, nghe kể là sau 1975, Việt Cộng để tấm ảnh của tài tử Kim Vui bận bikini trong viện bảo tàng Tội Ác Mỹ-Nguỵ. Nay cảnh nóng trong phim Việt Nam quá nhiều. Phải mất 45 năm để Hà Nội mới qua mặt Sàigòn.

Nghe nói , Việt Cộng để tấm ảnh của nữa tài tử Kim Vui trong viện bảo tàng tối ác mỹ-ngụy . Ai biết tấm ảnh nào thì cho mình hay. Mình mò tấm ảnh này trên mạng.

Phim vừa hết thì YouTube chuyển qua phim “Nàng” khiến mình thất kinh vì có xem phim này với học sinh trường Văn Học và Văn Khoa khi xưa tại rạp xi-nê Hoà BÌnh năm 11 B. Dạo ấy, cứ cuối tháng, là học sinh hai trường được xem xi-nê miễn phí tại rạp xi-nê Hoà BÌnh của ông bà chủ tiệm Chic Shanghai từ 10 giờ đến 12:00. Học tiết đầu xong, ra chơi là cả đám cuốc bộ hay đi xe gắn máy lên đường Duy Tân. Vui nức nở. Cái thú đi xi-nê miễn phí và cùng cả trường, khá vui, nhiều kỷ-niệm. Vào rạp thì la ó, chọc ghẹo mấy cô, trong khi thầy CBA cứ đi vòng vòng.

Hình này mình xem ở bên tây, khi báo chí tây chụp ảnh ngày Việt Cộng vào Sàigòn. Khiến mình thất kinh.

Thằng nào có đối tượng thì cứ chu mõ rống để đối tượng nghe giọng vịt lộn của hắn. Đâu phải chỉ có một tên, toàn là gà trống gáy như cái chuồng gà loạn cào cào lên. Chỉ đến khi tắt đèn thì mới ngưng, lẻ tẻ vài câu của mấy tên còn ghiền gáy trong rạp.

Đồng chí gái xem, kêu 50 năm về trước mà cốt truyện khá hơn xi-nê Việt Nam ngày nay. Tuần rồi đồng chí gái xem phim “Bụi Đời” của Việt Nam ngày nay thực hiện. Chán như con gián. Đồng chí gái xem còn mình thì ngủ để ngày mai lên vườn.

Phim Nàng được quay theo một cuốn tiểu thuyết, khuôn mặt của Thẩm Thuý Hằng quá đẹp nhưng không hiểu sao bà ấy vẫn muốn thăm viếng các ông bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Mình không nhớ cốt truyện vì đã xem lâu quá. Chỉ nhớ mặt của tài tử Thẩm Thuý Hằng quá đẹp rồi có cảnh kép độc cải lương Việt-Hùng, ôm hay hiếp dâm cô nào làm việc trong nhà ông ta. Mình chỉ định hướng những cảnh ấn tượng không à.

Hình như phim này được giải xi-nê Á Châu chi đó, cho thấy trình độ điện ảnh Việt Nam khi xưa cao hơn các nước khác trong vùng. Sau này điện-ảnh Đài Loan, có một thế hệ đạo diễn trẻ, bắt chước nhóm đạo diễn Ý Đại Lợi, làm phim loại “tân-hiện-thực” khá nổi tiếng. Mình rất mê nhóm này, xem gần như toàn tập phim của họ vì có chút gì tương tự Việt Nam.

Mỗi tháng học sinh Văn Học và Văn Khoa được xem xi-nê miễn phí nên tháng đó không tốn tiền đi coi xi-nê tại rạp Hoà Bình.


Hình này cho thấy rạp đang chiếu phim Mãnh Lực Đồng Tiền cũng do đạo diễn Lê MỘng Hoàng thực hiện sau khi quay phim Nàng. Phim Nàng được coi năm 1972, chắc Mãnh lực Đồng Tiền năm 1973 hay 1974. Ông đạo diễn này, du học bên pháp, rồi học thêm về xi-nê cùng thời với ông Hoàng Anh Tuấn, Vĩnh Noãn,... mình không có coi phim này, nghe nói có Hùng Cường và Mai Lệ Huyền đóng. Mình mê xem phim ngoại quốc hơn phim việt.

Xem phim ngoại quốc, thấy hình ảnh tuyết rơi, cảnh đẹp nên giúp cánh buồm tuổi thơ của mình bay bổng ra khơi, còn phim Việt Nam thì cứ thấy nghèo với những giấc mơ Phù Đổng. Đậu được cái bằng là có con nhà giàu đem tới gả như các tuồng cải lương hồ quảng.

Phim Việt Nam khi xưa, mình thấy phim “chúng tôi muốn sống” của ông Vĩnh Noãn quá hay, so với thời đại ấy. Ông này là anh của bà chị dâu họ của đồng chí gái nhưng mình không có dịp gặp, chỉ đi đám tang khi ông qua đời. Không hiểu sao, bộ chiêu hồi không tiếp tục làm những phim tương tự để chống cộng.

Khi họ xây xong chợ Mới thì chợ Cũ (rạp Xi-nê Hoà Bình) được làm lại. Có rạp xi-nê phía trong còn xung quanh thì các tiệm bán hàng. Mình có thấy bản vẽ của rạp xi nê và trên lầu với thương xá xung quanh rạp xi-nê nhưng cuối cùng chắc tốn kém hay không ai chịu đầu tư nên chỉ làm một tầng. Để hôm nào mình tải hình ảnh khu Hoà Bình từ thời thành lập đến nay. Bản vẽ cho thấy khu thương xá có đến 4 tầng.


Thường thường trước khi vào phim chính, họ hay chiếu mấy tấm quảng cáo các thương hiệu tại Đàlạt, rồi các phim dạo, các phim sắp sữa được chiếu trong nay mai. Mình không nhớ hôm ấy, chiếu phim gì nhưng lúc chiếu thử thì cách quảng cáo của phim Nàng rất ư là ấn tượng khiến mình nhớ đến ngày nay. 

“Nàng! Một sản phẩm của tình yêu” rồi chiếu cảnh Thẩm Thuý Hằng trong vai Vân, một cô gái mồ côi từ nhỏ,...có La Thoại tân, Trần Quang,... lâu quá không nhớ hết. Cũng tại rạp Hoà Bình, bà dì mình có dẫn đi xem phim “Chiều Kỷ-niệm” cũng do Thẩm Thuý Hằng đóng vai chính. Mình không nhớ cốt truyện, chỉ nhớ TTH lái xe décapotable chạy ngang, làm bắn bùn lên người ông hoạ sĩ Thanh Tú đang đứng vẽ bên đường. Phim Việt Nam hay có diễn viên cải lương đóng như Thanh Tú, Việt hÙng, Hùng Cường, chắc để câu khách cải lương. Bình dân hơn, dễ kiếm tiền. Phim như Người Tình Không Chân Dung của đạo diễn Hoàng Vĩnh lộc rất hay vào thời ấy thì thiên hạ không hiểu.

Mình có tật là có gì ấn tượng thì mình hay lập lại. Qua hôm sau vào lớp, trong lúc đợi thầy vào lớp thì mình kêu “nàng ! 1 sản phẩm của tình yêu” khiến đám học chung cười rồi từ từ cả đám trong lớp bắt chước, kêu “nàng! 1 sản phẩm của tình yêu”. Lâu lâu thầy đang viết trên bảng thì ở dưới có tên nào rống lên “nàng! 1 sản phẩm của tình yêu” khiến thầy quay lại ngơ ngác như bò đội nón.

Dạo về Đàlạt, gặp lại bạn học cũ thì Ca sĩ Ngân Hàng kêu hắn nhớ mình nhờ câu “Nhà nó nghèo” mà mình là tên đầu tiên phát biểu trong lớp. Hôm ấy vào giờ thầy Nguyên, dạy Hình Học. Thầy kêu Trần Thiện Tân lên bảng để khảo bài. Anh chàng này hơn mình 3 tuổi mà lại khai trụt tuổi sinh năm 1959 như tính trước anh ta sẽ thi rớt tú tài 5 lần. Nhà ở Tùng Nghĩa, ông bố có tiệm thuốc Tây, khá giàu. Khi mình mượn xe ông cụ chở cả đám xuống Tùng Nghĩa đi quyên tiền cho đồng bào bão lụt miền trung thì bị hư xe. Bố của Tân, lo hết vụ này mới lái xe về Đàlạt được. Cuối năm 12B, anh chàng này thi rớt tú-tài rồi chạy về Sàigòn, học lại. Từ đó, không gặp lại.

Thầy Nguyên hỏi anh ta gì mà anh ta trả lời không được. Thầy Nguyên hỏi “Tại sao em không hiểu?” anh chàng Tân đứng đực như bò đội nón. Mình bổng nhiên kêu “Nhà nó nghèo thầy” khiến thầy Nguyên bật cười khiến cả lớp rống theo. Từ đó trong lớp, thầy giáo hỏi, ai trả lời không được là cứ kêu tại nhà nó nghèo. Câu nhà nó nghèo đi theo mình đến nay.

Ngày nay thì mình kêu “Bơ! 1 sản phẩm của tình yêu” Chán Mớ Đời 

Anh chàng mua bơ, đến với chiếc xe cũ, làm nhớ khi xưa ông cụ mình cũng có chiếc công xa này. Hôm nay, bán được nữa tấn. Hai cha con hái mất 4 tiếng đồng hồ.

Nguyễn Hoàng Sơn