Tâm công thời A còng

 Hồi nhỏ, nghe radio, thấy mấy tấm biểu ngữ treo ở khu phố Hoà Bình: ‘Đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản đã và đang làm”. Không biết ông thần nào đã viết diễn văn cho ông Thiệu, để  câu nói này đi vào lịch sử, được xác định rõ ràng sau 1975 đến ngày nay. Trước 75, thiên hạ ở Đàlạt có người tin vào thiên đường mù, tiếp tế cho Việt Cộng để rồi sau 75 bị đánh tư sản tương tự bà nguyễn Thị NĂm, nuôi ông Hồ và các đồng chí trong thời tiêu thổ kháng chiến để được lên án tử hình.

Nhớ dạo sinh sống tại Nữu Ước, lâu lâu đọc tin nghệ thuật, thấy có các chương trình do các đoàn văn công được Hà Nội gửi sang để tuyên truyền, đánh vào mặt trận văn hoá và chính trị mà họ rất giỏi sử dụng trong thời gian đánh nhau với Hoa Kỳ và đồng minh tại Việt Nam. Mình có đi xem vì tò mò, và muốn học hỏi thêm về văn hoá nghệ thuật Việt Nam.

Hồi nhỏ mình theo học chương trình pháp nên văn hoá Việt mình dốt, chỉ xem cải lương vài lần ở rạp Ngọc Hiệp. Nhà không có truyền hình nên không biết gì cả về ca hát, kịch,…. Chỉ có lần mình được mời đi dự buổi trình diễn của đoàn văn nghệ Tiên Rồng từ Sàigòn lên do thầy Chử Bá Anh mời lên. Đó là lần đầu tiên mình được xem về kịch múa, hát dân ca của Việt Nam qua mục trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy. Nhất là hoạt cảnh “em đi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp khiến mình nhớ đến ngày nay. Sau này, về Hà Nội mình có được nghe ông Trung Đức hát nhạc của ông ta sáng tác khác với bài của ông Trần Văn Khê sáng tác.

Sau này, qua Cali mình có học đàn tranh với cô Mình Đức Hoài Trinh đến khi lên xe bông về nhà vợ. Cô Mình Đức kêu vậy là mất một thằng học trò. Chán Mớ Đời 

Sau này có con, mình cho con học đàn tranh và đàn bầu. Khi viết tiểu luận để nộp đơn vào đại học, thằng con viết về cái đàn bầu. Nó kể là khi nghe tiếng đàn bầu lần đầu tiên, nó thấy có cái gì quen thuộc. Cứ tập hoài đến một ngày nào đó nó đánh trúng nốt nhạc vang lên từ tâm khảm. Nó chợt nhận ra nó là người Việt Nam.

Trở lại các đoàn văn công của Hà Nội trình diễn, mình thấy đa số khán giả là các sinh viên trẻ ở New York. Hỏi chuyện thì mấy em nói là lần đầu tiên mới biết Việt Nam có văn hoá khác thay vì chỉ nghe đến chiến tranh. Nay Hà Nội đem đội múa rối nước qua đây với tiếng đàn cổ truyền thì ngay chính mình còn ưa thích và hãnh diện huống chi các sinh viên trẻ đang tìm về nguồn, tìm hiểu về bản thể của người Việt. 

Lúc đó mình mới giác ngộ về chương trình tâm công của Hà Nội. Họ nhắm vào các sinh viên, thế hệ trẻ, bơ vơ trước văn hoá của nước sở tại, không có văn hoá Việt Nam để làm hành trang, khỏi tủi nhục khi thầy giáo hay người Mỹ kêu cha ông các em là những người thất trận. người Mỹ thích thể thao, văn hoá chỉ ưa chuộng các anh hùng, những người vô địch, thắng cuộc.

Có mấy người bạn rủ nhau tìm những những người Mỹ gốc việt, có chút uy tín để mời họ đến các đại học thuyết trình về văn hoá việt. Nhóm có mời giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đến biểu diễn đàn tranh, tiến sĩ Nguyễn Quỳnh nói chuyện về nghệ thuật, hoạ sĩ người Việt đầu tiên được người Mỹ mua tranh để tặng cho viện bảo tàng Gugghenheim tại New York về tranh họa của Việt Nam, bác Huỳnh Sanh Thông, khôi nguyên của giải MacArthur,  về truyện Kiều,…

Các buổi triển lãm , nói chuyện này giúp các sinh viên có chút hành trang về văn hoá Việt để tự hào thay vì cứ nghe bố mẹ nói về Việt Cộng. Cứ kêu Việt Cộng tàn ác nhưng không giải thích cho chúng hiểu nguyên cơ, lý do họ bỏ nước ra đi, trong khi truyền thông Hoa Kỳ cứ đổ tội cho Việt Nam Cộng Hoà để chạy tội. Họ cho rằng lính Việt Nam Cộng Hoà rất nhát, không dám đánh, sao họ không tung hình ảnh AN Lộc Bình LOng, Quảng Trị mùa hè đỏ lửa. Con cháu chúng ta sống ở hải ngoại, được giáo dục, đào tạo theo chủ nghĩa duy lý nên chúng cần được giải thích chớ không thể áp đặt. 

Một đáp án phải được diễn giải từ a đến z, chớ không thể nào, đưa bài mẫu cho con cháu chúng ta chép như ở Việt Nam.

Có lần, sinh viên trong trường đại học có tổ chức một buổi hội thảo về chiến tranh Việt Nam. Ban tổ chức mời phía cộng đồng tỵ nạn và mời thêm phái thiên tả để tranh luận về đề tài hôm ấy. Trong một chế độ tự do, người ta thường công bằng, lúc nào cũng cho hai tiếng nói khác biệt để nói lên sự suy nghĩ, lập trường của họ. Trên đài truyền hình, lúc nào người điều khiển chương trình đều mời hai người của hai phe đấu khẩu, phê bình về một đề tài gì đó.

 Cộng đồng người Việt tỵ nạn lúc đầu nhận lời, tranh nhau để cử ai đại diện. Người muốn đại diện thì lại không rành anh ngữ nên cuối cùng rút lui, để che dấu, kêu không nói chuyện với Việt Cộng, phản chiến. Các sinh viên nói sẵn sàng làm thông dịch viên nhưng họ kêu tụi con không biết Việt Cộng chúng lưu manh lắm. Thế hệ đã đánh nhau với Việt Cộng thì chỉ quen bắn súng thay vì đối thoại, tranh luận để cho khán giả Mỹ ủng hộ mình trên mặt trận chính trị. Việt Cộng thì rất nhiều kinh nghiệm về “tâm công”.

Giữ người Việt tỵ nạn với nhau thì chúng ta không cần bàn cãi về Việt Cộng vì ai cũng là nạn nhân. Cần nhất là giải thích, tâm công vào những gồm không biết gì về Việt Cộng, chỉ nghe truyền thông, do Ngủ giác đài và toà Bạch Cũng đưa chỉ thị, đổ tội thua chiến tranh Việt Nam vì người Việt miền Nam không chịu đánh nhau. Chúng ta cần giải độc truyền thông ngoại quốc.

Đến ngày hội thảo thì mấy ông rút lui khỏi cuộc tranh luận lại dẫn nhau đến biểu tình trước trường. Sinh viên không hiểu được. Tại sao ban tổ chức cho chúng ta diễn đàn để nói về cuộc tranh đấu của người Việt tự do, lại từ chối, nhưng lại kéo nhau đứng biểu tình. Cứ la đả đảo cộng sản rồi dắt tay nhau ra về say men trong chiến thắng. Làm như vậy càng khiến người Mỹ chán ghét thêm và tin tưởng vào truyền thông nhất là thế hệ con cháu chúng ta lại tin vào những gì chúng đọc hay nghe. Chúng sẽ mua hay xem PBS về chiến tranh Việt Nam. Mình có chị bạn bác sĩ, cứ ca tụng bộ phim này, mình phải ra sức giải thích mệt thở.

Trong thời gian đánh nhau với mỹ, Hà Nội nghiên cứu rất kỷ về cách dụng Tâm Công của Nguyễn Trãi, như chế ra huyền thoại con rùa dâng gươm ở hồ Gươm,… mình có xem cuốn phim tài liệu của người Anh Quốc, nói về Hà Nội nghiên cứu về cách đánh du kích của Trần Hưng Đạo,…sử dụng những khí cụ của thời đó rồi chế biến theo thời nay.

Điển hình vụ Mậu Thân, theo thông tin của Hà Nội, phía họ chết trên 300,000 người nhưng họ lại chiến thắng trên mặt trận chính trị. USAID cho học bổng các sinh viên miền nam sang Hoa Kỳ học tập. Vấn đề là nhóm phản chiến Mỹ, cho người sang Việt Nam, lựa chọn các thành phần sinh viên có thân thích chống đối Sàigòn, như con bà Ngô Bá Thành, Nguyễn Thái Bình,..

Các vụ chôn sống tập thể tại HUế, không ai nhắc đến khiến năm 1972, khi Việt Cộng tràn qua sông Bến hải, dân ở Quảng Trị bỏ chạy trong khi Việt Cộng pháo kích vào đám dân chạy loạn. Không thấy giới truyền thông ngoại quốc nói đến vì không bán được quảng cáo. Truyền thông cần tin giật gân để bán quảng cáo.

Mấy người này sang Hoa Kỳ học, được các nhóm phản chiến dẫn đi nói chuyện trong đại học hay đâu đó. Mình có đọc cuốn sách nói về vấn đề này của người Mỹ khi mới sang Hoa Kỳ, dọn nhà không mang theo.

Bên âu châu có nhóm Việt kiều Yêu Nước, trợ giúp Hà Nội rất đắc lực. Đa số các Việt kiều yêu nước này là sinh viên hay di dân đã sang âu châu khá lâu từ thời tây. Dạo ấy, ông Hoàng đức Nhã của bộ Dân vận, tổ chức các chuyến về thăm Việt Nam để giải độc chính trị cho người Việt ở hải ngoại. Mình nhớ đại học Đàlạt có tổ chức một buổi hội thảo với sinh viên từ âu châu về, hình như có chủ tịch sinh viên Paris Trần Văn Bá, có ông bố bị Việt Cộng sát hại.

Mình có ông cậu bà con đi tây lúc 15 tuổi, bị ảnh hưởng của xã hội phá thời ấy, vào Đảng cộng sản Pháp, chống lại Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1973, cậu ấy về với gia đình, vui vẻ. Đến năm 1977 được mời về thăm nhà thì cậu thất kinh vì chỉ có cách nhau 4 năm trời mà Đàlạt thay đổi quá mau. Cậu kêu năm 1973, cậu về ở nhà cậu, đi chơi đủ trò nay về thì công an hàng ngày bò đến nhà, đi đâu cũng không được, phải xin phép bú xua la mua.

Nói về người Âu châu nhìn về chiến tranh Việt Nam, họ không ưa mỹ dù biết bao nhiêu binh sĩ Hoa Kỳ đã gục ngã trên chiến trường khi đổ bộ lên xứ họ để “giải phóng” khỏi ách đô hộ của đức quốc xã. Dạo mình sang Pháp thì 25% cử tri pháp bầu cho đảng cộng sản cho nên họ rất mạnh. Thông thường người ta ủng hộ kẻ yếu hơn như câu chuyện trong thánh kinh David và Goliah. Người âu châu có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, lại muốn giúp Hà Nội chống trả Hoa Kỳ.

Khi mình sang Pháp, mỗi lần nói chuyện với tây đầm về Việt Nam là muốn đánh lộn vì chúng cứ chửi mình là đày tớ của tư bản. Mình kể về Mậu Thân, Quảng Trị năm 72, dân nghe đến Việt Cộng là bỏ chạy, không muốn bị chôn sống như ở Huế nữa thì bị Việt Cộng pháo kích trên đại lộ kinh hoàng.

Thường dân bỏ chạy khi Việt Cộng tấn công Quảng Trị, lại bị Việt Cộng pháo kích trên đại lộ Kinh Hoàng

 Ở Ý Đại Lợi, thì mình chới với hơn vì 30% là đảng cộng sản thêm 25% theo đảng xã hội. Do đó khi ông Aldo Moro, muốn bắt tay với đảng cộng sản để thành lập chính phủ thì CIA cho người bắt cóc và cuối cùng giết luôn để cảnh báo các đảng phái tại âu châu đừng có đi quá đà. Thanh niên âu châu ra đường là bận áo có hình Che Guevara, hình tượng kháng chiến chống chủ nghĩa tư bản.

Ngày nay, người Việt sinh sống tại hải ngoại, đều bị ảnh hưởng sinh hoạt chính trị của nước mình định cư. Điển hình vụ bầu cử vừa qua, có nhóm ủng hộ ông Trump và nhóm chống ông Trump. Do đó nhóm người Việt sinh sống tại hải ngoài trước 75, đều bị ảnh hưởng của chính trị dạo ấy tại nước sở tại. Người chống Việt Cộng, người chống miền nam như dạo mình ở Âu châu, do đó chửi nhóm Việt kiều yêu nước cũng hơi oan cho họ. Họ bị ảnh hưởng của truyền thông, các đảng chính trị, Liên Xô,… khi xưa mình ghét nhóm Việt kiều yêu nước lắm nhưng dần dần sống lâu năm tại hải ngoại mới hiểu được lý do họ chống miền nam dù được đào tạo bởi miền nam, mang sổ thông hành miền nam. Họ bị tâm công bởi Hà Nội như con cháu chúng ta ngày nay.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên được truyền hình trên toàn thế giới. Các cuộc tấn công của Việt Cộng như Mậu Thân đã khiến khán giả truyền hình lo ngại thêm phong trào phản chiến đã giúp dư luận mỹ và tây phương lên án quân đội Hoa Kỳ.

Cứ thấy hình ảnh bỏ bom trên chiến trường Việt Nam, nghe nói còn nhiều hơn là khi không quân đồng minh thả trên chiến trường âu châu trong đại chiến thế 2. Sức bom đạn cày phá trên quê hương cha ông khiến các người Việt tại Âu châu, thêm tình hình chính trị tại các nước sở tại khiến họ đứng về phía Hà Nội.


Sau khi Hà Nội chiếm đóng Sàigòn khiến đa số người tây phương reo mừng như thời Fidel Castro, chiếm đóng Cuba, đánh bại chế độ Batista do mỹ hổ trợ. Từ từ cuốn sách nhất là cuốn phim “Killing Fields” kể về cuộc đời của ông Dith Pran được ra mắt tại Hoa Kỳ và các chiếc thuyền mong manh, vượt trùng khơi để tìm tự do từ Việt Nam khiến người tây phương ngạc nhiên và suy nghĩ lại sự ủng hộ của Hà Nội trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Nhiều giới nghệ sĩ, trí thức của mỹ, âu châu như Joan Baez đã lên tiếng xin lỗi, ông Olivier Todd đã thay đổi tư duy của mình và quay lại chống Hà Nội. Ông ta có ra một cuốn sách “cruel Avril” thì phải. Mình thấy ông ta sát cánh bên anh của ông Trần Văn Bá, biểu tình đủ trò. Cộng đồng tỵ nạn có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình, trình bày sự thật về Hà Nội. 2 triệu người bị giam trong trại cải tạo như ông Phạm Văn Đồng tuyên bố khi thăm viếng âu châu để xin viện trợ.

Lần đầu tiên sang Hoa Kỳ viếng thăm, mình có ghé M.I.T. Để thăm anh bạn học cũ khi xưa. Anh ta chia sẻ làm luận án tiến sĩ hơi bị chậm vì tố chất Việt. Người Việt mình quen sử dụng cảm tính và trực giác nên gặp vấn đề khi làm luận án. Anh ta giải thích có một vấn đề thì nhận thấy ngay vì trực giác nhưng ông thầy kêu không. Phải giải thích từ A đến Z, để chứng minh trực giác của mình có đúng hay không.

Trở lại vụ cộng đồng người Việt được mời nói chuyện nhưng từ chối cho thấy chúng ta chưa hiểu cách chơi dân chủ dù hô hào tự do dân chủ. Trong cuộc tranh luận, khán giả có 3 loại: loại #1 luôn luôn ủng hộ mình, loại #2 luôn luôn ghét mình, tìm mọi cách để đả phá, và loại #3, là người trung lập. Do đó chúng ta chỉ cần giải thích để loại người thứ 3 ủng hộ lập trường của mình. Khi đối thoại với người cộng sản, họ cứ chửi chúng ta, cho nên cách tốt nhất là để khán giả người Mỹ nhận ra ai đúng ai sai để họ ủng hộ.

Khi chúng ta nói chuyện, tranh luận, thường dựa theo cảm tính. Thấy Việt Cộng cứ trơ tráo nên bực tức chửi bới do đó sẽ mất cảm tình với người xem. Chúng ta bị cảm tính quá mạnh, cần bình tỉnh để tìm cách trả lời. Mình bị lâm vào trường hợp này rất nhiều lúc đầu tranh luận với mấy giáo sư thiên tả của đại học NYU. Họ cứ khen Việt Cộng đủ trò khiến mình tức giận, nói to. Sau này rút kinh nghiệm, mình đọc thêm sách về tranh luận nên cứ từ tốn, ghi lại nhưng gì họ nói rồi phản công, giải thích, đưa ra chứng cớ để bẻ lại lập luận của họ.

Sau này, có con, hè mình đều cho chúng theo học các lớp về tranh luận, luyện tập kỹ năng chớ toán lý hoá thì dẹp. Mất thì giờ. Ông Nguyễn Ngọc Phách, bên Úc Đại LỢi có dịch qua Anh ngữ cuốn “Tổ Quốc Ăn Năn” của ông Nguyễn Gia Kiểng nên mình mua để cho thằng con đọc, giúp hiểu rỏ hơn về lịch sử cận đại Việt Nam. Nó hỏi mình NGuyễn Hoàng, có phải dòng của Chúa Nguyễn Hoàng, mình cứ ừ đại khiến nó tin tưởng là thuộc con dòng cháu giống của Chúa NGuyễn bỏ bắc vào Nam lập nghiệp.

Muốn con cháu hiểu lý do cha ông của chúng bỏ nước ra đi, chúng ta cần giải thích từ A đến Z về cuộc chiến Việt Nam. Không thể nào cứ kêu Việt Cộng tàn ác. Đối với chúng ta đã từng sống tại Việt Nam, từng chứng kiến Mậu Thân, Đại Lộ Kinh Hoàng thì không cần nói. Quan trọng là giới con cháu mình không dính dáng đến cuộc chiến và người Mỹ trẻ.

Có lần trong một cuộc nói chuyện về chiến tranh do sinh viên Princeton tổ chức. Có một cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ tham dự. Cuộc nói chuyện diễn ra tốt đẹp, đến phần câu hỏi thì có một sinh viên hỏi vị đại sứ tại Hoa Kỳ, cháu không nghe bác nhắc đến cụm từ “lobby”. Nam Hàn muốn mỹ viện trợ kỹ thuật tiền bạc, họ đều bỏ tiền ra để lobby các đại biểu quốc hội Hoa Kỳ. Theo như mình biết thì Hà Nội ngày nay cũng thuê các văn phòng đại diện để lobby các đại biểu quốc hội.

Đại Lộ Kinh Hoàng bị Việt Cộng pháo kích để giết những người không chào đón họ khi chiếm đóng Quảng Trị tạm thời. Sau này mình đọc tài liệu của Việt Cộng thì Việt Nam Cộng Hoà có tái chiếm lại Cổ Thành nhưng có một khu vực thuộc Quảng Trị vẫn chưa chiếm lại, vẫn do Việt Cộng chiếm đóng.

Trong khi đó cộng đồng mình có người đặc cử vào các thành phố,..chức còn nhỏ, là đã có người ganh tị, thuê người để xin chữ ký bãi nhiệm họ, chưng tỏ họ không có viễn kiến chính trị cho cộng đồng. Có thể đó là những người được Hà Nội hổ trợ. Thay vì đoàn kết, ủng hộ một ứng cử viên, chúng ta có cả chục ứng cử viên khiến người Mỹ trắng vớt hết phiếu. Chán Mớ Đời 

Chúng ta hô hào tự do dân chủ nhưng chúng ta vẫn còn sinh hoạt như tại Việt Nam xưa kia. Chúng ta không có khả năng để tranh luận, giải thích cho con cháu hiểu lý do bỏ nước ra đi. Mình rất tôn trọng lá cờ Việt Nam Cộng Hoà, khi chào cờ ở đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh Việt-Mỹ, mình đều thấy cay cay nhưng khi chúng ta đi biểu tình thì theo mình tuyệt nhiên không nên đem cờ Việt Nam Cộng Hoà theo.

Lý do như mình trình bày trên, chúng ta là công dân mỹ thì cứ vác cờ Hoa Kỳ ra đứng đầy đường. Truyền thông của Mỹ, chạy săn tin hay ai đó quay video bỏ lên mạng vì họ thấy nhiều lá cờ mỹ, nên tò mò, đến hỏi chuyện thì chúng ta mới có cơ hội giải thích. Cho người đại diện biết sử dụng anh ngữ khá để nói chuyện, người Mỹ gọi là xướng ngôn viên của nhóm, hội đoàn. Khi người Mỹ thấy cờ Việt Nam Cộng Hoà thì họ bỏ đi, nhiều khi bực mình vì bị kẹt xe đủ trò. Cứ đêm cờ mỹ ra thì sẽ thu hút đám đông người Mỹ, để có cơ hội giải thích vì sao bỏ nước ra đi. Ngay chính con chúng ta cũng sẽ tò mò. Đâu phải bận áo dài cò Việt Nam là yêu nước. Phải suy nghĩ, có chiến lược như Hà Nội thì hoạ may mới giả độc được chiến tranh Việt Nam, đem lại sự thật đã bị méo mó từ 50 năm qua.

Có lẻ chúng ta cần đọc lại Bình Ngô Đại Cáo như Hà Nội để hiểu thế nào là Tâm Công. Học tập thêm cách sinh hoạt dân chủ tại Hoa Kỳ, thay vì cứ chửi nhau bú xua la mua rồi tự cho mình là Phù Đổng thời A Còng.

Chúng ta không thể nào nói cho người Mỹ là “đừng tin những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản đã và đang làm”. Khi chúng ta buôn bán, mục đích chính là luôn luôn tìm khách hàng mới. Việt Cộng cũng vậy, luôn luôn tìm khách hàng mới là thế hệ con em chúng ta vì họ biết chúng ta đã hiểu rỏ họ rồi, đã bị họ lừa rồi như các Việt kiều Yêu Nước một thời. Chúng ta cần giải thích cho người Mỹ, con cháu vì sao không nên nghe Việt Cộng. Mỗi chúng ta chỉ cần nói chuyện mỗi tuần một lần cho một người Mỹ nghe lý do chúng ta bỏ nước ra đi. Nói sự thật chứ đừng có cương lên nói bậy bạ sẽ làm mất sự tin tưởng.

Người Do Thái đi đâu, ở xứ nào đều có những viện bảo tàng, trung tâm văn hoá nơi họ ở và họ đều trưng bày vụ diệt chủng dân tộc họ trong đệ nhị thế chiến. Đi đâu, báo chí đều đưa ra những hình ảnh HOlocaust. Họ bắn giết người Palestine rồi đưa ra những hình ảnh Holocaust khiến người tây phương ngọng. Họ tâm công nhất là nhắc cho các thế hệ mai sau những gì cha ông của họ đã trải qua.

Người Việt chúng ta cũng nên nhắc đến Boat People để con cháu nhớ lý do tại sao chúng ta bỏ nước ra đi thay vì quên đi. Thậm chí nhiều người cứ tưởng họ là mỹ trắng, lên tiếng chửi rủa người di dân bất hợp pháp. Giáo sư NGuyễn Việt Thành, người đoạt giải Pulitzer về cuốn sách của ông “the Sympathizer”, cho biết ông được đài truyền hình Pháp mời nói chuyện, giới thiệu ông ta là một nhà văn mỹ (American writer) tỏng khi ở Hoa Kỳ, họ gọi ông ta là nhà văn gốc Việt (Vietnamese-American).

Hôm trước nói chuyện với mấy đứa cháu và mấy đứa con, mình nói người mỹ sinh sống tại Hoa Kỳ tước khi Kha Luân Bố tìm đến xứ châu mỹ. Người Mỹ dạy trong sách giáo khoa là Kha Luân Bố tìm ra Châu Mỹ, là sai. Trước đó đã có những nền văn mình cực sáng như Inca, Aztech , bắc mỹ có người da đỏ,…

Người mỹ trắng gọi người đã sinh sống tại Hoa Kỳ tước họ là “Native American”, người da đen là Afro-American , người á châu là Asian-American, tỏng khi họ đến từ Anh Quốc thì cứ gọi là American. Đó là sai. Một cách truyền thông, cho rằng họ là người chính thống của Hoa Kỳ còn chúng ta là người di dân đến.

Bên tây, mình có thằng cháu, cặp bồ với đầm, cứ làm như ông tây con vì học “nos ancêtres sont des gaulois » . Vụ cô-vi xảy , ra đường bị tây con đòi đánh, kêu về tàu đi khiến anh chàng bắt đầu suy nghĩ lại. Lâu lâu họp mặt, có mấy người bạn kể là dạo này họ không dám ra đường ban đêm vì sợ bị mỹ trắng vì báo chí nói đến các vụ hành hung người da vàng. Trước đây thì họ chửi bới người di dân gốc Mễ, đòi đuổi cổ họ về nước,…Chán Mớ Đời 

Chúng ta cần thay đổi cách sinh hoạt chính trị. Khi cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà, hô đả đảo Việt Cộng thì có thằng Tây thằng mỹ nào hiểu, họ có thể nghĩ chắc là nhóm nào tôn giáo vớ vẩn kêu gọi gì đó. Do đó chúng ta đi biểu tình thì mang theo cờ MỸ để gây chú ý cho người Mỹ, truyền thông,.. chúng ta là người Mỹ tranh đấu cho tự do cho Việt Nam,…thì mới lôi kéo người Mỹ theo mình. 

Quan trọng nhất là chúng ta phải đưa các đại biểu gốc việt vào quốc hội tiểu bang và liên bang để bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng và lên tiếng, đưa ra những dự luật để ép Hà Nội, phải nới rộng tự do ngôn luận, nếu không sẽ không mua bán với Hà Nội,… (còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn