Người chồng băng vệ sinh

 Hôm nay, nằm nhà, xem phim trên Netflix. Mò mò thấy một phim Ấn Độ khá lạ tai với tựa đề “Pad man” ( người đàn ông băng vệ sinh) nên nhấn xem. Câu chuyện khá nhân văn, nói đến phong tục từ ngàn xưa ở Ấn Độ về kinh nguyệt phụ nữ. Người phụ nữ ấn tự xem mình là không tinh khiết khi có kinh nguyệt. Có nhiều nơi, họ bắt người con gái, phụ nữ, phải ra ngủ ngoài mái hiên 5 ngày trong thời gian bị kinh nguyệt hành hạ. Mình có xem phim tài liệu bên phi châu, nhiều nơi, họ bắt phụ nữ có kinh Nguyệt ra ngoài đồng ở.

Lạ thật! Đàn ông thích đút “cái mã cha nó vào” như khi thấy huyết thì sợ như té giếng. Biết đâu, họ bựa trò để ngủ với bà 2, khiến bà kia ra đồng ở để khỏi phải căm thù chế độ mới. Ai có tài liệu về mấy vụ này thì cho em xin. Một đề tài nghiên cứu khá hay.

Thử làm tính để xem. 5 ngày một tháng vị chi 60 ngày cho một năm, người phụ nữ chỉ sống có 10 tháng trong một năm thay vì 12 tháng như đàn ông. Sự thiệt hại về kinh tế biết là bao nhất là các nữ sinh, khi bị kinh nguyệt, không được đi học, thua kém bạn bè trai.

Câu chuyện có thật khởi đầu từ năm 1998, khi ông Muruganantham, một thợ rèn, lấy vợ. Ông ta ngạc nhiên khi thấy vợ dùng giẻ cũ khi bị kinh nguyệt hành. Ông chạy đi mua băng vệ sinh cho vợ với giá 55 rubees thì cô vợ không xài, kêu quá đắt tiền.

Viết tới đây mới nhớ đến mẹ mình có 7 cô con gái, nội mẹ mua băng vệ sinh cho cả hộ là cũng nghèo rồi. Mình nghe kể thời Việt Cộng mới vào, mấy cô em mình phải dùng lá chuối khô thì phải để dùng khi có kinh nguyệt. Khi mình còn ở nhà, người lớn cấm mình đi dưới hàng rào phơi quần áo phụ nữ, nghe nói là dơ đủ trò. Nên mỗi lần mình đi phía sau xóm thì họ hay phơi quần đen, mình phải lấy cái cây, khều mấy cái quần đen của mấy bà hàng xóm xuống đất để đi, nên hay bị chửi.

Có lần mình chở bà cụ đi đâu, con gái gọi điện thoại nhờ đi mua băng vệ sinh. Bà cụ nghe và rất ngạc nhiên vì tư duy mình hơi bá đạo, khác với những gì mình được dạy khi xưa. Hồi thằng con học tiểu học, một hôm, mụ vợ nổi điên lên quạt minh một tăng. Thằng con chạy lại an ủi bố kêu mẹ đang có kinh nguyệt nên tính tình bất thường khiến mình thất kinh.

Con nít ở tiểu học đã được học một lớp sinh lý. Bố mẹ phải ký giấy tờ để chúng được cô giáo giảng dạy nên chúng hiểu rỏ hơn nên khi chơi với bạn trai hay gái đều có khái niệm lý do sao phụ nữ khi có kinh là nổi điên, bất thường.

Trở lại vụ ông Ấn Độ, vợ kêu đắt tiền nên không dùng, đem trả lại thì không được. Kêu mấy ông bạn mua lại cho vợ cũng không được nên phải bỏ trong người. Một hôm, một đồng nghiệp bị tai nạn, đứt tay chảy máu, ông ta quýnh lên và nhớ sực đến băng vệ sinh nên lấy ra để băng bó cho đồng nghiệp. Bác sĩ kêu tốt vì nếu dùng loại giẻ dơ thì sẽ bị nhiễm trùng, có thể mất cánh tay. Ông ta hỏi bác sĩ vợ dùng giẻ cũ khi có kinh nguyệt thì sao. Bác sĩ nói có thể bị nhiễm trùng và gây bệnh hoạn.

Từ đó ông ta nảy sinh ý tưởng, làm băng vệ sinh cho vợ nhưng bà vợ không chịu, kêu không nên xía vô chuyện đàn bà. Ông ta đem đưa cho mấy cô sinh viên y khoa, hy vọng họ có học thì sẽ sử dụng . Ai ngờ họ cũng chê và kêu ông ta mất lập trường cách mạng, biến thái. Cuối cùng ông ta thử bỏ trong quần và bơm máu dê vào thì bị ướt cái quần giữa đám đông. Làng xóm chửi quá cỡ. Mấy ông anh vợ, đem xe đến rước vợ của ông ta về. Bà mẹ và hai cô em gái cũng muốn dọn đi vì làng xóm lăng mạ. Cuối cùng ông ta bỏ đi.

Ông ta vẫn giữ ước nguyện làm băng vệ sinh rẻ tiền cho vợ và em gái xài. Ông ta xin vào làm công cho một ông giáo sư đại học để hy vọng tiếp cận ông này sẽ học hỏi thêm. Vấn đề là ông giáo sư ít khi có mặt ở nhà. Con ông giáo sư kêu quên bố tôi đi, muốn học gì thì cứ mở google ra. Thế là ông ta thấy cái máy làm băng vệ sinh. Họ sử dụng cellulose fiber để không thay đổi khi thấm nước như loại ông làm bằng bông Gòn.

Ông gửi mua cellulose fiber về để làm băng vệ sinh nhưng phụ nữ không dám sử dụng. Mỗi lần ông ta đưa cho họ dùng là họ chạy mất dép, kêu ông ta là đồ biến thái, phản động, do thế lực thù địch xúi dục.

Năm 2006, có một sinh viên trường kinh tế, đi taxi với mấy người bạn trong đêm khuya sau một buổi trình diễn nhạc, kiếm tiệm thuốc tây để mua băng vệ sinh nhưng mọi nơi đều đóng cửa. Họ gặp ông thần băng vệ sinh, đứng trước nhà, hỏi vợ ông có băng vệ sinh để mượn. Ông ta rút trong túi ra đưa. Hôm sau, ông đến khu nghỉ dưỡng để hỏi cô sinh viên là mọi việc tốt đẹp. Cô này ngạc nhiên kêu bình thường. Ông ta mừng quá, kêu cảm ơn rối rít rồi kể câu chuyện của ông bị vợ, em gái, mẹ bỏ vì muốn giúp đỡ phụ nữ khi có kinh nguyệt.

Cô này kêu đem máy lên Mumbai để dự thi cuộc đấu xảo về công nghệ mới,  thắng sẽ đoạt giải 200,000 rubees vì ông ta đã nợ đến 90,000 rubees để chế tạo ra cái máy. Ông này đoạt giải nhất và báo chí đăng rùm béng. Làng mạc hàng xóm cũ, kêu về mau. Hãnh diện quá làng ta ơi. Chán Mớ Đời 

Ông ta chế thêm máy để bán cho các phụ nữ, dạy họ cách làm băng vệ sinh, khử trùng rồi để họ đi bán, vừa rẻ vừa giúp mấy bà có công ăn việc làm. Máy tốn đâu $1,500 để chế tạo, và bán băng vệ sinh giá 2 rubees thay vì 10 rubees khiến phụ nữ ấn nghèo không thể mua được.

Được biết là ở Ấn Độ ngày nay chỉ có 18% phụ nữ sử dụng băng vệ sinh. Ông ta đã chế tạo được 4,000 máy này để giúp phụ nữ ấn có công ăn việc làm và sử dụng băng vệ sinh sát trùng, tránh nguy hiểm.

Để phá vỡ các hủ tục về kinh Nguyệt phụ nữ, ông ta chụp hình, đang cầm băng vệ sinh rồi truyền lên mạng, tạo thành một làn sống để phá vỡ một hủ tục từ ngàn xưa, đàn ông không bao giờ được nhắc đến kinh Nguyệt phụ nữ và phụ nữ mang mặc cảm tội lỗi khi có kinh nguyệt.

Ông thần sáng chế ra cái máy sản xuất băng vệ sinh , sát trùng sau khi bị vợ bỏ 8 năm. Ông ta hưởng ứng phong trào nói về kinh nguyệt phụ nữ.

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn