Mình có quen một cô người Việt, muốn theo học ngành truyền thông nhưng bố mẹ bắt đi học nha khoa. Khi mình sang Hoa Kỳ, có một bà gốc đại hàn tên Connie Chung rất nổi tiếng trên truyền hình. Ông Andrew Lâm, con trai của tướng Lâm Quang Thi, cũng cựu hoc sinh Yersin, kể khi bỏ ý định học y khoa khiến bố mẹ không bằng lòng nhưng về sau, thành công trong ngành viết lách, xuất bản nhiều sách bằng anh ngữ. Mình có mua mấy cuốn sách của anh ta.
Có người viết trên mạng, mình đoán là thân với gia đình người quá cố, nói anh ta là cháu ngoại của thượng thư Nguyễn Văn Tường nên mình có chia sẻ trên trang của một anh bạn thì cô bạn đính chính: “Sony NguyenUsa Đức là cháu ngoại của cụ Nguyễn khoa Toàn. Ông Nguyễn văn Tường là ông cố nội của Nguyễn quí Đức”.
Có anh bạn học Đà Lạt khi xưa kể là trong gia phả dòng tộc anh ta, có ghi tên hai người đậu tiến sĩ nhưng không đề tên. Lại dặn con cháu sau này dù gặp trường hợp nào, cũng ráng cho con cháu đi học. Sau 75, anh ta được xem là con gia đình ngụy quân ngụy quyền vì có anh trai lái A-37. Không được Hà Nội cho đi học tiếp đại học, đi làm công nhân ở Sàigòn.
Anh ta có học chung Hội Việt Mỹ với mình khi xưa, kể là sau 75, nghe lén đài BBC và đài VOA để học thêm anh ngữ đến khi Đổi Mới, Hà Nội cần người biết anh ngữ nên được thâu dụng. Nay là đại gia tại Đà Lạt. Khi anh ta về Hà Nội thăm quê nôi thì khám phá ra hai vị tiến sĩ của gia tộc là Ngô Thời Nhiệm và Ngô Thời Sỹ.
Ông Đào Duy Từ, người Thanh Hoá, có bố là nghệ nhân hát xướng. Học giỏi nhưng vì lý lịch “xướng ca vô loại” nên không được đi thi. Khi xưa đi thi, cần được lý trưởng hay ai có chức quyền trong làng phê chuẩn mới được nộp đơn đi thi. Bà mẹ của ông mới thương lượng với Lý trưởng của làng là chịu làm bé để ông ta nhận con trai mình làm con nuôi, để được đi thi. Buồn đời, ông Đào Duy Từ lại trúng tuyển đậu. Bà mẹ trở mặt không chịu làm đám cưới với lý trưởng thế là ông thần này báo cáo gian lận và ông Đào Duy Từ bị lột áo quan, đuổi về quê chăn vịt.
Buồn đời, ông này vượt biên xuống miền Nam, lân la tiếp cận với Chúa Sãi. Ông ta giúp Chúa Sãi có 8 năm trời mà đã giúp CHúa Sãi dựng lên một triều đại gần 400 năm. Ông ta lại là tổ của ngành “Hát Bộ”, xây lũy Thầy, giúp Chúa Sãi bình định miền Nam lâu dài. Có thể nói triều đình Nguyễn tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam như nhà Hán bên tàu. Có lẻ nhờ dòng họ này biết dùng người tài dù có đến từ miền Bắc.
Trong cuốn phim của đạo diễn Trần Văn Thuỷ, có nói đến một anh kia ở nông thôn, học giỏi nhưng không được đi học tiếp đại học, đành ở nhà chăn vịt. Lý do là bị một cán bộ ở quê, phê hạnh kiểm anh ta xấu vì có lần anh ngủ quên ngoài đồng, khiến mấy con vịt anh đang chăn, chạy vào nhà người khác. Một cán bộ ở làng có thể học thức không cao, có thể chấm dứt, định đoạt số mệnh của một người có khả năng học cao. Khi đoàn phim đi ngang làng thì anh ta xin đi theo học nghề qua phim thay vì chăn vịt cả đời.
Mình có anh bạn, đậu thủ khoa ở Huế sau 75, có tên trong danh sách du học ở Nga Sô. Về Sàigòn học trường Võ VĂn Tần 1 năm, chuẩn bị đi Liên Xô. Gần ngày đi thì mấy ông ngoài bắc vào, nói sao đó bị gạch tên để con mấy ông ngoài bắc đi thay. Cuối cùng anh ta vượt biển, nay được xem là King of Start-up ở Silicon Valley. Anh ta kể cùng thời anh có một anh chàng đậu thủ khoa Sàigòn nhưng cuối cùng bị hất khỏi danh sách du học ở Liên Xô nên tự tử.
Trong cuốn Kẻ Thắng Cuộc, ông Huy Đức có kể chuyện một anh nào đậu mấy lần thủ khoa dù đổi nơi ở mấy lần vẫn không được vào đại học. Hình như sau này anh ta được ai can thiệp nên được đi hoc đại học. Mình có mấy người em đậu dư điểm vào đại học nhưng vì lý lịch con phản động đành ở nhà đi đan len hay học may. Trong khi đó con của cán bộ lại được vớt điểm dù không đậu. Câu chuyện của anh chăn vịt mà ông Trần Văn Thuỷ kể trong phim đã đoạt giải quốc tế, không ngờ học tài thi lý lịch đã được đại trà hoá tại miền nam sau 75. Bao nhiêu nhân tài bị bỏ vào thùng rác.
Tây muốn bắt kịp xứ Anh quốc trong cuộc chay đua về kỹ thuật trong cuộc canh tân nước Pháp, đã cho thành lập các trường đại học lớn như Bách Khoa, Quốc Gia Hành chánh,…nhằm đào tạo các nhân tài cho Pháp quốc. Bất cứ người Pháp thuộc vùng nào, đậu qua cuộc thi toàn quốc tuyển lựa rất khó khăn đã giúp xứ Pháp trở thành một cường quốc trong vài chục năm và tiếp tục đến nay. Nghe kể con gái ông NGô Đình Nhu , thiếu vài điểm để được đậu vào trường y khoa Sàigòn nhưng ông ta không dám can thiệp để con được vào học. Đó là đạo đức con người. Con ông ta sẽ mang cái nhục cả đời vì được đậu vớt, lấy chỗ của người tài giỏi hơn.
Hồi đầu năm, mình có gặp cô cháu đang học ở Sàigòn. Cô cháu giới thiệu cậu bạn trai. Mình hỏi anh ta là nên điều nghiên kỹ lưỡng vì lấy cháu của phản động thì khó mà có cuộc sống và tương lai tốt. Mình nghe kể một anh quen, con cháu 3 đời hồng chuyên nhưng lấy con gái phản động nên con đường quan lộ tắt giữa đường.
Có lần mình xem phỏng vấn nhạc sĩ Phú Quang, ông ta kể là khi còn trẻ đâu 13 tuổi, được duyệt đi học trường chuyên nhưng bị cả lớp đấu tố này nọ vì anh ta thích học thay vì vui chơi với các bạn đồng lớp. Ông ta khám phá ra sự tàn ác của đồng loại. Sau này cũng được duyệt xét nhiều lần cho đi du học ở Liên Xô nhưng gặp nhiều sự ganh tỵ đã không cho phép ông ta đi. Sau phải vào Sàigòn sinh sống, mới làm được nhiều bản nhạc để đời về Hà Nội.
Cứ xem trường hợp Đặng Thái Sơn, nếu không được ông thầy người nga can thiệp thì thế giới đã mất Đặng Thái Sơn. Người ngoại quốc, bất chấp chủng tộc, khi thấy một tìm năng thì họ tìm cách giúp đỡ trong khi người Việt thì thấy ai giỏi hơn mình thì tìm kiếm diệt cho bằng được. 2 triệu người Việt ở hải ngoại đã được ngoại quốc đào tạo nhiều người giỏi giúp nhân loại trong môi trường văn hoá, khoa học…
Cứ nhìn Việt Nam Cộng Hoà sau 1954, biết bao nhiêu người di cư từ miền bắc vào, tạo dựng một nền văn hoá, giáo dục rất tốt. Cứ tưởng tượng chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, cấm không cho người di cư từ miền bắc tham gia các hoạt động văn hoá, giáo dục thì ngày nay không ai biết đến Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Đinh HÙng,… hay Bolero. Văn Cao ở lại, không còn làm nhạc hay nhạc sĩ Tô Đình Hải đã kể trong cuốn hồi ký thằng hèn. Người ta đang chơi nhạc của ông ở nhà hát Hà Nội nhưng không được mời tham dự,
Nếu không có vấn nạn học tài thi lý lịch thì ông Đào Duy Từ đã giúp chúa Trịnh cai trị miền bắc thì có thể đã thống nhất Việt Nam từ lâu. Có thể Chúa Sãi cũng có nhiều nhân tài giúp ông ta cùng lúc với với ông Đào Duy Từ. Chúa Sãi lập ra nhà Nguyễn thâu dụng tất cả người tài. Mình đoán trước hay sau khi ông Đào Duy Từ xuôi Nam thì đã có những nhân vật khác tài giỏi của miền bắc xuôi về Nam để phò chúa Sãi.
Có lần mình nói chuyện với một du học sinh ở Nhật Bản, anh ta kêu về Việt Nam sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, không biết có việc làm hay được đãi ngộ. Mấy năm sau, anh ta ở lại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.
Dưới triều đình Nguyễn, có nhiều người làm quan, học giỏi, đến nay vẫn được xem là những gia đình trâm anh thế phiệt như các họ Nguyễn Khoa, Hồ Đắc, Hà Thúc,… Đồng chí gái thuộc dòng Tôn Thất nên mình tò mò vì xét họ hàng dâu rể đa số đều thuộc các gia tộc này. Đặc biệt là con cháu của những gia tộc này đều học giỏi và thành công trên đất Mỹ, được xem là cạnh tranh với nhiều chủng tộc khác ở xứ Hoa Kỳ. Phải có cái gì đó mới tạo ra con cháu học giỏi thông minh, con nhà nòi. Nông dân như mình chỉ biết cuốc đất trồng bơ.
Dòng họ Thân Trọng, gốc người Tày, tên họ do vua nhà Lý đặt vì có công với triều đình. Nghe nói ngày nay họ Thân có mặt tại Triều Tiên. Mình đoán khi nhà Lý bỏ chạy, sợ Trần Thủ Độ giết. Vượt biên sang đến xứ Cao Ly thì có họ Thân đi theo. Họ Lý từ Việt Nam sang xứ Cao Ly, nay thường được gọi là Lee, và họ Thân là Shin.
Chị bạn học cho biết ông Nguyễn Văn Tường, một đại thần của nhà Nguyễn, là cố nội của chị ta khiến mình thất kinh. Hèn chi chị ta học giỏi. Ở New York, mình có quen một chị, vợ của một đồng nghiệp, cháu ngoại của ông Tùng Thiện Vương, con gái của chủ rạp Rex khi xưa ở Sàigòn. Chị ta không theo nghề y khoa mà theo nghề Public Relations. Mình có quen một gia đình, cháu của ông Hoàng Xuân Hãn, anh em đều học cực giỏi, toàn là xuất thân đại học Harvard, MIT, Yale, Cornell, Stanford…nay đến thế hệ con của họ cũng tốt nghiệp các đại học lớn của Hoa Kỳ. Có một cô mới 25 tuổi, xuất thân đại học Harvard, được Google nhận làm với lương $300,000/ năm.
Nếu xét về khoa học thì có thể là do di truyền của ông bà để lại. Người Việt khi xưa hay nói lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống. Mấy người tài giỏi vì gen di truyền từ ông bà truyền lại rồi từ họ tạo dựng tốt, hoàn thiện hơn. Bố mà làm ăn cướp thì con cháu có khả năng trở thành tướng cướp hơn là đậu tiến sĩ.
Khi mình về Đà Lạt lần đầu, ông cụ có đưa một gia phả bằng chữ Hán nhờ mình đánh vào máy điện toán, in lại. Mình có nhờ một chị bạn ở Hội An, quen một ông chuyên làm về gia phả, dịch thuật. Ông ta cho biết là tên tiến sĩ của dòng họ ghi trong gia phả thì không có trong danh sách tiến sĩ của Văn Miếu Việt Nam. Có thể là đậu sơ sơ nhưng dòng họ ghi đại là tiến sĩ hay có chuyện gì đó, phải dấu tên hoặc sửa tên.
Nhìn chung thì bên nội mình không có ai học giỏi cả. Có người làm lớn một tí là ông Nguyễn Mạnh Cầm, đến chức ngoại trưởng của Hà Nội. Theo gia phả, ông tổ mình, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ giữ cái đình, chắc làm bảo vệ. Làm sao đó bị mất cái Lư đồng. Chắc xỉn. Sợ bị tù hay không có tiền đền nên bỏ trốn ra Bắc, đến vùng Sơn Tây lập nghiệp. Theo gia phả dòng chính thì mình là người đầu tiên có bằng thạc sĩ của Tây chớ không phải bằng lô cang, bằng thuộc địa thời tây. Thời Tây thì có bằng thuộc địa, dễ hơn cho dân thuộc địa.
Mình xoay qua tìm hiểu về bên ngoại thì thất kinh. Mẹ mình chưa bao giờ đến trường học, học đánh vần khi ở tù khi bị mật thám tây bắt nên được mấy người trong tù dạy học. Khi mình đi chơi với mẹ mình ở Nhật Bản thì nghe mẹ mình đọc thơ Lục Vân Tiên của ông Nguyễn Đình Chiểu từ câu đầu đến câu cuối. Mẹ mình nói khi ông Phúng, tiệm Hiệp Thạnh cho mượn đọc mà nhớ đến ngày nay. Mình kiếm gia phả đọc thì thất kinh.
Hoá ra mình là hậu duệ của dòng họ Mạc Đăng Dung, Mạc Đỉnh Chi. Khi bị tru di tam tộc thì có một số chạy thoát xuống miền nam, lấy họ Nguyễn và chữ lót là “Đăng” để nhắc nhở hậu duệ là thuộc dòng họ Mạc Đăng nên thấy ai có họ “Nguyễn Đăng” là mình hay hỏi gia thế để xem có bà con bên ngoại hay không. Bên ngoại thì có nhiều người làm quan cho nhà Nguyễn, người cuối cùng là chú ruột của bà cụ mình tên Nguyễn Đăng Dụ. Ông cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng nên đổi họ Tôn Thất qua họ Nguyễn, nay con cháu lại đổi Nguyễn Phúc để nhắc nhở con cháu. Mấy người con đều học cao, đậu tiến sĩ Harvard, hay Bên Úc Đại Lợi từ 30 năm trước. Cho thấy con dòng cháu giống là đúng. Nhổ cây phải nhổ tận gốc vì nếu không rể sẽ mọc lại cây tốt hơn xưa. Còn cỏ xấu thì suốt đời vẫn là cỏ, khó mà trở thành cây cổ thụ. Hên lắm là háy bản nhạc Bông Cỏ Mây, những ngày chưa vượt biển tôi hay dắt em về vùng …
Khi có một cây tốt cho trái ngọt thì người ta tiếp tục chăm sóc và tìm cách cấy giống, chiết cành để trồng thêm. Tương tự các loại chim, người ta cấy giống để DNA biến chúng thành những con có màu đỏ tím tuỳ theo DNA của chúng.
Ngày nay, thấy Việt Nam có mấy chục ngàn tiến sĩ. Có người là hậu duệ của Thánh Gióng, chưa học xong lớp 3 nhưng lại đậu tiến sĩ. Đọc trên báo Hà Nội, có hiệu trưởng đại học lại mù chữ. Gần đây có ông quan lớn nào tuyên bố Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới ngành Thông minh nhân tạo khiến mình thất kinh. Chắc ăn nhiều đặc sản Quảng Trị.
Anh có thể mua bằng tiến sĩ nhưng DNA của anh không thể mua bằng để giúp DNA của gia tộc anh trở thành tốt hơn, hoàn hảo, thông minh hơn, tiến hoá cao hơn theo luật tiến hoá. Làm sao anh có thể dạy con nhất là con cháu của anh nể phục khi chúng biết anh mua bằng cấp giả. Mình nhớ năm 1995, được mời về Hà Nội tham dự khoá hội thảo phát triển Việt Nam sau Đổi Mới thì thất kinh khi nói chuyện với mấy bộ trưởng và thứ trưởng của Hà Nội. Như một anh bạn nói mấy chục năm trước chủ tịch nước Võ CHí Công đọc diễn văn Một răng, một rắc (I-răn và I-rắc) thì mấy chục năm sau thủ tướng Hà Nội đọc Cờ Lờ Mờ Vờ. Mấy chục năm rồi không thay đổi. 100 năm năm sau vẫn vậy. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn