Thánh ca lịch sử mùa giáng sinh


Cứ đến mùa giáng sinh thường các đài phát thanh nhạc hay chuyển tải “Largo”, một giai điệu trong vở opera mang tên Serse, của nhạc sĩ George Frederick Handel, viết cho hí viện của nhà vua tại Luân Đôn vào thế kỷ 18. Mình không thích nhạc ông này lắm. Vở opera Serse không được công chúng yêu mến, phải ngưng sau vài lần trình diễn và không bao giờ được diễn lại khi tác giả còn sống. Serse là từ ngữ Ý Đại Lợi cho “Xerxes”, tên của vị hoàng đế của xứ Ba Tư, đi chinh phạt Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 và bị thất bại. Gần đây có cuốn phim nói về 300 người lính Spartan, chận đoàn viễn chinh của hoàng đế ba tư, đánh te tua tại cổng Thermopylae. Sparta nổi tiếng huấn luyện lính rất giỏi thời xưa, mình có ghé thăm khi viếng thăm Hy Lạp. Mình nhận thấy ở Hoa Kỳ ít ai để ý đến lịch sử của các xứ khác nhưng ở âu châu, khi nói chuyện, người ta hay đem những điển tích trong lịch sử lâu năm của Châu Âu nhất là Hy Lạp ra để diễn đạt ý tưởng họ muốn nói. Tương tự người Việt hay dùng điển tích của người Tàu để diễn đạt suy nghĩ của mình. Ở âu châu cần học lịch sử các nước lân cận nhất là nền văn mình la-hy.

Giai điệu này được gọi là Ombra mai fu, (không bao giờ là cái bóng). Tại sao người ta hay nhắc đến giai điệu này của nhạc sĩ Handel? Bởi vì nhạc của ông ta được phát thanh lần đầu tiên trên thế giới qua làn sóng điện Amplitude Modulation  (AM.) 


Đêm giáng sinh năm 1906, hai nhà tiên phong về làn sóng điện, Reginald Fessenden và F.W. Alexanderson phát thanh qua làn sóng điện AM từ thành phố Brant Rock thuộc tiểu bang Massachussetts, với sự mở đầu Largo của nhạc sĩ Handel, kèm theo đó là một thông điệp về giáng sinh. Chỉ có những người nghe được làn sóng điện ngoài biển khơi mới nghe được nhưng chắc chắn đã đem lại cho họ sự yên ấm, bình yên trong đêm giáng sinh, mọi người trên thế giới đón mừng sự ra đời của vị cứu tinh. 


Cứ tưởng tượng trong đêm tối, trên biển cả vào đêm giáng sinh, xa gia đình, bạn bè và quê hương, bổng nhiên tiếng rẹt rẹt trong làn sóng mà người ta sử dụng để liên lạc, cầu cứu ngoài biển khơi, họ nghe lần đầu tiên âm nhạc cổ điển. Mình nhớ đến muôn đời khi đi xem hoà nhạc hát tại hí viện của thành phố Torino, Ý Đại Lợi, lần đầu tiên trong đời. Nghe họ hát Carmina Burana của nhạc sĩ Carl Orff khiến mình mê nhạc cổ điển từ dạo đó đến nay. Sau này sang làm việc tại Luân Đôn, mình mua vé hàng năm đi nghe Opera. Rẻ. Ở Hoa Kỳ thì mấy vụ văn hóa kiểu này đắt tiền nên chỉ có một thiểu số, có khả năng thưởng thức, ngoại trừ vào các viện đại học xem trình diễn với các dàn nhạc ít nổi tiếng hơn.


Luân Đôn là thành phố văn hoá, âm nhạc theo mình là số 1 ở âu châu. Biết bao nhiêu kịch, nhạc, đủ thứ loại mới, cổ điển được dàn dựng hàng ngày. Mình ở đó 2 năm, tuần nào cũng đi xem kịch, opera hay nhạc Punk với bạn đầy nơi. Thường các show như MIss Sàigòn, Evita, Les Miserables,…khởi đầu tại Luân Đôn. Khi ăn khách thì họ mới cho qua New York. Điển hình về truyền hình cũng vậy, chương trình American Idol hay American Got Talent đều xuất thân tại Anh quốc trước khi đưa sang Hoa Kỳ rồi đi khắp thế giới.

Sự phát thanh của giai điệu Largo, tác phẩm được xem là một sự thất bại ê chề của nhạc sĩ tài danh Handel khi xưa, nhưng cũng đánh dấu lần đầu tiên nhân loại, nghe nhạc qua là làn sóng phát thanh và đã thay đổi hoàn toàn nhạc cổ điển hay tất cả các loại nhạc trên thế giới. Nhất là cách thức, phương tiện nghe nhạc xem như cuộc cách mạng âm nhạc. Các đài phát thanh ra đời và họ bán radio như điên khắp thế giới và ngày nay chúng ta nghe nhạc từ các điện thoại thông minh.


Trước khi đài phát thanh được chế tạo, hay trước khi các kỹ thuật thu âm được sáng chế, con người nghe nhạc trực tiếp. Chúng ta phải có mặt trong căn phòng với người chơi nhạc và ca sĩ. Nhạc bị giới hạn bởi không gian vì căn phòng, nhà thờ, hí viện ở một thời điểm nào đó hay phải ra các Amphitheatre lộ thiên như ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ,… Như trường hợp mấy đứa con khi xưa, học chơi đàn tranh và đàn bầu, chỉ được trình diễn trong các hội trường của trường học hay chơi trumpet tại các buổi lễ của trường tổ chức.


Âm nhạc đã được dân chủ hoá, giải phóng thoát khỏi các hí viện, bởi sự phát minh các máy thâu âm và đài phát thanh, giúp các người nghèo có thể thưởng thức được âm nhạc cổ điển vì khi xưa, âm nhạc chỉ để dành cho những người giàu có, có khả năng mua vé đi xem tại các hí viện. Nếu không chỉ có những dân ca trong các hội hè tại làng quận.


Trước đây, chúng ta không được tự do thưởng thức âm nhạc, hay nghe nhạc tuỳ theo hoàn cảnh của chúng ta. Chúng ta bị giới hạn bởi thời gian và không gian, với chương trình. Chúng ta cần nhiều yêu tố để có thể nghe nhạc. Chúng ta phải mua vé trước, bận áo quần như đi dạ hội, đến đúng giờ vì nếu không sẽ bị bắt đứng ngoài rạp cho đến hết phần đầu.

Thậm chí 60 năm về trước, ở Đà Lạt muốn nghe nhạc, mình phải đợi tối thứ sáu có chương trình nhạc yêu cầu trên đài phát thanh Đà Lạt để được nghe những bản nhạc mới ra đời, được yêu cầu bởi thị dân Đà Lạt. Còn chương trình Nhân Dân Tự Vệ thì cứ giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, vận nước gặp hồi gian nguy. Ôi nhân dân ta ơi cũng nhau kết đoàn, cũng nhau chống giặc không gì hay hơn. Ngồi học bài với cái radio bên cạnh. Hay nghe trực tiếp truyền thanh trận đá banh của phóng viên Huyền Vũ từ Mã Lai, khi đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà thắng giải Merdeka năm 1966. Dần dần các băng thâu nhạc ra đời, người dân chuyền nhau nghe và các nơi sang băng lậu giúp dân chủ hoá phương cách thẩm âm nhạc của người dân.


Ngày nay, chúng ta không cần xem trực tiếp, có thể thâu hình rồi khi nào rảnh mới mở lên xem, không cần biết kết quả trận đấu trước. Hay nghe nhạc lúc nào hứng thú, cảm nhận đầy cảm xúc.


Nhờ các phương tiện truyền thông mà chúng ta mới có nhạc POP, đủ thứ nhạc ngày nay. Những giai điệu mới lạ được giới thiệu. Nếu không được yêu chuộng bởi thính giả sẽ bị khai trừ ngay vì radio cần bán quảng cáo.


Mình có kể vụ làn sóng nhạc do đài phát thanh Europe 1 phát thanh hàng ngày tại pháp đã đưa thế giới nhạc trẻ qua chương trình Salut Les Copains. Mà sau này mình qua pHáp thì được nghe trên chương trình Hít Parade mỗi chiều, được giới trẻ gọi điện thoại vào yêu cầu hay bầu bán. Từ đó người ta bán các sản phẩm về các ca sĩ hàng đầu của chương trình, mở các cuộc lưu diễn tại các thành phố nhỏ, tạo dựng một nền kinh tế rất phát triển giúp bán băng nhạc, thời trang và sách báo. Giúp ca sĩ kiếm tiền nhiều với một chương trình tiếp thị có bài bản lâu dài.


Ngày nay, qua các mạng xã hội, chúng ta không cần phải được lăng-xê mà qua các dạng như YouTube, các nhạc sĩ hay ca sĩ có thể được phát hiện và yêu chuộng khắp nơi trên thế giới và làm tiền qua các các môi trưởng truyền thông này. Điển hình là thể loại Gangnam xuất phát từ đại hàn rồi lan truyền khắp nơi trên thế giới.

Chúng ta có thể lựa chọn thời gian không gian để nghe nhạc không những thế mà khi chúng ta thèm, hay cảm xúc cần nghe vào thời gian nào đó. Thậm chí còn hát theo khi đang tắm, đang cuốc đất hay chạy bộ. Nhiều khi cả ngày buồn chán, chúng ta có thể thể mở những bản nhạc vui để giúp thay đổi tâm thức hay hát karaoke. Chúng ta có dàn nhạc, chuyển hóa giọng ca lè tè trở thành chuẩn qua phần mềm được cài đặt, tạo ảo giác, chúng ta là một đi-va, một đi-vô, rồi được chồng đem hoa tặng, có tiền ở trong để boa anh nhạc công. Chán om. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn