Sau khi làm việc hai tháng mùa hè tại thành phố Mantes-La-Jolie, mình về lại Paris, dọn về ở Neuilly Sur Seine, nằm ngay cổng Maillot (Porte de Maillot) trên trục đại lộ Champs Elysees đến La Defense. Trả cho bà Cayla 100 quan mỗi tháng nhưng độ 3 tháng sau thì bà ta kêu không nhận tiền mướn phòng, cho ở miễn phí.
Nghe tiếng Neuilly/ Seine là khu sang trọng nhất Paris nhưng mình ở lầu 7, nơi các phòng dành cho Ô-sin ở. Nghe nói đến Neuilly, ở Paris như ở Los Angeles, nói đến Bel Air nhưng mình thì ở Chambre de Bonne, mình dịch là phòng ô-sin cho có vẻ phim bộ toàn tập đời Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Nói chung thì khu phố rất sạch sẽ nhưng cũng đạp cứt chó nhưng ít hơn là các khu vực khác ở Paris. Ở Paris có vụ đi bộ trên đường thì lâu lâu nghe tây đầm kêu “merde” là biết có người mới dẫm phải kít chó. Rồi ghé lại lề đường, cà cà chiếc giày cho bớt kít chó. Chán Mớ Đời
Đến nhà ai hay trước khi mở cửa nhà thiên hạ phải đưa giày xem có đạp kít chó. Khu Neuilly/Seine có một bệnh viện nổi tiếng mà ai giàu có đều đến đây để chữa bệnh là bệnh viện Mỹ (hôpital americain de Paris). Tối đi học về khuya không sợ bị cướp bóc. Có một trường học dạy các lớp ngoại khoá, mình ghi danh học tiếng Ý Đại Lợi và anh ngữ. Nên tối đi học mất 4 tối. Đóng tiền tượng trưng nên mình học đủ thứ hết.
Phòng ô-sin cho thấy sự cách biệt ngăn cách các tầng lớp giai cấp xã hội theo chiều cao thay vì chiều ngang theo các khu vực riêng biệt. Dưới nhà thì căn hộ của chủ nhà to rộng có lò sưởi hay hệ thống sưởi ấm vào mùa đông còn leo lên vài thước thì chả có gì cả. Dân cần lao ở trên đầu dám tư bản chủ bốc lột. Chủ thì đi cửa trước, có cầu thang máy còn tớ đi cửa sau, leo cầu thang vô hình trung lại giúp sức khoẻ cần lao tốt hơn.
Một cô gái mi hoạ sĩ Picasso bên cạnh thuyền trưởng CousteauMấy khu nhà giàu khi xưa bên tây đều có người giúp việc. Sau này vật giá leo thang nên họ không mướn mấy bà đầm nữa mà mướn mấy bà gốc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, bỏ chồng con ở xứ họ rồi qua pháp làm ô sin. Khởi đầu sau đệ nhị thế chiến, người Pháp cần nhân công để tái thiết nên cho người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà sang làm cu li cho họ. Hai nước này tước đây là bá chủ thế giới, đi xâm chiếm nhiều nước trên thế giới, Mỹ châu, Phi Châu , á châu. Vì không theo chế độ tư bản nên triều đình như bị phá sản vì các cuộc hải hành tốn kém, rất nhiều tàu bè không trở lại quê hương.
Mấy người Tây Ban Nha và Bồ Đào nHa đi làm rồi về quê cưới vợ, đem con cái qua, con gái thì cho đi làm ô sin, con trai thì ra công trường. Hàng năm được nghỉ hè về quê thăm chồng con. Mình có ghé thăm gia đình bà gác dan ở Lisboa, có căn hộ to đùng. Bà Cayla không có tiền thuê ô-sin nên có phòng để trống, cho mình mướn. Ông Cayla làm cho IBM, bà ta ở nhà chăm sóc nhà cửa. Có đâu 5 người con.
Mấy căn hộ kia cũng vậy, họ dùng phòng ô-sin để đựng đồ cũ, áo quần hay bàn ghế cũ. Mình nhớ trên lầu chỗ mình ở hình như có 2 người ở, mình và bà người Tây Ban Nha làm ô sin cho ai ở dưới lầu. Bà gác dan thì có chỗ ngủ ở ngay cửa ra vào. Bà này tội lắm. Có lần bà ta thấy mình trời mùa đông đang giặt quần áo, tay lạnh buốt giá nên kêu để bà ta giặt dùm ở dưới nhà vì có máy giặt của chủ. Chắc lựa khi chủ đi vắng giặt dùm mình rồi ủi dùm luôn. Cuộc đời mình có quý nhân phù hộ. Sau này bà ta về Tây Ban Nha, quên hỏi địa chỉ để ghé thăm.
Đại khái một căn phòng ô-sin giống như vậy. Chiều ngang 2 mét, chiều dài 3 mét. Phòng mình thì cửa sổ bằng 1/2 cái này nên chả thấy nhiều bên ngoài. Bức tường nghiêng về phía trong cạnh cửa sổ nên choáng hết không gianCác nhà cao tầng đều có mái nhà theo kiểu ông kiến trúc sư tên Mansard thiết kế. Cái tên cửa sổ Mansarde đến từ ông này. Dưới mái nhà thay vì trống trơn, ông ta đột phá tư duy là có thể ngăn thành các tường để chống đỡ sức nặng của mái nhà và ngăn thành nhiều phòng. Những phòng này dành cho các bà giúp việc ở. Ban ngày họ xuống dưới các căn hộ của chủ làm việc và đêm về thì leo lên bằng cầu thang phía sau để ngủ.
Lên tầng cuối thì thấy một cái hành lang đi từ đầu này đến đầu kia cầu thang, hai bên là phòng ngủ. Thường có nhà vệ sinh, gồm cái bàn cầu và một cái vòi nước lạnh. Cần nước thì múc vô phòng rửa mặt buổi sáng hay ban đêm, rồi sáng đem đỗ. Mình không phải ô sin nên phải leo lên lầu từ cầu thang nhỏ tròn từ sân trong chỗ để mấy thùng rác. Mùa đông thì phải bận áo ấm mấy cái ra nhà vệ sinh vì lạnh. Ở mấy lầu dưới thì các căn hộ bên dưới và bên trên được sưởi ấm nên tương đối cũng không lạnh. Tối ngủ là bao nhiêu măng-tô đem ra bận hay áo len, trùm hai cáo mền. Lạnh quá nên nhiều khi bị bón luôn, phải đợi vô trường có sưởi mới xả xú bắp được. Mùa hè thì sướng lắm, vì ở dưới mái nhà nên nóng kinh hoàng, tối bò ra đây lấy cái thau hứng nước rồi tắm nước lạnh đi ngủ.
Mỗi ngày mình leo 2 lần lên phòng bằng cầu thang này 7 tầng nên tương đối khi xưa, sức khoẻ mình tốt. Nhất là đi bộ đến xe điện ngầm. Nhiều hôm, đi xuống nhà lại nhớ quên đồ, sách hay gì đó là phải lộn lên lại.Mỗi phòng có chiều ngang 2 mét và chiều dài 3 mét. Có một cái cửa phòng và một cửa sổ nhỏ nhìn ra đường. Vấn đề là cái tường phía đường làm theo mái MAnsard nên không thẳng mà lại nghiêng vào trong độ 60 độ nên choáng chỗ. Không có lò sưởi vì căn phòng nhỏ hay vòi nước gì cả. Mình mua một cái lò ga dùng để cắm trại và một cái xoong. Muỗng nĩa thì lấy ở Resto U xài hay chủ nhà có cho một bộ. Trong tuần thì mình ăn cơm ở đại học xá, cuối tuần thì đa số đóng cửa, muốn ăn thì phải bò xuống khu cư xá sinh viên, gọi là Cité universitaire xếp hàng ăn vì cuối tuần, bao nhiêu sinh viên đổ xô về đây ăn. Trời lạnh mà đứng ngoài trời thì không Đặng nhất là phải trả hai vé xe điện ngầm nên mình hay mua gạo về phòng nấu nồi cơm, khui hộp cá mòi ra ăn. Hoặc mua ổ baguette và thỏi chocolate ăn hay trét bơ. Mấy loại Jăm-bông cũng khá đắt.
Phòng có một cái giường đơn, một cái gương, một cái ghế và một cái bàn để ngồi học. Rất là minimalist, tối giãn cuộc đời. Có một cái tủ nhỏ để đựng quần áo. Cái Vali đem từ Đà Lạt sang thì để dưới gầm giường. Cuộc đời lưu vong mình khởi đầu như vậy và bây giờ cũng vậy, quần áo rất ít. Ngày nay, mụ vợ mua áo quần cho mình cũng ít bận.
Trạm métro thì chỉ cách nhà có 100 mét là tới. Đi học thì không phải đổi tuyến đường, chỉ việc lên xe chạy xuống đến trạm Louvres thì xuống, đi bộ qua cầu là đến trường. Tối thì học tới 8 giờ rồi đi ngược lại về nhà.
Sáng thì thức giấc vào 7 giờ sáng, bận đồ vào rồi chạy xuống lầu, chạy qua bên kia đường chính, chạy vào rừng Boulogne (bois de Boulogne). Chạy 2 cây số thì về nhà đi học. Trong tuần thì đi bơi ở hồ trung tâm thể thao của đại học hay đi đá banh cho đội tuyển đại học. Đá thì không hay lắm nhưng cốt ý để tắm nước nóng. Rồi cũng xong.
Đi học thì quen với đám sinh viên thì trình độ họ khá hơn thằng Francis và bạn nó quen trong mùa hè. Francis và bạn hắn đều làm công nhân nên cách giao tiếp khác với đám sinh viên. Đụng chạm với tây đầm thì khám phá ra chúng biết văn hoá nhiều hơn mình. Lịch sử, nhạc thơ đủ trò hay văn chương, toán thì mình không ngại lắm nhưng khi nói về hội hoạ, nhạc, văn chương là mình ngọng vì chúng đọc sách nhiều hơn mình. Thế là phải vào thư viện, mượn sách để đọc cho kịp chúng. Người Pháp đọc sách nhiều hơn người Mỹ. Cho nên gặp nhau là chúng cãi nhau mệt thở nhất là đám xã hội và cộng sản. Vào các dịp lễ, người Pháp tặng sách cho nhau thay vì áo quần, kẹo bán như người Mỹ. Một con đầm hay một thằng bạn tây tặng cuốn sách thì phải đọc cả lần sau gặp lại chúng hỏi thì phải đối đáp khi chúng hỏi.
Vào học thì có màn học vẽ. Có hai lớp vẽ: khoả thân và ngoài đường. Khi xưa vẽ bản đồ, tô màu thì mình đều đứng nhất nhưng vào học kiến trúc thì thấy mình vẽ chán như gián. Trưa đi ăn cơm ở đại học xá xong thì bọn học chung bò vào quán bistrot “Le Balto” ở đường Mazarine. Một ly cà phê giá 2 quan chưa kể tiền boa trong khi một phiếu ăn ở đại học xá chỉ tốn có 2.5 quan. Mình không có tiền nên bò đi vẽ trong khu quartier Latin, hay đi viếng mấy phòng triển lãm tranh nghệ thuật. Vẽ xong đem về cho ông thầy xem. Từ từ đến cuối năm thì mình vẽ khá khá hơn đám tây đầm trong lớp. Nhờ vậy mà sau này đi nước nào cũng kiếm được làm việc.
Nhớ lần đầu tiên, có lớp vẽ khoả thân. Mới đi ăn về thì vào lớp thấy có một cô đầm đứng trên một cái bục thấp. Ở truồng. Lần đầu tiên mình thấy một phụ nữ ở truồng khiến chim dế gì bay tùm lum hết. Vấn đề là người mẫu mà xấu thì vẽ dễ còn người mẫu mà có thân hình đẹp thì hôm đó khó vẽ. Sau này, có mấy cô quen cứ muốn mình vẽ khoả thân mấy cô. Vẽ chân dung thì dễ mà vẽ khoả thân thì khó mà cưỡng lại.(còn tiếp)
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn