Dân Đà Lạt thế hệ thứ 4

Hôm trước, có ông nào nhắn tin kêu là cháu nội của ông Phác Râu khiến mình thất kinh. Mình nhớ mấy người con của ông Phác Râu bé bé ngày xưa, nay đã sản xuất cháu nội cho ông Phác Râu. Hoá ra anh chàng đọc bài mình kể về “Am Cô 7” hay Am Sohier. Mình hay nhận nhắn tin của thế hệ thứ 4 của dân Đà Lạt xưa, hỏi đủ thứ trò, họ nghe mình kể chút gì về ông bà của họ nên tò mò hỏi mình như tại sao dân Đà Lạt gọi ông ngoại của họ là Xu Huệ. Có người hỏi có biết ông ngoại con ở trên số 4 khiến mình ngọng. Dân Đà Lạt xưa thời mình hay lớn tuổi nên viết kể về khu vực của họ cho thế hệ con cháu hiểu thêm về Đà Lạt xưa.


Những người đầu tiên đến lập nghiệp tại Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 là thế hệ ông bà của mình, như ông bà Võ Quang Tiềm, Nguyễn Văn Phúng, Võ Quang Hàm,… Bố mẹ mình là thế hệ thứ 2, thế hệ mình là thứ 3, sinh tại Đà Lạt, con của em mình là thế hệ thứ 4, còn cháu của chúng là thế hệ thứ 5.
Hình chụp thiết vương Trương Kim Hùng lên Đà Lạt tập dược trước khi lên đường đi dự thế vận hội ở Mexico ngay ngã 3 am Sohier.

Mình phải trả lời là khi xưa thời tây, có nhiều người Việt làm việc cho người Pháp, có người làm giỏi nên được cử nhắc lên chức “surveillant” xem như cai đội. Người việt mình đa số không rành tiếng pháp nên cứ gọi tắc ông Xu thay vì Cai. Đà Lạt có ông Xu Huệ khi xưa dạy thiên hạ vô thất, chữa bệnh, ông Xu Tiếng có hãng cưa gỗ, bán gỗ cho thiên hạ làm nhà ở đường Phan Đình PHùng, gần Mả Thánh, gần ga-ra Phan Xứng. Ông Xu -Tiếng từng là thầu khoán xây Nha Địa Dư. Ông Cai Sớm, từng tham gia xây cất khách sạn Palace, sau này làm thầu khoán tại Đà Lạt, là chủ rạp hát LangBiang, sau này bị cháy nên phá luôn để xây trạm xăng Ngọc Hiệp. Ông Cai Sớm là ông nội của một người bạn học ở đường Phan Đình Phùng.

Ông Phác Râu quen thân với bà cụ mình, làm chung với ông cụ mình tại ty Công Chánh, bên cạnh viện Pasteur ngày xưa. Cứ gặp ông ta là phải chào thưa cậu. Hình như ông ta lái xe cho ty công chánh. Đà Lạt khi xưa ít người, mẹ mình bán ngoài chợ nên xem như biết hầu hết những tiệm trên phố Hoà Bình, Minh Mạng và Duy Tân. Khi mình ra phố là gặp mấy người này nên phải chào. Chưa chào họ đã réo “cu mi đi mô rứa?” Do đó mình nhớ dân Đà Lạt là vì vậy. Còn mấy cô xinh xinh ngày xưa thì chịu. Có nhiều cô Đà Lạt khi xưa, gặp mình lại hỏi sao ông không biết tui khi xưa khiến mình ngọng. Mình đâu có nuôi ma xó như thầy Chiêm. Đà Lạt chỉ cần biết Cái Bớt Ngày Xưa là được rồi.


Ông Phác Râu, người béo phì vì ăn nhiều. Nhớ hồi nhỏ mình bị con chó berger của nhà bà Quán trong xóm cắn thì phải chích thuốc ngừa chó dại. Mỗi ngày, mình phải đi theo ông cụ theo xe chở công chức lên ty Công Chánh. Sau khi đem mình sang viện Pasteur bên cạnh chích hình như 21 mũi ngay bụng. Mất 3 tuần lễ hay 4 vì thứ 7 và chủ nhật nghỉ làm. Kinh


Sau đó, về lại ty Công Chánh thì có một ông đồng nghiệp của ông cụ, viết chữ đẹp, nên viết mẫu cho mình để tô lại và tập viết theo. Có dạo mình viết chữ đẹp lắm nhưng sau này đánh máy điện toán nên từ từ chữ như mèo cào. Ông này bắt mình viết tại sở rồi còn lấy mấy cuốn vỡ trong sở, bồi dưỡng thêm cho mình vài cuốn vở, viết thêm mỗi trang để về nhà mình phải tập viết nếu không là bị ông cụ khệnh. Chán Mớ Đời 


Một hôm, ông cụ hỏi ăn chè không, mình nghe tới ăn là gật đầu, đi theo ông cụ ra bên hông của ty Công Chánh. Thấy một đám người đứng xung quanh một bà bán chè gánh, đối diện là ông Phác Râu, mặt đỏ như Trương Phi, ngồi trên cái đòn, cầm một chén chè đậu ván. Ăn xong chén thì đưa cho bà bán chè múc thêm trong khi ông ta cầm chén chè khác lên và ăn khiến mình thèm nhỏ dãi.


Mình nhìn ông cụ như hỏi sao không kêu một chén cho hai bố con ăn. Ông cụ kêu họ đang cá cược xem ông Phác Râu ăn hết nồi chè. Thế là mình hụt ăn chè hôm ấy. Ông cụ dẫn vào phòng, ngồi viết tiếp a, b, c. Chán Mớ Đời Độ nữa tiếng sau, ông nào chạy vào phòng kêu, ông phác xơi hết nồi chè. Từ đó mỗi lần gặp ông ta là mình nhớ đến nồi chè đậu ván hụt ăn.

Hình ông Sohier với nhân viên tại viện nghỉ dưỡng, được xem là biệt thự đẹp nhất ngày xưa

Dạo ấy, ở ngã 3 đường Thống Nhất, BÀ Huyện Thanh Quan và Nguyễn Trãi, đối diện nhà của ông Sohier, có cái am mà dân Đà Lạt kêu linh lắm. Ai chạy xe ngang đều phải dỡ cái mũ ra và chạy chậm lại. Thằng Bảo, con bác Nhị, cạnh nhà ông Lào, học Yersin trên mình một lớp, chạy xe gắn máy đi học, chạy ngang am này bị ngã xe và gãy chân, băng bột mấy tháng. 


Buồn đời không đi học, ở nhà nó rủ mình nuôi vịt bán kiếm tiền. Mình đồng ý nên hai thằng mua trứng vịt của bà Cáp ngoài chợ, về để ấp trong lò điện. Sau khi nở thì mình lấy 2 con vịt của mình về nuôi. Đi học về, là chạy đi bắt trùng đem về cho vịt ăn. Mấy tháng sau, vịt lớn lên, mình cứ ngắm nghía mong chóng lớn để đem bán ngoài chợ cho bà bán bún vịt. Ai ngờ một ngày thu buồn, có ông nào quen ông cụ ghé nhà nói chuyện rất lâu. Chắc là bạn đồng ngủ trong quân đội khi xưa. Ông cụ kêu chị người làm, ra bắt một con vịt làm tiết canh rồi luộc chấm nước mắm gừng đãi khách. Mặt mình tái dần, tim mình thót lại, tâm hồn rướm máu. 


Nhìn chị người làm, vắt lông cổ con vịt rồi mài con dao trên hòn đá mài, nhát chém hư vô. Liếc qua liếc lại lưỡi dao rồi khứa cái cổ con vịt, máu cổ chảy ra xuống cái chén. Sau đó khi cơm chín, thịt vịt chín, chị ta đánh tiết canh, ra sau vườn bẻ vài ngọn rau răm. Cái mất dậy là ông quen ông cụ, vừa ăn vừa tấm tắt. Khen đáo để thịt vịt ngon béo quá. Mình tính tuần sau đem ra chợ bán cho bà bán bún vịt thì hai hôm sau, ông cụ ra lệnh chơi nốt con vịt còn lại. Sự nghiệp nuôi vịt kiếm tiền chấm dứt từ ngày ấy.


Hình như khi xưa, ông bác sĩ Sohier có căn nhà trên đồi rất to để làm viện nghỉ dưỡng cho ai yếu ớt, lên Đà Lạt dưỡng bệnh. Có lần đốt củi trong lò sưởi ra sao bị nghẹt khiến bệnh nhân, tối ngủ bị chết ngạt. Bị thưa kiện gì đó nên ông ta Chán Mớ Đời, bán căn nhà đó cho một dòng tu, thừa sai gì đó rồi về Tây an nhàn tuổi già nên khi mình bắt đầu lớn lên thì thấy mấy chủng sinh đi bộ về đây khá đông. Nay chắc họ tịch thâu, khỏi tu nữa.

Am Cô 7 khi xưa lúc sơ sài. Trước khi mình rời Đà Lạt thì có xây cất nhiều hơn. Thấy có hai cái trang nên đoán có 2 người chết tại cái cua này.

Có một lần khác mình gặp ông Phác Râu ở bùng binh Đinh Tiên Hoàng, gần nhà hội họp của hướng đạo Lâm Viên. Hôm ấy mình lái xe gắn máy với tên bạn, chạy vòng vòng sân cù rồi chạy xuống bùng binh thì thấy một đám đang bơi ở hồ, chạy lên la om sòm rồi từ đường Nguyễn Thái Học, có ai chở ông Phác  Râu đến. Có lẻ có ai chết đuối nên hô hoán, ai đó chạy đến am cô 7, chở ông Phác râu lại. Mình thấy ông này lấy chai nước mắm ra tu một ngụm rồi nhảy xuống hồ lặn. 


Khi xưa, ở ngoài chợ, mình thấy người ta bán nước mắm trong mấy cái tĩn bằng đất, rồi họ trét vôi lên cái nắp để tránh mùi nước mắm lọt ra ngoài. Họ có chứa nước mắm trong thùng thiết, ai mua lẻ thì họ lấy cái đồ bơm bằng nhôm, bỏ vào cái lỗ rồi kéo sợi dây kẽm lên xuống như bơm của giếng nước thì nước mắm phọt ra từ cái vòi vô chai không. Hình như họ cũng bơm dầu đậu phụng từ thùng thiết để bán. Bên cạnh hàng bà cụ, có bà Cáp bán tạp khô nên có cái bơm này. Bán kiểu này thì lời hơn. Mua thùng nước mắm to đùng rồi trích ra chai lời hơn. Nhà mình hay mua nguyên thùng nước mắm, để ăn cả năm. Mình nhớ nhà có cái bơm nước mắm, và mình là tên hay được chị người làm nhờ bơm nước mắm vào chai. Khi xưa ra chợ, lâu lâu hàng về, họ chuyền tay mấy cái tĩn nước mắm còn thùng thiết thì họ gánh vào hàng bà Cáp.

Đây là cái tĩn nước mắm Phan Thiết khi xưa, làm bằng đất nung rồi đắp lên cái nắp rồi trét vôi để bịt kín, sau đó lấy dây lác buộc lại.


Chả thấy ông ta đâu, lâu lâu, ông ta trồi lên, chắc hết hơi nên trồi lên. Lâu lâu ông ta lấy chai nước mắm nơi tay ông chở ông ta đến, nốc một ngụm nước mắm, thấy lạ vì nước mắm mặn mà ông ta tu như uống rượu. Rồi ông ta lặn lại. Mọi người hồi hộp, im thinh thít rồi cả đám la lên thì thấy ông ta trồi lên rồi kéo một thằng bé độ 12, 13 tuổi lên bờ. Thiên hạ bàn tán nói đủ trò. Mình chỉ thấy ông ta ngồi xuống, kêu ông cầm chai nước mắm, kêu bỏ hai chân thằng bé qua cổ ông ta, còn cái đầu và thân hình thì lòng thòng trên lưng của Ông ta. Sau đó ông ta chạy tới chạy lui với thằng bé sau lưng, tay thì cầm chặt hai chân thằng bé. 

Đám con nít khi xưa hay ra đây để tắm, trên đường Nguyễn Thái Học


Đâu 2, 3 phút sau thì nước từ miệng thằng bé ọc ra nhưng thằng bé vẫn bất động. Mình hoảng quá nên lái xe về với tên bạn ngồi sau xe. Sau này mình mới hiểu là nước mắm, có muối, có sodium nên ông Phác Râu tu vào để giúp ấm người để lặn xuống hồ vì nước hồ khá lạnh. Có anh bạn kể khi xưa, ở Lăng Cô, các người đi đánh cá ban đêm, đều ra hàng bà ngoại anh ta mua một chai nước mắm, đem lên tàu để uống ban đêm ngoài biển. Lý do là nước mắm có sodium và amino acid tức là protein, chất đạm giúp chống lạnh và có chất bổ chống đói.


Ông Phác Râu sau này hay đến chùi dọn cái am Cô 7 rồi từ từ khi phong trào thương phê bình cắm dùi đất, ông ta cũng làm một căn nhà gỗ tại đây để dễ cai quản cái am. Ông ta trở thành ông từ của am cô 7 từ đó. Mấy ngày rằm, thiên hạ đến đây cúng đông lắm. Mình đoán là lúc đầu có ai bị chết tại khúc này vì tai nạn nên gia đình làm cái trang để thờ. Mình nhớ ở đó đông người đến hơn am Mệ Cai Thỏ ở ấp Hà Đông, có lẻ gần nhà và trung tâm thành phố. Có thể ông Phác Râu chịu khó công quả, làm ông từ của am cô 7 nên ngày nay, con cháu của ông làm ăn khá. Mình nghe bà cụ kể như vậy, có miếng đất của am Cô 7, con cháu xây nhà xây nhà sau này.


Mình khi xưa học ngu nên khi thi tú tài, bà cụ mình hỏi phiếu báo danh đâu đưa cho mẹ đem xuống am Cô 7 cúng. Mình không chịu đưa. Tối ngủ mẹ mình lấy cái phiếu báo danh, đem ra am Cô 7 và am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ để cúng. Nhờ đó mình mới đậu và được đi du học.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn