Cà phê Mỹ ngon cà phê Tây?


Hôm qua thấy có tấm ảnh khiến mình suy nghĩ về đời sống bên pháp, đã bỏ lại và đời sống bên Mỹ đang sống. Tấm ảnh chụp ghép hai hình ảnh về uống cà phê. Tấm trên thấy một tiệm cà phê đơn độc, bãi đậu xe không có một chiếc xe đậu và một hàng xe hơi nối đuôi nhau đợi mua cà phê mà người Mỹ gọi là drive through. Không phải đậu xe lại, cứ tới cổng có cái haut parleur tài xế chỉ việc gọi loại cà phê nào, mấy ly rồi chạy đến cửa sổ trả tiền rồi chạy tới cuối tiệm lấy cà phê đem đi uống trên xe. 

Hình ảnh thứ hai, chụp khung cảnh một tiệm cà phê ở Paris, nổi tiếng Les Deux Magots trên đại lộ Saint Germain, gần trường mình học. Thiên hạ ngồi ngoài đường. Mùa đông dù lạnh, có máy sưởi bằng ga, thưởng thức ly cà phê, tán gẫu. Mình không biết tỷ lệ bệnh trầm cảm bên tây có ít hơn bên Hoa Kỳ hay không. Người Mỹ nhiều khi rất cô độc vì đất rộng người thưa, nhiều người ở những nơi chả có thằng tây con đầm nào hết. Nhiều vùng chạy xe cả tiếng không gặp một bóng người. 


Cũng uống cà phê nhưng một bên thì một mình trong xe và một bên thì ngồi đối ẩm với bạn bè hay người yêu. 2 hình ảnh trên mình đều đã trải qua. Khi xưa, ở Paris, lâu lâu đi bộ với cô bạn, cũng hay ghé cà phê “hai ông quan” hay chỗ khác uống trà hay lái xe ở Cali ghé mua thức ăn cho thợ hay mấy đứa con. Mình không uống cà phê nên không phải đợi mua cà phê hay la cà ở mấy quán cà phê ở Cali. Có anh bạn, học Đà Lạt khi xưa, năm khi mười hoạ, hú một tiếng chạy ra quán cà phê ngồi chém gió với anh ta.

Về già nhìn lại thì xem lối sống nào hay hơn thì chịu, không trả lời được. Ở bolsa khi có bạn, muốn chém gió thì hú nhau ra khu Phước Lộc Thọ uống cà phê. Mình thấy ở Phước Lộc Thọ có cả bàn cờ tướng để mấy ông đánh cờ. Quanh năm trời nắm ấm.


Người Pháp họ quan tâm đến việc đi chơi, nghỉ hè nhiều hơn là để dành tiền mua nhà hay làm giàu. Nhân sinh quan cũng như điều kiện xã hội khác với bên Hoa Kỳ. Có lẻ vì lịch sử, có một giai cấp địa chủ và một gia cấp tá điền từ lâu năm. Dân giàu có thì có tư duy khác còn còn gốc tá điền thì khác thêm bắt nguồn từ Mặt Trận Bình dân (Front populaire). Chính quyền này khởi đầu cho việc người Pháp làm việc được quyền nghỉ hè mỗi năm. Một ý tưởng lạ vào thời ấy khiến ăn sâu vào đầu người Pháp.


Dạo còn sinh viên, hè mình làm việc ở ngân hàng tại Paris, thế cho mấy người đi nghỉ hè. Cứ đến tháng 7 là có phân nữa nhân viên đi nghỉ hè, và đến tháng 8, có một phân nữa kia đi nên sinh viên đi làm được 2 tháng hè, lương SMIC. Thấy mấy người đi hè về thì cả 2 tuần đầu, thấy họ nói chuyện về chuyến đi nghỉ hè, rồi 2 tuần sau đó lại tính chuyện đi nghỉ hè sang năm, chưa nói đến các ngày lễ trong năm, bắt cầu luôn qua cuối tuần. Thí dụ, ngày lễ ông thánh nào đó nhăm vào ngày thứ 4 thì họ nghỉ luôn thứ 4, thứ 5 đến thứ hai tuần sau mới đi làm lại. Tháng 5 bên Tây nghỉ mệt thở, chả ai đi làm cả.


Bên âu châu chỉ có 35% người dân làm chủ căn hộ hay căn nhà, số người kia thì chỉ biết mướn nhà hay căn hộ làm giàu cho chủ nhà từ đời này sang đời nọ. Bên Mỹ thì tỷ lệ người có nhà gấp đôi số bên tây. Nếu có nhà thì thế hệ con cháu sẽ được hưởng căn nhà, đỡ vất vã hơn trong tương lai, không phải mướn nhà và có khả năng theo học đại học và con cháu đi lên những thế hệ sau.


Điển hình khi người Mỹ trở về từ mặt trận của đệ nhị thế chiến, chính phủ ra luật giúp họ được trở lại đại học, và mua nhà. Người Mỹ da trắng hưởng được quyền lợi này trong khi các cựu chiến binh da màu thì chỉ có 5% được hưởng các quyền lợi này. Sau mấy thế hệ thì người Mỹ da trắng thoát nghèo sớm hơn người Mỹ da màu.


Hệ thống phúc lợi bên tây thì cao hơn bên Mỹ, về già thì có tiền già, đau ốm có chính phủ lo. Không tiền thì vào viện dưỡng lão được chính phủ lo hết. Vấn đề là xứ tây bắt đầu ít người đi làm để đóng thuế những người về hưu, mà họ lại càng sống lâu hơn xưa. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu. Các ngọn sóng ngầm sẽ đánh vật cả xã hội trong tương lai.


Qua Hoa Kỳ thì không thấy người Mỹ đi nghỉ hè nhiều, tối đa là 2 tuần. Có ngày nghỉ nhưng thiên hạ lại muốn đi cày vì cần tiền để trả tiền nợ ngân hàng hay sợ mất việc. Muốn cho chủ thấy mình siêng năng nhất là người á đông. Do đó bệnh về tinh thần của người Mỹ rất cao. Họ uống thuốc giảm đau, trầm cảm đủ loại. Khi xưa, mình hay ghé thăm mấy người bán nhà cho mình thay vì gửi ngân phiếu, mình ghé lại đưa cho họ ngân phiếu. Họ rất mừng rỡ vì con cháu đi mất tiêu. Ở nhà hai vợ chồng nhìn nhau, không muốn mỏi miệng cãi nhau vì đã hết hơi sau bao nhiêu sinh sống với kẻ nội thù.


 Ai cũng có xe, theo tiêu chuẩn mua trước, trả sau nên người Mỹ làm việc mệt nghỉ để trả nợ. Thức ăn thì rẻ so với Châu Âu nên họ ăn mệt thở. Họ ăn trên xe vì không có thời gian. Cứ như đoàn quân Mông cổ của Thành Cát Tư hãn, cởi ngựa vừa ăn vừa ngủ. Họ làm việc ngày đêm, làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm, 2 3 job để có nhiều tiền tiêu sắm, trả nợ. Họ sợ bị sa thải vì mất việc là mất tất cả trong khi tại âu châu rất khó bị sa thải, mất cả năm mới sa thải được nhân viên. 

Người tây thì ăn uống là nghề của họ. Mỗi lần mình được mời đến nhà bạn ăn cơm là mất 4 tiếng tối thiểu. Ăn khai vị rồi đến súp, món chính rồi xà lách, phô mát đến tráng miệng rồi cà phê, thêm cognac cho tiêu cơm,… bữa cơm chiều là chính trong ngày. Trong tuần họ có thể nấu ăn nhanh nhưng cuối tuần, ăn cơm là một cách thư giãn của họ. Ăn bao nhiêu món thì uống bao nhiêu loại rượu. Đại loại như khi ăn phô mát Camembert, mình thấy Tây uống với rượu trắng, thậm chí họ uống cidre. Họ kỵ uống Beaujolais và rượu đỏ khi ăn loại phô mát này. Mà Tây có trên 400 loại phô mát. Mình thích phô mát Brie, tương tự Camembert, mềm mềm nhưng Tây lại uống với rượu đỏ vùng Bordeaux. Thế là ngọng. May mình rời Tây sớm chớ ở lâu chắc cũng điên điên, lo ăn uống bu xua la mua như “Tây Đui”. Mình cũng không uống rượu nên khỏi mất công lựa rượu này nọ. Cứ nước lạnh thì không cần loại gì.


Ở Cali mình nhận thấy dạo này người Việt bắt đầu uống rượu thay vì bia Heineken, không hiểu lý do. Trước đây, khi mời thân hữu đến nhà, phải mua bia nay thì bia ế độ, vấn đề là không biết mua loại rượu nào vì thức ăn Việt Nam, hằm bà lằn, khó phân biệt. Chắc phải cần mấy bác nào ở Pháp giải thích như ăn bánh nậm thì uống loại gì. Bác Michel, cho em xin ý kiến vì cuối năm mụ vợ tổ chức ăn mừng năm mới. Nước mắm áp hết các mùi vị của rượu. Mình thấy người tây như ăn thịt thì họ uống rượu đỏ, ăn cá thì uống rượu trắng và tùy loại rượu vùng nào. Còn người Việt mình thì nhận thấy họ bỏ đá cục vào ly rượu, uống hằm bà lằn, đỏ trắng loạn xà ngầu. Tây mà thấy chắc đứng tim. Ở Hoa Kỳ, muốn đi học một lớp về uống rượu, phải mất độ $15,000.

Người mỹ không kiểu cọ về ăn uống như người Pháp. Họ ăn hamburger, Hot Dog, uống bia khi có bạn bè đến nhà thì nướng thịt ăn thôi, kẹp bánh mì, xịt ketchup và mù tạc. Trong cuốn The Millionaire Next Door, giáo sư Stanley cho biết trong quá trình nghiên cứu các triệu Phú Mỹ thì nhận ra một việc, các triệu Phú Mỹ không màng đến việc ăn uống. Mời họ vào một tiệm ăn sáng trọng, họ không dùng loại muỗng đĩa nào để ăn nên thường chọn món hamburgers hay steak và khoai Tây chiên. 


Đến lễ tạ ơn thì họ làm con gà tây đút lò, không hương vị lắm hay đặt mua một con. Người Việt, mấy bà nấu hay mua thức ăn ở bolsa nên đi riết ăn cũng ớn vì biết món này món nọ đặt từ quán nào ở Bolsa. Đồng chí gái có mấy bà bạn thích nấu đồ ăn nên mình thích đi còn nghe mấy người nào, biết họ mua ở tiệm đem về thì ngồi nhà đợi vợ cho khoẻ. Dân Huế thì bò ra quán Huế, dân Nam thì bò ra quán Nam và tương tự với quán Bắc.


Nhập gia tuỳ tục, nhập giang tuỳ khúc cho nên không thể chê bai bên tây bên mỹ vì cái nghiệp của mình phải định cư tại Hoa Kỳ. Nói chung mình thích đời sống tại Hoa Kỳ hơn, có lẻ quen lâu năm nhưng nếu phải trở về tây ở thì mình cũng không ngại.

Mình thấy nhiều nhóm trên mạng, lâu lâu rủ nhau họp mặt, uống cà phê rất hay. Có dịp để chém gió rồi chém phở gà, giúp đời sống vui vẻ hơn trên con đường hoàng hôn đời người. Muốn uống cà phê miễn phí vào ngân hàng của mình, lúc nào họ cũng có máy làm cà phê uống miễn phí hay các Dealer bán xe. Còn nước cũng vậy khỏi tốn tiền. 


Khi xưa, ở New York hay bên Tây, qua Cali ăn thèm cơm Việt Nam đã luôn. Ở đây riết ớn mấy tiệm ngoài bolsa. Chỉ thích ăn tại nhà do thân hữu nấu. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn