Những ngày đầu trên đất Pháp # Tombe la neige

Hồi nhỏ xem phim Bác sĩ Zhivago thêm đọc cuốn truyện này khiến mình mê và mơ được xem tuyết rơi như trong phim nhất là dạo ấy ông Adamo, một người gốc Ý Đại Lợi di dân sang Bỉ quốc hát bản nhạc “tombe la neige”. Muốn xem tuyết rơi thì phải đi tây. Mà đi tây thì phải đậu cao. Đâu phải như ngày nay, có tiền là đi. Khi máy bay rời Sàigòn thì bay đến Thái Lan, quá cảnh phi trường Vọng Các rồi đến phi trường Tân Đề Li của Ấn Độ, phi trường Teheran của Ba Tư rồi phi trường Charles De Gaulle ở vùng Roissy.

Đà Lạt lạnh về mùa giáng sinh, gió lạnh, nhiều đêm lạnh xuống đến 10 độ C nhưng lúc đó đang nằm trong giường. Đến Paris thì có ông cậu, con ông bà Phúng ra đón, chở về nhà ở thành phố Pantin. Bước ra bãi đậu xe, lần đầu tiên thấm mùi lạnh mùa đông của xứ Pháp. Lạnh thiệt! Đôi giày đóng ở tiệm giày Mỹ Hưng, đường Minh Mạng lạnh buốt vì mang vớ mỏng le.

Trời mùa đông Paris buồn thế lương, trời xám xám, cây cối xơ xác, không có lá chi cả. Buồn thê thảm như hình ảnh Jane Dunaway trong phim 3 days of the Condor. Có điểm lạ là khi mới đến Paris, mình ngồi xe hơi là bị chóng mặt, thậm chí đi xe buýt. Phải mất độ 1 năm sau mới hết bị vụ này. Ở Việt Nam, đi xe đò mình đâu bị, có lẻ xe tây nhỏ xíu, ngồi trong thấy ngột thở.


Khi còn ở Việt Nam, nghe nhạc của ông Phạm Duy nói về Paris, sông Seine đến khi sang Tây đi ra bờ sông Seine thì đâu có thấy như trong bài hát. Sông nước đục ngầu, ô nhiễm không ai dám tắm như trong mấy tấm tranh xưa kia, đi đường thì phải tránh cứt chó đủ trò. Ngày đầu tiên xuất hành đi viếng Paris, vừa đi vừa nhìn lên trời như bộ đội rớt nón vào Sàigòn, bổng nhiên thấy trơn trợt, nhìn xuống thì dẫm phải bãi cứt chó. 


Dân tây mất dạy lắm, nuôi chó, rồi đem ra đường cho chúng ỉa bậy. Đứa nào ít gian ác thì dẫn xuống đường cạnh lề đường để xe quét đường chạy ngang nhưng thường xe đậu đầy nên rút kinh nghiệm, thấy trời lạnh, dân tây đầm đều nhìn xuống đường không phải vì lạnh hay khiêm nhường mà để nhìn và tránh cứt chó. Sau này, họ có cho các xe mô tô đi hốt cứt chó ở Paris nên nghe nói dạo này ở Paris ít bị đạp cứt chó. Đọc báo tây thì được biết thành phố Paris tốn trên 550 triệu Euro và 7,000 nhân viên đi hốt cứt chó hàng năm.


Mình ở thành phố Pantin, ngoại ô nằm về phía đông của Paris, có nhiều nhà máy , hãng xưởng trước đây nên nhà cửa bị ám khói kỹ nghệ, dơ lắm, tường đen vì khói. Vùng phía tây Paris như Versailles, Saint Germain en Laye ,.. là khu giàu có, tránh gió thổi về hướng đông nên sống ở vùng Đông của Paris là lãnh đủ.

Ở lâu thì mới nhận ra cái đẹp của Paris. Mới bị quyến rủ bởi thành phố này như một người tình. Mình thích về tây lắm nhưng mụ vợ chê tây nên chắc năm tới ráng năn nỉ mụ về tây về thăm em cháu và mấy người quen. Bổng nhiên từ đâu bao nhiêu kỷ niệm về Paris tuông về. Để từ từ mình kể lại.


Mình ở nhà ông cậu bà con được một tuần cho quen đời sống tại Paris rồi dọn ra ở một căn hộ do ông bố vợ của ông cậu cho ở miễn phí vài tháng trước khi họ đập phá để xây một khu chung cư cao tầng. Mình bắt đầu đi chợ nấu ăn. Đâu có tiền nhiều nên mua gạo ở Monoprix về nấu cơm, rồi mở cá mòi sumaco ra ăn chớ đâu biết làm món gì đâu. Một hôm đang đi ở thành phố Pantin, bổng nghe mấy bà đầm kêu “il neige” nhìn lên trời thấy tuyết rơi mới nhớ đến bài của Adamo “tombe la neige”. Chỉ khổ là họ không nói sau khi tuyết rơi thì hôm sau đi lạng quạng là té cái bịch. Khi tuyết tan thì dơ lắm.


Mình sang trễ nên không đi học liền được, nên phải ghi danh học Alliance Francaise 1 tháng để có thẻ học sinh, nộp cho chính phủ xin thẻ di trú (permit de séjour). Sau đó thì kiếm việc làm. Cái khổ là không được đi làm vì có chiếu khán sinh viên nên phải làm chui. Ai đó giới thiệu mình một ông tây tên Andre Vadrot, có ghé Đà Lạt, bạn của một tên giáo sư dạy trường Alliance francaise ở Huế. Hình như bố của Nguyễn Lương Đô, nhà ở Phan Đình pHùng, ngã ba chùa, làm ty công chánh với ông cụ.. mình viết thư liên lạc thì được gặp và trình bày muốn kiếm việc làm. 

Ông ta làm việc cho một công ty du lịch. Một hôm, ông ta ghé nhà trọ của mình hỏi muốn đi làm ở La Clusaz, trên núi. Mình chả biết La Clusaz ở đâu nhưng nghe nói có việc làm là ok. Ông ta kêu lấy cái Vali nhỏ bỏ vài bộ đồ, kêu đi làm 1 tuần lễ, rồi lấy métro đưa mình ra ga xe lửa, giới thiệu mình cho một bà hướng dẫn viên rồi kêu mình đi theo bà ta, kêu leo lên couchette. Hoá ra có tên tây nào vào giờ chót xù công việc nên họ cần người thay thế.


Hàng năm vào tháng 2, học sinh và sinh viên tây được nghỉ phép 1 tuần mà ở Hoa Kỳ họ gọi Spring break. Khi nghỉ học thì gia đình nào có tiền thì cho con đi theo mấy colonie de vacances lên mấy cái núi để trợt tuyết. Cả nhóm mấy chục mạng, thì cần đâu 4 huấn luyện viên trượt tuyết, 1 tên đầu bếp, 1 phụ bếp và 1 tên rửa chén là Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn Đen.

Ngủ xe lửa lần đầu tiên trong đời, qua đêm thì sáng hôm sau đến vùng La Clusaz, xuống xe lửa. Lần đầu tiên mình thấy tuyết trong đời nhưng trong xi nê không nói đến cái lạnh thấu xương. Đẹp thì đẹp đó mà mình không có áo quần ấm nên lạnh kinh hoàng. Bà hướng dẫn viên dẫn cả đám đến một tiệm để mướn giày trượt tuyết. Mình đâu có biết nên mò mò thử đi kiếm giày trượt tuyết như đám tây đầm, đến khi nó kêu đặt cọc mấy trăm quan thì mình trả lại, mang đôi giày Mỹ Hưng Đà Lạt lội tuyết lên núi đến cái châlet mà cả đám ở trong 7 ngày. Châlet có 5, 6 phòng gì đó, trong mỗi phòng 4 người với 2 cái giường chồng lên nhau như trên xe lửa.


 Lúc đó mới hiểu là trong ngày đám tây đầm đi trượt tuyết thì mình phải ở trong châlet, chùi cầu tiêu, phụ mấy tên nấu ăn gọt khoai tây, rửa chén bát chớ đâu phải đi chơi trượt tuyết mà mướn giày gậy. Có hôm nước lạnh hết mình phải rửa chén đĩa, lạnh buốt xương. Sáng dậy, đám tây đầm tắm nước nóng hết nước nên phải đợi lâu mới có nước ấm mà mình thì phải rửa chén bát của chúng để trưa về có đĩa muống mà ăn cơm. 

Tây sang Việt Nam bắt người Việt làm cu li, mình sang tây cũng làm cu li. Rõ chán. Chỉ khác là mình tình nguyện làm cu li nhưng không tiền thì phải chịu thôi. Đi chùi cầu tiêu cho tây đầm mới căm thù thực dân. Nước mắt khóc như mưa ngâu. Ở nhà đâu có phải làm việc đâu. Nay qua tây làm cu li. Chán Mớ Đời 


Tối tối ngồi nói chuyện với tây đầm thì có một anh chàng huấn luyện viên trưởng lấy địa chỉ mình rồi khi về Paris, anh ta mời mình lại nhà ăn cơm. Sau đó hỏi bà dì vợ, bà Cayla cho mình mướn một căn phòng ô-sin (chambre de  Bonne) ở Neuilly Sur Seine. Giá 100 quan một tháng. Sau 3 tháng, bà ta không lấy tiền và xem mình như con nuôi của bà. Hai vợ ông bà này rất nhân hậu, không như được dạy ở Việt Nam là người Pháp rất gian ác. Dân tây có rất nhiều người tốt, khác với những gì mình được dạy tại Việt Nam về người Pháp.


Không biết ai giới thiệu mình đến hội cựu chiến binh pháp tại Đông Dương. Tại đây họ cho mình áo quần cũ để bận, ngon hơn cả quần áo SIDA mua tại chợ Đà Lạt. Trong suốt thời gian đi học, mình không phải mua áo quần gì cả, cứ lâu lâu nhận được thư của họ, nói có đồ cũ về thế là mình bò đến, ăn cơm rồi lấy áo quần nào bận vừa đem về. Mỗi tháng họ cho mình học bổng 300 quan. Rồi họ giới thiệu một ông tên Jean Marco, thầu khoán tại Mantes La Jolie, độ 100 cây số về phía bắc Paris. Ông ta xin được việc cho mình làm giao hàng cho siêu thị Parunis ở Mantes La Jolie rồi cho mình một căn phòng trong văn phòng cũ của ông ta, sắp đập bỏ. Thế là hai căn hộ nơi mình ở lúc mới sang tây đều bị đập bỏ trong vài tháng.

Công việc thì dễ, mình phụ ông tây lái xe, chở bàn ghé nệm giường đi giao hàng cho khách hàng nên cũng nhàn. Chỉ khổ là khi đến những chung cư cao tầng nghèo thì thang máy hư là phải đi lên cầu thang mệt thở. 27 tầng mình nhớ khách hàng ở lầu chót. Lên đến nơi thì mình và ông tài xế, ngồi thở cả tiếng mới đi xuống lại rồi về lại siêu thị. Mình làm việc được 2 tháng hè thì trở về Paris để chuẩn bị nhập học.


Ông Marco này có một ảnh hưởng lớn trong đời mình. Ông ta bị chính phủ cách mạng Algerie đuổi cổ ông ta về pháp dù không phải quê hương của tổ tiên của ông ta. Một mình tự đi thầu xây cất đến xây các siêu thị to lớn nên có thớ ở vùng ông ta ở nên mới kiếm cho mình vào đi làm. Mình thấy ông ta với bàn tay trắng làm nên sự nghiệp nên sau này sang Cali mình nhớ đến ông ta đi làm thầu khoán rồi từ từ đi lên. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen ‘

Nguyễn Hoàng Sơn