Xeo-phì hay Tự-sướng


Mình đang cố gắng, không lên mạng từ đây đến cuối năm 2023 để suy nghĩ về cuộc sống với Internet. Mỗi ngày lên Internet nhất là mấy mạng xã hội để đọc tin tức quá nhiều khiến mình không kịp suy nghĩ. Chưa hết tin À thì tin B đã xoá mờ trong não bộ. Khi xưa, đi uống cà phê với bạn để chém gió, ngày nay chỉ cần gửi tấm ảnh chụp của ai đó lượm trên mạng một tách cà phê cho mọi người, thậm chí chưa bao giờ gặp mặt. Khi gửi một tấm ảnh đại trà ra thì có giá trị gì không vì bạn hữu thường có người thân hơn người chỉ quen, nay đại trà bạn bè thì hơi lạ. Như thế giới đại đồng hoá các người quen cũng như chưa bao giờ gặp.


Mình cũng xóa mấy cái app mạng xã hội trên điện thoại để khi ra đường, không phải mở ra để xem. Lâu ngày trở thành thói quen. Chỉ về nhà, rảnh thì mở ra vào sáng và chiều. Nếu không thì bị mấy vụ này chia phối quá nhiều thời gian và quên sống. Đi ăn với vợ con mình bỏ điện thoại trong xe. Nói cho ngay là tập chính niệm.


Hôm trước, có một người ngoại quốc sử dụng gú gồ để chuyển ngữ, muốn kết bạn với mình nhưng bị chận. Mình lên mạng xem người này là ai thì thấy họ giảng kinh thánh chi đó nên chỉ biết kêu Amen. Mình cũng chận mấy người nhắn tin kêu tết này có về quê, đủ thứ. Mụ vợ kêu không được trả lời vì spam, bị virus này nọ nên mình cũng chận luôn. Không dám mở. Ai muốn nhắn tin thì cứ nhắn trên các còm, em sẽ trả lời cho chắc ăn.

Chúng ta đang sống một thời đại mà chưa ai đã từng trải qua trong lịch sử loài người. Cái điện thoại thông minh trở thành một vật bất khả ly thân. Người ta có thể bỏ vợ bỏ chồng nhưng không thể bỏ điện thoại thông minh, vì thiếu điện thoại thông minh, chúng ta sẽ hết thông minh, đần độn như nông dân Sơn đen. Hôm trước Lệ Thu, con gái STT Đà Lạt xưa, từ Pháp qua, đến nhà countdown, kêu tui chịu câu Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen của ông.


Đi xem đá bóng, hoà nhạc,.. khán giả thay vì xem cầu thủ chơi bóng, dàn nhạc âm hưởng chơi, lại lấy điện thoại ra quay. Có lẻ chúng ta quen làm việc, đọc tin tức qua máy tính nên phải xem trận đấu hay buổi hoà nhạc qua màn ảnh của điện thoại. Ông Thích Nhất Hạnh đã qua đời nếu không sẽ hỏi ông ta khi chúng ta nhìn sự vật qua điện thoại thông minh, là chánh niệm hay chánh niệm thông minh.

Đồng chí gái và Lệ Thu, con gái STT Đà Lạt xưa vào đêm Saint Sylvestre. Ai cũng mê cô này hát nhạc tây.

 Hôm trước, đi ăn với mấy đứa cháu, có thằng cháu cứ cầm điện thoại hoài trong khi ăn khiến mình phải lấy điện thoại bỏ bên cạnh mình, nói ăn xong sẽ trả lại cho nó. Thấy thương nó vì cứ nhìn cái điện thoại hoài dù đã 32 tuổi đời. Đám trẻ ngày nay về nhà lại dính vào vụ chơi game.


Mặt khác, thiên hạ từ tây sang đông lại ùn ùn đi học về nhìn lại bản thân, yoga, thiền định,…cho thấy cuộc sống khá phức tạp. Chúng ta muốn nhìn lại chính mình nhưng mặt khác lại cứ mở điện thoại ra để xem có gì lạ ở đâu đâu, thật giả cũng không biết. Ông tây tên Montaigne khi xưa làm khổ mình vì đọc những gì ông ta viết, chả hiểu gì cả khi mấy ông tây dạy về ông tây này. Ông ta có phán câu: “quand je danse je danse et quand je dors je dors”. Đại khái ông ta đã chánh niệm từ lâu. Không biết ông ta có biết về Phật giáo thời đó chưa nhưng dám kêu khi tôi nhảy đầm thì tôi nhảy đầm, khi tôi ngủ thì tôi ngủ. Ngày nay, chúng ta có thể gọi tôi xeo-phì là tôi xeo-phì.

Có tấm ảnh lịch sử khi cầu thủ James LeBron, ngày 7 tháng 2 năm 2023, trở thành người ghi bàn nhiều điểm nhất của giải NBA Hoa Kỳ. Ai nấy trong khán đài đều đứng dậy quay phim, giây phút lịch sử ấy riêng chỉ có ông chủ của đội banh, ngồi im, không có điện thoại trong tay. Chúng ta có thể gọi ông ta già cổ hủ nên không biết gì nhưng chưa chắc. Ông ta giàu có, có thể có cách suy nghĩ khác đã khiến ông ta hốt tiền của những người bỏ tiền vào chụp hình, quay phim.


Khi tất cả khán giả đứng lên quay phim chụp hình lia lịa, nêu lên hai vấn đề: người quay phim, bỏ mặt tất cả ngay cả chính người quay, để nhìn từ đàng xa qua khung ảnh và thứ hai họ quay phim cho quá khứ của tương lai. Giây phút đang được họ quay là quá khứ của ngày mai hay 1 giây, 1 tiếng, 1 ngày sau đó. Xem như họ không có chánh niệm tại giây phút đó. Như vậy họ đang ở đâu ở giây phút đó? Luật của ông Einstein được áp dụng vào trường hợp này ra sao.


Đêm giao thừa tại Champs Elysees 

Không như ông Montaigne, xem bóng rổ là xem bóng rổ. Họ vừa ghi giây khắc lịch sử ấy để làm kỷ niệm như qua máy ảnh của điện thoại để khỏi quên nhưng họ không nhận thức sự việc ngoài những hình ảnh của máy ảnh điện thoại, không khác gì một người khác đang xem trên truyền hình trực tuyến. Vậy tại sao phải bỏ tiền đến tận nơi xem nhưng lại quay hình vì ở nhà chúng ta có thể xem giây phút ấy qua truyền hình dưới nhiều gốc độ khác nhau.


Điển hình, hôm nay đi ăn cơm với hai đứa con thịt vịt quay mà một ông thần trong nhóm cầy tây cầy ta giới thiệu trên El Monte. Việc đầu tiên là hai đứa con chụp hình. Chỉ thấy được không gian cho phép của máy ảnh điện thoại thông minh, lại bỏ rơi sự việc là đĩa thịt vịt bắc kinh nằm trên cái bàn rộng lớn, không nhỏ bé, thu gọn trong phạm vi của màn ảnh điện thoại. Những tấm ảnh chụp sẽ bị những tấm ảnh chụp sau này nhận chìm và rồi lỡ sau này có lần xem lại cũng không nhớ chụp ở đâu.


Mụ vợ mình thích chụp hình nên lâu lâu bạn của mụ nói đến tiệm ăn, chỗ nào đó thì mụ muốn mình dẫn tới. Mình nói đã ăn tiệm đó rồi hay đã đến chỗ nào, du lịch viếng thăm được nhắc đến mấy năm trước, giờ tháng nào thì mụ như bò đội nón, không nhớ. Có anh bạn học khi xưa kêu học chung với mình cùng trường, cùng thầy, ở Đà Lạt để rồi ngày nay khi mình kể về Đà Lạt, những gì xẩy trong trường, trong lớp, anh ta nhìn mình ngơ ngác. Thậm chí anh ta không nhớ đến buổi văn nghệ cả lớp tổ chức, anh ta và người em đánh đàn trong ban nhạc hôm đó. Anh ta là tiến sĩ tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, đại học danh giá nghe. Không phải nông dân Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen .

Khi xưa, anh ta học rất giỏi, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm. Chánh niệm vào học hành mà quên cuộc sống bình thường với bạn bè, Đà Lạt khi xưa. Mình kể khi xưa, được một tên nào chỉ một cô gái xinh trong trường hay ở Đà Lạt cảm thấy hạnh phúc. Anh ta kể khi xưa ở Đà Lạt, giải được một bài toán khó, cảm thấy hạnh phúc. Nói chuyện với anh ta về toán học, học hành thời đó thì anh ta nhớ đủ hết ngược lại nhà ta ngơ ngác khi mình kể chuyện tình học trò giữa mấy người trong lớp hay ở trường. Có bạn học khi xưa, tiếc là khi xưa chỉ lo học, không trải nghiệm những gì mình đã trải qua khi còn sinh sống tại Đà Lạt. Phải có sự trao đổi. Học giỏi để được điểm cao đi du học hay đi phá xóm như mình để rồi làm nông dân.


Nay mụ vợ sống chung với mình trên 32 năm, kêu không nhớ những nơi đã đi qua. Có phải vì khi viếng thăm, mụ chỉ muốn chụp hình để làm kỷ niệm, như bỏ vào album để rồi không bao giờ nhớ. Khi xưa, chưa có điện thoại thông minh, người ta chụp hình rồi in ra, bỏ trong một album, ghi xuống địa danh, ngày giờ thì khi mở album ra lại, chúng ta còn đọc ghi chú để nhớ lại kỷ niệm xưa ấy. Nay có nhiều hình ảnh, giờ nhìn lại chả nhớ gì cả, không biết đâu là đâu. Người Mỹ hay nói chúng ta là những gì chúng ta nhớ. (We are what we remember) mà nếu chúng ta không nhớ thì chúng ta là ai? Do đó mình muốn ít vào mạng để xem lại chính mình.

Ngày xưa, ở Đà Lạt mỗi lần được bố mẹ dẫn đi ăn cơm tàu, ở tiệm Kim Linh, tổng cộng là 2 lần trong suốt 17 năm sinh sống tại Đà Lạt. Cả hai lần đều được ăn món tả phí lù. Nhớ lại là nhớ đến mùi vị của món đó, trời lạnh, cả nhà ăn xụp xùi, mùi nước tương vị yểu, chất ngọt của cải hay rau vẫn theo khứu giác của mình đến ngày nay. Hay ở Paris, được ăn những bữa cơm gia đình ở nhà ông bà Cayla, PELLERIN hay những lần được chủ mời đi ăn khao ở các tiệm quá đỉnh. Miếng da của vịt quay hôm nay ăn nhẹ nhàng, mềm, cắn cái rụp hoà tan vào cái lưỡi của mình sẽ nhớ mãi nhưng nếu chụp hình thì mình chắc sẽ không nhớ gì. Vì não bộ sẽ giao lại cho iPhone làm việc lưu giữ hình ảnh thời gian của đĩa thịt vịt quay được đem ra, đặt trên bàn.


Năm 2024, mình tính sẽ bớt vào mạng xã hội, để có thì giờ đọc sách thêm và đi chơi với mụ vợ. Có nhiều dự định đi chơi trên núi 2 lần mỗi tuần, rồi leo núi ở phương trời xa để chụp mụ vợ rồi một ngày nào đó phải nhắc lại cho mụ là đã đi rồi thì mụ nhìn mình như bò đội nón rồi kêu rứa à. Chán Mớ Đời  

Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù bước đi vô cùng khó nhọc 

Nhưng vẫn thường xeo phi tặng nhau.


Xin chúc các bác cùng gia quyến được nhiều sức khoẻ và năm 2024 vẫn giữ các bác tràn trề sức khoẻ để xeo-phi tự sướng.

Đi dạo với mụ vợ, thấy phong cảnh đẹp, mình chụp mụ vợ để sau này không đi nổi, còn có gì để nhìn lại đời mình thấy rong rêu. Hôm qua, đi bộ vào buổi chiều trên biển Hungtington bEach. Về già, mình chỉ trả $20/ năm để đậu xe ở bãi biển. Đi bộ hít khí trời ở biển cho có iode.  

Đang dự định tổ chức họp mặt dân Yersin Đà Lạt xưa, năm nay tại Nam Cali. Bác nào muốn tham dự thì cho em biết để báo với ban tổ chức. Thức ăn thì có Ghiền Mỳ Gõ, Ghiền Cơm Hến, Bún Bò Huế đảm trách với Ghiền Cơm Bụi. Chỉ cần bay về tham dự. Xong om 


Nguyễn Hoàng Sơn