Cà phê Việt ngon cà phê Mỹ?

  Có người cho rằng Hoa Kỳ là một xứ tiêu thụ, nên họ bị bắt buộc phải chạy đua theo cuộc sống mỹ. Người thì khen đời Sống Pháp lại có người nhảy vào cho rằng cà phê Việt Nam là số một. Có một cô gốc việt đang bán cà phê việt đóng hộp tại Hoa Kỳ mang tên Nguyên Cà phê. Hy vọng cô ta thành công. Mình đã gặp hai người gốc Việt đang sản xuất bán cà phê Việt Nam tại Hoa Kỳ, một chị là tiến sĩ, dạy đại học Pomona, con gái tiệm cà phê ở đường Phan Bội Châu, Đà Lạt, tên gì không nhớ hình như là Thiên Hữu. Chị ta muốn dùng công thức pha cà phê của gia đình khi xưa ở Đà Lạt để bán trên thị trường Hoa Kỳ.

Có một anh chàng gốc việt rất trẻ, chủ chuỗi tiệm cà phê 7 lá (7 Leaves) khắp Hoa Kỳ, nghe nói có đến mấy ngàn nhân viên. Hình như anh ta có đến vườn bơ mình một lần với anh bạn quen, vua dạy Nail ở bôn-sa. Bác sĩ bỏ nghề y khoa đi dạy làm nail.

Không ai bắt buộc anh phải tậu cái xe xịn để đi hay mua cái áo hàng xịn. Đó là quyết định cá nhân bất cứ đang sinh sống tại quốc gia nào. Anh chạy xe Mercedes nhưng cứ phập phồng lo sợ bị sa thải, mất việc là mất tất cả. Trong khi một anh chạy xe quèn, phẩm giá của anh ta đâu có thua người chạy xe xịn. 

Chúng ta bị điều kiện hoá bởi truyền thông quảng cáo, con buôn cho rằng chạy xe xịn, ở biệt phủ là hình ảnh thành đạt. Nhiều người trước đây phải nhịn ăn để mua cái ví LV nhưng nay đồ giả tràn lan, đeo cái ví của công ty này dù mua thật tại tiệm này, người ta vẫn cho là giả. Khi mình đi kiếm vợ ở Cali, chạy chiếc xe cà tàng khiến đồng chí gái không dám leo lên, kêu đi xe tui vì mắc cỡ quá. Ngày nay cũng chạy xe lùi cùi. Anh chạy xe lùi cùi hay xế xịn vẫn chỉ được khấu trừ thuế $0.56 cho mỗi dậm. Tội gì phải chạy xế xịn.

Trong cuốn “the Millionaire next door”, giáo sư Thomas Stanley kể rằng; trong quá trình nghiên cứu về người giàu tại Hoa Kỳ, ông ta mời 1 số triệu phú ăn cơm tiệm để phỏng vấn lý do giúp họ thành công. Ông tưởng người giàu chuyên ăn ở tiệm sang trọng nên mời đến các tiệm sang trọng. Ai ngờ đa số không quen ăn ở tiệm sang trọng, không biết dùng loại nĩa nào để ăn cá, ăn cua, ăn còng như người Việt. Cuối cùng họ chọn hamburger, ăn bốc cho gọn và uống bia vì rượu vang đủ loại lại đắt nên không quen.

Cuốn sách giải thích chúng ta thường lầm tưởng người giàu là phải như vậy thế kia. Đa số người giàu không muốn ai biết đến họ. Ra đường, không ai biết họ là triệu phú. Ông rich Dad của mình, lợi tức mỗi tháng là $300,000 tiền thuê nhà, tiệm ăn, cây xăng, Mobile home Park, chạy chiếc xe lùi cùi mà ông ta mua lại với giá bèo. Người chạy xe xịn chưa chắc là giàu có. Họ chỉ mượn tiền ngân hàng để mua nhà cao xe xịn để tạo hình dáng người thành đạt, giàu có nhưng chưa chắc họ có $1,000 trong trương mục ngân hàng. Một người phụ nữ trông rất đẹp nhưng một khi gội bỏ lớp son phấn, có thể là da cóc, mụn tàn nhang đủ loại hay tóc rụng gần hết sau khi cởi bỏ đầu tóc giả.


Pháp, Hoa Kỳ, Ý Đại Lợi hay Thụy Sĩ không trồng được cà phê nhưng lại bán cà phê nhiều nhất trên thế giới. Có anh quen, mua cà phê Nestle đem về pha chế lại để bán cho người Việt, dưới danh cà phê sữa Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tin tưởng cà phê của Nestle là chất lượng tốt. Đề cà phê Việt Nam nhưng sản suất của Thụy sĩ mua ở đâu rẻ. Người Anh quốc muốn trồng cà phê ở Ấn Độ nhưng không được nên đành bắt người ấn độ trồng trà, bán cho thuộc địa. Người chê đời sống bên Mỹ nhưng có một điểm lạ là khắp nơi trên thế giới đều muốn di cư sang Hoa Kỳ lập nghiệp. Ngay cả kẻ thù của Hoa Kỳ không ai muốn sang Trung Cộng, Nga hay Cuba để sống. Trước Giáng sinh có đến 300,000 di dân lậu ở biên giới Mễ và Hoa Kỳ. Điểm lạ là các người Tàu di dân lậu, nay dùng đường biên giới Mễ. Ngay Trung Cộng giàu có như báo chí tung tin, người Tàu vẫn lặng lẽ ra đi tìm đất sống ở Hoa Kỳ.

Trong cuộc đời, nếu anh muốn giàu thì chỉ cần bớt đòi hỏi một tí là giàu có. Mình có quen một anh H. O., sang Hoa Kỳ định cư. Gia đình anh ta được housing, welfare và foods stamps. Anh cảm thấy đầy đủ, so với những năm tháng trong tù Việt Cộng. Tiền già nhận được hàng tháng, anh đem một ít tiền, gửi về Việt Nam cho chùa hay bà con. Mỗi lần họp mặt, em út của anh ta nghe anh ta nói họ hàng ở Việt Nam ra sao. Không phải những họ hàng gần mà từ làng ở Huế đâu chưa bao giờ nghe hay gặp mặt vì gia đình dọn vào Sàigòn từ lâu. Anh ta xin mấy người em đóng góp một chút để anh ta gửi về làm quà cho những người nghèo khó. Mình thấy anh ta giàu vì không đòi hỏi nhiều, không khổ sở lao đao với cuộc sống. Nhất là thương nhớ người bà con nghèo khó ở Việt Nam.

Đoán bên Thái Lan hay cambuchia

Trong cuốn the Millionaire Mind, giáo sư Stanley cho hay nhiều người ở trong những biệt thự đồ sộ, lương làm nữa triệu một năm nhưng lại tiêu xài đến trên $600,000. Vậy ai giàu ai nghèo. Tùy theo nhân sinh quan của mỗi cá nhân. Có lần xem phỏng vấn một ông tỷ phú mỹ. Ông cho rằng đâu có cần 10 cái áo đâu, chỉ cần vài cái bận. Đàn bà thì khác. Tư duy của người triệu phú rất khác người bình thường. Ai buồn đời nên đọc mấy cuốn sách do vị giáo sư đại học ở Georgia này bỏ cả đời để nghiên cứu vì sao người giàu lại giàu có, như ông Napoleon Hill khi xưa được Andrew Carnegie cho tiền để nghiên cứu cả đời về những người Mỹ giàu có. 


Mình đã từng sống ở pháp, Ý Đại Lợi, Thụy Sĩ, Anh quốc và nay Hoa Kỳ. Theo mình chúng ta định nghĩa cuộc sống mình ra sao thì ở quốc gia nào mình cũng không thay đổi. Từ khi rời Việt Nam mình đều sống như những năm đầu ở Pháp, không đòi hỏi nhiều, không hút thuốc, không uống rượu, không thích tìm tòi ăn cơm ngon, mua đồ cũ chợ trời bận. Lấy vợ, vợ mua thì bận không thì bận áo quần cũ. Mình vẫn bận mấy áo quần mua từ năm 1987 sang Hoa Kỳ. Hơi mòn một tí nhưng làm vườn đâu ai thấy mà có thấy mình cũng chả lo. Hôm trước đi Toastmasters nói chuyện về, mụ vợ la, kêu anh gài nút lộn mà đứng trước đám đông. Sáng đi tập ở Đông Phương Hội xong thì thay áo quần đi họp nên không để ý.


Ở Hoa Kỳ cũng như ở Ý Đại Lợi hay Thuỵ Sĩ. Sướng hay khổ là do mình tự quyết định. Phật có dạy; dục là khởi đầu của sự đau khổ. Ông ta từ cương vị hoàng tử, sống trong nhung lụa nhưng bỏ vợ con đi tìm Tứ Diệu Đế. Mỗi người trong chúng ta là kiến trúc sư kiêm kỹ sư của đời mình nên không thể nào đổ lỗi cho môi trường hay vợ con. Anh muốn đi xe xịn thì phải trả giá đi xe xịn, anh muốn ăn cao lâu tửu vị thì bệnh hoạn đến vì rượu và thuốc lá không tốt cho cơ thể của chúng ta. Có người thích đọc sách, người thì thích kiếm cách làm thêm tiền, người thích sưu tầm uống rượu, hay cà phê,… đó là quan niệm sống của từng người, đi tìm hạnh phúc riêng cho chính mình.


Ở Hoa Kỳ, anh có thể sống như một người Pháp bình thường, mướn nhà ở, dùng tiền lương để đi chơi, nghỉ hè như thế hệ trẻ ngày nay tại Hoa Kỳ. Đi viếng Sơn Đoòng mình có gặp mấy cô gái từ Việt Nam, thành đạt. Thay vì lo lấy chồng, mua nhà, sinh con đẻ cái, họ dùng thời gian đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống. Đó là lối sống của họ, không có gì trái phải cả. Chúng ta sống một đời nên cứ làm theo nhân sinh quan của chúng ta.

Còn Việt Nam thì mình không nghĩ có thể sống lâu dài ở Việt Nam vì không quen. Hút thuốc khắp nơi thêm nhậu nhẹt. Có anh bạn về Việt Nam ở 6 tháng tại miền quê, tự trồng rau, nuôi gà heo để ăn, đến tháng thứ 6 thì ăn cái gì bị vật tưởng chết nên khăn gói về lại cali. Thứ nhất là ở Cali, cũng như sống ở Việt Nam, nói tiếng Việt hàng ngày, ăn thức ăn việt hàng ngày nên không có nhu cầu về Việt Nam uống cà phê. Có thể ở quê thì được vài tháng vì dù sao không khí vẫn tốt hơn các thành phố đầy tiếng còi, khói xe, bụi bặm.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn