Những tấm ảnh xưa

 Hôm qua, có một anh khi xưa ở Đà Lạt, gửi tặng một tấm ảnh, chưa bao giờ thấy trên đường Minh Mạng. Chụp từ hướng dưới dốc đường đi lên, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ và MInh Mạng, ngay tiệm sửa radio và truyền hình Công Đồng. Các tấm ảnh trên đường Minh Mạng, đa số đều từ trên chụp xuống còn ít khi thấy ai chụp từ dưới đường đi lên dốc, ngoại trừ một tấm ảnh cuộc rước xe hoa đến chùa Linh Sơn, mà mình có kể về đường Minh Mạng. 

Có lẻ leo dốc mệt nên thiên hạ thở không ra nên không chụp, nhất là phía lề đường này vì từ khúc này trở xuống không có lề đường bên phiá này, chỉ có phía bên trái, có đường Tăng Bạt Hổ, tiệm hủ tiếu Nam Vang xuống Phan Đình Phùng, còn phía bên Lữ Quán Sàigòn và bi-da Hồng Ngọc thì không có lề đường. Xin cảm ơn các anh chị gửi cho mình những hình ảnh Đà Lạt xưa. Mình đã thu thập cũng trên 2,715 tấm ảnh xưa của Đà Lạt.

Tấm ảnh chụp trước Mậu Thân. Lý do là các chiếc xe gắn máy thời đó đều dành cho đàn ông. Chỉ sau Mậu Thân mới nhập cảng xe Honda 50 phân khối mà thiên hạ gọi Honda Dame vì dể cho phụ nữ ngồi.

Hai chiếc xe gắn máy đậu trước tiệm Công Đồng, chuyên sửa radio, truyền hình. Ông chủ người bắc, quen ông cụ mình nên khi mua cái máy quay đĩa hát, ông cụ ra đây mua thay vì tiệm Việt Hoa trên khu Hoà BÌnh, quen với mẹ mình. Chỗ người đứng chụp là tiệm tàu, Lợi Xương Viên, bán lồng đèn, bánh trung thu.
Đây tấm ảnh chụp đâu năm 1965, Khuôn Bồ Đề (ấp Xuân An). Bên tay phải có một hai thang cấp xuống sẽ có một căn phố, khi xưa cho mướn đánh bóng bàn. Các tay ghiền bóng bàn như anh Tín, Lê Xuân Thảo, Nguyễn MInh Dũng hay chú Nô đến đây đánh hàng ngày. Chú Nô chết sớm sau 75, hình như có tham gia tổ chức của ông cụ mình. Bác đưa tay vào xe hoa hình như tên Bông thì phải. Mình hay lộn bác này với bác Tế, đều quen bố mẹ mình.

Nhìn bên trái, có tiệm giày Mỹ Hưng, mà mình đã kể khi đi tây, có đóng một đôi giầy mũi tròn, mang được 1 lần đi tây, qua tây thiên hạ cười quá cỡ nên hết mang. Tiệm này mướn của ông Tư, anh của Mệ Ngoại mình. Đâu năm 1973, anh Tư hỏi Mẹ mình mua không nhưng bà cụ kêu không. Không biết ai mua. Hình như bà Hai, chị vợ ông Tư, nằm vùng nên vào thời gian đó bán hết nhà cửa cho thuê. Bên cạnh phía trên là tiệm bán cà phê Meilleur Goût. Mỗi lần đi ngang đây ngửi họ rang cà phê thơm cả khu phố luôn. Nhà này có một cô tuổi bằng mình, có học chung Hội Việt mỸ. Nếu không lầm là người bắc, rất xinh, học Bùi Thị Xuân.

Bên cạnh tiệm cà phê là nhà sách THiên NHiên mà mình có kể, số 35 đường MInh Mạng, ngay góc NGuyễn Biểu và Minh Mạng. Sau đó thì có cái talus, có mấy quán phở. Mình có ăn đây một lần. Cô em bao ăn ngày tết. Phía bên phải có tiệm giặt ủi của gia đình ông Kham hàng xóm của mình. Mình có học chung cô con gái tên Thanh Tịnh, một cô em tên Tú thì phải. Có một người con trai, lớn tuổi hơn mình nhưng quên tên. Đâu đâu cách đó có quán chè của nhà may Tân Tân. Mình có đến đây ăn vài lần. Chỗ này cũng là chỗ bà bán bánh căn dưới chợ, dọn lên đây đổ bánh căn cho thiên hạ, sau mua nhà trong dốc Nhà Làng. Hình như con của bà ta kế nghiệp. Lần chót về Đà Lạt, mình ăn bánh căn bên ấp Mỹ Lộc. Đối tượng một thời có mời ăn gần viện đại học nhưng dành thì giờ đi ăn với bà cụ và mấy người em.

Có con hẻm đi xuống mà dân Đà Lạt gọi Dốc Nhà Làng, tẻ ra làm hai: 1 đi xuống phía cầu Cẩm Đô và có một con hẻm tẻ về phía đường Duy Tân, phải đi ngang dãy nhà của Chú ký dì Bơn. Chỗ con hẻm nay, đi tiếp lên có tiệm uốn tóc Bạch Cung, hình như bên cạnh cũng có một tiệm uốn tóc khác cho phụ nữ quên tên. Sau đó đến một tiệm sửa xe và bán xe đạp, xe gắn máy của em bà Cháu và tiệm sửa xe Công Thành ở đường Phan Đình Phùng, đối diện tiệm Tân Tiến. Bà con chi với bà cụ mình. Tết nhất không đến thăm gia đình nên không rõ. Mấy người này giàu nên cũng ngại nhận họ hàng. Hình như phía bên ông ngoại mình. Bên mệ ngoại mình thì gần hơn như ông bà Võ Quang Tiềm, Nguyễn Văn Phúng, Nguyễn Văn Đàng thì ngày tết đều phải vào chào.

Đi lên bên cạnh là tiệm may Văn Gừng, mình có học với Phong, con trai ông Văn Gừng. Sau đó có một con hẻm đi vào phía sau, bên trái có quán nhỏ bán chè tên Mai Hường, là nơi hội tụ các cô gái Đà Lạt thích ngọt. Hình như quán này là quán chè đầu tiên vì sau này mới thấy các quán chè khác mọc lên như nấm. Bên Tăng bạt Hổ có tiệm chè Mây HỒng của gia đình bác Tám,…

Đi lên thì có tiệm Anh Võ và tiệm chụp hình rồi nhỏ quá không thấy rõ. Ai buồn thì tìm bài đường Minh Mạng, toàn là hình chụp phía đó.

Đà Lạt khi xưa mình chỉ nhớ có 3 tiệm bán radio, máy truyền hình : Việt Hoa ở cạnh tiệm ăn Mekong, tiệm Công Đồng ở đường Minh Mạng và tiệm Việt Quang ở Phan ĐÌnh Phùng, đối diện tiệm thuốc tây Lâm Viên.

Tiệm Việt Hoa, bán máy truyền hình, radio cạnh tiệm ăn Mekong

Đây là hình chụp từ trên đầu đường Minh Mạng.
Trường Võ Bị Quốc Gia trước 75
Xem hai tấm trên, không biết tấm nào chụp trước vì thấy có xóm nhà tôn từ cổng chính của trường đi vào. Biết đâu sau 75, khi Việt Cộng vào chiếm.
Chỗ quán ăn ở đường Trương Vĩnh Ký, sau lưng tiệm thuốc tây Nguyễn Văn An, đối diện khách sạn Thuỷ Tiên mà trung sĩ Phẩm, đang ngồi thấy võ sư và ông đại tá từ Cam Ranh mà mình đã kể trong chuyện tình 302. Mình nhớ có ăn chỗ này một lần khi chú Điềm, hàng xóm đánh xập xám thắng, kêu chở chú ra đây ăn.
Đây là khu Hoà BÌnh khi sinh viên biểu tình, đồi chém đầu ông Kỳ. Ông cụ mua cho mình cái dây nịt ở tiệm ông chà và ở đây. Có ông thần nào hỏi mình cô nào, con ai bán tiệm ở đây. Mình đâu có nuôi ma xó như Thầy Chiêm mà biết hết dân Đà Lạt khi xưa.
Đây là tiệm ăn và vũ trường Đào Nguyên trước 75. Thời tây gọi là “La Chaumière”, lúc đầu lợp rơm như bên tây. Sau này họ phá và xây lại làm câu lạc bộ thể thao của Đà Lạt .
Hình này có thể sau 75 vì tiệm may Văn Gừng đổi tên thành Duyên. Tiệm cạnh Công Đồng đã lên lầu. Hình như tiệm giặt ủi, không chắc lắm
Đây là không ảnh chụp thấy đầu đường Mình Mạng đến đường Nguyễn Biểu. Khi xưa có tiệm vàng Hùng Thanh của ông Bùi Duy Chước, người làng Kế Môn. Tiệm Hiệp Thạnh khi xưa, nằm bên cạnh. Sau này dọn về số 11 Duy Tân.
Tấm ảnh này ở khu Hoà BÌnh (chợ cũ) khiến mình cứ ngu ngu hoài đến tuần vừa rồi đọc được tài liệu của tây, mới biết là chụp ngày lễ “armistice” 11/11/1939. Ngày mà người Pháp làm kỷ niệm cuộc đình chiến của thế chiến thứ 1, nhớ đến các chiến sĩ trận vong. Người việt bị đưa sang tây, đánh trận, chết thế cho dân Tây khá nhiều. Mấy người sống sót, trở về Việt Nam, giết mấy tên lý trưởng đã ghi danh họ đi lính cho tây. Mình có kể rồi. Ngay người Mỹ cũng làm kỷ niệm mỗi năm. Chết mấy chục triệu người. Thấy các viên chức Việt Nam bận áo dài đứng giữa rừng tây đầm và con nít tây.
Duyệt binh ngày lễ 11/11/1939
Có anh nào dân Đà Lạt xưa gọi cho mình, nói khi xưa ở cư xá cảnh sát ở đường Yersin nên tải lên đây cho anh tìm lại chút kỷ niệm thời con nít. Bên trái là trường Lasan Kỹ Thuật. Đi chút nữa là đến Tiểu KHu mà mình có kể ông tiểu khu phó Đặng Văn An chỉ huy. Xung quanh là hàng rào chống B40 . Cuối đường có chút nhà thờ Tin Lành mà năm Mậu Thân, Việt Cộng núp trong đó bị trực thăng Mỹ bắn chạy qua bên nhà mấy bà sơ ở đường Đoàn Thị Điểm, bỏ xác đâu trên 20 mạng. Mình có viết bài với mấy tấm ảnh ngược đường lại. Nếu buồn thì mò trên bờ lốc.
Nhà hàng Đào Nguyên, chắc sau 75 thấy chữ đỏ.

Mình mới tải về một số ảnh Đà Lạt xưa do ông Thi Đà Lạt đăng trên mạng. Để hôm nào buồn đời, mình xem lại mấy tấm ảnh này để xem nhớ cái gì.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn