Đời đẹp chán khi gặp người tri kỷ

Lễ Tạ Ơn năm nay, khác với mọi năm, đồng chí gái tổ chức gia đình ăn cơm với vợ chồng ông anh vợ. Không nhộn nhịp như mọi năm với mấy gia đình anh chị vợ khác. Không ai đem điện thoại thông minh ra để chứng tỏ mình thông minh hơn người ngồi chung bàn.


Mình hỏi anh vợ làm sao phát hiện ra mối tình hữu nghị của bà chị dâu. Chị dâu này thương mụ vợ mình lắm, cứ nấu ăn kêu mình đến lấy về cho vợ ăn. Mình có bà mợ, cũng thương mụ vợ, khi xưa chưa bị bệnh, cứ kêu mình lên lấy thức ăn về cho đồng chí gái. Còn mình thì chả ai đoái hoài đến. Rứa là răng. Có người hứa hẹn đủ thứ ở Đà Lạt, nói về đây sẽ đổ bánh căn gia truyền, người thì nói sẽ nấu bún bò. Khi mình về Đà Lạt, mấy bà này chạy mất dép, khi mình rời Việt Nam mới thấy họ liên lạc lại, kêu vì ăn chay nên không dám sát sinh. Không bao giờ tin con gái Đà Lạt ngày nay ngoại trừ đối tượng một thời. Cô nàng có mời đi ăn bánh căn nhưng mình xin lỗi, dành thời gian đi ăn với bà cụ và mấy người em. Hy vọng lần sau có thời gian nhiều hơn.

Mình nhận thấy đồng chí gái rất tốt với mọi người, bạn bè, cháu,… Giáng sinh nào từ ngày lấy nhau đến giờ, đều tổ chức giáng sinh, tết mua quà cho mấy đứa cháu. Mình có 4 bà chị dâu nhưng chả bà nào lo hết, cứ để mụ vợ mình lo nên qua năm tháng mấy đứa cháu thương vợ mình lắm. Con gái mình ở New York, nhưng cứ Tết và Giáng Sinh là bay về nhà thậm chí mấy đứa cháu ở xa cũng bay về ăn tết vì không khí đại gia đình được mụ vợ xây dựng từ mấy chục năm qua giúp mấy đứa cháu gắn bó với nhau. Hè rồi, có đám cưới cô cháu ở Boston, mấy đứa cháu bay qua hết cho thấy anh em, họ hàng gần nhau cần phải có một người kêu gọi lại như con gà mẹ cu cu đám gà về chuồng.


Năm ngoái đi Dubai bên gia đình mình do mụ vợ đưa ý kiến, mời cả nhà bay đến Dubai khiến mình khóc một dòng sông vì phải trả tiền ăn ở, máy bay cho mấy chục người khắp nơi trên thế giới bay về, chúc thọ bà cụ được 90 tuổi.


Lâu lâu mụ vợ lên vườn, hái trái đủ thứ. Mình hỏi chi nhiều vì ăn không hết. Hoá ra mụ đem cho bạn bè. Còn mình, bạn bè hỏi thì kêu lên vườn mà hái. Mình hái là để bán vì phải làm việc đủ trò trên vườn. Do đó bạn bè thương mụ vợ lắm, còn mình thì họ tránh Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Có anh bạn nói mua dùm cho bạn nhưng mình biết anh ta thích bơ vườn mình nên mua, tránh mình bắt buộc cho nhiều nên nói mua cho thân hữu. Mình kêu thằng con hái rồi đem giao tại nhà 2 thùng 40 cân anh, lấy tiền cho nó xài.

Anh vợ mình kể là sau 75, bị đi cải tạo được 3 năm thì cho về. Xin vào làm việc cho một công ty xây dựng. Anh ta học kiến trúc trước khi đi lính. Tại đây thì phát hiện ra đồng chí chị dâu. Anh vợ mình là nhà thơ Thanh Toàn, lấy tên cầu ngói mang tên ở Huế. Anh ta nhắc đến bài thơ:


Chia cho nhau miếng cá ngọn rau

Đời đẹp chán khi gặp tri kỷ

Anh vẽ hoạ đồ thiết kế

Em kiểm văn thư dự toán. (Thanh Toàn)


Chị dâu làm thư ký cho công ty, ông chủ muốn cá độ cho con ông ta nên trưa kêu lên nhà ăn cơm nhưng chị ta không chịu. Có ông kia làm chung công ty đi xe Lambretta kêu để ông ta chở về nhưng chị cũng không ưa, chỉ muốn được ông anh vợ chở bằng xe đạp.


Chưa đám cưới gì cả thì Việt Cộng kêu anh vợ đi kinh tế mới. May mà ông chủ công ty viết văn thư gửi cho công an khu vực, nói đất nước cần những người biết về kỹ thuật. Anh ta đã leo lên xe tải để được gửi lên vùng kinh tế mới thì công an khu vực đem cái văn thư ra đưa, cho tên có trách nhiệm, kêu ông anh xuống xe. Nếu không chắc đã bỏ mạng trên vùng kinh tế mới.

Hai người lấy nhau, ông chủ chết nên chị về làm ở nhà. Chị ta có khiếu về make-úp nên được rất nhiều hoa hậu Sàigòn nhờ làm mặt nên làm ăn khấm khá. Bổng nhiên được giấy tờ đi mỹ với bố mẹ vợ nên hai người băng khoăn không biết nên đi hay không. Rồi cuối cùng đi cho tương lai mấy đứa con.


Người Việt mình hay nói đến cụm từ “duyên nợ” nên mình không hiểu. Cứ thắc mắc “duyên” là gì? Làm sao để giải thích cho mấy đứa con. Theo mình hiểu duyên là điều kiện, tây phương gọi là “condition”. Khi ta muốn nấu bún riêu, phải có nước, mắm tôm, riêu, cà chua,… đó là những điều kiện để hội tụ, để nấu nồi bún riêu. Nếu thiếu những thứ này thì không thể gọi là bún riêu.


Người Việt hay dùng từ “duyên” để nói về gặp gỡ giữa trai gái và lấy nhau thì gọi là “nợ”. Khi vợ chồng bỏ nhau thì họ kêu “hết nợ”. Nếu không có đủ tất cả những điều kiện thì chúng ta không thể nấu được nồi bún riêu. Nấu bún riêu chưa chắc là ngon, dù có đầy đủ điều kiện. Tương tự lấy nhau, có đầy đủ điều kiện nhưng chưa chắc cuộc hôn nhân có hạnh phúc như nồi bún riêu thiếu ruốc. Phải thử vài lần vì không đúng lắm như hôn nhân nào cũng có lục đục, chưa đả thông được tư tưởng. Nếu không chịu khó, thông cảm kẻ nội thù sẽ đưa đến đỗ vỡ hôn nhân.

Hôn nhân lúc đầu cũng phải có đầy đủ điều kiện để lấy nhau. Gia đình đồng ý, thương nhau, trọng nhau. Dần dà các cuộc xung đột xẩy ra, nếu không cẩn thận cuộc hôn nhau vì tình yêu có thể đưa đến hận thù và đổ vỡ. Tại sao các điều kiện tốt hội tụ để đưa hai người xa lạ quen nhau, yêu nhau rồi đưa đến sự chia lìa. Tại vì chúng ta quên một điều, hạnh phúc như trồng một cái cây, cần phải được chăm sóc, phân bón, tưới nước được nhận nhiều ánh nắng mặt trời để có thể lớn mạnh, nhất là các nhánh khô, cần được cắt bỏ để những nhánh tốt có không gian phát triển. Nếu không chăm sóc, tỉa các nhánh chết khô thì dần dà chỉ còn lại nhánh khô.


Hai vợ chồng yêu nhau, đi mua một cây táo, đem về trồng ở sau vườn nhưng không có ai chăm sóc cây táo, đều ní cho nhau thì sớm muộn cây táo sẽ chết. Trong cuốn “Anger”, ông Thích Nhất Hạnh có nhắc đến trường hợp hai vợ chồng đều có bằng tiến sĩ, xem như họ đều có học thức cao, có thể hiểu nhau hơn. Nhưng không, họ sống với nhau, cãi nhau như mổ bò hàng ngày. Cuối cùng bà vợ nói chuyện với người bạn, kêu chịu đựng hết nổi, muốn tự vận. Bà bạn sau khi nói chuyện, nói bà ta nên đi theo bà tham dự một khoá tu thiền. Bà này nói tôi là thiên chúa giáo, không thể nào bỏ đạo. Bà bạn nói, trước sau gì cũng chết thì tại sao không học tập lớp tu thiền rồi chết. Nếu mình không lầm thì thiên chúa giáo không cho phép con chiên tự tử.

Bà tiến sĩ nghe lời đi theo học khoá tu thiền. Tại đây bà ta học được cách nhìn lại bản thân, lắng nghe, chánh niệm,… sau khoá tu bà ta bắt đầu lắng nghe ông chồng và thương ông chồng. Mới hiểu ông chồng đau khổ vì không ai lắng nghe ông ta. Ông ta giận dữ với con, với vợ vì khắc khoải trong nổi cô đơn, không ai nghe hiểu tâm sự của ông. Không ai muốn nghe nổi đau khổ của ông ta. Bà yêu cầu ông chồng đi học một khóa tu khác và ông này cũng nhìn lại mình, hiểu về bản thân mình và không trách móc vợ con nữa. Từ từ họ nối kết lại với nhau qua sự lắng nghe nhau. Khi họp mặt thân hữu, nếu để ý, ít ai chịu khó ngồi nghe cả bàn nói chuyện. Đa số chỉ đợi người kia ngưng để nói cảm nghĩ của họ thay vì lắng nghe người nói. Vợ chồng cũng y chang.


Chúng ta thương chúng ta hơn ai cả. Ngày nay với cộng đồng mạng, chúng ta có thể hiểu cộng đồng mạng là thượng đế. Chúng ta muốn cộng đồng chấp nhận chúng ta như khi xưa đi đến giáo xứ. Cuộc đời chỉ loay hoay trong làng, trong giáo xứ. Thượng đế là giáo xứ, là mọi người trong làng. Chúng ta luôn luôn nghe lời cộng đồng, ai khác lạ được xem là điên khùng. Thòi liên xô, anh không tin chủ nghĩa cộng sản vậy anh là người bất bình thường, phải cho vào nhà thương điên chữa trị. Ngày nay với Internet, một người có thể kết nối với một ai ở Alaska hay đâu đó. Có một người muốn kết bạn với mình, kêu là gửi nhắn tin đủ trò nhưng họ lại dùng gú gồ chuyển ngữ nên mình ngại không dám kết bạn nhất là mở link của họ vì sợ spam. Nên đành kêu Amen.


Chúng ta ai cũng xem cái tôi, bản ngã của mình trên hết, chúng ta muốn áp đặt cái tôi trên mọi người. Đi họp mặt ăn uống tại nhà thân hữu, mình để ý vài người, cứ dành hết thời gian nói chuyện, để đưa ra những quan điểm của mình mặc dù không ai để ý. Họ cứ nói đủ thứ đề tài. Dành nói hết. Họ không nhìn bản thân, hay lắng nghe người khác để xem biết đâu họ có thể học hỏi điều gì từ thân hữu. Mình dám chắc tại nhà, họ cũng không nghe vợ con hoặc bị vợ lấn áp, không cho nói nên ra đường phải nói cho bưa.


Dạo này đi chơi, leo núi với đồng chí gái, mình bắt đầu chịu khó chụp hình kẻ nội thù. Mụ vợ thay vì chụp một kiểu lại đòi chụp quay lưng, rồi nghiêng nghiêng cành lá rồi thực diện, rồi chân trái nhấc lên đến chân phải hất ra sau,… mụ hay kêu đi là con đường hạnh phúc, không cần phải tới đích. Mình thì muốn mụ đi cho mỏi giò để hết nói, hết tạo khẩu nghiệp nhưng khi thấy kẻ nội thù vui hồn nhiên như trẻ thơ đứng cà ẹo, trong ống kính thì thấy cũng vui. Đó là niềm vui. Vợ vui là chính thay vì lên tới đỉnh cho sớm. Khi đi xuống núi thì mụ mệt nên không cần đứng lại chụp hình vì chánh niệm vào hai cái đùi đau quẹo chân.


Từ ngày tập Đông Phương Hội đến nay, mình từ từ mình nhận thức được cơ thể, hơi thở khi đi quyền, kéo nội công, hiểu từ từ, lắng nghe cơ thể rồi từ từ người xung quanh. Khi chúng ta hiểu được hoàn cảnh, lý do kẻ nội thù hay con cái hành xử như thế này thế nọ. Khi đã hiểu thì chúng ta dễ thích ứng với sự quan tâm để hòa hợp với vợ con. Mỗi lần đi chơi với vợ con, mình đều bỏ điện thoại trong xe để chịu khó lắng nghe vợ con. Thay vì ngồi xeo-phì tự sướng. Một tấm ảnh khác với không gian 4 chiều.

Cái duyên, những điều kiện để cho vợ chồng gặp nhau nhưng cần được sự chăm sóc để cái duyên ấy được đâm hoa kết trái. Đó là hạnh phúc đời người.


Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù cho bước đi vô cùng khó nhọc

Những vẫn thường hái hoa tặng nhau


Một tiếng hắt hơi, cụ bà tắt thở

Một chiếc xe tang đưa cụ bà ra bãi

Thấy cụ ông đứng đó

Ở trên mồ tay vẫn cầm lá thư tình yêu


Ơi trái tim cụ ông như mặt trời sắp lặn

Ở dưới nơi chim rừng cháy rực

Sáng tình yêu, ngàn năm


Cụ bà vẫn đẹp sao, mụ vợ vẫn đẹp sao, đẹp sao. Đẹp sao đẹp sao…..


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn