Bûche de Noël một thời

 Cứ mỗi lần giáng sinh về là mình nhớ đến cái bûche de Noël, được ăn lần đầu tiên tại Đà Lạt. Dạo ấy, ở xóm có bác Duy gái nổi tiếng làm bánh tại Đà Lạt. Thường ngày bác làm bánh bông-lan bỏ mối cho mấy tiệm bánh ở Đà Lạt. Đến mùa lễ là dân Đà Lạt đặt bánh Tây. Có thằng Vĩnh Vinh con đầu, giỏi lắm, chịu khó phụ mẹ hắn làm bánh. Mình có vào nhà phụ hắn làm bánh bông lan, bỏ lò làm bằng thiết do ông Thạc, thợ thiết ở ngoài chợ, gần bồn nước chợ làm, đặt trên lò dầu hôi, khi gần chín hắn bỏ thêm vài hạt nho khô ở trên cho đẹp mắt. Bỏ sớm thì mấy hạt nho khô sẽ bị chìm trong bánh khi bột nở. Có lần bánh bị cháy, hắn gọt phần cháy, rồi chia em nó ăn, còn mình nó thảy cho cục cháy đen xì, nhưng vẫn thấy ngon, thơm mùi bơ Mỹ, nhờ vậy mình mới đen như tấm ảnh mình tải lên tuần rồi. 

Dạo ấy nhà mình, sáng có ông đưa bánh mì của lò bánh mì, đường phan Đình Phùng, mấy anh em ăn sáng lấy bơ Mỹ, quét ăn, nhiều lúc sang thì rắc thêm tí đường cát, uống ly sữa Con Chim. Nhiều khi có tiền, mua bánh mì lò Vĩnh Chấn, về trét bơ ăn muốn lịm người. Lần đầu tiên mình qua Gia-nã-đại, thăm tên bạn học khi xưa, hắn nhắc một điều là nhớ muôn đời, ăn bánh mì Vĩnh Chấn, trét bơ ở nhà mình. Nhà bác Duy có 4 trai 2 gái. Vinh hơn mình 1 tuổi, đến Vĩnh Dũng cùng tuổi mình sau đó đến con Hương, thằng Hải, con Hà rồi Vĩnh Hồ. Mình chỉ gặp lại bác Duy trai một lần khi về thăm gia đình lần đầu. Còn thằng Vinh, chết khi đi thanh niên xung phong với thằng Hùng ở xóm Địa Dư, thằng Dũng, và con Hương nghe nói cũng chết trẻ sau 75. Có lần, Tết mình bị ông cụ lấy chổi khệnh cho một trận, mình chạy xuống nhà bác Duy, cho tá túc qua đêm.

Trước giáng sinh, dân thượng lưu Đà Lạt, lái xe đến nhà bác Duy, đặt bánh Noel mà dân trường tây gọi là bûche de Noël. Mình thấy bác Duy gái với thằng Vinh làm bánh Tây với kem mà thèm không biết chừng nào mới được ăn. 2 Bác Duy có hai cô con gái nên cưng lắm, 4 thằng con trai thì không được yêu chuộng lắm theo truyền thống trọng nữ khinh nam. Hình như bác Duy trai có một người con trai riêng, lớn tuổi hơn mình. Quên tên rồi. Hình như là Tý thì phải. Có lần ai ở Đà Lạt hỏi mình có nhớ anh chàng này. Đoán là ông thần kêu con cháu hỏi dùm. Ông thần này hơn mình mấy tuổi, con bà trước nên hay bị bác Duy gái thay vì cho ăn bánh, lại cho ăn đòn. Có lần bà ta trói ông thần ngay cây chuối, sau vườn gần cái suối thấy thương. Sinh nhật 2 cô con gái thì gia đình tổ chức ăn mừng lớn, còn 4 tên con trai chả thấy làm gì cả. Mỗi lần sinh nhật hai cô con gái là thấy xe hơi đậu đầy dọc 2 bên đường Hai Bà Trưng từ chỗ cư xá Địa Dư lên tới dốc Hai BÀ Trưng. Tương tự ngày nay, ở Cali nhà ai có sinh Nhật là xe đậu đầy đường.


Cứ mỗi lần thấy xe đậu là biết có tổ chức sinh Nhật 1 trong hai cô con gái. Tối đó là mấy đứa con trai trong xóm, hú nhau bò lại nhà bà Duy để xem con nhà giàu ăn sinh nhật. Có cả thằng Vĩnh Dũng, anh của hai cô bé ở trong nhà. Hình như hắn thích cô nào, bạn của em gái hắn nhưng không được tham dự, đành bò ra ngoài sân, nhìn vào cửa sổ với mấy đứa con nhà nghèo đi ăn chực. Không nhớ bao nhiêu tên, hình như có thằng Đắc, con anh Bình, thằng Hậu con bà Hoà ở cùng dãy nhà với mình, thêm Khánh ù con ông Phúc nữa. Cả đám đứng nhìn từ ngoài cửa sổ vào xem đám con gái nhà giàu, họp mặt ăn mừng sinh nhật.


Lần đầu tiên, sinh nhật mình được tổ chức do một đối tượng 1 thời, từ Boston bay sang Luân Đôn, tốn mình cái vé khứ hồi với British Airways. Từ đó mình sợ sinh nhật lắm. Sau này lấy vợ thì mụ vợ cũng hay quên sinh nhật của mình. Mình rất vui vì không phải tốn tiền. Tổ chức mua bánh bú xua la mua thì mình trả tiền chớ không có thằng tây nào trả cả. Sinh nhật tốn tiền, giúp gia tăng lượng Glucose trong huyết quản, chả có gì lợi cả. Lại tốn tiền. Đả đảo sinh Nhật. Tay sai của đế quốc.

Kugelhopf của người đức. Mình biết món này khi được gia đình ông bà Labrousse, từng tham chiến tại Việt Nam, mời ăn giáng sinh tại nhà họ. Rất cảm động, giáng sinh mới qua Tây chưa quen ai, gia đình này mời mình ăn giáng sinh nhà họ. Bà Labrousse là người gốc Alsace nên làm món bánh cổ truyền của vùng Alsace cho ăn. Nay về Bordeaux nghỉ hưu, không biết còn sống không vì mất liên lạc khi họ dọn về Bordeaux. Mình tìm trên mạng ra thằng con trai, có nhắn tin nhưng chả thấy nó trả lời vì lần cuối nó lên mạng là năm 2009.
Đây là gia đình ông bà Labrousse. Không thấy ảnh của bà ta chắc đang chụp hình. Ngồi bên phải là ông Jean LAbrousse, từng tham chiến tại Việt Nam. Ngồi là hai thằng con trai tên Jean Paul và Pierre, đứng là hai cô con gái tên Marie Therese và Marie Christine. Khi xưa sinh viên không có tiền thì lâu lâu mình lại nhà cô Marie Christine cắt tóc miễn phí.

Đây đám con nhà giàu trong xóm đã tổ chức từ lúc còn bé. Chúng đem bánh bà Duy làm ra, với mấy cái nến, trong căn phòng được tắt đèn với ánh sáng lung linh của mấy ngọn nến, sao cứ như ở trên trời. Rồi con Hương hay con Hà chung mồm vào thổi rồi vổ tay cho thật đều để mấy thăng con trai trong xóm đứng ngoài thèm chơi. Như tra tấn những linh hồn thèm đường. Con Hương lấy dao cắt cái bánh từng lát nhỏ rồi lấy chia cho đám bạn. Chúng vừa ăn bánh vừa uống nước cam vàng BGI. Cái đám dân nhà giàu lạ lắm, chúng ăn rất từ tốn không như nhà mình, mấy anh em và cơm nhanh hơn Carl Lewis chạy 100 mét ở thế vận hội. Của không ngon, nhà đông con cũng hết. Lên mâm, cầm đũa mời bố mẹ, mời anh mời chị xong là thấy hết cơm hết thức ăn nên nhà mình rất nhanh. Đến khi lấy vợ cũng ăn nhanh khiến vợ la vì không để dành cho vợ. 


Cả đám đang xem bọn con gái nhà giàu ăn bánh vừa nuốt nước miếng ừng ực như nước Cam Lồ thì bổng đâu bà Duy, mở cửa ra lấy chuỗi chà, quét sân rượt đuổi cả đám như đuổi chó dính lẹo. Mình với mấy tên ăn chực bánh ngoài trời, chạy qua bên kia đường chỗ nhà bà Ngần đứng, nhìn vào cửa sổ xa xa tiếc rẻ buổi ăn bánh hàm thụ chưa tròn, chưa đả thèm. Đợi lâu lâu 1 tí thì thằng Hậu chạy qua đường đến cửa sổ xem rồi chạy về báo, chúng ăn hết bánh rồi nên cuộc ăn buche de Noel tập thể không nói cũng rả đám từ lúc đó. Mạnh ai về nhà nấy. Không biết mùi vị cái bánh ra sao.


Có một năm, bổng nhiên có một người đem cái Buche de Noel đến nhà biếu ông cụ. Chắc ông cụ đã giúp bắt ống nước vào nhà họ nên để cảm ơn, mua cái buche de Noel của bà Duy đem đến biếu. Đi học về, thấy cái bánh để trên bàn, mấy anh em bò lên ghế, trường người lên bàn để hít mùi thơm của bánh, được đậy lồng bàn, thơm lừng lựng. Phê thật. Càng ngửi càng thấy đói.


Tối đó, bà cụ đi chợ về, cả đám xúm lại mách bà cụ là có bánh ai cho, buche de Noel. Tưởng bà cụ cho ăn liền nhưng không. Bà cụ kêu lấy cái mâm, rửa sạch lau khô, rồi đặt cái buche de Noel lên trên, mang lên bàn thờ cúng ông bà. Hôm đó chắc ông bà mình lần đầu tiên được ăn buche de noel. Thấy bà cụ thắp hương rồi khấn vái, mấy anh em cũng dành nhau khấn ông bà có linh thiêng thì bay về ăn bánh mau mau cho các cháu hưởng lộc. Có cậu em đột phá tư duy, thổi mấy cây hương đang cháy đỏ rực cho hương mau tàn.


Cuối cùng thì hương tàn, mấy anh em tính nhẩm trong đầu xem mỗi đứa được 1 lát to bao nhiêu. Nhờ vậy mà sau này mình học ban toán vì biết tính nhẩm cách chia trong đầu. Tất cả đều thất vọng. Bà cụ cắt phân nữa ra, sai một đứa đem đi cất tủ lạnh để mai mốt ăn. Còn phân nữa thì cắt một miếng rồi chia đôi cho hai đứa. Lúc đầu thì cứ lượm mấy miếng bánh bể rớt xung quanh ăn rồi từ từ rức rức thêm bánh để ăn kiểu kiến tha lâu cũng đầy bụng. Ăn xong còn hít hà, lấy cái lưỡi liếm liếm dấu vết chocolate trên đĩa cho sạch. Ngon nhớ đời!


Nay về lại xóm xưa thì mấy gia đình hàng xóm khi xưa, nay còn nhà anh Bình, bà Hoà còn tất cả đều dọn đi hết. Vật đổi sao dời nhưng mình vẫn nhớ đến cái bánh Tây ăn lần đầu tại Đà Lạt trước khi đi Tây.



Sang Tây thì ăn nhà bạn bè hay nhà ông bà Cayla nhưng không hiểu sao không ngon bằng lần đầu tiên ăn ở Đà Lạt. Có mấy năm chót ở Âu châu thì mình sang Ý Đại Lợi ăn giáng sinh với mấy người bạn ở Rome. Người ý không ăn bûche de Noel mà ăn Panettone. Nhất là sau 75, nghe nói Việt Nam đói khổ nên mình cứ thèm phải chi có mấy đứa em ở đây để ăn cái bánh to đùng như ngày xưa. Nay thì nhìn là ớn tới cận cổ. Con mình cũng chê. Cho nên nếu mua là mình phải thanh toán hết hay cho thợ.


Bûche de Noël là đặc sản của nước Pháp. Người Pháp kể là khi xưa, thời trung cổ, người nông dân Pháp có tục lệ hàng năm, bỏ vào lò sưởi một thân cây, thường là cây có trái ăn để cháy trong 3 ngày hay 12 ngày tuỳ theo khổ thân củi vào ngày Giáng Sinh. Họ tin rằng nếu củi cháy tốt sẽ đem lại thịnh vượng, sức khoẻ, lúa tốt,…cho năm mới.


Dần dần vào thế kỷ 20, người dân bỏ quê vào Paris để làm việc trong các xưởng sản xuất khởi đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ của Pháp. Dân từ quê dọn đến Paris ở nhưng nhà cửa nhỏ hẹp, không có lò sưởi to đùng như ở nhà quê, nên có ông thợ làm bánh đột phá tư duy làm cái bánh gâteau, có hình dạng như khúc củi từ đó bûche de Noël ra đời. Nhưng phải đợi đến sau thế chiến thứ 2, mới được phổ thông hoá khắp xứ pháp vì có thể mua cho dịp lễ.

Trước khi mấy đứa em vượt biển sang Pháp, mỗi năm mình đi La MÃ Ý Đại Lợi để ăn giáng sinh với bạn bè bên Ý Đại Lợi thì không thể thiếu món Panettone, không thấy bûche de Noel 

Bûche de Noël là món mà người Pháp ăn để chấm dứt buổi tiệc giáng sinh trong gia đình như mừng cầu mong năm tới mùa màn được thuận hoà. Bûche de Noël chỉ thấy ở các xứ nói pháp ngữ như Pháp hay khi mình viếng thăm Liège, Bỉ quốc, vùng nói tiếng pháp thì thấy còn khi đi Hoà Lan, Đức quốc, thì họ ăn kugelhofp, người Ý Đại Lợi họ ăn Panettone vào lễ giáng sinh.


Tây sang Việt Nam đô hộ nên họ truyền món bûche de Noël khiến các người theo tây học bắt chước ăn mấy món này vào lễ giáng sinh. Nay ở Cali, không lẻ vào mùa giáng sinh phải chạy đi mua bûche de Noël, Panettone, Kugelhopf để ăn trong khi vợ con chả hiểu gì cả, chỉ thích chè 3 màu. Ăn một mình là ói bánh ra. Lâu lâu gặp thì cũng mua về ăn một tị để nhớ thời ở Âu châu, một mình riêng một góc bàn để ăn vì nhớ kỷ niệm ngày xưa.

Buche de Noel do nhà thiết kế Philippe Starck vẽ cho tiệm bánh danh tiếng Le Nôtre

Có lần mình đọc tin tức bên tây thì thấy có nhà thiết kế Philippe Starck nổi tiếng với tiệm cà phê Costes. Về Paris, mình có dẫn đồng chí gái đến đây cho biết. Được tiệm bánh Le Nôtre danh tiếng mướn để thiết kế bûche de Noel. Nghe nói năm đó tiệm bánh danh tiếng này bán bánh lên đến 94 triệu Euro nên chơi sang mời ông Starck thiết kế buche de Noel và từ đó người Pháp mời các kiến trúc sư, nhà thiết kế đủ trò để vẽ buche de Noel. Nghe nói một cái bánh ở tiệm Le Nôtre bán giá đâu 90 Euro. Nếu mình thiết kế thì chắc sẽ làm cái đòn bánh tét, mang tên Bánh Tét de Noel. Thôi thà làm rong rêu trên biển còn hơn ăn cái bánh 90 Euro. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn